Những người trẻ mơ thành "triệu phú đôla"

LAN HƯƠNG 25/02/2016 22:02 GMT+7

TTCT - Dân giàu thì nước mạnh. Nhưng nếu đặt đồng tiền làm mục tiêu chính, chi phối tất cả mọi việc ta làm trong cuộc đời thì liệu giấc mơ kim tiền đó có sóng đôi cùng hạnh phúc? Câu chuyện cuộc sống đầu năm Bính Thân mời các bạn tham gia câu chuyện về sự ám ảnh vật chất này...

Minh họa: Diệu Bình
Minh họa: Diệu Bình


1 Với hơn 60% sinh viên là người ngoại tỉnh, đầu năm học đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ tổ chức một lớp chuyên đề nhằm hỗ trợ sinh viên thích nghi với cuộc sống tại thành phố. Các gương mặt ngây thơ vừa bước khỏi ngưỡng cửa học sinh háo hức tham dự chương trình.

Phát cho mỗi nhóm một tờ giấy, tôi yêu cầu sinh viên hãy viết lên mơ ước của mình. Dù diễn đạt khác nhau, các nhóm đều mơ ước trở nên giàu có. Có nhóm mơ mình viết được phần mềm như Bill Gates, có nhóm muốn mình thành ca sĩ nổi tiếng mà đích đến cuối cùng vẫn là có thật nhiều tiền.

Lật ngược tờ giấy, tôi yêu cầu sinh viên hãy viết ra khó khăn của mình và đề xuất giải pháp cho vấn đề. Ngoài một nhóm trả lời rành rọt về những thách thức khi phải thích ứng với cuộc sống, các nhóm còn lại đều nhận diện vấn đề: làm sao để giàu có và thành đạt.

Thành đạt trong mắt các bạn trẻ của tôi là có nhà, có xe, có bạn trai/bạn gái đẹp, thu nhập tiền tỉ và làm “trùm”. Giải pháp của các tân sinh viên lại quay về ước mơ: thành người nổi tiếng, người tiên phong, nhà sáng chế có tên tuổi.

Kỳ vọng những gương mặt trẻ măng vừa bước vào cảm giác của một người trưởng thành, nêu lên những vấn đề khó khăn trong cuộc sống đã tan biến khi sinh viên chỉ nhìn thấy vấn đề với tiền và thu nhập. Tất nhiên tiền là công cụ giải quyết nhiều vấn đề, nhưng định giá tiền - thu nhập ở vị trí tuyệt đối như cách các bạn trẻ trường tôi làm là điều khá lạ lùng.

Cuộc sống xung quanh, kiến thức suốt 12 năm phổ thông đã nhồi nhét gì mà các tân sinh viên chỉ tiếp nhận cảm giác sợ nghèo, sợ thất thế? Và liệu có đáng sợ không khi tư duy của sinh viên, thế hệ tương lai, chỉ xác lập quanh quẩn với chuyện giàu và nổi tiếng như là nhân - quả duy nhất cần vươn đến.

2 Trong công việc, chúng tôi thường tiếp cận các tân cử nhân để giới thiệu thông tin tuyển dụng và tư vấn hướng nghiệp. Điều thách thức nhất với nhân viên là thuyết phục được những tân cử nhân chấp nhận làm việc mà không so đo thu nhập.

T. là một trường hợp như thế. Tốt nghiệp tháng 7-2015, suốt ba tháng chưa tìm được việc làm nhưng cậu sinh viên trẻ chưa có kinh nghiệm liên tục lắc đầu từ chối công việc được đề nghị. Lý do là cậu chỉ muốn làm chiến lược, đại diện ký hợp đồng chứ không thể bắt đầu từ vị trí tập sự đơn giản trong công ty bất động sản.

Vị trí của cậu sẽ gắn với mức thu nhập tốt như một số tấm gương quản lý mà cậu biết. Hỏi T. sẽ làm gì để tìm được một công việc như mơ ước khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, T. khẳng định chắc nịch: cậu sẽ đi học tiếp thạc sĩ!

3 Mới đây, bạn tôi chia sẻ một đoạn phim ngắn về những thanh niên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, đứng giữa đường và gào thét về mục tiêu kiếm được 1 triệu USD trong năm 2016.

Nhiều người ngán ngẩm về tác động của kinh doanh đa cấp, nhưng vấn đề đáng nói hơn là những gương mặt trẻ, tự tin đến độ đứng trước phố đi bộ Nguyễn Huệ, không che giấu các thông tin nhân thân để nói về mục tiêu đạt được vị thế triệu phú đôla.

Điều gì thôi thúc các em làm như thế nếu không phải là niềm tự hào sở hữu một tài sản khổng lồ khiến các em “hành động bất chấp tất cả”. Làm giàu chân chính là điều đáng tự hào, nhưng khoe khoang về sự giàu có (chưa đạt được) là gì nếu không phải là hệ quả của sự ám ảnh về vật chất?

4 Có một dạo cứ mở các trang mạng xã hội là thấy bạn bè chia sẻ các câu chuyện của nhân vật tên T. nói về khát vọng làm giàu của những thanh niên trẻ. Mặt tích cực của các câu chuyện đó có thể nhìn thấy ở việc đánh vào một số tính cách xấu của các bạn trẻ hiện nay.

Tuy nhiên, các câu chuyện về mơ ước làm giàu đó dường như đã đơn giản hóa con đường lập nghiệp của mỗi người. Người đọc trẻ phấn khởi với suy nghĩ cứ làm như T., có chút ý tưởng, tương tác cùng thế giới là thành công. Sau T. là một đợt “tấn công” khác của những nhân vật tỉ phú thế giới như Jack Ma với “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”, hay Lý Gia Thành mách nước người trẻ làm giàu.

Những gương mặt thành đạt xuất hiện nhan nhản trên báo cho lời vàng ý ngọc, cổ vũ mục đích kiếm tiền với thông điệp “nếu đã cố mọi cách mà còn nghèo thì hãy tự trách mình bất tài”. Tiếp tay cho mộng giàu sang ở giới trẻ là ngồn ngộn thông tin về một xã hội tiêu thụ với những tít báo kiểu “bóc giá tủ hàng hiệu của sao A, B hay ca sĩ K mặc váy hiệu vài trăm triệu đồng đi sự kiện”.

Trong một hội thảo về ngành công tác xã hội tại các tỉnh phía Nam, một diễn giả đã ngán ngẩm trần tình “Nếu đăng thông tin về lớp học dạy làm giàu thì sinh viên đến rất đông, nhưng nếu nói về kỹ năng học tốt ở bậc đại học thì chẳng ai đến dự cả”.

Sự trớ trêu ở chỗ những thanh niên ảo tưởng về làm giàu chỉ nhìn thấy sự thành công mà không thấy sự thất bại. Thế giới có bao nhiêu người có cơ hội giàu có như ông chủ Alibaba hay gặp đúng thời vận như Lý Gia Thành?

Có lẽ điều mà những người ảo tưởng giàu có quên mất khi chia sẻ những câu chuyện về Ma, về Lý là sự tích lũy kinh nghiệm và kiến thức để làm người dẫn đầu vào đúng thời điểm. Những thứ đó không tự nhiên xuất hiện khi bạn chỉ biết dành thời gian lên mạng đọc các câu chuyện tự huyễn hoặc mình.

5 Sự thay đổi của các giá trị là hệ quả của một quá trình vận động lâu dài của cả hệ thống xã hội. Sự so sánh với các thế hệ trước có thể bị cho là khập khiễng khi bối cảnh khác, con người khác, nhưng cũng không nên bỏ qua sự tác động của cả hệ thống xã hội hướng đến các giá trị nhân văn của vài chục năm trước.

Bản chất sự giáo dục từ trong gia đình, ở nhà trường đặt ra các chuẩn mực giá trị để con người hướng theo. Nơi xã hội nói nhiều, làm nhiều hành vi đạo đức giữa con người với con người, nơi đó ước mơ giàu sang tạm lùi bước cho mục đích trở thành người nhân nghĩa. Ngược lại, nơi xã hội bao bọc bởi toan tính, bởi ám ảnh vật chất, giá trị đạo đức bị đè bẹp dưới sức mạnh đồng tiền.

Suốt một thời gian dài xã hội ta quay quắt tìm cách lấp đầy cái bụng trống. Đến khi miếng ăn được gắn với các tiêu chuẩn sống thì các giá trị đạo đức cũng dần bị lãng quên. Người ta sẵn sàng bỏ qua các giá trị tinh thần không đem lại trạng thái an ổn về thể chất như miếng ăn, cái mặc.

Bởi thế mới có câu chuyện khi một hoàn cảnh đáng thương, khó khăn được đưa lên báo, người ta lập tức quyên góp ... tiền. Tiền là giải pháp mà mọi người nghĩ đến ngay để giải quyết các vấn đề của người khác. Không thấy (hoặc khá hiếm) nhà hảo tâm hỗ trợ về tinh thần.

Vì thế mới có chuyện người được giúp đỡ sau một đêm đổi đời bỗng lại xuất hiện trên báo ở vị trí nghi can, đập tan niềm kỳ vọng cứu vớt cuộc đời bằng tiền của nhà hảo tâm. Câu chuyện về cậu bé làm thuê ở Cà Mau là bài học cho những chuyện như thế. Kiếm tiền khó, nhưng dụng tiền còn khó hơn.

Dân giàu thì nước mạnh. Tuy nhiên, dùng các ám ảnh vật chất để khỏa lấp sự thiếu hụt về vốn sống, về giá trị đạo đức không bao giờ là con đường đúng đắn để làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi vì từ sâu thẳm con người hơn các giống loài khác không phải ở sự hưởng thụ, mà ở các giá trị nhân bản chia sẻ với cộng đồng mình. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận