Truyện ngắn Haruki Murakami: Cái nghèo hình bánh phô mai

HARUKI MURAKAMI 17/12/2023 14:08 GMT+7

TTCT - Đến giờ, nghe đến chữ "nghèo", tôi vẫn nhớ mảnh đất mỏng hình tam giác đó. Và tôi băn khoăn, không biết ai đang sống ở đó bây giờ.


Vùng Tam Giác là cái tên chúng tôi đặt cho nơi đó. Tôi không nghĩ được cái tên nào hay hơn. Ý tôi là, khu vực đó là một hình tam giác hoàn hảo, như có người vẽ ra vậy. Cô ấy và tôi đã sống ở đó, trên mảnh đất đó. Đó là năm 1973 hay 74.

MInh họa: Midjourney

MInh họa: Midjourney

Khi tôi nói "Vùng Tam Giác", đừng tưởng tượng ra một dấu delta (Δ). Vùng Tam Giác chúng tôi sống hẹp hơn nhiều, giống một cái nêm hơn. Cứ hình dung một cái bánh phô mai tròn, cỡ lớn. Lấy dao cắt thành mười hai miếng bằng nhau sao cho trông nó giống như mặt đồng hồ. Những gì bạn nhận được dĩ nhiên là mười hai lát cắt, mỗi lát một góc ba mươi độ ở đầu. Đặt một lát lên đĩa và trong khi nhấp một ngụm trà, hãy nhìn nó thật kỹ. Cái đầu thon dần của miếng bánh mỏng đấy ư? Đấy chính xác là hình dạng của Vùng Tam Giác tôi đang kể.

OK, vậy tại sao lại có cái mảnh đất hình dạng kỳ lạ đó? Bạn có thể thắc mắc. Hoặc có lẽ không. Với tôi sao cũng được, vì tôi không biết câu trả lời. Tôi đã hỏi mấy người hàng xóm, nhưng chỉ biết được là nó đã hình tam giác từ rất, rất lâu, và có lẽ sẽ vẫn là hình tam giác rất, rất lâu sau này. Ở đó người ta như không muốn nói đến Vùng Tam Giác này, hay thậm chí nghĩ về nó. Đối với họ, nó giống như nói về cái mụn cóc sau tai. Tốt hơn là đừng nhắc đến. Có lẽ do hình dạng kỳ lạ của nó.

Đường tàu chạy dọc hai bên Vùng Tam Giác, một bên là đường sắt quốc gia, một bên là đường sắt tư nhân. Hai đường tàu chạy song song một lúc, rồi ở đầu nêm tạo thành một điểm giao nhau nơi chúng như bị rứt ra, tách ra ở các góc kỳ lạ, một bắc và một nam. Đó là một cảnh tượng đáng xem. Mỗi khi nhìn những đoàn tàu tu tu chạy qua ở đầu Vùng Tam Giác, tôi có cảm giác như đang đứng trên khoang lái của một chiếc tàu khu trục rẽ qua những con sóng đại dương.

Xét về mức độ sống được, Vùng Tam Giác thật khủng khiếp. Trước hết là cái mức độ ồn hiển nhiên. Nhưng mong đợi gì chứ? Làm sao sống giữa hai đường tàu mà chẳng không nhức cả óc? Mở cửa trước sẽ có một đoàn tàu đang chạy rầm rập; mở cửa sổ sau nhà lại có một đoàn tàu khác ầm ầm kéo qua, ngay trước mắt. Nói "ngay trước mắt", tôi không hề phóng đại. Chúng gần đến mức tôi có thể nhìn vào mắt hành khách và gật đầu chào. Giờ nghĩ lại, nó quả là ớn.

Có thể bạn cho rằng mọi thứ sẽ yên tĩnh sau khi chuyến tàu cuối của đêm đã đi qua đúng không? Tôi cũng nghĩ vậy trước khi chuyển đến đó. Vấn đề là chẳng có chuyến tàu cuối nào cả. Chuyến tàu chở khách cuối là ngay trước 1 giờ sáng, nhưng rồi lại đến những chuyến tàu chở hàng lúc đêm khuya. Và khi chúng đã thôi lăn qua, lúc bình minh, những chuyến tàu chở khách của ngày hôm sau sẽ lại khởi hành. Đó là một sự lặp lại bất tận, ngày này qua ngày khác.

Giờ nói về sự điên rồ.

Chúng tôi chọn nơi này để sống vì một lẽ đơn giản: nó rẻ như bèo. Đó là một ngôi nhà biệt lập ba phòng, phòng tắm riêng và thậm chí có cả một mảnh vườn nhỏ, tất cả giá chỉ xêm xêm với việc thuê một căn hộ studio. Vì đây là một ngôi nhà biệt lập nên chúng tôi cũng có thể mang theo con mèo của mình. Cứ như thể nơi này được tạo ra cho riêng chúng tôi. Chúng tôi mới kết hôn không lâu, và chẳng phải khoe khoang hay gì cả, nhưng chúng tôi cũng có thể được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness dưới mục "Cặp đôi nghèo nhất thế giới". Chúng tôi thấy ngôi nhà được liệt kê trên cửa sổ một văn phòng môi giới bất động sản gần nhà ga. Ít nhất về tiền thuê và cách bố trí các phòng, đây là một phát hiện may mắn. Thậm chí đáng kinh ngạc.

"Ừ, rẻ thì rẻ rồi - tay môi giới bất động sản hói đầu nói - Nhưng tôi phải báo trước với các cậu, nó ồn lắm đấy. Miễn chịu được thì các cậu có thể gọi đây là một phát hiện may mắn".

"Anh không phiền cho bọn em xem nhà chứ?", tôi hỏi.

"Được. Nhưng các cậu tự đi được không? Mỗi lần đến đấy tôi lại nhức hết cả đầu".

Anh ta đưa tôi chìa khóa và vẽ bản đồ. Thật là một tay môi giới dễ tính.

Trên bản đồ, Vùng Tam Giác không có vẻ gì là xa nhà ga, nhưng thực tế mãi chúng tôi mới đi bộ được đến đó. Chúng tôi phải đi vòng qua những đường tàu, đi qua cầu vượt và lê lết hết lên lại xuống một ngọn đồi hơi nhiều bùn đất mới đến được phía sau Vùng Tam Giác. Chẳng có lấy một cửa hàng nào trong tầm mắt. Một khu hoàn toàn tồi tàn.

Vợ chồng tôi bước vào ngôi nhà ở ngay đầu Vùng Tam Giác và ở lại đó khoảng một giờ, chẳng làm gì cả. Trong lúc đó, những chuyến tàu vẫn rầm rập chạy qua. Mỗi khi có một chuyến tàu tốc hành đi qua, cửa sổ lại rung lên. Chúng tôi không nghe được tiếng nhau khi tàu chạy qua. Chúng tôi nói chuyện rồi phải ngừng lại cho đến khi nó đi mất. Chúng tôi nói chuyện tiếp khi đã yên tĩnh lại, để rồi một lúc sau lại bị một chuyến tàu khác chen vào. Giao tiếp đứt đoạn, ngắt quãng như trong phim của Jean-Luc Godard.

Không kể tiếng ồn, ngôi nhà cũng không đến nỗi tệ. Cấu trúc nhà đã lỗi thời và cần chút sửa sang nghiêm túc, nhưng mặt tốt là nó có một góc tường hõm tokonoma và một chỗ ngồi tiếp khách nhỏ ở bên ngoài, gắn liền với ngôi nhà, cảm giác rất dễ chịu. Ánh sáng xuân chiếu qua cửa sổ thành những ô nắng nhỏ trên tấm tatami. Nó rất giống ngôi nhà hồi còn nhỏ tôi đã sống nhiều năm trước. "Lấy nhé - tôi nói - Anh biết là ồn nhưng rồi mình sẽ quen thôi".

"Nếu anh nghĩ thế thì em cũng đồng ý", cô nói.

"Ngồi với nhau thế này cảm giác như mình lấy nhau rồi ấy nhỉ, như một gia đình riêng".

"Thì mình lấy nhau rồi mà".

"Ừ, đúng", tôi nói.

Chúng tôi quay lại văn phòng bất động sản và bảo tay môi giới hói đầu chúng tôi sẽ lấy nhà.

"Không ồn lắm hả", anh ta nói.

"Có, nhưng bọn em sẽ quen thôi", tôi đáp.

Tay môi giới tháo kính ra, lấy khăn giấy lau, nhấp một ngụm trà, đeo kính lại, rồi nhìn tôi.

"Đấy là vì các cậu còn trẻ", anh ta nói.

"Phải", tôi đáp.

Rồi chúng tôi điền hợp đồng thuê nhà.

Chiếc minivan của một người bạn là quá đủ cho chúng tôi chuyển nhà. Nệm futon, quần áo, một chiếc đèn, vài cuốn sách và một con mèo - đồ đạc chúng tôi chỉ đến thế. Chẳng có gì khác. Không đài, không tivi. Không máy giặt, bàn ăn, bếp gas, điện thoại, ấm đun nước hay máy hút bụi. Chúng tôi nghèo thế đấy. Bởi vậy mà gọi là chuyển nhà nhưng chúng tôi chỉ mất nửa tiếng. Cuộc sống có thể đơn giản hơn nếu bạn không có nhiều tiền.

Khi người bạn giúp chúng tôi chuyển nhà nhìn ngôi nhà mới của chúng tôi, với những đường tàu bao quanh, cậu có vẻ sửng sốt. Sau khi chúng tôi dỡ hết mọi thứ, cậu quay sang tôi và nói gì đó, nhưng một chuyến tàu tốc hành đi qua át mất.

"Cậu bảo gì à?" - tôi hỏi.

"Người ta thực sự sống ở một nơi như này hả?" - cậu bình luận, kiểu ấn tượng.

Rốt cuộc chúng tôi đã sống hai năm trong ngôi nhà đó.

Đó là một ngôi nhà được xây lởm khởm theo một cách nào đó, bởi gió thổi vào qua các vết nứt và khe hở khắp nơi. Mùa hè thì cũng dễ chịu, nhưng đông đến không khác gì địa ngục. Không có tiền mua máy sưởi, vợ chồng tôi và con mèo phải chui xuống nệm khi mặt trời lặn, bám vào nhau để giữ ấm theo đúng nghĩa đen. Nhiều khi dậy thấy nước trong vòi bếp đông cứng.

Một khi mùa đông đã qua, xuân sẽ đến. Và mùa xuân là một mùa dễ chịu. Cô ấy, tôi và con mèo đều thở phào nhẹ nhõm. Vào tháng tư, ngành đường sắt đình công mấy ngày làm chúng tôi sướng điên lên được. Cả ngày không có một chuyến tàu nào rầm rập chạy qua. Chúng tôi bế con mèo xuống đường tàu và ngồi đó phơi nắng. Yên tĩnh đến mức như thể chúng tôi đang ngồi dưới đáy hồ. Chúng tôi còn trẻ, vừa mới kết hôn, và ánh nắng thì miễn phí!

Đến giờ, nghe đến chữ "nghèo", tôi vẫn nhớ mảnh đất mỏng hình tam giác đó. Và tôi băn khoăn, không biết ai đang sống ở đó bây giờ? ■

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Philip Gabriel)

Haruki Murakami sinh năm 1949 ở Kyoto.

Ông là tác giả các tiểu thuyết như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Giết chỉ huy đội kỵ sĩ.

Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của ông là Thành phố và những bức tường mơ hồ (2023).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận