Vai nào cho hiệp hội?

TRẦN MẠNH 07/03/2017 20:03 GMT+7

TTCT - Ngành nông sản có nhiều hiệp hội. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, tham gia “cho có tụ” chứ các mục tiêu họ cần như hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu thì được chăng hay chớ…

 

Chưa có hiệp hội nào thiết lập được luật chơi chung cho doanh nghiệp thành viên để ổn định sản xuất và kinh doanh trong ngành, tạo nên một sức mạnh tập thể thật sự. Các doanh nghiệp vẫn tự thân vận động là chính.

Mạnh ai nấy giảm

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết năm 2015 thịt gà nhập khẩu về VN với giá quá rẻ đã tàn phá ngành chăn nuôi trong nước.

Khi gần đến mức phá sản, các chủ trang trại cùng các doanh nghiệp chăn nuôi lớn mới tập hợp lại với nhau để tìm giải pháp đối phó.

Khi đó, biện pháp mạnh nhất mà ngành nuôi gà đưa ra là sẽ kiện gà Mỹ nhập khẩu bán phá giá tại VN. Sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vào cuộc, hướng dẫn đến phần phân chia chi phí cho vụ kiện, các doanh nghiệp không thể đi đến thống nhất.

Có những doanh nghiệp ban đầu rất hào hứng nhưng sau đó lặng lẽ rút lui. “Đến nay ý định kiện thịt gà Mỹ vẫn chưa có thêm tiến triển nào. Sau thời gian tạm ngưng vì truyền thông lên tiếng mạnh mẽ, đến nay thịt gà nhập khẩu lại ào ạt đổ về gây sức ép lên giá gà trong nước khiến người chăn nuôi lỗ nặng” - ông Ngọc cho hay.

Việc thiếu đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong cùng một hiệp hội không chỉ ở việc đối phó cạnh tranh từ bên ngoài mà còn ở chỗ cạnh tranh lẫn nhau bằng giá khi bán hàng. Điển hình là câu chuyện xuất khẩu gạo và cá tra những năm vừa qua.

Trong đó, việc các doanh nghiệp khi họp thì thống nhất giá bán nhưng ra về mỗi doanh nghiệp đều chủ động giảm giá để bán được hàng dẫn đến tình trạng cả ngành bị thiệt hại.

Cá tra từ mức xuất khẩu 4-5 USD/kg đã liên tục được các doanh nghiệp mạnh ai nấy giảm giá bán, giờ chỉ còn 2 USD/kg.

“Họ đã phá nát ngành cá tra từ loại cá có mức giá trung bình trên thế giới nay xuống mức thấp nhất. Ngành cá tra có nguy cơ phá sản” - ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, người chứng kiến ngành cá tra từ khi bắt đầu, lúc huy hoàng cho đến khi thoái trào, ngán ngẩm nhận xét.

Tình trạng xuất khẩu gạo cũng tương tự. Ông Lâm Thành Kiệt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Agricam (Cần Thơ), cho rằng tình trạng người sau bán giảm giá hơn người trước dù trong cùng một hiệp hội đã diễn ra phổ biến nhiều năm qua. Kết quả là cả ngành cùng thiệt, tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác vươn lên.

Theo các doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động thiếu hiệu quả vừa do cơ chế, vừa do bản thân các doanh nghiệp chưa thực sự đoàn kết với nhau. Hoạt động của các hiệp hội theo đó chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ những thông tin chung, xúc tiến thương mại ở mức độ hạn chế.

Trả hiệp hội về cho doanh nghiệp

Thử nhìn vào 3 hiệp hội lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là Hiệp hội Lương thực VN (VFA), Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa) và Hiệp hội Cao su VN (VRA) đều thấy có bóng dáng của một tổ chức nhà nước.

Trong đó, VRA có chủ tịch và tổng thư ký đều là người thuộc biên chế của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG), một công ty 100% vốn nhà nước.

Hiệp hội Cà phê ca cao VN do ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, làm chủ tịch suốt từ khi ông nghỉ hưu năm 2007 cho đến nay. Các doanh nghiệp cho biết Nhà nước can thiệp mạnh nhất vào VFA, khiến VFA không hoạt động như một hiệp hội ngành nghề mà như một cơ quan quản lý thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước.

VFA được thực hiện một số chức năng như cơ quan quản lý nhà nước, chẳng hạn như cấp phép xuất khẩu gạo, phân bổ chỉ tiêu hợp đồng tập trung cũng như mua tạm trữ…

Theo PGS.TS Vũ Trọng Khải - chuyên gia nông nghiệp, VFA có quá nhiều quyền hành đối với doanh nghiệp và mang nặng tính hành chính. “Doanh nghiệp phải đăng ký các thông tin về hợp đồng xuất khẩu gạo cho VFA mới được hải quan thông qua.

Thông tin về các điều khoản trong hợp đồng của doanh nghiệp đều phải khai báo trong khi lãnh đạo VFA lại là một nhóm các doanh nghiệp nhà nước là điều không hợp lý” - ông Khải cho hay.

Một số hiệp hội ngành nghề nhỏ, ít có sự can thiệp của Nhà nước lại cho thấy sự năng động và hiệu quả hơn trong hoạt động của hội, ví dụ như Hiệp hội Điều VN (Vinacas), Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA) hay Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP)…

Trong đó, VPA ngày càng trở thành một thành viên quan trọng trong Hiệp hội Hồ tiêu thế giới. Vinacas có rất nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển chung cho ngành, như tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, các hội nghị khách hàng mang quy mô toàn cầu với sự tham gia của các khách hàng xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới.

Vinacas cũng tiến hành các hoạt động nghiên cứu về công nghệ chế biến điều, dinh dưỡng và tiếp thị hạt điều bước đầu đem lại những kết quả thiết thực cho phát triển chung của cả ngành.

Trong số các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp VN, VASEP nổi lên như một hiệp hội mạnh với vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của ngành thủy sản VN.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng sở dĩ VASEP phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, có nhiều đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của ngành thủy sản, nhất là trong vận động chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp chống bán phá giá, xúc tiến thương mại, là do “ít được Nhà nước quan tâm”.

“Tất nhiên đến thời điểm hiện nay, những điều làm nên thành công của VASEP cũng đã ít nhiều trở nên lỗi thời và hiệp hội phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Nhưng để hiệp hội thực sự của tập hợp và tiếng nói của các doanh nghiệp thì Nhà nước không nên can thiệp” - bà Minh nhận xét.

Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL thậm chí còn đặt vấn đề thành lập một hiệp hội xuất khẩu gạo, “thay vì cạnh tranh với nhau bằng giá, chúng tôi tập trung vào nâng cao giá trị để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài” - chủ một doanh nghiệp cho hay.

Theo các doanh nghiệp này, dù việc thành lập được một hiệp hội khác không phải là điều dễ dàng nhưng cần thiết phải có bởi VFA đã không chứng tỏ vai trò của một hiệp hội mà các doanh nghiệp mong muốn.

Ông Hồ Ngọc Cầm, nguyên chủ tịch Vinacas, cho biết để hiệp hội hoạt động hiệu quả và thực sự là bệ đỡ cho doanh nghiệp, phải tập hợp được lực lượng doanh nghiệp đông đảo trong ngành, nhất là những doanh nghiệp lớn.

Các điều kiện và quy định của hiệp hội phải do chính các hội viên lập ra thông qua quá trình thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm các quy định của hiệp hội sẽ bị khai trừ khỏi hiệp hội và mất đi những quyền lợi thiết thực của mình.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của hiệp hội chính là vận động xây dựng chính sách, xúc tiến thương mại phát triển ngành.

Hiệp hội phải có bộ máy đủ mạnh, nguồn kinh phí dồi dào từ các hội viên để có thể thực hiện được các nghiên cứu bài bản để kiến nghị những chính sách phát triển cho ngành cũng như có các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả. “Phải cho doanh nghiệp thấy quyền lợi thực sự của họ khi tham gia hiệp hội thì khi đó tiếng nói của hiệp hội mới có sức mạnh” - ông Cầm nói.

TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết ở những nước phát triển, các doanh nghiệp tham gia hiệp hội phải tuân thủ những quy định khá chặt chẽ mà hội đưa ra để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.

Hiệp hội đưa ra quy chuẩn tối thiểu về chất lượng mà tất cả hội viên phải tuân theo, nếu không sẽ bị loại trừ khỏi hội. Tuy nhiên, những quy định này được lập ra bởi doanh nghiệp và vì chính lợi ích của doanh nghiệp chứ không phải là điều kiện do nhà nước đặt ra và thông qua ban điều hành của hiệp hội để áp xuống doanh nghiệp. ■

Tiêu chuẩn của doanh nghiệp, không phải nhà nước!

Để có một hiệp hội thực sự mạnh và của doanh nghiệp thì tính chất độc lập là rất quan trọng. Vài trò của ban lãnh đạo hiệp hội phải được giám sát bởi các quy chế thay vì không rõ ràng như hiện nay.

Với cơ chế hiện tại, nếu lãnh đạo hiệp hội là chủ doanh nghiệp thì nhiều khả năng họ sẽ làm lợi cho doanh nghiệp mình đầu tiên, nếu một quan chức về hưu làm lãnh đạo thì sẽ thiếu quyền hành và cứng nhắc.

Vì vậy, cần phải có một bộ máy điều hành chuyên nghiệp được hình thành trên cơ sở điều lệ của hiệp hội.

Điểm quan trọng nhất để nâng cao vai trò và uy tín của hiệp hội chính là xây dựng được bộ quy chuẩn chất lượng của hiệp hội.

Mỗi hiệp hội ngành nghề cần thiết lập một hệ tiêu chuẩn riêng của mình do các hội viên thống nhất với nhau chứ không phải là tiêu chuẩn của nhà nước.

Tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng chung cho các hội viên trong hiệp hội, được quảng bá rộng rãi như một kênh marketing và quảng bá thương hiệu chung, cũng như là một sự bảo đảm về chất lượng cho sản phẩm và cho doanh nghiệp khi có chứng nhận của tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn này được xây dựng một cách khoa học dựa trên điều tra, đánh giá và phải được sự đồng thuận của các hội viên chứ không phải là điều kiện duy ý chí của một vài doanh nghiệp nào đó.

Việc kiểm soát chất lượng này sẽ là một hoạt động độc lập có thể do hiệp hội tiến hành hoặc thuê một đơn vị độc lập làm thay. Tiêu chuẩn này do các hội viên xây dựng nhưng khi xây dựng xong thì sẽ độc lập với từng thành viên của hội.

Nghĩa là doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ theo và không được chứng nhận nếu không đảm bảo các điều kiện và tiêu chuẩn đưa ra. Các hội viên sẽ phải trả phí để có được các chứng nhận này, nhờ nguồn phí này hiệp hội sẽ quảng bá rộng rãi hơn các tiêu chuẩn và hình ảnh của hội cũng như các hoạt động khác nhằm giúp đỡ hội viên.

Nếu hội viên nào không tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn hội thì sản phẩm sẽ không được mang nhãn hiệu chung của hội, công ty không được giới thiệu, quảng bá cơ hội kinh doanh tại các sự kiện của hiệp hội.

Hiệp hội phải có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn đó có uy tín, có sức mạnh trên thị trường, được khách hàng công nhận, người tiêu dùng tin tưởng.

Ông Võ Hùng Dũng (giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tại Cần Thơ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận