Quả cam vẫn lăn

PHAN LÊ 29/11/2012 03:11 GMT+7

TTCT - Hổm rày báo chí ta thán cam sành Hà Giang phải hái non bán sớm đặng khỏi bị rớt giá thảm hại do cam từ bên Trung Quốc giả dạng tràn sang. Thời buổi “người ngay sợ kẻ gian”, thật chua!

Nếu có bắc thang lên hỏi đâu đó, không chừng được nghe khuyên trước khi mua cam phải hỏi thật cẩn thận coi hàng có chính chủ hay không. Giá quả cam biết nói năng thì đỡ biết mấy.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Rủi là vì cánh cửa buôn bán không thể nào khép bên mình mà mở bên người, nên khi cửa rộng mở cho cả hai bên “nhào dzô” bán bán buôn buôn thì từ ông nông dân, ông tiểu thương cho đến ông chính quyền đều phải rành sáu câu về vụ ngụy trang lừa người như vậy. Nhất là ông chính quyền, vì ông còn yếu kém và lúng túng thiếu kinh nghiệm che chở cho nông dân trước những biến cố như vậy lắm.

Thôi cứ bắt đầu từ ông nông dân đến ông kinh doanh. Thế giới mở cửa cũng có nghĩa là người trồng cam ở Hà Giang có thể bán hàng ở Nhật hay Mỹ, bán cam tươi sang Anh hay cam hộp sang Đức, hoặc cam giống sang châu Phi, ví dụ vậy. Đóng hộp hoặc chế biến thành hàng khô hay vô chai là cách đơn giản nhất để kéo lùi thời gian tiêu thụ sang mùa khác, bảo đảm giá thành sản phẩm ổn định quanh năm, bất chấp mấy thằng giả mạo. Tìm hệ thống siêu thị bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ khi cây mới ra hoa, hay mở trang mạng bán hàng trực tiếp trên Internet cũng là những cách ông nông dân và ông doanh nghiệp có thể “canh ty” đặng tăng kèo lợi nhuận cho cả đôi.

Rồi ông chính quyền có thể giúp hai ông nói trên đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để bảo vệ danh tiếng quả cam thứ thiệt. Ông chính quyền cấp to hơn nghiên cứu chơi nhuần nhuyễn mấy bài hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ người nhà, ngăn người ngoài vào phá giá, hoặc quảng cáo quốc tế chuyên nghiệp về những dòng sản phẩm “made in Vietnam” xịn của quả cam sành Hà Giang.

Tham gia cuộc chơi này rất cần mấy ông “kính trắng trí thức”, vì thấy vụ tiếp cận thực tế giúp giải bài toán cụ thể cho từng hộ gia đình nông dân trồng cam này coi bộ vẫn sơ sài lắm. Đã có ai sẵn sàng bỏ công sức và thời gian lên Hà Giang vài ngày, vài tuần để ngâm cứu vụ trồng cam, hái cam này, thử đề ra vài giải pháp, cùng tham gia tháo gỡ khó khăn giúp đồng bào hay đồng hương?

Tham khảo xứ người tí chút, thấy đó không chỉ là chuyện giới nghiên cứu phải làm mà còn là lối sống có trách nhiệm mà giới trẻ ở các nước trên thế giới đang thực hiện. Ví dụ như khi thấy nông dân trồng cà phê ở các nước nghèo bị thiệt thòi, họ lập ra hội mua bán công bằng (fairtrade) rồi vận động bạn bè chỉ uống cà phê ở những nơi cam kết mua nguyên liệu từ gốc và không chơi trò ép giá nông dân nghèo.

Loại nho phế phẩm không thể ngâm rượu được người dân Modena nước Ý đem ra làm giấm, nhưng nhờ xây dựng thương hiệu mà một chai giấm của họ mắc hơn một chai rượu vang Pháp. Hay là kinh nghiệm của rượu nho Úc có năm được mùa một chai rượu giá còn rẻ hơn một chai nước, và các hầm rượu phải nghĩ ra nhiều biện pháp tình thế để xoay chuyển tình hình.

Thử tưởng tượng một nhóm thanh niên vận động người tiêu dùng chỉ mua cam chính gốc Hà Giang đâu có khó thực hiện. Sẵn phong trào “phượt”, ta “phượt” một cách khác lạ một chuyến, với logo quả cam dán trên môtô, chạy trực chỉ quốc lộ 2 lên vùng cao! Những chuyện như tìm nơi tiêu thụ, tiếp thị, quảng cáo, hợp đồng mua trả trước và bao tiêu là đề tài rất thú vị cho các luận văn cử nhân và thạc sĩ trong nhiều ngành học, hay là đề tài thực tập cho cả một lớp hay một khóa học liên ngành.

Sinh viên các ngành xã hội và truyền thông cũng có thể đóng góp rất nhiều qua nghiên cứu và hoạt động nâng cao giá trị xã hội của sản phẩm giúp cho nhãn hiệu cam Hà Giang tăng giá. Thậm chí một sinh viên ngành tiếng Anh hay tiếng Hoa cũng có thể giúp ích bằng cách điểm mặt chỉ tên xem quả cam đội lốt cam Hà Giang từ đâu mà ra, nó tròn méo vàng đỏ chua ngọt thế nào, đặng một bà nội trợ muốn bổ sung vitamin cho gia đình yêu dấu không lẫn lộn “yêu lầm tướng cướp”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận