1 năm Tp.HCM thực hiện chỉ thị 16 (9-7-2021)

Vươn lên
từ đại dịch

0h ngày 9-7-2021 sẽ đi vào lịch sử chống dịch COVID-19 của TP.HCM. Đây là dấu mốc khó quên khi cả thành phố bước vào đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ dài nhất, gần 3 tháng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022


Tăng trưởng GRDP

3,82%

Thuế sản phẩm -
Trợ cấp sản phẩm

2,03%

Thương mại
dịch vụ

4,83%

Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản

1,77%

Công nghiệp -
Xây dựng

2,23%

Có đủ cung bậc của sự bế tắc, đau thương. Nhưng ngay lúc khó khăn nhất, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã xác định đây là “cuộc chiến” để đương đầu, từng bước vượt qua dịch bệnh.

Một năm sau ngày “lịch sử” ấy, bóng mây u ám của dịch bệnh đã dần được thay bởi màu xanh hi vọng; từng góc phố, nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại đã náo nhiệt như xưa, đó là tín hiệu của một thành phố đã thực sự hồi sinh…

Cùng Tuổi Trẻ Online nhìn lại những thời khắc lịch sử để ghi nhớ những tháng ngày chống dịch không quên và cùng hướng đến tương lai tốt đẹp.

(Bấm vào từng mốc thời gian để tương tác)

Giãn cách lịch sử

0h ngày 9-7, TP.HCM chính thức giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.

N

9-7

Căng mình chống dịch

Khi TP.HCM áp dụng chỉ thị số 16, cũng là lúc dịch bệnh lây lan rất nhanh. Chỉ sau một tuần lệnh giãn cách được ban bố, dịch bệnh chuyển dịch “chóng mặt” từ cấp độ 3 sang 4 với trên 150 ca/100.000 dân/ngày.

N

16-7

Cả nước vì TP.HCM

Khi nói về đợt cao điểm chống dịch vừa trải qua, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhìn nhận: “Cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử của dịch bệnh”

N

21-8

Món quà lớn nhất

“Chúng tôi đã chiến đấu với một niềm tin vào chính mình, tin vào đồng nghiệp và tin vào tình người. Món quà lớn nhất của chúng tôi chính là sự sống của người bệnh.”

T

7-2021

Không ai bị lãng quên

20h30 phút ngày 19-11-2021, Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ và chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 đã diễn ra tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất của TP.HCM với 1.000 đại biểu tham dự và TP. Hà Nội với khoảng 300 đại biểu.

N

9-11

Bước ngoặt

Tháng 10-2021, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước, tỉ lệ phủ vắc xin COVID-19 đạt mức nhất định, nhưng vấn đề mở cửa dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay đóng chặt chống dịch vẫn còn tranh luận, tốn nhiều giấy mực.

N

11-10

Thành phố tái sinh

Nghị quyết 128 mở đường cho chiến lược chống dịch mới, nhưng với tình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những ám ảnh về những ngày tháng “bão dịch” đen tối còn hiện rõ, cùng với số liệu thống kê số ca nhiễm mới và ca tử vong còn rất cao khiến mọi bước mở cửa của TP đều phải thận trọng “dò đá qua sông”.

N

28-10

Chiến lược mới

Một tháng trước khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM xác định chiến lược y tế là một trong những trụ cột khi mở cửa trở lại và yêu cầu phải củng cố lại hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và đến trung tâm y tế cấp quận, cấp thành phố.

T

11-2021

Lấy lại vị trí đầu tàu

Một năm trước, hẳn không ai có thể trả lời được câu hỏi “bao giờ cơn bão COVID-19” sẽ hết tàn phá, gây đau thương cho người dân thành phố. Nhưng sau giông bão, trời lại sáng.

T

2-2022

Vẫn còn những nỗi lo

Bên cạnh những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ về kinh tế, nhưng nỗi lo về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 lại hiển hiện khi xuất hiện biến chủng BA.5 thời gian qua.

T

6-2022

Nội dung: Hoàng Lộc - Tiến Long

Tổ chức thực hiện: Cát Khuê

Thiết kế: Vũ Hoàng - Hải Phi - Bảo SuZu

Trình bày: Đình Khánh

Người dân xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175 (Q.Gò Vấp) sáng 8-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN, đăng ngày: 9-7-2021

Giãn cách lịch sử

0h ngày 9-7, TP.HCM chính thức giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong lúc bấy giờ. Khi ấy, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca.

Chốt kiểm soát giao thông tại chân cầu Đồng Nai bắt đầu hoạt động lúc 22h10 - Ảnh: CHÂU TUẤN, đăng ngày: 9-7-2021

Chủ tịch UBND TP.HCM nói về quyết định lịch sử: “Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, thành phố xác định cần phải làm quyết liệt hơn nữa, xem đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng chống dịch”.

Lúc bấy giờ, người dân “ai ở đâu ở yên tại chỗ”, đồ ăn thức uống được cung ứng tận nơi, đi siêu thị bằng tem phiếu ngày chẵn-lẻ, ra đường phải có “giấy thông hành” được cơ quan chức năng cấp.

Những tưởng chỉ thị 16 chỉ áp dụng trong 15 ngày như tuyên bố ban đầu, đâu ngờ sau đó dịch càng lúc càng căng thẳng, TP.HCM rơi vào đợt giãn cách nghiêm ngặt kéo dài suốt gần 3 tháng và chỉ thực sự được nới lỏng từ từ theo diễn biến của dịch bệnh.

Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - Ảnh: DUYÊN PHAN, đăng ngày: 21-7-2021

Căng mình chống dịch

Khi TP.HCM áp dụng chỉ thị số 16, cũng là lúc dịch bệnh lây lan rất nhanh. Chỉ sau một tuần lệnh giãn cách được ban bố, dịch bệnh chuyển dịch “chóng mặt” từ cấp độ 3 sang 4 với trên 150 ca/100.000 dân/ngày.

TP.HCM đã phải huy động 95 bệnh viện điều trị COVID-19 và 201 cơ sở cách ly F0. Đồng thời có đến 8.128 bác sĩ, 15.914 điều dưỡng, 1.500 kỹ thuật viên và hộ lý tham gia chăm sóc F0.

Khu vực hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 5 - Ảnh: Châu Tuấn, đăng ngày: 22-7-2021

Và trong cuộc chiến cam go ấy, đã có những sự ra đi của bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn - trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc (Nhà Bè) - và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng - Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Để từng bước kiểm soát đợt dịch này, TP.HCM đã áp dụng hàng loạt giải pháp như thần tốc tiêm chủng vắc xin, trong đó ưu tiên nhóm nguy cơ (bệnh nền, người cao tuổi, trẻ em); triển khai mô hình bệnh viện tháp 3 tầng, mô hình bệnh viện “chị-em”, trạm y tế lưu động với gói thuốc; tổ chức cách ly F0, F1 tại nhà; đưa thuốc đặc trị COVID-19 Remdesivir vào bệnh viện, đồng thời “tung” thuốc kháng virus Molnupiravir vào sử dụng có kiểm soát trong cộng đồng.

Vắc xin + thuốc kháng virus + 5K được xem là “tấm áo giáp” hữu hiệu, kể cả khi chủng Omicron với nhiều biến thể có tốc độ lây lan nhanh xâm nhập (19-1-2022). Tuy có lúc số ca tăng đột biến nhưng bây giờ hệ thống y tế đã dễ thở hơn rất nhiều…

Với nhiệm vụ phụ trách 300 giường hồi sức nặng và 30 giường hồi sức nguy kịch, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy là lực lượng chủ lực kết hợp với đồng ngiệp đến từ 14 đơn vị khác khắp cả nước tại Bệnh viện hồi sức cấp cứu 1.000 giường đặt ở Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) dành cho bệnh nhân COVID-19 cần phải đặt ECMO, hoặc thở máy, lọc máu… - Ảnh: AN MỸ, đăng ngày: 16-7-2021

Cả nước vì TP.HCM

Khi nói về đợt cao điểm chống dịch vừa trải qua, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhìn nhận: “Cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm chưa từng có trong lịch sử của dịch bệnh”.

Nhưng trong khó khăn, ông bảo rằng thành phố đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Đặc biệt, Chính phủ đã ưu tiên phân bổ vắc xin cho thành phố để tạo miễn dịch cộng đồng sớm, cùng với việc hỗ trợ nguồn nhân lực.

Đó là cuối tháng 7-2021 khi Bộ Y tế quyết định thành lập 3 Trung tâm Hồi sức tích cực mới do các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách tại TP.HCM, bên cạnh Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách có từ trước đó.

Lực lượng Học viện Quân y xuống sân bay chiều 21-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH, đăng ngày: 13-9-2021

Đó là lúc cao điểm dịch bệnh (21-8-2021) TP.HCM đã đón khoảng 17.000 y bác sĩ, học viên y khoa từ tất cả các bệnh viện từ trung ương đến các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương... Các y bác sĩ chi viện mang theo hàng trăm tấn thiết bị y tế, trang phục bảo hộ.

Càng về sau, nguồn nhân lực y tế chi viện càng lớn mạnh với 132 đơn vị. Ước tính số người tham gia chống dịch trên địa bàn TP.HCM lên đến 187.000 người, có gần 30.000 người chi viện từ khắp nơi. Đây là sự huy động lớn nhất, chưa từng có đối với đội ngũ thầy thuốc của ngành y.

Và chúng ta cũng không quên nhắc đến sự đồng lòng chung sức của nhân dân, bên cạnh sự chung tay của các tổ chức thiện nguyện trong chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ cho ngành y tế.

Cũng có nhiều phen các bác sĩ phải bất lực buông tay bệnh nhân, ảnh trong phim tài liệu Ranh giới ghi lại sự thật trong những ngày TP.HCM chống dịch - Ảnh: ĐPCC, đăng ngày: 9-9-2021

Sự sống của người bệnh là món quà lớn nhất

Báo Tuổi Trẻ chính là đơn vị tiên phong phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khởi xướng chương trình: “Tri ân tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19” ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, bắt đầu từ tháng 7-2020.

Khi dịch bệnh tạm lùi, cũng là lúc các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi đến các lực lượng tuyến đầu lời tri ân. Không có họ, có lẽ cuộc chiến này sẽ chưa có hồi kết và thiệt hại cũng sẽ nhân lên gấp bội.

Tuyến đầu chống dịch, họ là ai? Là những y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ngày đêm hồi sức giữ từng hơi thở cho người bệnh; là các đội quân truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin, vận chuyển người bệnh cấp cứu; là lực lượng công an, quận đội dầm mưa dãi nắng kiểm soát trên từng tuyến đường, chuyển nhu yếu phẩm đến tận tay người dân trong những ngày giãn cách; là các tình nguyện viên chăm sóc F0, cung ứng oxy, thuốc men hay những anh chị phóng viên nhà báo đã xông pha vào “điểm nóng” ghi chép câu chuyện về những tháng ngày lịch sử.

Tận tình chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi không có người thân chăm sóc - Ảnh: QUANG ĐỊNH, đăng ngày: 8-9-2021

Mỗi người một nhiệm vụ cao cả, tất cả đã lao vào “cuộc chiến” với tâm thế của một chiến sĩ, “tri ân bất cầu báo”. Và trong số họ, có hàng chục ngàn người đã mắc COVID-19 và có người đã mãi ngã xuống để người bệnh được sống, để “còn thấy nhau trong cuộc đời”.

Để rồi khi trở về với đời thường hôm nay, bác sĩ Trần Thanh Linh - trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), người có mặt tại hầu hết các điểm nóng của dịch bệnh từ Nam ra Bắc tâm sự:

“Bước vào cuộc chiến chúng tôi không có sự phân biệt người bệnh, không quan tâm đến chi phí tiền bạc và không bao giờ từ bỏ dù chỉ còn một tia hi vọng. Chúng tôi đã chiến đấu với một niềm tin vào chính mình, tin vào đồng nghiệp và tin vào tình người. Món quà lớn nhất của chúng tôi chính là sự sống của người bệnh”.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thả hoa đăng tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong dịch COVID-19 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH, đăng ngày: 19-11-2021

Không ai bị lãng quên

20h30 phút ngày 19-11-2021, Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ và chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 đã diễn ra tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất của TP.HCM với 1.000 đại biểu tham dự và TP. Hà Nội với khoảng 300 đại biểu.

Cùng với đó là một số điểm cầu tổ chức tại các địa phương gồm Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm sau hơn hai năm đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào.

Đúng thời khắc 20h30 ngày 19-11, đồng loạt người dân ở TP.HCM đã tắt đèn và thắp nến; các phương tiện lưu đậu trên tuyến kênh, sông, luồng hàng hải đồng thanh kéo hồi còi tưởng niệm. Và cùng lúc, các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận TP.HCM đồng loạt đổ chuông sầu.

Người dân thấp nến ở lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 tại Q.7, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG, đăng ngày: 19-11-2021

Song song các nghi thức thắp nến tưởng niệm, tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình... đèn hoa đăng cũng được thả trôi trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

Lễ tưởng niệm như một dịp để mọi người lắng lòng, xoa dịu những nỗi đau mất mát. Và đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết quý trọng cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích cho tương lai.

Kể từ đó đến nay, gần 8 tháng trôi qua, số đồng bào ra đi vì COVID-19 tại Việt Nam đã vượt trên 43.000 người. Khói hương, chuông chùa, còi tàu, tiếng cầu kinh… có lẽ sẽ còn ngân mãi trong nhiều năm nữa, bởi một lẽ không một ai mất vì COVID-19 bị lãng quên giữa cuộc đời này.

Chợ Bến Thành (quận 1) hiện đã cho nhiều tiểu thương kinh doanh ngành hàng thiết yếu được mở bán trở lại - Ảnh: N.TRÍ, đăng ngày: 08-10-2021

Bước ngoặt chuyển hướng chống dịch

Tháng 10-2021, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước, tỉ lệ phủ vắc xin COVID-19 đạt mức nhất định, nhưng vấn đề mở cửa dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay đóng chặt chống dịch vẫn còn tranh luận, tốn nhiều giấy mực.

Trong bối cảnh đó, ngày 11-10-2021, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của chỉ thị 15, 16, 19. Nghị quyết được cho là bước ngoặt lớn, một sự thay đổi khó khăn và chấp nhận thách thức.

Nhìn lại, đây là một bước chuyển trạng thái chống dịch phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới, đó là chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch.

Mục tiêu đặt ra của nghị quyết là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn; các địa phương có dịch bắt đầu lộ trình thích ứng an toàn; kiên trì thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong năm 2021.

Chợ truyền thống được mở lại phải đảm bảo quy định phòng chống dịch như có dây ngăn, vách che ngăn cách giữa người bán và người mua - Ảnh: N.TRÍ, đăng ngày: 15-10-2021

Việc xác định cấp độ dịch sẽ được đánh giá ở phạm vi nhỏ nhất (dưới cấp xã), nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Trên cơ sở phân loại 4 cấp độ nguy cơ (4 vùng tương ứng xanh, vàng, cam, đỏ), sẽ áp dụng biện pháp hành chính để quản lý.

Địa phương căn cứ vào tình hình dịch, tỉ lệ tiêm vắc xin để quy định cụ thể về giới hạn số lượng người tham gia, phạm vi và công suất của hoạt động nhưng không vượt quá quy định của hướng dẫn; ưu tiên cho người tiêu đủ liều vắc xin và khỏi bệnh COVID-19.

Nghị quyết 128 đánh dấu cột mốc chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", giúp các địa phương mở cửa, đặc biệt là TP.HCM.

Ngay sau đó, TP.HCM đã bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết 128 và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có việc thu hút lại lao động tại các tỉnh sau đợt dòng người hồi hương.

TP.HCM từng bước tháo gỡ những ách tắc trong vận chuyển lưu thông hàng hoá từ TP đi các tỉnh và ngược lại. Đồng thời, nghiên cứu mở dần hoạt động các ngành kinh doanh, dịch vụ trên cơ sở vẫn đảm bảo an toàn chống dịch.

Sau những ngày “bóng tối” bủa vây, từng nhịp thở cuộc sống của người dân TP dần trở lại trạng thái bình thường…

Gia đình chị Huỳnh Oanh (TP Thủ Đức) thích thú selfie cùng nhau - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG, đăng ngày: 05-11-2021

Hàng quán sáng đèn, thành phố tái sinh

Nghị quyết 128 mở đường cho chiến lược chống dịch mới, nhưng với tình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những ám ảnh về những ngày tháng “bão dịch” đen tối còn hiện rõ, cùng với số liệu thống kê số ca nhiễm mới và ca tử vong còn rất cao khiến mọi bước mở cửa của TP đều phải thận trọng “dò đá qua sông”.

Có lẽ một trong những quyết định khó khăn nhất của TP.HCM là việc mở cửa cho hàng quán bán tại chỗ. Cho bán ở mức độ nào? Điều kiện quản lý, kiểm soát ra sao?... là những câu hỏi lớn, buộc lãnh đạo TP phải bàn thảo kỹ lưỡng, cân nhắc từng tiêu chí một.

Cuối cùng, ngày 28-10, TP.HCM chính thức cho hàng quán được phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng quy định phải đóng cửa trước 21h hằng ngày và được phục vụ tối đa 50% công suất.

Như vậy, sau 4 tháng tạm dừng hoạt động (từ 31-5-2021), hàng quán của TP đã “sáng đèn” trong sự dè dặt của cả lãnh đạo, chủ nhà hàng và người dân TP. Người TP sau hơn 120 ngày “ăn cơm nhà” nay được xì xụp bát phở nóng, nhâm nhi ly cà phê vỉa hè và cuộc sống của TP đã tái sinh…

Dù vậy, lúc này TP.HCM vẫn quy định hàng quán không được bán và sử dụng đồ uống có cồn (trừ quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm). Phải nửa tháng sau, TP.HCM mới cho thí điểm mở lại dịch vụ ăn uống đến 22h, được bán rượu bia. Và mãi đến đầu tháng 12-2021, TP.HCM mới bỏ quy định dịch vụ ăn uống kết thúc trước 22h hằng ngày.

Sau ăn uống, TP tiếp tục cho học sinh khối lớp 9 và 12 ở TP.HCM bắt đầu đến trường từ ngày 13-12-2021 sau đó tiếp tục mở rộng ra các khối lớp từ 7-12. Đến tháng 1-2022, các dịch vụ được đánh giá là nguy cơ cao như karaoke, quán bar, vũ trường, massage cũng hoạt động trở lại.

Những bước mở cửa thận trọng cho thấy những quyết định đưa ra để vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế trước mắt không phải đơn giản, và đôi lúc đó là những quyết định cân não…

Như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ lúc đó: “TP.HCM phải mở cửa dần trở lại, chậm nhưng phải chắc thay vì cứ mãi giãn cách nghiêm ngặt trong bối cảnh không thể quét sạch F0”.

Thảo cầm viên đã phải đóng cửa gần 5 tháng vì dịch COVID-19 - ẢNh: LÊ PHAN, đăng ngày: 05-11-2021

Nhân viên y tế vào từng con hẻm để tiêm vắc xin cho những người không đến được điểm tiêm - Ảnh: DUYÊN PHAN, đăng ngày: 28-12-2021

Những chiến lược mới dài hơi

Một tháng trước khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM xác định chiến lược y tế là một trong những trụ cột khi mở cửa trở lại và yêu cầu phải củng cố lại hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và đến trung tâm y tế cấp quận, cấp thành phố.

Chính vì vậy, ngay đầu tháng 11, TP.HCM đã có quyết định số 4161 phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn TP nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.

TP xác định 6 chiến lược chính gồm: bao phủ vắc xin COVID-19 đến từng người dân, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới, quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, điều trị F0 tại các bệnh viện; truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch và nâng cao năng lực phòng, chống dịch.

Giữa trưa nắng, nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ vẫn miệt mài với công việc của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN, đăng ngày: 28-12-2021

Ngay từ đầu năm 2022, TP.HCM đã ban hành quyết định 132 về trọn bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022-2025, trong đó tiếp tục tập trung cho mũi nhọn đầu tiên là y tế. Vì thủng lưới y tế dẫn đến suy giảm kinh tế của TP, do đó TP tập trung đầu tư để nâng cao tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế điều trị, thuốc, vắc xin...

Những chiến lược dài hơi, nhất là việc xác định trụ cột y tế làm mũi nhọn cho việc phục hồi kinh tế sau đó dần phát huy hiệu quả.

Từ ngày 30-4 số ca mắc mới COVID-19 của TP luôn dưới 40 ca, thậm chí ngày 3-4 chỉ có 19 ca. Một niềm vui với lãnh đạo và người dân TP là từ ngày 7-4 đến nay, TP.HCM không có ca tử vong nào do COVID-19.

Đây là nền tảng để TP vững tin mở cửa toàn bộ các hoạt động về kinh tế - xã hội, ngay cả giáo dục như việc trẻ đi học trở lại hay mở các dịch vụ karaoke, vũ trường, massage…, cũng như mở cửa hoạt động du lịch quốc tế. TP.HCM đã mở cửa toàn bộ, cuộc sống không còn là bình thường mới mà là bình thường, như xưa.

Sản xuất bảng mạch điện tử xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu tại Công ty Vexos trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH, đăng ngày: 17-2-2022

Lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế

Một năm trước, hẳn không ai có thể trả lời được câu hỏi “bao giờ cơn bão COVID-19” sẽ hết tàn phá, gây đau thương cho người dân thành phố. Nhưng sau giông bão, trời lại sáng.

TP.HCM luôn đi đầu, tổn thương nhiều nhất nhưng là khôi phục sớm nhất, phục hồi nhanh nhất. Đến giữa tháng 2-2022, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - khẳng định: “TP.HCM đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19”.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ số ghi nhận đều tăng trưởng ấn tượng, một số lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi; hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại với nhiều hoạt động được tổ chức để kích cầu tiêu dùng; thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện nhằm kêu gọi đầu tư...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết qua tham vấn ý kiến của các chuyên gia có 70-80% ý kiến chuyên gia cho rằng kinh tế TP phục hồi nhanh, đồng bộ, đến thời điểm hiện đã cơ bản đạt được 80% mức trước dịch.

Công nhân may hàng xuất khẩu sang Nhật Bản tại một công ty trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG, đăng ngày: 17-2-2022

Học sinh TP.HCM tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN, đăng ngày: 25-6-2022

Vẫn còn những nỗi lo

Bên cạnh những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ về kinh tế, nhưng nỗi lo về nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 lại hiển hiện khi xuất hiện biến chủng BA.5 thời gian qua.

Trước nguy cơ dịch bùng phát, TP.HCM đã yêu cầu các quận huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 12, Tân Phú, Nhà Bè, Gò Vấp, quận 4, quận 6 và TP Thủ Đức chuẩn bị kích hoạt lại các cơ sở thu dung điều trị.

Ngành y tế TP cũng sẵn sàng kích hoạt trở lại các cơ sở thu dung điều trị nếu chủng BA.5 bùng phát mạnh. Sau một năm kể từ ngày giãn cách lịch sử, người dân TP.HCM hẳn chưa quên được những mất mát, tang thương khi đại dịch COVID-19 quét qua. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiêm mũi 4.

Bí thư Nguyễn Văn Nên từng thẳng thắn nhìn nhận: “Trước diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Việc giãn cách của người dân có lúc có nơi không nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch”.

Vậy lúc này, với những bài học, kinh nghiệm xương máu đã trải qua một năm trước, chúng ta hẳn sẽ có những sự chuẩn bị đón đầu chủ động hơn trước sự xuất hiện khó lường của các biến thể COVID-19.

Cả nước đã từng dồn hết tất cả công sức, hy sinh nhằm mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỉ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, không để gánh chịu một di chứng lâu dài, để TP sớm trở lại nhịp sống bình thường mới.

Bây giờ, giữ cho được thành quả đó mới là điều quan trọng và là nhiệm vụ tối thượng không của chỉ riêng lãnh đạo, các cơ quan chức năng mà của tất cả người dân…

Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 cho người cao tuổi tại TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI, đăng ngày: 24-6-2022

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0