Tranh quý bị đánh cắp, ai là kẻ mua?

LÊ TẤN (THEO SLATE) 02/06/2010 19:06 GMT+7

TTCT - Vụ đánh cắp tranh tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris ngày 20-5 vừa qua một lần nữa cho thấy thị trường buôn lậu các sản phẩm văn hóa vẫn nhộn nhịp, dù vẫn tồn tại nghịch lý là những tác phẩm đắt tiền và được báo chí quan tâm khó tìm được người mua.

Phiên bản bức tranh Pigeon with peas của Picasso bị đánh cắp ngày 20-5 ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris - Ảnh: Reuters

Theo lãnh đạo bảo tàng, tổng trị giá năm bức tranh bị đánh cắp, trong đó có bức Pigeon with peas của Picasso, Woman with a fan của Modigliani, khoảng 100 triệu euro. Camera ghi lại hình ảnh một người đàn ông mặc đồ đen trùm khăn kín đầu đã đột nhập bảo tàng sau khi đập vỡ một cửa sổ và cắt ổ khóa.

Động cơ đánh cắp là gì?

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại đánh cắp các tác phẩm có giá trị như thế, vì chúng rất khó tiêu thụ trên thị trường? Ngay sau khi vụ trộm táo tợn xảy ra, các tác phẩm có tên trong cơ sở dữ liệu của Cục Đấu tranh chống buôn lậu sản phẩm văn hóa (OCBC) tại Pháp sẽ được chuyển ngay đến Interpol để cập nhật danh sách đồ đánh cắp trên toàn thế giới. Tính đến nay, danh sách này lên đến 35.000 món.

Theo lý thuyết, tất cả các nhà bán đấu giá phải tham khảo danh sách này trước khi đưa ra bán một vật phẩm nào đó. Ngoài ra còn có một danh sách khác của Art Loss Register, cơ quan chuyên về tài sản của người Do Thái bị đánh cắp trong Thế chiến thứ hai và thường tái xuất hiện trên thị trường nghệ thuật. Tại các nhà bán đấu giá nổi tiếng như Christie’s, người ta đảm bảo “hoàn toàn không có chuyện các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp và có đăng ký trên hồ sơ lại được bán đấu giá, do từng tác phẩm đều được chụp ảnh và có số sêri”.

Nhưng đôi khi các vật phẩm đánh cắp có tên trong danh sách vẫn được bán ở các nhà bán đấu giá ít tên tuổi. Đó là trường hợp ba món đồ sành Ý thời Phục hưng biến mất khỏi một bảo tàng Đức thời chiến tranh đã được bán đấu giá vào đầu tháng 5 với giá thấp hơn giá thị trường. Hẳn người bán và người mua đều hiểu rõ nguồn gốc vật phẩm và tính hợp pháp của thương vụ này. Bảo tàng bị mất cắp chỉ hay tin khi chuyện đã rồi.

Stephane Thefo, chuyên viên của Interpol, cho rằng rất khó kiếm tiền bằng cách tiêu thụ sản phẩm quá nổi tiếng như vậy. Có thể kẻ cắp đánh giá thấp khả năng tuồn bán những tác phẩm này trên thị trường, hoặc đôi khi động cơ là đòi tiền chuộc, như trường hợp lọ đựng muối Benvenuto Cellini mạ vàng và tráng men được làm vào năm 1543 và biến mất khỏi Bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna (Áo) năm 2003. Kẻ cắp đòi 40 triệu euro tiền chuộc nhưng đã bị bắt trước khi nhận tiền. 

Lọ đựng muối được tìm thấy năm 2006 trong một cái thùng đặt tại khu rừng gần Vienna.

Thỏa đam mê ngông cuồng

Năm 2004, hai bức tranh nổi tiếng The scream và Madonna của Edvard Munch bị đánh cắp giữa ban ngày tại một bảo tàng ở Oslo (Na Uy). Hai năm sau, chúng được tìm thấy trong tình trạng hư hỏng một phần và trước đó không được rao bán hoặc đòi tiền chuộc gì cả. 

Năm 1994, một phiên bản khác của The scream bị đánh cắp và đòi tiền chuộc hơn 1 triệu USD, nhưng Chính phủ Na Uy từ chối trả và ba tháng sau đó cảnh sát tìm ra bức tranh trong tình trạng nguyên vẹn.

Về giả thuyết một nhà sưu tập điên rồ nào đó muốn giữ riêng cho mình tác phẩm nghệ thuật đã đặt hàng kẻ cắp, chuyên gia Thefo cho rằng điều này khó xảy ra vì gia chủ không thể trưng bày tranh đánh cắp trong phòng khách mà không bị nhận ra. Ông cũng bác bỏ khả năng có cuộc ganh đua uy tín giữa những kẻ đánh cắp lịch lãm như thường thấy trong phim ảnh.

Nước Pháp từng biết đến một kẻ cắp hàng loạt tác phẩm nghệ thuật: Stephane Breitwieser. Người đàn ông vùng Alsace này đã đánh cắp 239 tác phẩm nghệ thuật trong vòng bảy năm tại nhiều bảo tàng ở châu Âu và đặt các bức tranh đánh cắp trong hai căn phòng tại nhà, trước khi bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt năm 2001 sau vụ trộm ở Lucerne. 

Ra tù năm 2006, Breitwieser đã viết một quyển sách bán chạy như tôm tươi kể về lời tự thú của mình. Nhưng nhà xuất bản cho biết sau khi phát hành, tác giả của nó đã “tuyệt tích giang hồ”.

Interpol cho rằng thị trường buôn lậu tác phẩm nghệ thuật đánh cắp có trị giá chỉ đứng sau ma túy và vũ khí. Các tác phẩm nghệ thuật ít bị liệt kê và chủ nhân của nó cũng không lưu lại bằng hình ảnh hoặc ngày mua nên chỉ có 10% số tác phẩm mất cắp được tìm thấy. Các quốc gia đang có chiến tranh như Iraq hoặc Afghanistan bị đánh cắp tác phẩm nghệ thuật nhiều nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận