Tương quan với giá dầu và sức mạnh Mỹ

HẢI MINH 24/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - Vào năm 2016, Mỹ chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu ethanol toàn cầu (thứ hai là Brazil với 22%), và sản xuất từ Mỹ đương nhiên là một yếu tố lớn ảnh hưởng tới giá ethanol thế giới. Nhưng sâu xa hơn còn gì nữa?

Nguồn: Bộ Thương mại, Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ - 2016
Mỹ xuất khẩu ethanol đền gần 50 quốc gia trong năm 2016. Nguồn: Bộ Thương mại, Tổng cục Thống kê Hoa Kỳ - 2016

 

Khi nhìn vào những yếu tố ảnh hưởng tới giá ethanol, thật dễ nghĩ đến các yếu tố nông nghiệp như giá mía, bắp, sắn... Trên lý thuyết, bởi giá các nông sản này thường biến động mạnh, giá ethanol cũng phải thế. Tuy nhiên, trong thế giới thực, giá ethanol tương đối ổn định.

Điều này đồng nghĩa giá ethanol không hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố ảnh hưởng tới giá bắp và mía. Sở dĩ như thế là vì các loại nông sản được mua theo hợp đồng đặt trước, tránh được những biến động giá mỗi ngày.

Sức mạnh Mỹ

Các điều kiện thời tiết và vận tải là những yếu tố còn lớn hơn ảnh hưởng tới giá ethanol. Chẳng hạn vào quý 1-2014, thời tiết quá lạnh ở Mỹ, một trong những nguồn cung ứng chính, đã khiến giá tăng cao.

Thời tiết quá lạnh cản trở việc vận chuyển ethanol, một loại hóa chất rất dễ bốc hơi trong điều kiện tự nhiên. Điều này đồng nghĩa ethanol phải được chuyên chở trong các xe bồn kín, thay vì đường ống.

Một góc nhìn khác là dữ liệu về ethanol. Về mặt lịch sử, giá ethanol hạ khi sản lượng tăng lên. Nhưng điều này phải được đặt trong tương quan với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống, nhất là dầu mỏ.

Nói chung, ngành dầu thô và ngành ethanol chống đối nhau, nhưng trong quan hệ về giá, việc tăng giá dầu có thể làm tăng giá ethanol, ít ra là trong ngắn hạn. Trong hầu hết các trường hợp, việc tăng giá dầu gây ra lo ngại về thị trường dầu mỏ trong tương lai.

Điều đó tạo ra sự lạc quan về việc ethanol sẽ trở thành nhiên liệu thay thế, và như vậy làm tăng giá ethanol. Các biểu đồ theo dõi giá dài hạn hai mặt hàng này đều cho thấy sự tương quan thuận như thế.

Cuối cùng, thuế và phí đánh vào ethanol tất nhiên cũng ảnh hưởng tới giá của hàng hóa thương phẩm này, dù đây là một sự can thiệp “nhân tạo” (theo nghĩa phi thị trường).

Trong hầu hết các trường hợp, thuế và phí làm tăng giá ethanol, nhất là nếu nguồn cung chủ yếu là từ nhập khẩu.

Nhiều nước có ngành công nghiệp ethanol đang phát triển như Brazil, Thái Lan, Trung Quốc... đều áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này để bảo hộ sản xuất trong nước, trước sức ép về giá rất mạnh từ các nhà sản xuất Mỹ - vốn nhờ công nghệ tốt hơn có thể sản xuất giá rẻ hơn và sản lượng lớn hơn.

Năm 2016 là một trong những năm tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử ngành ethanol. Ở Mỹ, được thúc đẩy bởi mức cầu và tiêu thụ chưa có tiền lệ trong nước, sản lượng ethanol đạt lên mức cao kỷ lục.

Vụ mùa bắp cũng có sản lượng kỷ lục, khiến 200 nhà máy sản xuất ethanol ở 28 bang trên toàn nước Mỹ đã đạt sản lượng tổng cộng 57,7 tỉ lít.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, vốn bị coi là nhà lãnh đạo kém thân thiện với môi trường, đã khiến ngành ethanol gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2017, nhưng sự lạc quan vẫn là rất lớn.

Là nhà sản xuất ethanol với chi phí thấp nhất thế giới, Mỹ trở thành nguồn cung ứng “đáng tin cậy và giá phải chăng nhất” cho thị trường thế giới, theo một báo cáo của Hiệp hội Nhiên liệu tái chế Hoa Kỳ 2017 (http://www.ethanolrfa.org/wp-content/uploads/2017/02/Ethanol-Industry-Outlook-2017.pdf) tựa đề “Toàn cảnh ngành ethanol 2017”.

Mỹ xuất khẩu gần 3,8 tỉ lít ethanol vào năm 2016, với các khách hàng lớn nhất là Canada và Brazil, hai nước chiếm một nửa tổng sản lượng xuất khẩu từ Mỹ.

Nhu cầu cũng tăng mạnh và liên tục ở Trung Quốc, Ấn Độ, Peru, và Hàn Quốc, bất chấp việc giá xăng đã ở mức thấp một thời gian dài. Tất cả các nước này đều đang muốn chuyển đổi sang một mô hình tiêu thụ nhiên liệu và kinh tế xanh hơn, ít ô nhiễm hơn.

Thái Lan quyết dùng năng lượng sạch

Thái Lan hiện đang triển khai Kế hoạch phát triển năng lượng thay thế 2015 (AEDP 2015). Tuy nhiên, Bộ Năng lượng nước này hiện cũng đang điều chỉnh các mục tiêu trong kế hoạch vì giá xăng thấp và nguồn cung nguyên liệu sản xuất ethanol và nhiên liệu sinh học còn hạn chế.

AEDP 2015 dự kiến sẽ thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu thay thế và tái tạo ở Thái Lan cho tới năm 2036, theo đó mục tiêu tổng thể là 30% tổng tiêu thụ nhiên liệu ở nước này sẽ là nhiên liệu thay thế ở mốc thời gian đó.

Để đạt mục tiêu, chính quyền Thái Lan dự kiến tăng tiêu thụ ethanol từ 1,18 tỉ lít vào năm 2015 lên 4,1 tỉ lít năm 2036, và nhiên liệu sinh học từ 1,24 tỉ lít lên 5,1 tỉ lít trong cùng kỳ.

Theo chính sách ethanol ở Thái Lan hiện giờ, chính quyền khuyến khích sử dụng nhiên liệu hỗn hợp có ethanol thông qua động cơ về giá (giảm thuế cho giá bán lẻ) và giảm thuế cho những xe hơi tương thích với các loại nhiên liệu E20 và E85.

Mặc dù đã có chính sách phát triển nguồn cung nguyên liệu sản xuất ethanol, sản lượng nông sản phục vụ cho mục tiêu này của Thái Lan vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Sản lượng mía hiện ở mức khoảng 70 tấn/ha, so với mức mục tiêu là 94 tấn/ha; với sắn là 22 tấn/ha, mục tiêu là 31 tấn/ha.

Sản lượng dầu cọ của Thái Lan, nguồn chính để sản xuất xăng sinh học, cũng đã đứng yên được vài năm. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, chính quyền đã tăng quy hoạch trồng cọ lên mức 1,63 triệu ha vào năm 2036, so với mức 0,7 triệu ha năm 2015.

Năm 2018, sản lượng ethanol ở Thái Lan được dự đoán sẽ tăng 7% lên 1,5 tỉ lít so với 1,4 tỉ lít vào năm 2017, trong khi xăng sinh học được dự báo tăng 4% từ 1,42 tỉ lít lên 1,48 tỉ lít. Ở Thái Lan, ethanol là mặt hàng xuất/nhập khẩu bị kiểm soát. Những đơn vị muốn mua bán mặt hàng này phải có giấy phép do Bộ Năng lượng cấp.

AEDP 2015 cũng nhắm vào việc sử dụng hiệu quả hơn các nhiên liệu hóa thạch, với các biện pháp từng bước ngưng trợ giá nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích dùng xe thân thiện với môi trường qua ưu đãi thuế, bổ sung hạ tầng giao thông công cộng - bao gồm đường sắt nội ô và cao tốc, tăng nghiên cứu và phát triển cho xe điện...

Tổng ngân quỹ của chính quyền cho việc sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn là vào khoảng 1.484 tỉ baht (43 tỉ USD) giai đoạn 2015 - 2036, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ riêng về Thái Lan được thực hiện tháng 6-2017.

Trong quý 1-2017, sản xuất ethanol ở Thái Lan đạt tổng cộng 367 triệu lít, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng sản xuất này gần như tương đương lượng tiêu thụ trong nước cũng ở quý 1-2017, vào khoảng 300 triệu lít, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo Cục Hải quan Thái Lan, nhiên liệu ethanol là một sản phẩm bị kiểm soát về xuất/nhập khẩu và trong các năm 2017 và 2018, xuất khẩu gần như bằng không bởi nguồn cung vừa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong khi đó, ethanol không dùng để trộn nhiên liệu nhập khẩu tăng lên 13 triệu lít vào năm 2016, mức tăng 20% so với năm 2015. Thái Lan hiện áp thuế 2,5 baht/lít đối với ethanol nhập khẩu, chứ không áp thuế theo tỉ lệ.■

Chính quyền Thái Lan tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hỗn hợp có ethanol qua khuyến khích về giá trong năm 2018. Mức trợ giá từ Quỹ dầu khí nhà nước khiến các loại nhiên liệu này rẻ hơn 20-40% so với xăng thông thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận