"Nữ chúa" rừng Lạc Dương

TỐ OANH 08/01/2006 01:01 GMT+7

TTCN - Năm đời nam hạt trưởng Hạt Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng bị thay đổi liên tục vì một số tắc trách đã khiến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng bổ nhiệm Trịnh Thị Truyền làm hạt trưởng.

Phóng to
Hết giờ làm việc chị lại là người vợ, người mẹ đảm đang với mảnh vườn nhà
TTCN - Năm đời nam hạt trưởng Hạt Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng bị thay đổi liên tục vì một số tắc trách đã khiến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng bổ nhiệm Trịnh Thị Truyền làm hạt trưởng.

“Hàng quí hiếm của chúng tôi đấy!” - ông Phạm Văn Án, giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh, tự hào nói về chị như vậy. Mà không hiếm sao được khi cả nước chỉ có hai nữ kiểm lâm giữ chức hạt trưởng!

Trịnh Thị Truyền bắt đầu công việc nguy hiểm khi được tuyển vào đội tuần tra lưu động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng năm 1987 (trước đó chị làm ở bộ phận văn thư, kế toán). Đội gồm sáu thành viên tinh nhuệ, chỉ có Truyền là nữ. Chị phụ trách khâu lập biên bản, lấy lời khai, tham mưu đề xuất xử phạt các vụ vi phạm. Đây cũng là giai đoạn những cánh rừng ở Lâm Đồng bị lâm tặc tàn phá dữ dội nhất. Có những vụ khai thác trái phép đến hàng trăm mét khối gỗ. Không chỉ dân phá rừng mà rất nhiều vụ còn có người của nhà nước tham gia.

Công việc thường diễn ra lúc nửa đêm, nhận được tin báo phá rừng là chị lại rón rén rời các con nhỏ đang ngủ say để cùng đồng đội lên đường. Mỗi đợt truy quét đi 5-7 ngày, chị và đồng nghiệp như những người lính, cũng súng, tăng võng, nồi niêu... lặn lội trong rừng. Ăn một nơi, ngủ một nơi, làm việc một nơi, tính mạng nhiều khi bị đe dọa.

Ngoài những yếu tố nghiệp vụ như đi rừng giỏi, thông thạo địa bàn, biết xử lý tình huống, sức khỏe tốt... thì một yếu tố quan trọng để được tuyển chọn vào đội tuần tra là tính trung thực. Do vậy công việc của đội mang tính đặc thù: người thương thì ít mà ghét thì nhiều! Sự nguy hiểm đến tính mạng luôn diễn ra ở bất cứ lúc nào: khi rượt theo lâm tặc, những trận đụng độ bị lâm tặc kháng cự...

Đội trưởng Đinh Ngọc Lý ba lần bị chặn đường hù dọa, có lần lâm tặc còn hỏi thẳng: “Nhà ông có thể chứa bao nhiêu ký thuốc nổ?”. Cánh lâm tặc đã đưa chị Truyền và người đội trưởng vào tầm ngắm, tuyên "án tử hình" vắng mặt. Một hôm trời nhá nhem tối, xe tuần tra của đội đang trở về TP Đà Lạt đến vùng Định An thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng phát hiện mấy xe chở gỗ.

Đây là điểm nóng khai thác gỗ trái phép ở cửa ngõ Đà Lạt. Đội rượt theo thì xe quẹo vào ngõ cụt, nơi lãnh địa riêng cả trăm người nhập cư đang tiến hành xẻ gỗ. Họ vây lấy xe, dùng dao đâm thủng bánh xe, bôi bùn đất lên kính xe, đòi giao nộp Lý và Truyền.

Phát súng chỉ thiên của anh công an kinh tế trên xe chẳng những không giải vây được mà còn tăng thêm sự hung hãn: “Thằng nào bắn, lôi cổ nó ra, đánh chết nó đi!”. Lý ngồi yên trên xe, vài người xuống xe hòa trộn vào đám đông rồi một người lẻn ra đường quốc lộ báo tin về chi cục tăng cường lực lượng, cả đội mới được giải thoát.

Mỗi lần đến trại giam lấy lời khai của lâm tặc, chị lại bỏ tiền túi mua ít bánh mì, vài gói thuốc lá rẻ tiền để tặng họ vì “thật ra chỉ toàn người nghèo làm công vì miếng cơm manh áo, còn những tên đầu nậu rất hiếm khi tóm được”. Chị cho biết: “Đối tượng khó lấy lời khai nhất là người nhà của những người có chức có quyền, họ thường ỷ thân ỷ thế”.

Năm 1990, chị chuyển về phòng nghiệp vụ của chi cục phụ trách bộ phận pháp chế thanh tra chuyên kiểm tra và đề xuất xử lý những vụ khai thác rừng trái phép. “Ai vào ngành kiểm lâm cũng vậy. Tình yêu nghề bắt đầu từ yêu rừng, yêu thiên nhiên. Chỉ cần một cây bị hạ vô cớ cũng thấy lòng đau quặn thắt”, và cách để chị kiên định lập trường là: “Dặn lòng phải sống xứng với màu áo kiểm lâm khoác trên người. Không bao giờ cầm tiền của người ta dù bất kỳ tình huống nào”.

Trong biên bản hiệp thương thống nhất giữa Huyện ủy, UBND huyện Lạc Dương và chi cục ngày 15-7-1993 về việc bổ nhiệm cán bộ hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lạc Dương có đến bốn ứng cử viên, trong đó cũng chỉ có Truyền là nữ. Và chị đã được lựa chọn. Ông Phạm Văn Án tiết lộ: “Núi Lang Biang còn có tên là núi Bà, chúng tôi hơi dị đoan nên để một phụ nữ trấn giữ xem sao. 12 năm qua tôi rất mừng và tự hào vì Truyền đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin cậy của những người tiến cử chị năm xưa”.

“Nữ tướng rừng xanh” hay “Người đàn bà thép” là những danh hiệu mọi người dành cho Truyền bởi tính cương trực, quyết đoán của nữ hạt trưởng. Truyền kể: “Mới đầu nhận nhiệm vụ cũng lo lắm, mình vừa trẻ, vừa là phụ nữ. Hơn nữa cánh cộng sự nam hay có thái độ xem thường sếp nữ”.

Sau khi nhậm chức, chị bỏ ra sáu tháng để chỉnh đốn lại đội ngũ từ giờ giấc đến phong cách làm việc. Anh Vũ Ngọc Lân, hiện là phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, tâm sự: “Tôi làm việc ở Hạt Lạc Dương có bốn năm mà đã thay đến ba đời hạt trưởng. Thú thật khi sếp nữ về chúng tôi như bị đảo lộn 180 độ. Chị “siết” lính chặt đến độ tụi tôi tuyên bố: “Làm việc với chị có ngày đứt dây thần kinh”.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn chúng tôi hiểu nhau và trở thành một tập thể thân thiết. Tôi học được rất nhiều ở chị, từ những nguyên tắc làm việc đến bản lĩnh của người lãnh đạo. Chị thẳng thắn và cứng rắn còn hơn đàn ông”.

Phóng to
Nữ hạt trưởng Trịnh Thị Truyền trong một chuyến tuần tra
Còn chị thì: “Thấy cái sai của thuộc cấp không nên bỏ qua, nhưng cách xử lý của mình là giáo dục chứ không trừng phạt. Sử dụng người đúng năng lực sở trường mới kích thích anh em vì công việc kiểm lâm rất cực khổ, đồng lương lại thấp, sự cám dỗ lại cận kề, rất dễ bị sa ngã”. Anh Nguyễn Văn Thơm, nhân viên của hạt, cười: “Sếp của chúng tôi thú vị vậy đó. Nhiều lúc đi ăn đám cưới không kịp thay đồ, bận luôn đồng phục kiểm lâm tới mới ngầu”.

Huyện Lạc Dương có mật độ rừng che phủ đến 87% (cao nhất nước), lại là rừng đặc dụng và phòng hộ xung yếu đầu nguồn. Trách nhiệm đặt nặng lên vai hạt trưởng là nguy cơ cháy rừng. Mùa khô 1997-1998, cùng với đợt cháy rừng lớn ở Cà Mau thì rừng Lạc Dương cũng bị cháy dữ dội. Lửa luồn trong rừng như con rồng khổng lồ.

Chị kể: “Cả tuần lễ giáp mặt với hơi nóng hừng hực, đâu có đường xe vào phải huy động hàng trăm dân chữa cháy, cắt rừng thành đám để chữa (phân loại theo ưu tiên rừng non, rừng trồng và rừng tự nhiên), phải quyết đoán dùng biện pháp nào”. 30 tết năm rồi chị mới bày mâm cơm cúng ông bà thì rừng lại cháy.

Khi con đường 723 nối biển Khánh Hòa với Đà Lạt đi ngang qua Lạc Dương thì giá đất tăng vọt, rừng bị lấn chiếm càng nhiều. Lâu năm sống với đồng bào thiểu số chị rút ra kinh nghiệm: “Xử phạt không hiệu quả, biện pháp vận động là chính, tác động từ cấp chính quyền địa phương đến trưởng thôn, già làng”. Cũng thế mà lịch làm việc của chị cứ chật cứng. Hết đi kiểm tra rừng, phòng cháy rừng, gỡ bẫy thú... lại quay sang vận động, tuyên truyền phòng chống phá rừng với các thôn xã.

Ai đến rừng Lạc Dương cũng ngán câu cửa miệng: “Ruồi vàng, ve chó, gió Lạc Dương”. Chị vén tay áo để lộ những vết thương sưng vù do ruồi vàng cắn cả tháng chưa lành. Sau giờ ở rừng, chị lại lui cui chăm sóc mảnh vườn của gia đình.

Hễ nghe tin có người quen đi Sài Gòn là chị lại đốt than quạt lửa, giã thịt làm chà bông, gói từng bịch sữa, ống kem đánh răng, bánh xà phòng... gửi cho hai con gái đang học và làm việc xa nhà. Hồng Vân - cô con gái giữa của chị - bộc bạch: “Mỗi lần tôi yếu đuối muốn đầu hàng cuộc sống này thì mẹ lại đứng bên tôi với sự cứng rắn, cương nghị để giúp tôi vượt qua thử thách. Mẹ tôi là vậy đó”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận