Sự kỳ thị giữa người đã tiêm và người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là điều đã được cảnh báo trước khi các nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng. Điều đó đã thật sự xảy ra và còn thêm món đi kèm không mong muốn: sự phân biệt giữa những người đã chích ngừa.
Từ ngày 15-6, bang New York (Mỹ) chính thức mở cửa trở lại hoàn toàn, với tất cả các yêu cầu giới hạn phòng ngừa dịch không còn bắt buộc - các cơ sở kinh doanh được phép tùy chọn có tiếp tục áp dụng hay không.
Phố Broadway cũng dò dẫm sáng đèn trở lại với buổi diễn ngày 26-6 của ca sĩ kỳ cựu Bruce Springsteen. Tuy nhiên, trước khi màn được mở đã xảy ra lùm xùm quanh chuyện tình trạng tiêm chủng của khán giả muốn xem sao 71 tuổi trình diễn.
Theo báo The Guardian, để được vào xem buổi diễn “Springsteen on Broadway”, khán giả đã mua vé phải chứng minh được mình đã chích đủ liều quy định của 1 trong 3 loại vắc xin ngừa COVID-19 được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt sử dụng khẩn cấp: Pfizer-BioNTech và Moderna (đều chích 2 mũi), hay Johnson & Johnson (chỉ 1 liều).
Điều này có nghĩa những ai đã tiêm AstraZeneca - vắc xin không được phê chuẩn ở Mỹ nhưng rất phổ biến ở Canada, Anh và nhiều nước khác - sẽ không được thưởng thức “một đêm thân tình với Bruce, cây ghita, chiếc dương cầm và những câu chuyện của ông”, như lời rao về buổi diễn.
Chủ rạp St James, Công ty Jujamcyn Theaters, trần tình rằng phải quy định như thế theo chỉ đạo của bang New York, và ngoại lệ duy nhất là trẻ em 16 tuổi hoặc nhỏ hơn, dù các em vẫn phải có chứng nhận âm tính với COVID-19 và đi kèm một người lớn đã chích vắc xin đủ liều.
Cũng với lý do đó, nhiều sự kiện khác cũng cấm cửa người tiêm vắc xin AstraZeneca như buổi diễn của ban nhạc rock Foo Fighters ở Madison Square Garden (lần đầu tiên hoạt động hết công suất kể từ khi có dịch), hay các buổi ghi hình trực tiếp các chương trình truyền hình Saturday Night Live và The Late Show with Stephen Colber.
Việc này không chỉ khiến những ai đang háo hức muốn tìm lại cảm giác đi xem hát sau hơn một năm ở nhà tránh dịch hụt hẫng mà còn gây phẫn nộ bởi tạo nên sự phân biệt “vắc xin này, vắc xin kia”, trong khi khẩu hiệu thường nghe ở khắp nơi trong các chiến dịch tiêm chủng là “vắc xin tốt nhất là thứ có sẵn để tiêm vào tay bạn”.
Dân Canada đặc biệt phản ứng gay gắt trước tình trạng này. David Screech, thị trưởng thị trấn View Royal (British Columbia), tả lại cảm giác chưng hửng khi hoàn tất mọi khâu chọn chỗ ngồi, điền thông tin thẻ tín dụng, lúc mua vé online cho buổi diễn “Springsteen on Broadway” thì mới đọc tới dòng yêu cầu về vắc xin.
Screech, người vừa tiêm mũi AstraZeneca thứ 2 hồi đầu tháng 6, gọi điện cho nhà hát để hỏi cho ra lẽ, nhưng quy định là quy định. “Việc tiếp tục không thể đi xem các buổi diễn hay hòa nhạc trong một tương lai bất định chỉ vì tôi có lẽ đã chích không đúng loại vắc xin, thật đáng thất vọng” - Screech nói với Đài CBC của Canada.
Sự việc căng thẳng đến mức Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 18-6 phải lên tiếng rằng chính phủ đang làm việc với Mỹ và các đối tác quốc tế khác để bảo đảm người đã tiêm vắc xin AstraZeneca ít gặp trở ngại hơn khi ra nước ngoài.
Câu chuyện tiếp tục có diễn biến bất ngờ khi ngày 19-6, Jujamcyn Theaters loan báo trên website buổi diễn của Bruce Springsteen sẽ chấp nhận khán giả đã tiêm vắc xin được FDA hoặc WHO phê duyệt. Động thái quay ngoắt 360 độ này được công ty tổ chức biểu diễn này lý giải là “căn cứ theo hướng dẫn mới được điều chỉnh của bang New York”.
Tuy nhiên, các chương trình như Saturday Night Live và The Tonight Show vẫn giữ nguyên yêu cầu không cho người tiêm vắc xin AstraZeneca tham gia ghi hình trực tiếp.
Hồi cuối tháng 5, câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Malaysia và Saudi Arabia, với vắc xin có liên quan là Sinovac của Trung Quốc. Quốc gia Ả Rập chỉ đồng ý để người đã tiêm vắc xin của Pfizer và AstraZeneca nhập cảnh để tham gia lễ hành hương đến thánh địa Macca vào giữa tháng 7 này, trong khi nhiều tín đồ Hồi giáo người Malaysia đã chích Sinovac.
Bộ trưởng khoa học, công nghệ và sáng tạo Khairy Jamaluddin - người đứng đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia Malaysia - cho biết sẽ làm việc với phía Saudi Arabia để yêu cầu giải pháp ngoại lệ cho các tín đồ này.
Malaysia thậm chí tính tới giải pháp chích mũi thứ 2 là Pfizer cho những người đã tiêm Sinovac trong lần đầu. Câu chuyện chính thức khép lại khi Saudi Arabia ngày 12-6 tuyên bố sẽ không để khách hành hương quốc tế nhập cảnh vì tình hình dịch bệnh căng thẳng; sự kiện sẽ giới hạn cho 60.000 người trong nước, theo Ajazeera. Malaysia cùng một số nước láng giềng Đông Nam Á vì thế cũng hủy kế hoạch đưa người đến Mecca trong mùa hành hương năm nay, theo trang Arab News.
Khi mới có thông tin Saudi Arabia không cho người hành hương đã chích vắc xin Sinovac nhập cảnh, Bộ trưởng Jamaluddin từng bức xúc rằng nếu mỗi nước chỉ chấp nhận một số vắc xin nhất định thì có khi ta phải “chích hết mọi loại vắc xin ngừa COVID-19 có trên đời” nếu muốn đi lại quốc tế.
Đồng quan điểm, người phát ngôn Chính phủ Philippines, ông Harry Roque, ngày 27-5 kêu gọi cần có một thỏa thuận quốc tế rằng chỉ cần được chích vắc xin đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp là đủ điều kiện để đi lại quốc tế, thay vì phân biệt theo hãng sản xuất như hiện tại.
Roque cho rằng sự phân biệt sẽ dẫn đến tình trạng “(chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) apartheid với vắc xin”, và chỉ trích sự phân biệt vắc xin xuất phát từ động cơ kinh tế. “Nếu WHO đã tuyên bố tất cả các vắc xin [mà họ phê duyệt] đều an toàn và hiệu quả, mà quý vị vẫn nhất quyết chỉ chấp nhận vắc xin của vài hãng nhất định, thì chắc chắn là do quốc gia của quý vị đang sản xuất [các vắc xin đó] và quý vị muốn quảng bá chúng” - Đài ABS-CBN dẫn lời Roque.
Nhân sự việc người tiêm vắc xin AstraZeneca bị phân biệt đối xử ở Mỹ, tiến sĩ Zain Chagla - chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Ontario (Canada) - bày tỏ lo ngại các yêu cầu về vắc xin với người đi lại giữa các nước sẽ trở nên khó khăn hơn nếu mỗi nước có các quy định riêng về loại vắc xin mà họ phê chuẩn.
Chagla lưu ý tình trạng “chủ nghĩa dân tộc vắc xin” có thể dẫn đến việc quốc gia này cho rằng sản phẩm họ đã phê duyệt mới là “tiêu chuẩn vàng”, trong khi ranh giới đó rất mơ hồ. Cụ thể, theo Chagla, FDA phê duyệt vắc xin của Johnson & Johnson nhưng từ chối AstraZeneca, trong khi cả hai đều sử dụng công nghệ vector adenovirus.
Hiệu quả kiểm nghiệm lâm sàng của AstraZeneca còn cao hơn Johnson & Johnson, và “FDA đã không tính tới việc vắc xin AstraZeneca được nhiều tổ chức y tế khắp thế giới phê chuẩn” - Chagla nói với CBC.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có nhiều tiêu chí được quan tâm khi đánh giá hiệu quả của vắc xin COVID-19 như: tỉ lệ chết/bệnh nặng/xuất hiện triệu chứng bệnh; tỉ lệ nhiễm và lây bệnh; triệu chứng xác định trong phòng thí nghiệm so với các triệu chứng lâm sàng và thời hiệu bảo vệ của vắc xin. Trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của virus hiện nay, chỉ tiêu hiệu quả với từng biến thể cũng cần được các quốc gia xem xét.
Tạp chí Time dẫn lời các chuyên gia khẳng định: Không có loại vắc xin hay phương thức điều trị nào có hiệu quả 100% nên kỳ vọng của chúng ta với vắc xin cần thực tế. Tại Mỹ, trong khoảng hơn 101 triệu người đã được tiêm vắc xin đầy đủ, có một tỉ lệ rất nhỏ (0,01%) các trường hợp vẫn nhiễm COVID-19 2 tuần sau khi hoàn thành liều tiêm thứ hai. Với các chuyên gia, tỉ lệ rất nhỏ này chứng minh rằng vắc xin thực sự có hiệu quả chứ không phải tạo ra nghi ngại.
Theo Time, với cả ba loại vắc xin đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ là Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson&Johnson, cơ quan chức năng cũng đánh giá hiệu quả của vắc xin dựa trên khả năng bảo vệ người được tiêm khỏi các triệu chứng của bệnh COVID-19 chứ không phải ở hiệu quả bảo vệ họ không bị nhiễm bệnh.
Trong những tháng triển khai tiêm vắc xin ở Mỹ, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu và khẳng định tỉ lệ nhiễm virus ở những người đã tiêm thấp hơn ở những người chưa tiêm. Bonnie Maldonado, thành viên ủy ban đánh giá vắc xin của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), cho rằng chỉ cần quan tâm đến các trường hợp phải nhập viện và tử vong là đủ. Các ca bệnh này sẽ cảnh báo đến cơ quan chức năng khi cần báo động về tác dụng bảo vệ của vắc xin.
Lo ngại lớn nhất, không phải là ở vấn đề đã tiêm vắc xin mà vẫn có một tỉ lệ nào đó vẫn nhiễm bệnh mà chính là các trường hợp không tiêm. Các ca nhiễm mới, thậm chí ổ dịch mới sẽ bắt đầu từ những người không tiêm và có thể sau đó, khiến những người đã tiêm cũng nhiễm. Các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả cao nhưng hiệu quả này sẽ bằng 0 nếu người dân không chịu tiêm.
Trong khoảng chục ngày qua, biến thể Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) đã lây lan nhanh ở vùng nông thôn ở hai bang Kansas và Missouri. Nguyên nhân là do tỉ lệ tiêm vắc xin tại các bang này còn thấp. Missouri mới có 43,4% dân số được tiêm một liều và 37,7% tiêm đầy đủ, thấp hơn tỉ lệ trung bình cả nước khoảng 10%.
Tại Anh, số liệu của Cục Thống kê quốc gia từ ngày 6 đến 13-6, đăng trên BBC cho thấy số ca bệnh trong tuần tăng nhẹ do biến thể Delta. Nhưng dữ liệu cho thấy vắc xin rất có hiệu quả. Một liều vắc xin cũng giúp làm giảm 75% nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Ở những ai đã tiêm đủ hai liều, khả năng mắc bệnh và nhập viện giảm hơn 90%. Trong số 806 người bị nhiễm biến chủng Delta phải nhập viện ở Anh trong tuần được thống kê, có 527 (65%) người chưa tiêm, 135 (17%) người đã tiêm liều đầu được hơn 21 ngày và 84 (10%) người đã tiêm liều thứ hai hơn 14 ngày.
Mặc dù biến thể Delta là góp phần gây ra 90% số ca mắc COVID-19 tại Anh do biến thể này lây nhanh hơn biến thể Alpha (lần đầu phát hiện tại Anh) khoảng 40 - 50%, những người lớn tuổi, đã tiêm đủ 2 liều vắc xin được bảo vệ rất tốt.
“Bạn đi tiêm chưa?”, “Bạn tiêm mấy liều rồi?” trở thành câu cửa miệng khi gặp nhau của người dân Trung Quốc thời gian gần đây. Khi xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng mang biến thể Delta ở Quảng Đông hồi cuối tháng 5, người dân bắt đầu thay đổi quan niệm về tiêm vắc xin COVID-19 nội địa.
Tốc độ tiêm vắc xin ở Trung Quốc từ 1 triệu liều/ngày hồi cuối tháng 3, đến tháng 5 bắt đầu tăng tốc: chỉ một ngày 15-6 đã tiêm được 20 triệu liều, theo CCTV. Bắc Kinh đang tiến rất nhanh đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 16-6, đã có 15,6 triệu người Bắc Kinh tiêm đủ 2 liều vắc xin, chiếm khoảng 72,4% dân số thủ đô.
Cuối tháng 3, khi các trường học Trung Quốc thông báo tiêm vắc xin COVID-19 nội địa miễn phí cho học sinh, vấn đề có nên tiêm vắc xin hay không trở thành đề tài bàn luận sôi nổi ở các diễn đàn sinh viên.
Trên diễn đàn bbs.hupu.com, một sinh viên cho biết: “Trường cho thống kê danh sách những người đã tiêm vắc xin, lớp tớ chỉ có mình tớ, cả lớp chưa ai tiêm. Chẳng phải miễn phí sao, thật không hiểu nổi?”. Các sinh viên khác đưa ra đủ thứ lý do không tiêm như: miễn phí không an tâm; vắc xin tốt như vậy mà miễn phí sao, để tôi suy nghĩ lại; vì không tin tưởng khoa học; nói một cách khoa học, vắc xin trước khi tung ra thị trường thì không nên công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng lần 3; đợi khi nào trẻ vị thành niên được tiêm, tôi sẽ đi; hoặc không muốn tiêm đợt đầu hay chỉ vì sợ đau không dám tiêm.
Còn người ủng hộ tiêm thì cho rằng những người không tiêm vắc xin là ích kỷ, ngu ngốc. Bên không tiêm phản bác: “Ích kỷ thì có, ngu ngốc thì chưa chắc, dù sao cơ thể là của tôi, ích kỷ một chút không có gì là sai”.
Người tiêm rồi lại lo sợ: Tôi đã chích hơn 1 tháng nay rồi, không hề có tác dụng phụ. Mọi người không dám chích thì tôi lại càng sợ. Sinh viên hiến kế chỉ nên tiêm dịch vụ, tháng đầu 500 tệ, tháng thứ 2 thì 1.000 tệ, tháng thứ 3 thì 5.000 tệ, mọi người sẽ tranh nhau đi tiêm thôi.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính tới ngày 19-6 Trung Quốc đại lục đã phân phối 1.010.489.000 liều vắc xin COVID-19 tại 31 tỉnh, thành và khu tự trị.
Để hoàn thành mục tiêu tiêm cho 40% dân số (khoảng 560 triệu/1,4 tỉ dân) trước cuối tháng 6-2021 và hơn 64% dân số trước cuối năm nay, các tỉnh thành nước này đều có cách riêng của mình để vận động khuyến khích người dân đi tiêm.
Cách đầu tiên là tặng quà. Cư dân mạng nước này tổng hợp quà tặng khi đi tiêm vắc xin ở Thượng Hải như sau: cao nhất là tặng phiếu mua hàng siêu thị trị giá 500 tệ; tiếp theo lần lượt là 200 tệ tiền mặt và 1 thùng dầu ăn; tặng 260 tệ; 120 tệ; 1 thùng dầu ăn; 1 thùng sữa chua; trứng gà; mì; 1 lon nước ngọt. Quà tặng hàng nhu yếu phẩm thu hút khá đông các các cụ, các bà nội trợ.
Có cư dân mạng đùa rằng chính quyền các khu ở Thượng Hải ganh đua trong thu hút người dân đi tiêm vắc xin. Nghe tin khu Bảo Sơn tặng tiền mặt 100 tệ, các nơi khác liền nâng cao giá trị quà tặng. Sau một đêm suy nghĩ, khu Phổ Đà quyết định nâng giá trị quà tặng lên mức 200 tệ. Khu Bảo Sơn thấy vậy còn thêm dịch vụ đưa rước miễn phí. Thấy vậy, khu Trường Ninh chi mạnh mỗi người được nhận 500 tệ khi đi tiêm.
Sang nhất là thị trấn Đại Trường khu Bảo Sơn, người đi tiêm được rút thăm trúng thưởng iPhone, người dân xếp hàng dài, có người đi tiêm vắc xin mà trúng điện thoại thiệt. Có nơi mời nhóm nhạc nữ SNH48 làm đại sứ tuyên truyền tiêm vắc xin, người đến tiêm được nghe thần tượng hát, còn được thần tượng đóng dấu hoàn thành tiêm vắc xin.
Cuối tháng 5, một người bạn Bắc Kinh của người viết có nhã ý mời tôi sang Bắc Kinh để đi tiêm vắc xin, cô kể giờ người dân chỉ cần mang theo giấy tờ tùy thân đi đâu cũng có thể tiêm vắc xin được, vô cùng tiện lợi, kể cả người nước ngoài.
Thành phố Thượng Hải lúc đầu tổ chức tiêm vắc xin ở nhà thi đấu, giờ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, điểm tiêm chủng tổ chức ở các khu dân cư, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, tàu điện ngầm, bến tàu, khu vui chơi, bất cứ nơi nào cũng thấy điểm tiêm, có những điểm tiêm chủng vào ngày chủ nhật và ban đêm thuận tiện cho người đi làm.
Thành phố này còn có xe tiêm vắc xin lưu động, đến thẳng các tòa cao ốc phục vụ dân văn phòng. Các địa phương còn có dịch vụ tiêm tại nhà hoặc đưa đón đến điểm tiêm chủng. Tính đến cuối tháng 5, Thượng Hải đã tiêm được 26 triệu liều vắc xin COVID-19. Toàn thành phố có 70 khu tiêm quy mô, với 2.400 điểm tiêm chủng.
Thời gian này, ban quản lý khu phố là người bận rộn nhất, hằng ngày phải đi kêu gọi người dân đi tiêm. Họ có tấm bảng cập nhật số liệu tình hình tiêm vắc xin trong khu của mình, theo trang iliema.cn. Các đảng viên, cán bộ, nhân viên y tế đều được huy động tham gia tuyên truyền tiêm vắc xin. Ở xã Đông Điền Trang, quận Phong Nam (thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc), họ tuyên truyền qua loa, phát tờ rơi, mạng xã hội WeChat, bảng điện tử, cán bộ đến từng nhà đăng ký, theo trang Thepaper.
Thị trấn Vương Lan Trang, quận Phong Nam còn phân công cả các chi bộ, UBND, đại diện dân làng, đảng viên, nhân viên tình nguyện phân chia khu vực đi tới từng nhà "làm công tác tư tưởng" với mong muốn sớm hoàn thành mục tiêu tiêm chủng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận