Thành cổ Quảng Trị - miền tưởng vọng...

LÊ ĐỨC DỤC 20/09/2009 19:09 GMT+7

TTCT - Kể từ năm 1558, khi Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào đóng dinh ở vùng Ái Tử để mưu cơ nghiệp lâu dài xứ Đàng Trong, trải mấy đời chúa Nguyễn, cả khi dời dinh vào Phú Xuân thì thủ phủ thành xưa vẫn lưu dấu ở làng Tiền Kiên (xã Triệu Thành, Triệu Phong).

Thành cổ Quảng Trị - miền tưởng vọng...

(Nhân 200 năm thị xã Quảng Trị thành lỵ sở)

TTCT - Kể từ năm 1558, khi Đoan quốc công Nguyễn Hoàng vào đóng dinh ở vùng Ái Tử để mưu cơ nghiệp lâu dài xứ Đàng Trong, trải mấy đời chúa Nguyễn, cả khi dời dinh vào Phú Xuân thì thủ phủ thành xưa vẫn lưu dấu ở làng Tiền Kiên (xã Triệu Thành, Triệu Phong).

Năm Gia Long thứ 8 (1809), vua cho dời thành về làng Thạch Hãn, khởi thủy một hành trình đến nay vừa tròn 200 năm của thành cổ Quảng Trị (1809-2009).

Một chương trình tưởng niệm tại thành cổ - Ảnh: L.Đ.Dục

Sự lựa chọn kỳ lạ

Từ một thành lũy đắp bằng đất, năm 1827 vua Minh Mạng cho xây lại thành bằng gạch với kiến trúc quân sự kiểu Vauban, có bốn góc thành xây nhô ra ngoài làm pháo đài để kiểm soát bốn cửa thành.

Nhắc tới thành cổ, hầu hết mọi người chỉ nhớ đến mùa hè năm 1972, nhớ đến hàng vạn người lính trẻ ngã xuống mà ít người biết từ 100 năm trước cũng ở làng Thạch Hãn nơi thành cổ có một nghĩa trang của những người lính Tây Sơn áo vải cờ đào. Đó chính là nghĩa trũng đàn ở làng Thạch Hãn.

Nguyên ủy của nghĩa trũng bắt đầu từ ngài Hoàng Hữu Lợi, người làng Bích Khê (nay là xã Triệu Long, huyện Triệu Phong), tước Trung nghị đại phu phó đô ngự sử. Thấy những nấm mồ vô chủ nằm dọc sông Thạch Hãn vào mùa mưa lũ thường bị xói lở trôi lộ hài cốt, ông động lòng từ tâm bỏ tiền nhà mua mấy sào ruộng làm nơi quy táng những hài cốt bạc phận kia. Đấy là năm Tự Đức thứ 25 (1872).

Con trai cụ Hoàng Hữu Lợi là Hiệp biện đại học sĩ, bình như Hoàng Hữu Xứng sau này ra làm quan ở Hà Nội, nhiều lần đi hành hạt quanh thành gặp rất nhiều mộ hoang vô chủ, hỏi han kỳ lão quanh vùng mới hay đấy là mộ của những nghĩa quân Tây Sơn miền Thuận Quảng theo vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra chinh phạt quân Thanh đã bỏ mình nằm lại. Ông đã thuê người cất bốc, thu nhặt hơn 600 bộ hài cốt rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về mai táng ở nghĩa trũng.

Đúng 100 năm sau, năm 1972, ngay trên mảnh đất này đã diễn ra một cuộc chiến khốc liệt vào bậc nhất trong lịch sử chiến tranh VN. Cả những nghĩa binh Tây Sơn và những người lính trẻ mùa hè năm 1972 đều chọn đất thành cổ này nằm lại như một lựa chọn định mệnh của lịch sử!

200 năm và 20 năm...

Đã có những năm tên thị xã Quảng Trị bị mất, thay bằng tên xã Hải Trí thuộc huyện Triệu Hải. Thị xã mất tên còn thành cổ bị người ta cất mất dấu mũ để gọi tên ngậm ngùi là thành... cỏ.

Đến tháng 9-1989, sau bao nhiêu lần đề đạt kiến nghị, thị xã Quảng Trị được tái lập. Đó là cuộc phục sinh từ cỏ dại và gạch vỡ. Và không đâu trên đất nước này người dân lúc mở móng làm nhà lại chuẩn bị thêm vài cỗ tiểu sành, nhang đèn, bởi chắc chắn thế nào khi nhát cuốc mở móng nhà bật lên, dưới đất kia hẳn cũng gặp hài cốt người lính thành cổ.

Lịch sử thế giới vẫn kể về những thành phố chịu đựng hi sinh cho nhân loại, gọi là “thành phố tuẫn đạo” (ville de martyre) như thành phố Bologna của Ý, Coventry của Anh, thành cổ Quảng Trị cũng là một miền đất như thế.

Và từ máu xương hàng vạn người hòa tan nơi đây, có một thông điệp câm lặng đã được một nhà văn “dịch” ra rằng: “Những người lính hi sinh nơi đây không phải để được phong anh hùng và hoa tươi dâng trước mộ. Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đăng sau họ cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên sự ấm no, công bằng và nhân phẩm”. (Hoàng Phủ Ngọc Tường - trích bút ký Đêm chong đèn nhớ lại).

Không đâu ở VN có mật độ công trình tưởng niệm nhiều như tại Quảng Trị.

Trên quốc lộ 1A ngay đầu cầu Thạch Hãn là tượng đài tưởng niệm những người lính trung đội Mai Quốc Ca đã quyết tử bám trụ. Trung tâm thành cổ là đài tưởng niệm với một khối kiến trúc đầy tính biểu tượng.

Ở đó không có hận thù, chỉ có khát vọng hòa bình được viết lên trời xanh bằng một tháp bút hình ngọn lửa. Cạnh đó là bia chứng tích chiến sĩ sinh viên - một nét hào hoa rất riêng trong ngút ngàn khốc liệt bi tráng của chiến trường này ngày ấy.

Từ thành cổ ra phía cổng tây là tháp chuông với đại hồng chung gióng lên tiếng chuông nguyện cầu siêu thoát những linh hồn đã nằm lại đất thành cổ. Tiếp theo là quảng trường Giải Phóng, một không gian thênh thang cho mọi người suy ngẫm trước khi bước xuống bến thả hoa.

Từ đây những bông hoa sẽ được thả trôi theo dòng Thạch Hãn để tưởng niệm những người lính “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Và bên kia bờ bắc dòng Thạch Hãn, một cụm tượng đài và khu tưởng niệm, nhà hành lễ cũng đang được xây dựng.

LÊ ĐỨC DỤC

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận