Phòng C1, khoa nội, Bệnh viện Y học cổ truyền

LÊ NGỌC HẠNH (BÌNH DƯƠNG) 11/05/2014 08:05 GMT+7

TTCT - Phòng có sáu giường bệnh. Bệnh nhân đều là những người lớn tuổi bị bệnh tai biến. Từ phòng bệnh C2, mỗi ngày tôi hay nhìn sang hai người đàn bà được chăm sóc chu đáo nhất ở phòng C1 bên ấy.

Minh họa: Trương Tiến Trà

Người đàn bà bị bệnh nửa người bên trái nằm ở chiếc giường ngay cửa ra vào, và người đàn bà bị bệnh nửa người bên phải nằm ở chiếc giường sát vách trong cùng.

Người đàn bà bệnh nửa người bên trái có cậu con trai độ ngoài hai mươi tuổi chăm bệnh. Mỗi ngày ba bận, cậu này vừa đi làm vừa tranh thủ chạy ra chạy vào bệnh viện chăm mẹ. Lúc thì tôi thấy cậu đẩy mẹ đi tập vật lý trị liệu, lúc thì xoa bóp tay chân, đến bữa đút cơm rồi chải tóc, lau mình, thay đồ cho mẹ.

Người đàn bà bị bệnh nửa người bên phải thì được chồng và mấy người con thay phiên nhau chăm sóc. Mấy người con cũng chải tóc, lau mình, đút cơm... cho mẹ họ giống như cậu trai kia. Có hôm tôi thấy chồng bà ngồi phía sau chải tóc trong khi con gái ngồi đút cơm cho bà ăn. Tôi nhìn họ mà trong lòng dấy lên niềm xúc động. Tuy đau bệnh nhưng những người đàn bà ấy đều may mắn có được phước phần con cái hiếu thảo!

Một ngày nọ, đến giờ tập vật lý trị liệu, ai nấy đều lấy xe đẩy người thân đi như mọi ngày, tôi thấy cậu trai kia lại tỉnh queo kêu mẹ cậu đi bộ. Người mẹ gắng gượng ngồi dậy và xuống giường một cách khó khăn. Cậu đứng đó chỉ đưa hờ một cánh tay như chờ mẹ cậu ngã sẽ đỡ chứ không giúp.

Tôi nghe giọng cậu cứng rắn: “Hôm nay con sẽ dìu mẹ đi, mẹ cố lên đừng có sợ ngã nhe!”. Người mẹ nhìn con trai một hồi rồi chậm rãi một cách khó nhọc những bước chân yếu ớt đầu tiên từ sau hơn một tuần nhập viện.

Buổi trưa nọ, cậu trai mang vào một chiếc bánh đa, bẻ ra thành những mẩu nhỏ. Tôi thấy mẹ cậu vừa định dùng cánh tay khỏe để cầm bánh ăn thì cậu liền gạt qua, bắt bà phải dùng cánh tay bệnh. Nhiều lần, cánh tay yếu ớt của mẹ cậu cầm miếng bánh bé tí đưa lên gần đến miệng lại rơi xuống giường làm mọi người cùng phòng cười ồ lên.

Có người nóng ruột trách: “Cái thằng sao mà ác, thấy vậy mà coi được”. Cậu ngồi cạnh đó chỉ nhìn nhưng không giúp, chỉ cứ một câu vừa cười, vừa dỗ: “Mẹ cố lên đi, miếng bánh bé tí, nhẹ hều hà!”.

Từ sau hôm mẹ cậu tự cầm được mấy mẩu bánh đa ăn, đến bữa tôi không còn thấy cậu đút cơm cho mẹ nữa. Đến bữa bày cơm ra, cầm chiếc muỗng nhựa đưa mẹ, cậu bảo: “Bữa nay mẹ tự múc ăn nhe!”, bởi vậy nên bữa ăn nào cơm, canh cũng văng tung tóe. Cậu chỉ lặng thinh cặm cụi lau dọn.

Mấy người cùng phòng lại phàn nàn bảo cậu nuôi bệnh kiểu kỳ cục. Mấy người con của người đàn bà nằm chiếc giường sát vách vừa đút cơm cho mẹ, vừa ném những ánh nhìn không mấy thiện cảm về phía cậu. Vậy mà tôi thấy cậu vẫn bình thản như không!

Buổi chiều, ngồi nơi ghế đá ngoài hành lang tôi hỏi chuyện. Cậu trai tâm sự: “Người già nào cũng sợ nhất bệnh nằm một chỗ, làm cực thân con cái chị à! Em có thể dìu mẹ đi đến hết quãng đời còn lại, có thể đút mẹ ăn đến tận khi mẹ trút hơi thở cuối cùng, nhưng hạnh phúc nhất vẫn là khi được nhìn mẹ khỏe mạnh còn đi được, ăn được như mọi ngày! Mỗi lần đút mẹ ăn là mỗi lần em đau lòng lắm. Nhưng em biết em đau một thì mẹ em đau đến mười. Đâu có ai lại muốn nhìn người thân yêu của mình đang tồn tại như một người... thực vật đâu hở chị?”.

Hôm soạn đồ đạc chuẩn bị đưa mẹ xuất viện, vị bác sĩ đến xoa đầu cậu khen: “Giỏi lắm! Bà cụ được như vầy cũng là nhờ một phần con trai biết cách chăm bệnh. Cố gắng lên nhé!”. Những ánh mắt trong phòng đổ về phía cậu. Có tiếng ai đó bảo: “Cái thằng coi lầm lầm lì lì vậy mà giỏi quá chừng!”.

Người đàn bà bị bệnh nửa người bên phải vẫn được chồng và mấy người con thay phiên nhau chải tóc, đút cơm mỗi ngày...

Tôi nhìn theo dáng hai mẹ con họ đến tận cuối dãy hành lang. Hai vai cậu nhỏ mang đầy balô, túi xách, tay xách lỉnh kỉnh đủ thứ đồ. Người mẹ đi bên cạnh bước cao bước thấp nhưng vẻ đã cứng cáp hơn so với mọi ngày...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận