Tản văn Y Phương, cuộc hành hương tinh thần

NGUYỄN HIỆP 27/03/2014 20:03 GMT+7

TTCT - Đọc lại Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm và Kungfu người Co Xàu (*), tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi sự độc sáng trong tản văn Y Phương.

Y Phương đã xuất bản sáu tập thơ: Người Núi Hoa (1982), Tiếng hát tháng giêng (1986), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Đàn Then (1996), Thơ Y Phương (2002).

Y Phương sinh ra trong một gia đình người Tày, lớn lên ở ngôi làng “đá hộc” Hiếu Lễ, Cao Bằng, nơi đã nhiều lần khắc nhớ ấn tượng trang trọng trong thơ văn ông. Những vần thơ Y Phương từng khiến tôi cảm nhận sự mạnh mẽ, như những bước chân trên đá gập ghềnh, luôn dọc ngang cao xa như dáng đá, dáng núi.

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” là câu thơ tôi yêu thích, nhớ mãi bởi sau cái vỏ của sự mộc mạc khiêm tốn là sức mạnh, là niềm kiêu hãnh, một niềm kiêu hãnh máu thịt, vừa hay theo nghĩa đen mà cũng rất hay nơi nghĩa bóng và cùng/gắn/trong quê hương, dân tộc. Nó làm người đọc rung động mạnh, những tình cảm lớn được đánh thức, thường những điều cao cả được đánh thức từ những lời chân thành rút ruột, đơn giản mà không kém sự vâm váp, cứng cáp đá tảng như thế.

Nhưng hai tản văn sau này, Y Phương lại đưa tôi qua một cuộc hành hương tinh thần thấm đẫm, chất chứa những nỗi đau hiện sinh, khiến người đọc là tôi cứ rúng động, điếng theo từng câu văn rút ruột của ông.

Như nạn thuốc phiện đã phá tan nát làng ông:

Trời ơi! Khói thuốc phiện sẵn sàng nhấc bổng cả ngôi nhà sàn ba gian, nhẹ như lông chim. Ngôi nhà bề thế bưng ván gỗ mạy chuông đen bóng, nó sẽ sang tay người khác tắp lự. Chỉ cần chủ nhân đêm đó lên cơn thèm. Khi lên cơn, người ta sẵn sàng bán cả thế giới”. (Nhà thơ nghỉ khỏe)

Hay nỗi đau vì người làng ngu ngơ bán quặng cho Trung Quốc lấy tiền ăn chơi: “Mươi năm nay, quặng Tốc Tát, Khuổi Ki, Hiếu Lễ, Tà Than, Thông Huề... kìn kìn vượt biên bán sang Trung Quốc. Ruộng rẫy bị bốc dỡ, đào bới. Đất đai nham nhở, lở lói như trên Mặt trăng”. (Mũi kim tiêm phơi trắng nương ngô)

Hay những nghề truyền thống của dân tộc không còn nữa: “Trông kìa, ở đáy giếng, nước đọng đỏ hoe như khóc. Giếng chàm ơi!”...

Về mặt ngôn ngữ học, Y Phương là trường hợp đặc biệt sử dụng loại ngôn ngữ hỗn hợp giữa Kinh và Tày, có lẽ sau Nguyễn Tuân, ông là nhà văn dùng nhiều từ láy, nhiều từ tượng thanh đạt đến mức tinh tế.

Ta thử đọc một đoạn viết về bánh cuốn nướng, đặc sản của Cao Bằng quê ông: “Hãy lắng nghe. Hình như có tiếng ban mai róc rách trong miệng nồi. Nước đang âm ỉ sôi và xương ống đang khe khẽ nát. Lát nữa, bánh sẽ tưới tắm trong bát nước canh. Rắc lên trên một chút mùi tàu thái chỉ. Bạn lắng nghe nhé. Cả lũ bánh đang bì bõm sướng”.

Xét về ý tứ sâu xa, nhà văn ở miền núi, gắn kết, ruột rà với núi đá quả thật là một đời sống kỳ thú. Núi luôn là trang sách mở. Nhà văn ở miền núi thường mang mạch nguồn cảm hứng tỏa ra từ tâm hồn của đá, lửa và sương trời. Đó là những chất liệu để mơ, là vật chất của trí tưởng tượng, là hồn cốt, là khởi đầu bản mệnh của thi nhân, văn nhân nơi đây.

Đá thâm trầm, tĩnh lặng ngũ sắc, kết tụ âm dương. Lửa hóa thân, nâng đỡ, giữ gìn, là mũi tên chọc thẳng lên trời, định hình nhân cách, nóng ấm ngay cả khi gió bạt, “không nói lời cong” ngay cả khi gió bạt. Sương trời bảng lảng bao bọc những quãng lặng, giữ gìn những quãng lặng, sẽ bay bổng cùng hiện thực thăng hoa. Văn thơ Y Phương thoát thai từ những yếu tố vật chất tiên khởi ấy.

Khi được hỏi về tập tản văn mới đây, ông chia sẻ: “Tôi nói với núi đá. Núi đá vọng lại. Tôi hát với núi đá. Núi đá vọng lại. Chúng tôi thân thiết nhau hơn sáu chục năm trời. Nay tôi đang trở thành người già. Còn núi vẫn... non (cười hiền)”. Ông là vậy, im lặng như đá núi nhưng khi nói thì buông mãi theo hồi ức, cũng như khi viết thì buông mãi theo cảm hứng, ngắn dài miên man, mạch tình đời ăm ắp trào đùn tựa như cái mó nước dâng lên tuôn ra lai láng từ vách núi ở quê hương.

Hai tập tản văn đều đầy ắp nỗi đau, nó luôn quay về, luôn đau đáu trong cuộc hành hương tinh thần mang tính định mệnh. Y Phương, một nhà thơ Tày ở biên giới Việt - Trung, là một ấn tượng khó phai cho những ai một lần tiếp xúc, đọc qua.

(*): Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm (Nxb Phụ Nữ 2009) và Kungfu người Co Xàu (NXB Hội Nhà Văn 2011).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận