Rong chơi ăn tết xứ người

TRẦN THÁI HOÃN 10/01/2015 02:01 GMT+7

Trong những ngày lang thang xứ người, tôi may mắn được “ăn” nhiều cái tết lạ. Không kể đến Tết Té nước xứ Lào (Bun Pimai) hay Thái (Songkran), những cái tết có một không hai như Diwali xứ Ấn, Nepal, Tết dương lịch ở Sri Lanka, Tết Eid al-Fitr của người Indonesia (ngày đầu tiên sau tháng Ramadan), Tết Chiến thắng miền Bangladesh... để lại ấn tượng khó quên. Mỗi nơi một vẻ nhưng đều đặc sắc và ấm áp tình thân, để vẫn cứ nôn nao mỗi khi tháng đến ngày gần và cũng là động lực để tôi luôn bên gia đình, người thân trong những dịp tết ở quê nhà.


Lễ tết, nhưng đội ngũ rickshaw ở Bangladesh vẫn cần mẫn làm việc  (Thái Hoãn)

Ấm áp Tết Diwali xứ Kathmandu

Diwali, còn gọi “Tết Ánh sáng”, là cái tết làm tôi nhớ nhà nhất, đó là lúc chạm ngõ xứ Kathmandu, Nepal. Lang thang đã lâu, sang đây từ xứ tuyết Tây Tạng, tôi hơi bức bối với cái đông đúc nắng bụi. Chợt một mai sớm thấy trời xanh trong veo, phố phường yên tĩnh và vàng rực trong nắng thu vàng và của đám vạn thọ gợi nhớ “quê xưa tết cũ”, ngập tràn góc chợ, giăng đầy trên phố. Ở các nước có đông người theo Hindu giáo, Diwali là lễ hội tôn giáo quan trọng, nhưng tại Nepal nó nằm giữa lễ hội Tihar và tết năm mới của người Newari nên gom chung là Tết Diwali, tết năm mới - liên tiếp năm ngày vui.

Rất nhiều thứ lạ như việc tôn vinh lũ quạ, đám chó rồi các “cô, cậu” bò theo từng ngày riêng, rất dễ nhận ra với vòng hoa vạn thọ, chúng ngượng nghịu đeo lẫn cái chấm tikar đỏ lét trên trán (trừ lũ quạ hoang đàng). Rồi việc sơn phết, trang trí nhà cửa bằng những ngọn đèn, nến (Tết Ánh sáng) để đón nữ thần Thịnh vượng Lakshmi, các lễ rước, diễu hành trên đường phố sáng choang, có thêm những tranh cát, ngũ cốc nhuộm màu ở các góc phố rộng, bên đền đài trang trí rực rỡ... Kathmandu những ngày đó thật lung linh.

Nhưng, điều tôi thích nhất ở Tết Diwali là ngày lễ cuối Bhai Tika. Đây là ngày người dân dù đi xa cũng xoay xở về nhà bên người thân. Các cô, các chị sẽ nấu những món ngon nhất để đãi cả nhà. Ai nấy đều chuẩn bị những món quà để trao tặng nhau. Sau đó là việc đi thăm hỏi, tặng nhau tiền mới lấy hên, đeo cho nhau những vòng hoa ấm tình, chúc phúc bằng những chấm tikar đỏ sắc. Mời tôi cái bánh chimti hình bông hoa xinh xắn do cô chị khéo tay làm, cậu cử nhân trẻ Aditya với vòng hoa rực rỡ và chấm tikar trên trán hào hứng chia sẻ niềm vui sum họp gia đình ngày tết.

Quan trọng nhất trong Tết Songkran là cuộc diễu hành và tắm tượng Phật bằng nước thơm, cầu mong một mùa mới tốt lành

Tết Chiến thắng mới thật sự quan trọng của người dân Bangladesh. Cuộc chiến tranh đẫm máu đã lấy đi cuộc sống của hơn 3 triệu binh lính, dân lành, 30 triệu người phải lưu lạc... Nên Tết Chiến thắng, mừng ngày độc lập, là ngày tưởng nhớ những người đã nằm xuống cho đất nước đứng lên. Tôi đến Dhaka mà không biết ngày Tết Chiến thắng.

Buổi chiều đó tự nhiên thấy phố phường đèn hoa giăng mắc mới biết ngày mai, 16-12, là ngày Tết Chiến thắng xứ này. Nửa đêm bị đánh thức bởi pháo hoa đì đùng. Chỉ ở khu công thự, tòa nhà chính phủ... mới thấy đèn hoa cờ phướn. Phố cũ tôi ngụ vẫn người bán kẻ mua đông nghịt, hàng triệu chiếc rickshaw cần mẫn rị mọ khắp phố, xe buýt vẫn len người hơn cá mòi trong hộp... Ở khu lăng ba vị lãnh đạo (Mausoleum of three leaders), đông nghẹt người dân tạm gác công việc chơi lễ. Hội chợ chỉ là những chiếc đu quay bằng gỗ, quay bằng sức người mà trẻ em người lớn đều thích thú leo lên. Mọi người đều vui... như tết, những niềm vui đơn sơ. Người Bangladesh ngày thường khá kín đáo nhưng hôm nay rất nồng nhiệt, luôn mời khách lạ thử chơi cùng, mời tận tay những ly trà sữa truyền thống ngọt “khủng hoảng” không thể chối từ...

Tỉ mẩn vẽ tranh cát mừng tết Diwali ở Kathmandu (Thái Hoãn)

Rạng rỡ Songkran

Nằm ở miền cao nguyên bắc Thái, Chiang Mai được ví von là đóa hồng phương bắc vì nhiều thứ. Một trong những kinh đô đầu tiên của Thái Lan từ thế kỷ 12, nơi lưu dấu nhiều di tích Phật giáo (pho tượng Phật ngọc lừng danh), nhiều đền đài mang những nét đặc trưng của các nền văn hóa khác nhau 700-800 năm tuổi, khí hậu mát mẻ, hoa lá nở đua tưng bừng... Và Chiang Mai còn được xem là nơi giữ gìn nếp xưa nhiều nhất đất nước Chùa Vàng với cái Tết Té nước nổi tiếng nhất xứ này, hơn cả Bangkok và các thành phố du lịch nổi tiếng khác.

Songkran, Tết Té nước, đã được nhà nước Thái gút hẳn ba ngày, 13 đến 15-4 hằng năm. Ở Nan, cũng gần Chiang Mai thì tết tới bảy ngày, còn tết của người Mon ở Samut Prakan thì cả tuần sau... Chiang Mai tuân thủ ngày giờ nhưng thú vui té nước đã được trẻ con lẫn người lớn ham vui chơi sớm dăm ngày. Du khách đông đến nỗi khó tìm được phòng nghỉ, tàu xe nếu không đặt sớm. Nhiều hoạt động nhưng lôi cuốn nhất vẫn là những lễ hội cổ truyền.

Từ cuộc thi nhan sắc tìm Nang Sao (hoa khôi Chiang Mai), đến lễ hội chiêu quân tìm hoa vương cho hoa khôi theo tập tục xưa, lễ hẹn hò... đến những cuộc đua tài của các cô, các bà trong việc chưng bày cỗ, sắp đặt lẵng hoa... với những thứ giờ hiếm thấy ở mình như miếng cau, lá trầu têm cánh phụng... đẹp đẽ trang trọng mới thấy sự chan hòa cả công dung ngôn hạnh ở đây.

Sự kiện chính của Tết Té nước là cuộc rước Phật về ngôi chùa thiêng nhất Chiang Mai Wat Phra Singh. Vừa diễu hành, với nước thơm tắm tượng Phật lấy nước phúc ban cho dân lành, cũng là nơi nam thanh nữ tú trong trang phục cổ truyền đẹp mắt biểu diễn những điệu múa truyền thống nền nã... lôi cuốn mọi người tập trung quanh thành xưa Chiang Mai chiêm ngưỡng, té nước và cả xối nước, tạt nước chúc phúc cho nhau.

Té nước, một hoạt động văn hóa địa phương trở thành sự kiện du lịch hấp dẫn (Trần Thái Hoãn)

Không ít lần được mời ghé nhà người bản địa vui tết, ly rượu trắng ấm sực khi lang thang miền quê, lúc là những chai Chang, Shingha nồng nàn thơm nơi phố, bên những món cổ truyền nhưng không thể thiếu xôi dẻo, thịt thơm... và luôn có câu mời ngày mai, ngày mốt năm sau lại ghé lại về. Nên biết sẽ vẫn còn ăn Tết Songkran Chiang Mai dài dài.

Chuyện dọc đường:

Lễ tết không thể thiếu món bánh trứng nướng trong lá chuối người Chiang Mai còn gìn giữ (Thái Hoãn)

Thức ăn Bangladesh thật ra không khó ăn như nhiều người tưởng. Món biryani gà của Bangladesh là món cơm gà ngon được nhiều du khách “chấm điểm”. Nhất là trong mấy ngày lễ tết, thực đơn được làm phong phú hơn, thịt gà thật ngọt, mềm, cay cay với hương càri nhè nhẹ, phủ trên đĩa cơm gạo basmati vàng sậm, óng mượt được nấu bằng nước luộc gà, hành tím, thoảng hương vị là lạ của gia vị vùng Nam Á như nhục đậu khấu, hạt thì là, đinh hương... Bên cạnh món cơm gà, biriyani cừu cũng được khá nhiều người yêu thích. Nhưng vị hăng hăng của thịt cừu vẫn không thể sánh được với những miếng lườn, đùi, đôi khi là những sợi gà xé thơm ngon của biriyani gà.

Còn ở Tết Té nước Chiang Mai, du khách không thể bỏ qua món ngon nổi tiếng: xôi xoài. Xoài Chiang Mai (không phải loại xoài Thái xanh hay bán ở Việt Nam) không thơm ngon bằng xoài cát Việt. Nhưng sự phối hợp giữa xôi Thái dẻo ngọt, nước cốt dừa béo béo thơm thơm, nêm nếm tí đường tí muối ngòn ngọt măn mẳn và miếng xoài ngọt cắn ngập răng vương vấn tí vị chua, lác đác mấy hạt mè hay đậu phộng giòn thơm... rất lôi cuốn. Nên kiếm các hàng quán bình dân vẫn giữ nguyên cách ngâm nếp qua đêm, đồ xôi truyền thống với chõ tre và hơi nước thay vì một số nhà hàng nấu nếp bằng nồi cơm điện. Hạt xôi chín dẻo quẹo nhưng không dính tay, như những hạt ngọc nhỏ trong veo bên lớp nước cốt dừa trắng sữa sóng sánh, mấy lát xoài vàng ươm, điểm lấm tấm khi mấy hạt đậu xanh rang lúc mấy hạt mè, đậu phộng vàng rụm... như một bản giao hưởng thực phẩm tuyệt đẹp trong chiếc đĩa bé xinh.

Thái Hoãn

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận