Những tàng thư Chăm

HUỲNH VĂN MỸ 21/12/2003 20:12 GMT+7

TTCN - Sách là một trong những vật phẩm văn hóa thiết yếu của người Chăm, bởi dân tộc Chăm có chữ viết từ lâu đời. Theo ông Thập Liên Trưởng, chuyên gia ngôn ngữ của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tại Ninh Thuận, chỉ tính riêng nguồn thư tịch được viết bằng chữ Akhan thrah - chữ Chăm hiện đại, đã thoát khỏi vỏ bọc của chữ Phạn, được sử dụng phổ biến từ đầu thế kỷ 17 - mà ông tiếp cận được đã lên đến 305 bản (cuốn).

Phóng to
TTCN - Sách là một trong những vật phẩm văn hóa thiết yếu của người Chăm, bởi dân tộc Chăm có chữ viết từ lâu đời. Theo ông Thập Liên Trưởng, chuyên gia ngôn ngữ của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tại Ninh Thuận, chỉ tính riêng nguồn thư tịch được viết bằng chữ Akhan thrah - chữ Chăm hiện đại, đã thoát khỏi vỏ bọc của chữ Phạn, được sử dụng phổ biến từ đầu thế kỷ 17 - mà ông tiếp cận được đã lên đến 305 bản (cuốn).

Diện mạo sách xưa

Được viết bằng tay, với độ tuổi từ trên 200 năm trở xuống, sách cổ của người Chăm bản mỏng nhất chỉ vài trang, bản dày nhất lên đến chừng vài trăm trang. Người Chăm xưa dùng lá buông vốn có rất nhiều ở các vùng rừng của địa phương làm giấy. Bìa sách là hai mảnh gỗ mỏng, đục lỗ để xỏ chỉ buộc xuyên qua những trang sách. Số thư tịch được viết trên lá buông đều khá dày, trong đó loại thường gặp nhất là kinh Bàlamôn (nên kinh Bàlamôn được gọi là gar, vì lá buông gọi theo tiếng Chăm là hala gar).

Kinh sách Bàlamôn được truyền giữ cẩn thận từ đời này sang đời khác, bởi vậy đây cũng là loại tàng thư còn lưu lại nhiều nhất. Ngoài lá buông, người Chăm xưa còn ghi chép trên giấy làm từ vỏ cây bồ đề có màu trắng đục, dày và dai, trơn mặt, ít thấm nước. Người Chăm nay không còn ai biết nghề làm giấy, nhưng theo nhà nghiên cứu người Nhật Sakamoto khi đến Ninh Thuận vào năm 2000 để tìm hiểu về thư tịch cổ Chăm thì đây chính là loại giấy do người Chăm xưa chế tác.

Phóng to
Ông Thập Liên Trưởng ghi vào "tàng thư mới" của mình một số nội dung ông đọc được từ một cổ thư
Người Raglai được xem là “người anh em thân thiết” của người Chăm bởi tiếng nói hai bên khá tương đồng, tuy họ không có văn tự nhưng lại biết làm giấy, có lẽ do đã học được cách làm giấy của người Chăm. Giấy dày làm từ vỏ cây do người Raglai sản xuất là một thứ hàng hóa để trao đổi với người Chăm trong vùng thời bấy giờ. Còn giấy mỏng được người Chăm xưa mua của người Trung Quốc. Vải cũng là sản phẩm được người Chăm xưa dùng để viết thay giấy cho những yêu cầu đặc biệt.

Mực dùng viết trên lá buông, trên các loại giấy Chăm, giấy Tàu được chế từ vỏ cây akuh (gõ trắng) rất tốt vì chóng khô, đen đậm, không lem, không bay màu. Bút thường có ngòi bằng kim loại, và vẫn có loại bút dùng que tre chuốt nhọn đầu thay ngòi.

Trong trang sách cổ

Phóng to
Những thư tịch cổ Chăm được mua lại của các chủ sở hữu để trưng bày để Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm: hàng dựng bên trên là thư tịch viết trên là buông, có bìa bằng mảnh gỗ, hàng dưới là thư tịch viết trên giấy
Khảo sát khá nhiều những tàng thư Chăm cổ, ông Thập Liên Trưởng cho rằng đặc điểm dễ nhận thấy của những thư tịch này là không bao giờ trong một cuốn - dù là rất mỏng - lại chỉ nói về một đề tài, một vấn đề. Có lẽ chấp bút - lập ngôn là việc làm thường xuyên của những con người sống nặng về tâm linh, luôn mong muốn gieo trồng, truyền thụ cho lớp sau những tinh hoa, tri thức nên họ đã viết khá nhiều vấn đề, đề tài khác nhau trong cùng một cuốn sách. Chỉ trong một bản sách mỏng dăm bảy trang, bên cạnh những ghi chép hướng dẫn nghi lễ (tôn giáo), người ta còn đọc được ở đó một bài thơ, một lời chúc phúc, vài ý tưởng, quan điểm tôn giáo, triết học...

Những nội dung chứa đựng trong một cuốn sách cả trăm trang còn giàu có, phong phú hơn nhiều. Có thể xem thư tịch cổ Chăm là một loại “bách khoa thư”: kinh luật, văn học, hướng dẫn nghi lễ, hành chính, triết học, những bài tụng ca, lịch pháp, thiên văn, phong thủy, âm nhạc, y - dược học, pháp thuật, tử vi - bói toán, gia huấn ca, khoa học thường thức...

Theo ông Sử Văn Ngọc - chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, phần lớn nội dung nơi những tàng thư này vẫn có một giá trị văn hóa, tinh thần rất lớn với cộng đồng người Chăm. “Cứ xem những ứng xử của bà con Chăm từ trong gia đình ra ngoài làng nước vẫn còn được duy trì một cách tốt đẹp thì có thể thấy được một phần giá trị của nền tảng văn hóa được lưu trong những trang sách của người xưa”. - ông Ngọc tóm tắt.

Ông Thập Liên Trưởng cho rằng phần hấp dẫn nhất với ông cũng như nhiều người là các lĩnh vực văn học, thiên văn, phong thủy. Cũng theo lời ông, hàng chục năm nay ở nhiều làng Chăm vào những dịp đình đám, hội hè dân làng lại mang những tập thơ xưa ra ngâm đọc, bình chú với tất cả sự say mê.

Số phận những tàng thư

“Thật đáng lo, với tình trạng bảo quản những tàng thư Chăm trong cộng đồng như hiện nay, chừng mươi năm nữa không biết chúng có còn...” - cả ông Trưởng và ông Ngọc đều nói như thế. Nhiều bộ thư tịch không có người thừa kế lưu giữ, bảo quản, bị bỏ phế, mối mọt ăn hỏng. Những di sản văn hóa này còn bị nhiều người coi rẻ vì không tìm thấy giá trị thực dụng của chúng trong cuộc sống kim tiền.

Không thể đứng nhìn những di sản văn hóa quí giá ngày một mất dần, ông Trưởng cho biết Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm sẽ đề xuất Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Ninh Thuận tổ chức điều tra, thống kê nguồn thư tịch cổ, không chỉ giới hạn trong tỉnh mà còn vươn đến một số làng Chăm ở Bình Thuận. Sau đó, ngành chức năng tỉnh sẽ thương lượng với các chủ sở hữu để mua lại những thư tịch đưa về lưu trữ, bảo quản phục vụ nghiên cứu. "Dù đã muộn nhưng nếu làm được từ bây giờ thì vẫn có thể cứu vãn được một phần di sản, để mai này khỏi phải hối tiếc..." - ông Trưởng nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận