Truyện ngắn: Đứa bé con lai

TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ KH. 02/09/2023 06:06 GMT+7

TTCT - Em bé Phù Đổng, tuy không được mẹ cho bú bầu ngực sữa no tròn mềm mại và lưng tưng. Em vươn vai đứng dậy và vượt biển đi tìm cha...

Đứa bé đỏ hỏn.

Đó là một cách nói.

Nó trắng bóc.

Đó là một cách nói khác.

Nhưng ta cũng có thể nói là nó đen sì.

- Cháu mấy tháng rồi?

Tranh: Lê Thiết Cương

Tranh: Lê Thiết Cương

Em bé gái bụ bẫm má phúng phính, hai cánh tay no tròn. Em mặc ren áo hồng nằm trong nôi ngủ. Nôi giăng một cái mùng voan và em đắp một mảnh chăn sa tanh thêu hoa.

- Cháu 8 tháng, A. nói.

- Lớn quá, tôi bảo.

Mà đứa bé lớn thật chứ, mới nhìn tôi cứ ngỡ tuổi rưỡi hay là hai. Nhưng tôi thì biết gì về trẻ.

Căn hộ của A. lòng vòng ngõ ngách, muốn tìm thấy phải theo đúng chỉ dẫn, kiểu tới quán nước tên gì gì thì quẹo trái rồi gặp con đường nhỏ 100 mét sau đó bên phải chỗ cột đèn. Đêm đã xuống và phố thì vắng, chiếc Lada xọc xạch bỏ tôi trước một cánh cổng sắt cao kín mít. Tôi bảo anh tài đợi tôi gọi điện và A. ra mở cổng. 

Bên trong là một dãy năm bảy hộ được vây bằng các mặt tường cao vôi mới quét. Trên cái sân lót gạch và bày chậu kiểng của khu tập thể này, trẻ con hàng xóm mới ăn tối xong tụm nhau thành đám đôi ba nhưng không nhốn nháo. Đèn bên trong các hộ hắt ra sân, truyền hình chớp nháy, thấy người qua người lại lập lòe nhưng không ồn ào. Một góc trú an bình và cái gì cũng vừa phải.

A. mặc một cái áo loại ở nhà và tóc quấn, mặt lớt phớt một chút gì son phấn. Đây là lần đầu tôi thấy A. như vậy. Đây là lần đầu tôi đến thăm A. ở tại nhà. Tôi băng qua sân đi theo cái mông A. đỏng đảnh như trong một thước phim câm và chiếu chậm. Tôi nghĩ là A. tài, đi dép bệt mà mông cũng đong đưa lên xuống như khi đi giày gót cao 10 phân.

Căn nhà có một phòng khách đặt ghế sa lông lớn hình chữ L bọc da và một cái bàn ăn 6 người mặt kính với một tủ buffet. Sa lông này lớn là đối với căn phòng, như một tham vọng không được thỏa mãn đúng đắn. Cái gì cũng mới và cả căn phòng như vừa được rinh về từ một cửa hàng bán bàn ghế, không có dấu vết gì của người chủ, chưa có một cái màu hay một cái mùi riêng biệt, một vết sứt nào kỷ niệm. Nó nhẵn nhụi và trung tính như ly nước lọc.

Thì con bé mới có 8 tháng. Tôi nghĩ căn hộ này là nơi A. dọn đến sau khi em ra đời.

Em nằm trong nôi đặt giữa cái phòng ngủ lớn để tối, trước một cái giường mênh mông như thước 6 hay là thước 8 bề ngang và phẳng phiu khách sạn. Thường thì con nít dễ thương, thấy muốn hôn và muốn nựng, nhưng em bé này như một con búp bê lớn bằng nhựa nằm thở nhẹ phập phồng.

Căn bếp là một căn bếp truyền thống, nghĩa là không phải kiểu Tây, không phải toàn cầu IKEA hay đây kia. Nó có một cái bục thấp lát gạch trắng để đặt một cái bếp dầu. Cô giúp việc đang ngồi xổm nướng bánh xèo bột lúa đổ thịt kho cay và rau chua. B. cao như cô chủ nhưng về dáng người thì xương chậu to, vai ngang và nước da đậm, đường nét mặt thô hơn và có lẽ tuổi 20 cũng đâu đó xấp xỉ nhau vài ba năm.

Tôi hỏi A.

- Có bà con gì với em không?

- Người cùng quê, em mang theo lên đây để giữ cháu.

B. nhìn tôi rất kỹ. Thì ở đây tôi là khách lạ, khi tôi đi ở ngoài đường có khi trẻ con từng tốp chạy theo chào "Nị hảo, nị hảo, nị hảo má, hảo đa". Tôi vào toa lét, B. vẫn nhìn theo. B. không biết câu chào bằng tiếng Trung Hoa.

Cũng như căn bếp, phòng tắm là thuộc về thế giới nhà sau và thế giới truyền thống. Chỗ vòi sen thì Tây phương, nhưng bên cạnh có một bể nước lớn xi măng lát gạch. Bàn cầu thì Tây phương nhưng cửa đóng thì hờ hững hở phía dưới và phía trên 40 centimet cả hai đầu. Khi tôi bên trong mở cánh cửa lững lờ này đi ra, B. vẫn ngồi xổm ngay trước nhìn thẳng tôi không cười và không nói. Tôi nghĩ nếu hai bên hoán đổi chỗ thì từ vị trí ngồi bệt phía bếp tôi đã thấy cô ngồi lên bàn cầu. Có khi cô ngồi xổm cả lên bàn cầu không chừng. Đó là cô, nhưng tôi thì đái đứng. Và tôi đâu có biết chiên bánh xèo.

Bộ phim nhiều tập trên truyền hình nói về mối tình trắc trở giữa một thôn nữ và một anh chăn dê. Tôi theo dõi một mắt trong khi ngồi ăn bánh xèo với cô chủ. B. không được ăn chung mà phục vụ như ở nhà hàng. A. nói rõ, em làm bếp hết chứ con bé này chỉ giúp lặt vặt. Cô có vẻ không vui hay không gắng vui như những lần trước khi tôi vừa mới biết. A. dùng dịp này để thổ lộ những bực mình.

Khi còn học ở tỉnh nhà, A. quen anh chuyên gia nước ngoài chững chạc. Anh người Anh quốc, sang công tác dài hạn và hớt cô nữ sinh hỏng cẳng. Cô đẹp, đường nét thanh tú thuộc dạng hoa khôi người mẫu của tỉnh lẻ. Khi anh chuyển về thủ đô, cô đi theo.

- Em từng sang Anh rồi? Tôi hỏi.

- Có, London - A. buông thõng - Mấy tháng, chán muốn chết.

Phần lớn những người đi ra nước ngoài hay khoe. London nào có vừa. Harrods nè, vào những ngày bán hàng hạ giá, đi mấy bước là gặp Burberry, ca rô sọc đó! Nhưng A. không quan tâm.

- Em không thích ở London và em cũng không cần - Cô chỉ tay về phía phòng ngủ, nhưng có con thì phải nhận!

Tôi nghĩ anh bố này phải thuộc dạng cao to. Mẹ nó mét bảy thì bố nó phải mét chín, sanh đứa con khổng lồ. Da nó trắng, tôi tính nói nhưng gượng lại kịp. Thường thì đây là một kiểu khen, con gái da nhạt hay được xem là con gái da sẫm. A. có lẽ chẳng nghĩ vậy và A. đang bực.

- Em thuê luật sư đi kiện bắt y nhận con bé, mất 5.000.

- Vậy cũng đắt nhưng mà phải làm thôi, đúng rồi.

- Bộ ghế sa lông này em mua mất 5.000.

A. xòe tay ra cho tôi thấy so sánh và có một ý niệm. Con của y thì y phải nuôi, phải chu cấp, cho nó quốc tịch của bố nó. Em là mẹ nó đây này, em nuôi nó chứ ai và nó mang quốc tịch của em!

- Vậy sao hai người lại bỏ nhau…?

- Y trở về với con nhân tình cũ! Y rước nó sang Anh!

- Họ có con với nhau không?

- Không! Làm gì có! Con mẹ người Uganda đó già rồi!

- Già là bao nhiêu tuổi?

- Con mẹ già Uganda đó 40 tuổi! Nó bốn mươi mấy! Nó 45 tuổi rồi!

Già không phải là cái tội. Uganda cũng không phải là một cái tội.

V.S. Naipaul có thuật lại lắm chuyện về Uganda. Nhưng không thấy ông nói gì về mấy con mẹ già đã ngoài 40 nhưng dị đoan và mê tín bùa ngải. Tôi cũng không thuật lại. Tôi không hỏi là phụ nữ lớn tuổi đó có đẹp lão hay không vì phần đẹp thì A. chẳng sợ ai trong khi phần trẻ như đã thấy thì khỏi kể. Tôi chỉ nói:

- Bà đó có bùa! Chắc y bị thuốc.

A. hứ. A. không quan tâm chuyện bùa phép.

- Em có muốn giữ y đâu! Em cũng không muốn ở London! Cho y ôm con mẹ già Uganda đó! Em chỉ muốn y có con thì có trách nhiệm với nó! Đó là con gái của y!

Tôi lầm. Nói đến châu Phi thì đừng nói đến chuyện bùa phép voodoo và nên tránh Conrad hóa với «Trái tim bóng tối», mà đây lại là «Trái tim ngục tù». Anh Tây trắng này mạo hiểm rừng già và tìm ra nguồn gốc của sông Nile ở Uganda.

A. trề môi ra mỗi bận nói chữ Uganda mà môi nàng thì rất mọng. Anh gặp bà lão đó chắc là vào lúc bà mới có đôi mươi hay trăng tròn vì đời ai chẳng có lúc trăng tròn. Mãi sau này khi sang đây công tác anh mới gặp A. vào một chiều tím khi A. đang lom khom hái hoa sim trên một đồi hoang. Anh mang A. về thủ đô rồi sang cả London. Nhưng chẳng hiểu sao cố nhân đầu bạc lại xuất hiện trên đường tàu điện Cockforster sau Holborn. Giữa đêm trăng và chiều tím thì phải có mâu thuẫn, vậy là chiều hoang biền biệt ôm con về nước, tức là con bé bụ bẫm tôi nói đến và đang nằm trong nôi ở phòng bên.

Tôi không nghĩ là A. dùng đứa bé làm con tin mà A. chán anh Tây thám hiểm này thật.

- Hồi đó em đâu biết gì, em còn đi học. Em chỉ có mới ôm hôn một bạn năm em lớp 11 ở bờ sông. Y vớt em khi là một con bé 17, chưa hề đi vào quán uống một ly nước ga với bạn trai. Y người nước ngoài, y da trắng, y đi xe con trắng, y đi SUV mang từ "Uganda" sang! Em đâu biết trước y ở "Uganda" làm gì! Y nói ngon nói ngọt, y nói lên thủ đô y lo cho em vào đại học.

- Rồi sang London?

- Em không thích ở London! Em không thích ở nước ngoài! Con em về sau khi lớn lên nó có muốn sang đó ở thì sang nhưng vậy thì bố nó phải nhận. Mà nó muốn ở đây thì cũng thế, nó là người có bố chứ không phải mồ côi!

B. từ bếp đi vào đi ra, mang nước mang trái và mỗi bận lại đứng đó nhìn tôi chằm chằm. B. không hiểu tiếng Anh nhưng hẳn là B. nhận ra từ "Uganda" chứ, mỗi bận B. lại thấy môi của cô chủ trề ra và điệp khúc này B. nghe cô chủ ca nhiều rồi với tất cả trái tim.

Tôi bảo để tôi vào phòng "chào" đứa bé.

Em vẫn nằm ngủ say sưa và tôi có cảm tưởng là sau có mấy tiếng, em đã lớn lên thêm được một chút, em bé Phù Đổng, tuy không được mẹ cho bú bầu ngực sữa no tròn mềm mại và lưng tưng. Em vươn vai đứng dậy và vượt biển đi tìm cha.

V. S. Naipaul có thuật lại câu chuyện ở Uganda. Thế này, có một trường trung học nội trú ở bên đó. Một hôm có một con bò cái vào trường thấy một cái áo sơ mi đang phơi và lấy ăn. Chủ chiếc áo là một học sinh bèn đuổi theo con bò cái và dùng cây đánh nó. Mấy ngày sau, tự nhiên chân của trò này sưng vù và trò không đi được nữa. Trò bị liệt. Các bạn của trò này bèn tìm chủ con bò là một ông già 70 tuổi để giết vì nghi ông bùa phép. Họ tập họp cả trường lại để tấn công làng của con bò, đốt cháy 8 căn nhà, phá hủy rẫy trồng chuối và trồng cà phê của 8 hộ, giết một con chó, 6 con bò, 14 con dê, 3 con cừu và 11 con gà, phá thêm 4 nhà cầu ngoài ruộng. 3 trai làng mang giáo và mác bèn xâm nhập trường trung học để định trả thù nhưng bị cảnh sát phát hiện ra và bắt giữ. Vậy là hết chuyện.

Trên bình diện lục địa thì căn bản là mâu thuẫn giữa các dân tộc trồng trọt và các dân tộc chăn nuôi, giữa nông dân canh tác đất và du mục.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận