Và thế là chiến tranh chấm dứt!

TRẦN NINH BÌNH 01/05/2004 19:05 GMT+7

TTCN - Khoảng 11g ngày 30-4-1975, sau lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống VNCH Dương Văn Minh trên radio: “...Tôi đề nghị anh em sĩ quan binh lính bỏ vũ khí xuống… Chúng tôi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...”, có rất nhiều người dân Sài Gòn tràn ra đường, dáng vẻ đầy hân hoan.

Phóng to
TTCN - Khoảng 11g ngày 30-4-1975, sau lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống VNCH Dương Văn Minh trên radio: “...Tôi đề nghị anh em sĩ quan binh lính bỏ vũ khí xuống… Chúng tôi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...”, có rất nhiều người dân Sài Gòn tràn ra đường, dáng vẻ đầy hân hoan.

Tôi tin là trong số đó có nhiều người không hề hiểu biết gì về cách mạng và Việt cộng ngoài những điều được nghe nói trên báo, đài và từ dư luận. Niềm vui chung lớn nhất mà mọi người cùng nhau chia sẻ ngày hôm ấy thật rõ ràng, đó là “Hòa bình rồi! Hết chiến tranh rồi!”.

Năm ấy tôi 17 tuổi.

Những năm trước đó, không còn là trẻ con nhưng cũng chưa là người lớn, trong tiếng ì ầm của đạn bom hằng ngày, giống như trong lời nhiều bài hát phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những người cỡ tuổi chúng tôi đều có chung một tâm trạng không yên. Học hành làm gì, một mai chỉ cần chính phủ (ngụy) hạ độ tuổi tuyển quân xuống là đi ngay thôi, đối mặt với chiến trường và bom đạn.

Anh của bạn tôi mới bước từ trường học vào đời lính được vài tháng, không chịu nổi thực tế cay nghiệt, một buổi tối nơi tiền đồn heo hút, sau khi uống một chút rượu để lấy can đảm đã đút chân vào lô cốt cho nổ bay bàn chân để được giải ngũ. Một tên bạn học cùng lớp, học trễ một năm, tình nguyện đăng lính sớm, một ngày nghỉ tranh thủ về thăm trường thăm bạn đã khóc rưng rức. Những giọt nước mắt đau khổ và tiếc nuối trên gương mặt dù đen sạm vẫn còn nét ngơ ngác học trò làm chúng tôi chạnh lòng. Anh cả tôi, rớt kỳ thi đại học năm thứ hai, đang là chuẩn úy biệt động quân. Thân hình bé nhỏ, mặc bộ đồ rằn ri của quân chủng thứ dữ này với đôi kính cận trên mặt làm anh trông có vẻ khá buồn cười. Chiến tranh mà! Nhiều thứ còn bi hài hơn nhiều!

Ngay từ những ngày đầu tháng 4-1975, khi tin thất trận dồn dập bay về, người dân Sài Gòn, trong đó có chúng tôi, đã bắt đầu sống trong sự hoang mang lo lắng. Nhiều người có khả năng lo tìm đường di tản. Những người khác lo mua sắm, tích trữ mọi thứ đề phòng loạn lạc. Bố mẹ tôi khuyên anh tôi tìm cách chuồn khỏi nơi đóng quân để trốn về Sài Gòn.

Bố tôi làm việc trong Tổng y viện cộng hòa suốt gần 20 năm, một nơi hầu như - trong thời kỳ chiến tranh - ngày nào cũng tiếp nhận thương binh trở về từ chiến trường, có lẽ tiếp cận nhiều nhất bộ mặt bi thảm của chiến tranh qua hình ảnh những người lính thương tật trong bệnh viện và những thông tin thực tế nhất của cuộc chiến. Nhưng cũng giống như nhiều người chung quanh, ông cũng chẳng biết phải làm gì ngoài chuyện cắn răng chờ đợi một sự đổi thay.

Về hưu sau đó, bố tôi lập một trại nuôi gà trong khu đất vài ngàn mét vuông ở vùng Gò Vấp, lúc đó dân cư còn khá thưa thớt. Gần nhà tôi có một cô bé học ở Trưng Vương kém tôi một tuổi. Chúng tôi rất thân với nhau, cùng đi học (tôi học Trường Hồ Ngọc Cẩn), thỉnh thoảng cùng đi xem phim, cùng chia sẻ nhiều chuyện một cách rất tâm đắc. Cô bé lúc ấy là người mà tôi yêu quí nhất trên đời, ngoài cha mẹ và anh em.

Vào thời điểm trước ngày 30-4, mỗi khi nghe tiếng đạn pháo dội ầm ầm vào phi trường Tân Sơn Nhất, chúng tôi thường chui xuống gầm giường nằm lẩm nhẩm đọc kinh cầu nguyện. Trước đó mấy hôm, sau khi đổ thức ăn tràn trề vào máng ăn của cả ngàn con gà còn lại trong trại, chúng tôi đã “tản cư” lên nhà ông bác, một vila kín cổng cao tường ở khu Phú Nhuận, vì ở chỗ chúng tôi tiếng bom đạn nghe rõ quá. Nhưng chỉ được một đêm, ngày hôm sau bô tôi nằng nặc đòi về - chúng tôi biết ông xót xa cho bầy gà ở nhà, toàn bộ sự nghiệp của ông lúc ấy.

Ông anh lớn trong nhà tôi hốt hoảng tìm đường thoát thân, mẹ tôi dúi vào tay anh ít tiền, vàng, bảo anh dắt theo một đứa em - không phải tôi - đi cùng. Tôi không cảm thấy lo sợ mà chỉ buồn, một nỗi buồn man mác. Không phải vì cảnh nhà ly tán mà vì... cô bé mà tôi yêu quí cũng đang lo tìm đường di tản. Cha cô là một sĩ quan quân đội ngụy, và điều làm tôi giận là có vẻ như cô ta cũng rất muốn đi, trong lúc tôi lại cảm thấy hờ hững với chuyện đó. Giống như cha tôi, tôi cũng thương mấy con gà mà tôi chăm sóc hằng ngày, và cảm thấy khó lòng rời bỏ những gì đã quen thuộc một cách dứt khoát như vậy.

Sáng sớm ngày 30, cô bé của tôi hớt hải trở về, gương mặt đầy tuyệt vọng. Cô không hỏi tôi tiếng nào, không hề bận tâm đến cái nhìn vừa mừng rỡ vừa tủi thân của “cậu bé” hàng xóm, không đoái hoài gì đến nỗi lo lắng của tôi mấy hôm nay về cô.

Khi nhớ ra tôi, cô gượng gạo hỏi thăm một hai câu gì đó, gương mặt vẫn còn chưa hết hoang mang. Tôi cay đắng nhận ra rằng đối với cô, tôi chẳng là gì so với nỗi sợ hãi của gia đình cô, so với cái tương lai mà cô đang tưởng tượng. Tình cảm của tôi dù có tràn trề cách mấy cũng chỉ là một con số không to tướng, vì nó không giúp được gì cho cô lúc ấy và cả sau này. Trái tim tôi chợt nguội lạnh một cách đột ngột, tôi giống như một người bừng tỉnh sau một cơn mê dài.

Gần 30 năm sau, vừa mới đây thôi gặp lại cô bé ngày ấy, bây giờ đã là một thiếu phụ, tôi nói một cách thật lòng rằng sau ngày ấy tôi không còn si mê ai như đã từng si mê em, tôi không còn buồn khổ vì bất cứ người phụ nữ nào như đã từng buồn khổ vì em, nhất là trong cái đêm trước ngày Sài Gòn được giải phóng.

Sau ngày 30-4, không như những lời đồn đại về chế độ mới, ông anh của tôi đi không “lọt”, chỉ phải học tập vài ngày rồi trở về, vì may mắn là “họ” xếp chuẩn úy vào diện hạ sĩ quan nên chưa phải học tập trung. Một ông bạn của anh nhìn tôi nói bằng một giọng có vẻ chua xót: “Tụi mình thế là xong rồi. Bây giờ đến thế hệ của bọn nhóc này đây!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận