Nỗi niềm Phước Thiện 

TRẦN MAI 02/03/2016 18:03 GMT+7

TTCT - Khi các chuyên gia đầu ngành y tế kết luận thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) xếp thứ tám trong số 37 làng ung thư ở Việt Nam, người dân nơi đây thật sự lo lắng và đã có người có ý định rời làng để xua đi nỗi ám ảnh về căn bệnh quái ác này...

Phước Thiện có thêm nghề mới - nghề bán nước - kể từ khi căn bệnh ung thư xuất hiện và hoành hành ở làng chài nhỏ bé này -Trần Mai
Phước Thiện có thêm nghề mới - nghề bán nước - kể từ khi căn bệnh ung thư xuất hiện và hoành hành ở làng chài nhỏ bé này -Trần Mai


Thôn Phước Thiện nằm trên một doi đất hình cánh cung ôm lấy biển. Từ ngày có người chết vì bệnh ung thư rồi con số này gia tăng theo từng năm, cuộc sống bao đời bình yên ở làng chài ven biển này trở nên hoang mang.

Ngay từ đầu thôn đã có một trại hòm lớn, cách đó không xa là dịch vụ mai táng người quá cố trọn gói. Một người dân nói vui: “Ở đây nghề bán quan tài, lo mai táng làm ăn được lắm. Nếu có vốn tui cũng mở một tiệm”.

Nỗi ám ảnh ung thư

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư mà nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.

(Số liệu của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - môi trường)

Ông Đặng Thế Mỹ, trưởng thôn Phước Thiện, dẫn chúng tôi băng qua những con đường quanh co nhà cửa san sát dọc thôn. Thú thật, nếu không có ông dẫn đường, có lẽ chúng tôi sẽ không biết đường ra bởi những con đường chằng chịt như mạng nhện, rác nhầy nhụa ra tới tận bờ biển.

Vừa đi, ông Mỹ vừa giải thích: “Ngày xưa Phước Thiện chỉ có vài trăm nóc nhà, dân số chưa đến 2.000 người. Với quan niệm “đẻ cho đủ đội thuyền” nên nhà nào cũng đua nhau đẻ. Cái vòng luẩn quẩn đẻ, tách hộ, ra riêng... cứ đeo bám họ bao đời nay.

Chỉ cần một miếng đất trống cũng thành nhà, từ bờ biển lên đến tận đỉnh đồi chỉ toàn nhà với nhà. Giờ Phước Thiện có hơn 6.000 người, nhà cửa còn nhiều hơn thành phố”.

Lội qua nhiều ngõ nhỏ quanh co, chúng tôi ghé nhà ông Tu Đình Nhựt, 53 tuổi, vừa mất cách đây vài ngày vì căn bệnh ung thư lưỡi.

Trước khi ông Nhựt mất vài tuần, người thân phải lên xã xin giấy tờ mua thuốc giảm đau loại mạnh về tiêm để duy trì sự sống cho ông ngày nào hay ngày đó. Cách nhà ông Nhựt không xa là nhà ông Lê Đắc Hòa vừa chết vì ung thư phổi.

Cũng ngày hôm ấy có thêm một người nữa trong thôn chết vì ung thư gan. Ông Mỹ cho biết cái chức trưởng thôn Phước Thiện trước đây ông Hòa nắm giữ. “Đang khỏe mạnh, nghe đau trong người đi khám thì phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Ổng sống thêm được ba tháng thì qua đời” - ông Mỹ trầm ngâm.

Vào tháng 2-2015, một đồng nghiệp ở TP.HCM là người thôn Phước Thiện dẫn chúng tôi đến thăm ông Phạm Văn Bình và bà Phạm Thị Nhơn sau khi viếng tang em Nguyễn Hồng Điền (15 tuổi) chết vì ung thư máu. Hôm trở lại Phước Thiện, căn bệnh ung thư dạ dày của hai anh em ông Bình, bà Nhơn đã chuyển biến nặng và đang phải hóa trị ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Ông Cao Ba đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Những người hàng xóm tốt bụng thay nhau chăm nom nhưng chẳng ai dám cho ông biết bệnh tình của ông  -Trần Mai
Ông Cao Ba đang chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Những người hàng xóm tốt bụng thay nhau chăm nom nhưng chẳng ai dám cho ông biết bệnh tình của ông -Trần Mai

 

Ở thôn Phước Thiện mười mấy năm qua lúc nào cũng có những người gồng mình trong những ngày tháng đau đớn vì ung thư. Theo thống kê của trạm y tế xã Bình Hải, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Phước Thiện có khoảng tám người chết vì ung thư. Hiện nay thôn có bảy người đang mắc bệnh trong đau đớn, sự sống tính từng ngày.

“Con số này chỉ là những người đã phát hiện bệnh, nếu khám cho cả làng chắc chắn sẽ nhiều hơn” - bà Hòa, trạm trưởng trạm y tế xã Bình Hải, cho biết. Ông lão cụt chân tên Cao Ba là một trong số đó. Bà Huỳnh Thị Học, hàng xóm của ông Ba, ngày nào cũng qua lo cơm nước và trò chuyện với ông lão sống một mình trong căn nhà vắng.

Mẹ ông Ba vừa chết vì bệnh ung thư cách đây nửa năm, giờ tới lượt ông chống chọi với căn bệnh vô phương cứu chữa này. “Chẳng ai dám nói cho ổng biết bệnh, mỗi lần đau lại cho uống thuốc giảm đau. Sợ nói ra ổng suy sụp lại chết sớm như mấy người trong làng” - bà Học thở dài.

Đường làng Phước Thiện nhầy nhụa và chật hẹp -Trần Mai
Đường làng Phước Thiện nhầy nhụa và chật hẹp -Trần Mai

 

Cả làng đi mua nước

Từ ngày thôn Phước Thiện có nhiều người chết vì bệnh ung thư, người dân nơi đây sống cùng nỗi lo lắng thường trực bởi chẳng biết ai sẽ là người tiếp theo. Cũng chẳng ai nhớ có bao nhiêu đoàn đến thôn Phước Thiện thống kê số người chết vì ung thư, kiểm tra môi trường sống để tìm nguyên nhân.

Mới đây, những chuyên gia đầu ngành về nguồn nước, môi trường thuộc “Dự án điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam” do Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì đã ghé về Phước Thiện. Kết quả kiểm định cho thấy nguồn nước ở Phước Thiện có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép, xếp thứ tám trong số 10 làng ung thư ở Việt Nam có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất.

Thông tin trên khiến người dân Phước Thiện càng thêm hoang mang, lo sợ. Từ bao đời nay, người dân vẫn phải xài duy nhất nguồn nước được bơm lên từ giếng khoan mà chỉ cần để qua một đêm trở màu trắng đục, lợn cợn để ăn uống, tắm giặt. Người dân Phước Thiện vốn nghèo khổ giờ đây phải chắt bóp từng đồng để mua nước.

Theo ông Nguyễn Tấn Đức - giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, sự xuất hiện và tăng nhanh của căn bệnh ung thư ở Phước Thiện đã diễn ra nhiều năm qua. Ngành y tế luôn theo dõi sát sao diễn biến, đồng thời thống kê từng trường hợp cụ thể để có những đánh giá, can thiệp kịp thời đối với căn bệnh hiểm nghèo này. Để phòng ngừa chung, ngành y tế địa phương khuyến cáo người dân nên sử dụng nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra sức khỏe định kỳ...

Giếng nhà bà Tha nằm trên đỉnh đồi cao nhất ở thôn Phước Thiện, là nơi được người dân gửi trọn niềm tin bởi Viện Pasteur TP.HCM đã kiểm nghiệm và chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Nhu cầu sử dụng quá lớn khiến cái giếng sâu cả chục mét luôn trong tình trạng thiếu nước.

Để phục vụ người dân, ông Tiêu Vườn - chủ giếng nước - đã mua một máy bơm công suất lớn và một bồn chứa hàng ngàn lít. Nửa đêm ông phải tranh thủ dậy bơm đầy bồn để phục vụ bà con. Vậy mà cung không đủ cầu, giếng luôn trong tình trạng trơ đáy.

Hôm chúng tôi đến Phước Thiện lúc 13g chiều, người dân trong làng đang í ới gọi nhau đi mua nước. Bốn, năm chiếc xe bồn tự chế chạy chầm chậm qua từng con ngõ nhỏ. Công việc cực nhọc nhưng đắt đỏ này đã thành kế sinh nhai cho gần chục hộ gia đình ở thôn Phước Thiện. Bà Nguyễn Thị Bi, 67 tuổi, cùng với con trai và con dâu làm nghề này ngót nghét chục năm.

Bà Bi cho biết thời gian đó số người chết vì bệnh ung thư tăng bất thường, những giếng nước trong thôn chẳng ai dám dùng. Thế là người ta đổ xô đi lấy nước ở giếng bà Tha, ai không có thời gian thì nhờ bà đi lấy giùm rồi trả tiền.

“Gia đình tôi có ba xe bồn nhưng không thể cung cấp nước cho hết người dân trong thôn. Mỗi can 30 lít tôi bán 5.000 đồng, trừ tiền mua nước thì mỗi bồn 300 lít kiếm được 30.000 đồng. Nói thiệt với chú, tôi làm không hẳn vì tiền đâu, chủ yếu là cung cấp nước sạch cho bà con uống đỡ lo bị bệnh thôi” - bà Bi nói.

Ông Mỹ tâm sự, nỗi day dứt, quan tâm lớn nhất của ông là đấu nối một đường ống dẫn nước sạch về cho người dân trong thôn sử dụng. “Trước đây chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư cho Phước Thiện một đường ống dẫn nước về thôn.

Nhưng vì địa hình phức tạp nên đường ống chính chỉ vào đến đầu thôn rồi dừng lại, để lâu ngày hư hỏng hết. Tôi sẽ đề nghị UBND xã làm việc với Trung tâm cung cấp nước vệ sinh an toàn tỉnh và vận động người dân góp tiền tự bắc đường ống dẫn nước vào nhà. Hiện bà con đóng góp được 380 triệu đồng rồi, dự kiến đến cuối năm nay sẽ thoát khỏi cảnh mua nước giếng như hiện nay” - ông Mỹ tâm sự.

Chính quyền xã Bình Hải cũng đau đầu vì căn bệnh ung thư ở thôn Phước Thiện. Nhiều đời lãnh đạo đã làm đủ mọi cách để giảm thiểu sự hoành hành của căn bệnh ung thư nhưng đành bất lực.

Ông Nguyễn Văn Hai, phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết có thể do địa bàn chật hẹp, trong khi dân cư lại quá đông, môi trường, nguồn nước ô nhiễm nặng là những nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát bệnh ung thư. Mỗi lần nghe có người chết vì ung thư ở Phước Thiện, chính quyền địa phương lại cử người xuống thăm viếng. “Trung bình hơn một tháng lại phải tiễn đưa một người. Ám ảnh lắm!” - ông Hai nói.

Ông Võ Đình Trà, chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho rằng việc người dân thôn Phước Thiện bị ung thư với số lượng tăng hằng năm đã được ghi nhận, tuy nhiên chưa có cơ quan chuyên môn nào đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất thường này. Về nguồn nước ô nhiễm, chính quyền huyện Bình Sơn đã giao cho UBND xã Bình Hải nghiên cứu và có báo cáo cụ thể lên huyện để tìm nguồn vốn, sớm xây dựng nguồn cấp nước sạch cho người dân sử dụng.■

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận