Stunter: Đam mê tốc độ và mạo hiểm

KHƯƠNG XUÂN 24/03/2016 21:03 GMT+7

TTCT - Bốc đầu, bốc đuôi, đứng trên nắp bình xăng khi xe đang chạy và thả hai tay như đang đứng trên mặt đất... những kỹ thuật điêu luyện đã được các Stunter (người biểu diễn môtô) trình diễn trong ngày hội Motul Stunt Fest 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 6-3. “Stunt” là gì, những “Stunter” là ai mà có thể điều khiển chiếc xe vài trăm ký với động cơ có khi lên tới hàng ngàn phân khối, đầy đam mê và phấn khích đến vậy?

Một Stunter biểu diễn những động tác điêu luyện tại vòng chung kết Motul Stunt Fest lần thứ 4 diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình ngày 6-3-2016  -Tuấn Anh
Một Stunter biểu diễn những động tác điêu luyện tại vòng chung kết Motul Stunt Fest lần thứ 4 diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình ngày 6-3-2016 -Tuấn Anh


Chắc chắn khi xem Stunter trình diễn sẽ có người dễ nhầm tưởng Stunter chính là đám “trẻ trâu” thích thể hiện mình, “đua xe nẹt ga” hay làm xiếc với xe máy nguy hiểm trên các con phố.

Thực tế không phải vậy, Stunter không bao giờ đua xe, vi phạm trật tự giao thông hay biểu diễn trên đường phố. Họ yêu thể thao mạo hiểm, mê tốc độ và muốn thử sức mình, nhưng trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Môn thể thao của những người... có điều kiện

“Tôi từng yêu thích và tập luyện rất nhiều môn thể thao đường phố, nhưng chưa môn nào có thể làm tôi phấn khích đến vậy. Stunt gây nghiện cho người chơi, một khi đã tham gia thì bạn không thể ngừng cố gắng để hoàn thiện kỹ năng bản thân.

Ai cũng có ước mơ được bay, khi kéo ga thật nhanh, tôi đã thấy mình đang được bay. Một số bạn thích đá bóng, vẽ tranh, nghe nhạc, còn tôi, tôi chỉ thích lái xe” - Nguyễn Đức Phong, một thành viên của CLB những người chơi môn thể thao trình diễn môtô tại Hà Nội (Hanoi Stunt Riders), tâm sự.

Môn thể thao này đòi hỏi người chơi trước hết phải có một chiếc xe tay côn phân khối lớn, có sức khỏe tốt và niềm đam mê bất tận với xe. Tất nhiên giá của những chiếc môtô này không hề rẻ, nhất là với những người chơi còn trẻ, chưa có điều kiện kiếm ra nhiều tiền.

Với Đức Phong, để có tiền mua chiếc xe phân khối lớn KTM Duke 200cc (giá khoảng 150 triệu đồng), anh đã phải bán chiếc xe Vespa của mình, cộng với tiền tích cóp và xin gia đình.

Những dòng xe mà các Stunter hiện nay đang dùng là KTM Duke, Yamaha FZS, Honda MSX, Harley Davidson, Honda VT, Kawasaki, hay những dòng đắt tiền hơn tùy điều kiện mỗi người (từ 200 phân khối trở lên), đều có giá từ 100 triệu đồng trở lên.

Thế nhưng mua xe đúng chuẩn chưa đủ, chiếc xe để chơi Stunt phải được “độ” lại nhiều bộ phận như: lắp hệ thống chống đổ để bảo vệ xe khi tập, hạn chế hỏng hóc nếu xe đổ; cải thiện công suất máy bằng cách làm to nhông sau để máy khỏe hơn (nhưng sẽ giảm tốc độ xe); lắp thêm phanh tay cho bánh sau; thay ghiđông cho phù hợp... Giá để “độ” những hạng mục cơ bản cho xe thấp nhất cũng khoảng 20 triệu đồng.

Trước khi bước lên xe, Stunter phải được trang bị rất nhiều dụng cụ bảo vệ: mũ bảo hiểm đạt chuẩn; giáp bảo vệ chân, tay, lưng, cổ; găng tay... với giá trên dưới 10 triệu đồng/bộ. Phần lớn các thiết bị này đều phải nhập khẩu.

Stunt còn rất tốn kém bởi những động tác burnout (đốt lốp) kéo lê lốp xe trên đường khiến lốp xe thường xuyên hỏng và phải thay mới trong vòng không quá một tháng sử dụng. Giá rẻ nhất cho mỗi chiếc lốp là 3-4 triệu đồng.

Anh Trần Cao Sơn, một thành viên Hanoi Stunt Riders, cho biết chi phí trung bình mỗi buổi tập, một Stunter tiêu tốn ít nhất 100.000 đồng nữa cho xăng, dầu, lốp..., nên không có điều kiện kinh tế thì rất khó chơi môn thể thao tốn kém này. “Nhiều tiền thì chơi nhiều, ít tiền thì chơi ít, tùy điều kiện mỗi người nhưng chắc chắn đã chơi Stunt là tốn kém” - Phan Duy Lân, một Stunter, chia sẻ.

Chấn thương là chuyện thường

Tuấn Anh, nhà vô địch Motul Stunt Fest 2016, cho biết anh từng có tám năm theo đuổi hiphop và tập luyện trong nhóm nhảy nổi tiếng Big Toe, nhưng chỉ đến khi chơi Stunt, anh mới thỏa mãn đam mê của mình.

Có bố làm công an, để thuyết phục được bố mẹ cho chơi Stunt, Tuấn Anh cho biết anh đã phải tốn không biết bao nhiêu thời gian bằng cách mỗi ngày lại “dụ” bố xem clip về Stunt. Tuấn Anh chia sẻ:

“Ban đầu bố tôi phản ứng dữ dội, cho rằng Stunt rất nhố nhăng, nguy hiểm. Thế nhưng mưa dầm thấm lâu, sau khi xem nhiều, bố không gay gắt như trước nữa. Lúc thấy tôi dắt xe đi tập, bố mẹ chỉ nhắc có tập tành gì cũng phải cẩn thận để khỏi chấn thương.

Thế nhưng chấn thương xây xước do ngã xe với những người chơi Stunt là chuyện thường. Chấn thương nhẹ thì cố mà giấu để bố mẹ đỡ lo, còn nặng thì đương nhiên bị lộ rồi. Rất may sau hai năm tập luyện, ngày tôi thi chung kết toàn quốc và giành giải nhất hôm 6-3, cả gia đình bố mẹ và anh chị em đều đến xem và cổ vũ cho tôi”.

Vốn là sinh viên Học viện Ngân hàng, Phan Duy Lân cho biết phải đến khi clip anh chơi xe xuất hiện trên truyền hình thì bố mẹ mới phát hiện ra anh chơi Stunt. Duy Lân cũng chia sẻ việc ngã, chấn thương liên miên khi bắt đầu tập Stunt là đương nhiên. Rất may ở Hanoi Stunt Riders chưa có ai bị gãy chân tay hay chấn thương nặng.

Dễ bị nhầm tưởng là những thành phần “bất hảo” hay đua xe ngoài đường, Tuấn Anh cho biết quy định kỷ luật của Hanoi Stunt Riders rất nghiêm khắc, nếu trong nhóm phát hiện ai biểu diễn xe ngoài đường thì người đó sẽ bị đuổi khỏi nhóm ngay.

Vì là môn thể thao nhạy cảm, gây tiếng ồn, những Stunter chỉ tập luyện ở địa điểm cách xa khu dân cư, không có người qua lại và được chính quyền cho phép.

“Xây dựng hình ảnh Stunter, tránh để người dân có cái nhìn ác cảm khi nhầm tưởng với những quái xế đua xe trên đường, Stunter chúng tôi luôn thực hiện đúng quy định pháp luật và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Cũng phải nói thêm rằng Stunt là môn trình diễn môtô phân khối lớn ở tốc độ chậm nên nếu có chấn thương cũng thường nhẹ chứ không nguy hiểm như môn thể thao đua môtô” - Trần Cao Sơn chia sẻ.

Người đẹp mê Stunt

Stunt là môn thể thao giải trí và chưa được đưa vào hệ thống quản lý, thi đấu của Liên đoàn Xe đạp - môtô Việt Nam. Môn thể thao này mới, dù có phong trào chơi nhưng còn nhỏ lẻ nên liên đoàn chưa tiếp cận, quản lý. Khi phong trào phát triển mạnh, có vị thế rồi thì cần đưa vào khuôn khổ để liên đoàn quản lý và giúp Stunt phát triển hơn. Chúng tôi sẵn sàng kết nối để hỗ trợ những người chơi Stunt, ví dụ sau khi biết thông tin, khi liên đoàn tổ chức giải đua xe đạp, xe máy, đua ôtô địa hình, chúng tôi có thể mời hội Stunt đến biểu diễn cũng rất thú vị.

Ông Nguyễn Ngọc Vũ (tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao Việt Nam)

Stunt đã du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 5 năm. Những VĐV ở TP.HCM biết đến môn này đầu tiên qua các clip về Stunt trên YouTube. Vào khoảng năm 2012-2013, nhóm những người mê Stunt đầu tiên ở Hà Nội ra đời. Năm 2013, Hanoi Stunt Riders thành lập với hai thành viên là Đức Phong, Hoàng Anh.

Sau ba năm phát triển, nhóm đã có hơn 10 thành viên, bao gồm cả Stunter nữ đầu tiên ở Việt Nam - cô gái xinh đẹp Nguyễn Nam Phương.

Sinh năm 1992, nguyên là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nam Phương nói cô mê xe từ nhỏ. Cá tính và rất mạnh mẽ, Nam Phương là một trong những người chơi Stunt đầu tiên ở Hà Nội từ năm 2013.

“Lúc đó tôi vẫn đang đi học nên không có tiền, thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý cho mua chiếc xe Honda MSX 125 phân khối để tập. Chơi Stunt tuy chưa giỏi bằng các bạn nam nhưng động tác bốc đầu, bốc đuôi, đứng lên nắp bình xăng, ngồi lệch một bên xe... tôi đều làm được.

Stunt hợp với tôi vì chơi Stunt phải có xe đẹp, cảm giác làm chủ được chiếc xe đẹp dù hơi mạo hiểm nhưng thật đê mê. Hiện nay do công việc bận rộn nên tôi đang tạm dừng chơi Stunt một thời gian ngắn, nhưng rất nóng lòng muốn trở lại” - Nam Phương nói.

Để yên tâm tập luyện, các thành viên Hanoi Stunt Riders có sẵn một xưởng cơ khí của Stunter Trần Cao Sơn để “độ” và sửa chữa xe. Cao Sơn cũng là anh cả, người hỗ trợ cả nhóm về vấn đề xe cộ. Vốn là kiến trúc sư rất mê chơi xe phân khối lớn, Cao Sơn cho biết anh đến với Stunt để thỏa đam mê tốc độ và mạo hiểm.

Anh có thể miệt mài ở xưởng liên tục 2-3 tuần để “độ” cho xong một “con xe” cho đồng đội, không lấy đồng nào. “Tôi đam mê xe, thích cơ khí chính xác, vì thế đã học hỏi rất nhiều kỹ thuật xe cộ, máy móc. Đôi khi hàn xong một mối đẹp, tìm được con ốc vít xinh cũng khiến tôi vui cả ngày” - Trần Cao Sơn tâm sự. Mơ ước lớn nhất của những Stunter Việt Nam là có sân bãi tập luyện và sớm có cơ hội tham dự các giải đấu quốc tế.■

Đôi nét về Stunt

Stunt là thuật ngữ để chỉ môn thể thao biểu diễn môtô với đặc trưng là những động tác điều khiển xe nguy hiểm. Các kỹ thuật chủ yếu trong môn Stunt bao gồm: wheelie (đi một bánh), stoppie (bốc đuôi xe) hay burnout (đốt lốp), drift (làm cho xe di chuyển theo hướng ngược lại của tay lái)...

Tùy theo sở thích hoặc khả năng của từng người chơi, họ sẽ lựa chọn các sở trường của mình trong các kỹ thuật cơ bản trên và tự tập luyện, sáng tạo cho mình các bài biểu diễn dựa trên các kỹ năng của mình.

Được ghi nhận trên sách báo từ những năm đầu của thế kỷ 20 tại Anh, Stunt là môn thể thao xuất phát từ đường phố. Đến những năm 1940-1950, khi xuất hiện trên những bộ phim của Hollywood, Stunt mới được biết đến rộng rãi hơn.

Từ những năm 1990, các hoạt động biểu diễn trên môtô trở thành trào lưu, đặc biệt là ở Mỹ sau khi Gary Rothwell, Stunter người Anh, trình diễn các kỹ thuật Stunt đẹp mắt tại các giải đấu và các buổi biểu diễn dành cho môtô phân khối lớn.

Các buổi biểu diễn của Rothwell được ghi hình và lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông. Đến năm 2006, khi Randy Grube, tay đua Stunt, tập hợp các Stunter và tổ chức một giải quy mô XDL Series tại Mỹ thì Stunt thật sự được đưa lên tầm cao mới và phát triển ra toàn thế giới.

Stunt sau đó trở thành môn thể thao rất được ưa chuộng của giới trẻ nhờ sự hậu thuẫn của các hãng xe lớn như Yamaha, Honda, Kawasaki...

Các tay đua Stunt nổi tiếng trên thế giới phải kể đến Doug Domokos (1955-2001) - người đang nắm giữ kỷ lục đi xe bằng một bánh trên quãng đường dài nhất - 233km - lập vào năm 1984; hay Christian Pfeiffer - thành viên cũ của đội đua Ducatti vô địch thế giới năm 2003; Dave McKenna - tay đua người Úc của đội Yamaha...

Từ năm 2013 đến nay, các Stunter Việt Nam đã có cơ hội thi thố sau khi một hãng dầu nhớt tổ chức giải vô địch với quy mô toàn quốc. Phần thưởng không nhiều, nhà vô địch chỉ nhận được vài triệu đồng tiền thưởng và dầu nhớt cho xe môtô của mình.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận