Tết của mẹ

ĐỖ DUY 05/02/2013 23:02 GMT+7

TTCT - Ngoài nấu ăn một mình, đi tập thể dục mỗi sáng, ngắm hoa quỳnh mỗi chiều tối trong lúc chờ chị đi làm về thì suốt một năm qua ở Mỹ mẹ đã làm gì?

Mẹ lang thang trong các siêu thị, canh hàng giảm giá đến mức “đụng sàn” thì mua về, phân loại, đóng thùng, xếp theo tên bà con ở Việt Nam. Chị không lạ gì thói quen ấy nữa, mẹ nghĩ về “nơi xa” ấy đến mức mỗi thứ bảy theo chị ra gara xe đi chợ vẫn còn giật mình quay vào nhà vì “quên lấy nón bảo hiểm”...

Phóng to
Minh họa: Salem

Về đến Sài Gòn, sau khi đem biếu xén hết những món quà đã chuẩn bị từ cả năm trước đó rồi - đi thăm hết một lượt bà con cô bác, bạn bè là mấy chị bán rau, bán sữa đậu nành, bán cá, bán phở ngoài chợ rồi - xem cho chán chê những kênh truyền hình nói toàn tiếng Việt rồi - nấu những món anh thích rồi - mẹ làm gì nữa?

Dì Hoa xem phim truyền hình Việt Nam mãi cũng chán, có vẻ giận dỗi: Chị tranh phần uốn mai, lặt lá mai đã đành, đến cả lau nhà, giặt mền mùng, màn cửa, xếp quần áo cũng giành nữa thì em biết làm gì bây giờ? Mẹ tủm tỉm: Yên chí.

Rằm cuối năm, hai người phân công nhau đi thu gom keo nhựa, keo thủy tinh về rửa sạch, phơi khô. Loay hoay với những tiếng uỳnh ọp, xủng xoẻng mất hai ngày trời. Nhìn những cái keo phơi khô nằm la liệt kín cả một căn phòng khách hai chục mét vuông, mẹ có vẻ không hài lòng lắm: không đủ, chắc tại mua trễ quá.

Anh thắc mắc, mẹ rủ dì Hoa thức làm gì lúc tờ mờ sáng, trưa chiều rồi cắt kiệu không được sao? Mẹ cười, làm kiệu, gặp nắng để phơi quý như gặp vàng - gặp nắng sớm quý hơn gặp kim cương.

Thế là kéo dài cho đến bốn năm ngày, mẹ và dì Hoa phải tranh thủ ngủ sớm để thức sớm mà cắt thêm củ cải trắng, củ cải đỏ, mấy ngày về sau có thêm phần su hào để tăng cường cho món dưa món. Cắt đến độ đầu ngón tay trỏ bên phải phồng rộp lên, đầu ngón trỏ bên trái hằn dấu của cái sống dao, mắt thâm quầng, bắt đầu cho căn bệnh tụt huyết áp hoành hành. Anh lẩm bẩm một mình: hành xác vậy làm gì không biết...

Sáng đưa ông Táo, trời không thèm nắng, mẹ tự an ủi, chắc chút nữa thôi. Mẹ và dì Hoa trước khi ra khỏi nhà còn thắp nhang, chỉ xin ông Táo điều giản dị cuối cùng trước khi đi là phù hộ cho mớ kiệu, hành, củ cải đã cắt đang phơi ngoài sân. Ông Táo chắc ham vui đi sớm chẳng nghe thấy - trời đen, lâm thâm rớt hạt, rồi đổ rầm xuống sân nhà chừng năm phút thôi, cũng đủ tiễn nửa công trình của mẹ và dì suốt bốn năm ngày vào thùng rác.

Vậy là chẳng những phải thức sớm mà còn phải tăng cường thức khuya, ăn cơm hộp, huy động thêm mấy cô nhà hàng xóm sang hỏi thăm “chuyện ở Mỹ” để cắt kiệu, cắt hành, cắt củ cải giùm, để mẹ có thể hoàn thành chỉ tiêu cho xứng với phần keo đã mua, đã phơi khô rồi.

Ngoài sân, trong nhà, sàn nhà, nóc nhà thành sân phơi hết đã đành, anh đã bắt đầu thấy khó chịu khi kiệu, hành, củ cải nằm lăn lóc ở cả phòng đọc sách và tất cả những lối có ánh sáng chiếu vào trong nhà. Khắp những nơi anh thường nằm đọc báo, xem tivi không lúc nào không có mùi nước mắm và giấm chua, dù quạt máy, quạt trần đã mở hết cỡ, hướng vào những củ cải, củ kiệu nằm quắt queo trên những tờ giấy báo cũ.

Hai lăm tết, nhà anh - nơi vẫn được bạn bè khen là thông thoáng, ngăn nắp - thành trung tâm dưa, những keo dưa sắp lớp lớp dọc theo cửa sổ, cửa cái và lối đi để hứng nắng. Anh nhìn lại cái công trình đó, nén tức, thở dài: Mẹ đi buôn à? Mẹ tính cho anh nghe danh sách những dì, cô, cậu, thím... cần biếu (mà anh còn chẳng nhớ nổi tên nữa) rồi kết luận: còn sức, mẹ cũng muốn làm thêm đợt nữa để dành mang sang cho chị con bên đó ăn cả năm sau.

Dì Hoa về quê trong niềm hân hoan tuyệt đối: chắc ba ngày tết em mơ thấy toàn kiệu với hành. Mẹ có vẻ hối hận được một chút: năm sau để chị tính lại... Anh chớp ngay cơ hội đó chua ngoa: mẹ cũng nên để cho mấy người làm kiệu còn buôn bán với.

Hai tám tết, ngày nghỉ đầu tiên, anh phải thực thi nghĩa vụ cao cả, chở mẹ đến từng nhà người quen, người thân, gửi mỗi nhà ba keo: một kiệu, một hành, một dưa món. Được một buổi anh say nắng, nằm vật ra. Có lẽ mẹ phải nhờ đến bác Hùng chạy Honda ôm thôi - anh không giấu vẻ mệt mỏi - Con không chịu nổi nữa rồi. Nhiệm vụ được giao lại cho bác Hùng cùng với danh sách được mẹ chuẩn bị sẵn và gọi điện cẩn thận đến từng nhà, riêng mẹ cũng nằm sốt li bì suốt buổi chiều còn lại.

Sáng hai chín, mẹ dậy lúc ba giờ, bảo đi chợ. Anh hỏi: Còn định làm gì nữa? Mẹ hỏi lại anh, vậy còn nồi bánh tét thì sao? Anh định lý lẽ với mẹ, con đi mua bánh tét từ miền Tây chở lên còn rẻ hơn, ngon hơn của mẹ nấu. Nhưng rồi có điều gì đó ngăn anh lại khi thấy mẹ ngơ ngác trước sự bất bình của anh, như thể tất cả những việc mẹ đang làm đây là nhiệm vụ, là việc không thể thiếu được.

Mẹ xách giỏ ra chợ, mặc cho anh ngồi nhắm mắt tưởng tượng ra viễn cảnh củi được chất trước sân nhà, mẹ còng lưng ngồi lau lá, tỉ mẩn gói từng cái bánh, bắt anh phải tháo ra làm lại những cái anh lỡ tay cột ẩu, rồi hai mẹ con ngồi chụm củi, canh bánh...

Anh tặc lưỡi, thôi đừng nghĩ nữa, bây giờ việc của anh là phải đi nghỉ thôi. Mơ ước của anh, niềm vui của anh sau một năm làm việc cả ngày chủ nhật là gì nếu không phải là ngủ những giấc thật dài, không màng đến cả việc có ăn trưa, ăn chiều vào những ngày tết thế này. Còn niềm vui của mẹ là gì? Anh tự hỏi. Là gì nếu không phải là còn thấy mình, mỗi năm một lần, còn bận rộn vào những ngày giáp tết thế này?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận