Sàng lọc minh bạch và công bằng 

LUẬT SƯ HÀ HẢI 26/03/2016 16:03 GMT+7

TTCT - Nhu cầu đổi mới hoạt động Quốc hội (QH) khởi đi từ đổi mới chất lượng đầu vào, cơ cấu, thành phần đại biểu QH, cách thức tổ chức bầu cử và chú ý hơn tới vai trò của người tự ứng cử.

Các hoạt động tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội đã bắt đầu sôi động trên khắp các tuyến phố ảnh: Hữu Khoa

Có thể thấy tại QH, nhiệm kỳ sau so với nhiệm kỳ trước hoạt động sôi nổi và từng bước thể hiện rõ hơn vai trò tích cực trong đời sống chính trị của đất nước: đại biểu chuyên trách nhiều hơn, hoạt động chất vấn nhiều hơn tại chốn nghị trường, xu thế đổi mới dân chủ nhiều hơn...

Tại các kỳ họp của QH đương nhiệm gần đây, số lượng đại biểu tham gia đăng ký chất vấn các thành viên chính phủ nhiều hơn, nội dung chất vấn ngày càng đi vào trọng tâm và có chất lượng.

Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề nóng bỏng của đất nước mà QH “nợ nhân dân và xin hẹn lại khóa sau”. Nhân dân đòi hỏi QH phải lên tiếng một cách quyết liệt về những vấn đề như tham nhũng, về quyền dân sự, chủ quyền quốc gia... song các vị đại biểu QH vẫn chưa quyết liệt, chưa đáp ứng được nhu cầu, ước nguyện và kỳ vọng của cử tri cả nước.

Đổi mới đầu vào

Vì vậy, cũng chính cử tri là những người đầu tiên lên tiếng đòi hỏi phải đổi mới hoạt động QH. Muốn đổi mới hoạt động của QH thì phải đổi mới đầu vào, đổi mới chất lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu QH. Và để làm được những điều này, rõ ràng phải bắt đầu từ bước đi cơ bản đầu tiên về cách thức tổ chức bầu cử, thành phần, số lượng đại biểu chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm...

Sự cần thiết phải có một tỉ lệ nhất định là những người tự ứng cử trong QH đã được đặt ra từ lâu, bởi đó không chỉ là một quyền đã được ghi nhận trong lịch sử mấy chục năm qua của QH mà đó còn là một chỉ dấu sống động của dân chủ, của sự đa dạng tiếng nói, quan điểm và khả năng đại diện.

Những người từ giới luật sư và các thành phần nhân sĩ, trí thức, với trình độ và khả năng đóng góp, khi tham gia QH sẽ góp thêm những tiếng nói độc lập, phản biện - điều rất cần trong tình hình hiện nay.

Các đảng viên cũng cần được tạo điều kiện để họ tự ứng cử, bởi họ cũng đương nhiên nói tiếng nói của tổ chức, nếu hoàn thành tốt vai trò là người đại biểu nhân dân vừa là hoàn thành trách nhiệm của một đảng viên, chắc chắn hoạt động của họ trong nghị trường sẽ tích cực không kém những người khác.

Thực tế qua các kỳ bầu cử, số lượng người nộp đơn tự ứng cử còn rất thấp, trong khi chủ trương của Đảng, pháp luật thì khuyến khích, mở “rộng cửa” cho các đối tượng (đủ điều kiện) tự ra ứng cử. Vấn đề là tỉ lệ “trụ lại” sau ba vòng hiệp thương còn thấp hơn nữa, kỳ bầu cử trước, khi danh sách ứng cử được chốt, số lượng này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Và tất nhiên, phải nói đến nhiều trường hợp khi nộp hồ sơ tự ứng cử rất hào hứng nhưng chưa hiệp thương đã xin tự rút hoặc nộp hồ sơ tự ứng cử mà phát biểu “Tôi biết mình không trúng cử nhưng tôi nộp hồ sơ ứng cử để thể hiện quyền công dân và để khích lệ mọi người”. Những người như thế không ít, ít nhiều gây ra cảm giác họ hoặc không nghiêm túc hoặc thiếu niềm tin.

Khách quan, bình đẳng với người tự ứng cử

Theo quy định của Luật bầu cử QH và HĐND năm 2003, các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba có quyền hành rất lớn trong “sàng lọc tuyển chọn”.

Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định tiêu chí cụ thể nào để hiệp thương dùng để chọn lựa ngoài các tiêu chí chung chung theo Luật bầu cử, do vậy khó tránh khỏi một diễn biến hiệp thương thiếu khách quan, còn cảm tính.

Luật bầu cử QH và HĐND nên sửa đổi theo hướng tản quyền, khách quan, minh bạch hơn, có tiêu chí tuyển chọn ứng cử viên rõ ràng. Như vậy thì mới tạo được niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân.

Theo quy định thì vòng hiệp thương lần thứ nhất đã ra cơ cấu thành phần. Trên cơ sở đó, MTTQ sẽ phân bổ chỉ tiêu về cho các đơn vị để giới thiệu người ra ứng cử. Người tự ứng cử bắt đầu chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tiếp theo sau.

Từ vòng hiệp thương lần thứ nhất đến thứ hai, thứ ba lại quá ngắn, hồ sơ người tự ứng cử không có tổ chức nào giúp đỡ, tự mình chuẩn bị nhiều khi không kịp, nếu là đảng viên tự ứng cử thì còn phải xin ý kiến và phải có sự đồng ý của chi bộ, đảng bộ nên cũng bị hạn chế rất nhiều dù Hiến pháp đã quy định sự bình đẳng trong các thành phần ứng cử.

Do đó, phải tạo điều kiện cho những người không nằm trong cơ cấu thành phần có được các cơ hội và điều kiện đáp ứng để ứng cử một cách bình đẳng ngay từ đầu.

Ngày 16-2, trả lời báo Người Lao Động, ông Trần Hoàng Thám, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kiến nghị giảm 50% đại biểu QH ở các cơ quan hành pháp xuống còn chín người để tăng đại biểu QH chuyên trách, khu vực MTTQ, tổ chức đoàn thể và cơ chế lựa chọn thêm người tự ứng cử.

“Cần khuyến khích người tự ứng cử và phải được thể hiện trong cơ cấu thành phần chứ dự kiến thấy vắng bóng cơ cấu người tự ứng cử. Nếu định ra cơ cấu người tự ứng cử thì sẽ tạo không khí dân chủ, phấn khởi trong nhân dân” - ông nói.

Việc khuyến khích người tự ứng cử nhằm bảo đảm tính dân chủ trong bầu cử là chủ trương của Đảng và là ước nguyện của nhân dân. Sự quan sát của cử tri đối với tiến trình bầu cử rất sát sao, họ sẽ dễ dàng nhận ra nơi nào tiến hành hiệp thương minh bạch, nơi nào dựng lên “hàng rào kỹ thuật” từ khâu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, sàng lọc, tiến hành các vòng hiệp thương.

Một tiến trình sàng lọc nghiêm túc, công bằng và minh bạch sẽ được nhân dân ủng hộ, vì đó là cách đầu tiên để có một “đầu vào tốt” cho một QH và HĐND khóa XIV chất lượng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận