Những hiện vật về thời hoạt động sôi nổi của các nhà cách mạng trong các tổ chức tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam hiện còn lại không nhiều. Vì vậy, mỗi hiện vật còn lại như chiếc vali da từng đựng tài liệu cách mạng của đồng chí Bùi Ngọc Thành ở Trung Quốc năm 1925, hay ngọn đèn chiếu sáng trong đêm diễn ra cuộc họp đặc biệt của của nhóm các thanh niên yêu nước tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự vào năm 1928, càng trở nên giá trị hơn cho thế hệ mai sau tìm hiểu về thời kỳ cách mạng sôi động chuẩn bị thành lập Đảng.
Tại phòng trưng bày về Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chiếc vali da đã thủng luôn gợi lên nhiều cảm xúc và kích thích sự tò mò của công chúng tham quan. Đó là chiếc vali da màu nâu, hình chữ nhật, kích thước 41x26x9,8cm, thuộc bộ sưu tập hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đảng. Đây là một trong những kỷ vật quý giá của một hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) từ những ngày đầu mới được thành lập.
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chiếc vali do đồng chí Bùi Ngọc Thành mua ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1925. Ông Bùi Ngọc Thành đã dùng chiếc vali này khi tham gia lớp huấn luyện đầu tiên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cùng học trong lớp này có đồng chí Trần Phú và nhiều đồng chí khác ở trong nước tham dự.
Sau lớp học, đồng chí Bùi Ngọc Thành cùng một số đồng chí khác có nhiệm vụ đi Nam Ninh và Long Châu công tác. Ông Bùi Ngọc Thành đã để tài liệu cách mạng vào chiếc vali này trong khi đi đường. Khi đến Nam Ninh, ông Thành bị cảnh sát lục soát vali và bắt giữ. Nhưng một may mắn đã xuất hiện khi cảnh sát trưởng ở đây có tên Chu Bình Nam lại là người có cảm tình với cách mạng Việt Nam nên các đồng chí của ta đã được thả ra sau vài ngày giam giữ. Một người đoàn công tác bị bắt giữ đó là đồng chí Nguyễn Thức Thiệp thậm chí đã làm một bài thơ chữ Hán tỏ lòng biết ơn người cảnh sát trưởng họ Chu.
Chiếc vali của đồng chí Bùi Ngọc Thành sau đó đã được đưa cho đồng chí Nguyễn Thức Thiệp sử dụng. Sau này, chính ông Thiệp đã trao tặng chiếc vali quý cùng với bài thơ trên cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào năm 1965. Lúc đó ông Thiệp đã 77 tuổi, sống tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Chủ nhân của chiếc vali - ông Bùi Ngọc Thành - tuy không trực tiếp tham gia cách mạng ở trong nước, nhưng đã cùng với các nhà yêu nước tiền bối của cách mạng Việt Nam có những đóng góp đáng ghi nhận vào hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những đóng góp của ông Bùi Ngọc Thành đã được các nhà hoạt động cách mạng cùng thời ghi nhớ, tôn vinh. Lật lại những trang hồi ký của cụ Lê Dục Tôn trong cuốn Những ngày đầu (NXB Việt Bắc phát hành năm 1971), những hoạt động sôi nổi của các nhà cách mạng ở "những ngày đầu", trong đó có đồng chí Bùi Ngọc Thành, đã được ghi lại rất sống động, đặc biệt là ở bài Tiếng gọi giục giã.
Ngày nay, lớp trẻ ít biết về những tên tuổi các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở nước ngoài buổi ban đầu như đồng chí Bùi Ngọc Thành. Nhưng kỷ vật của đồng chí về thời hoạt động sôi nổi cũng là kỉ vật của một thế hệ Đảng viên đã cống hiến hết mình cho Đảng vì độc lập của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, đang và sẽ là một lời nhắc nhớ cho các thế hệ trẻ về những ngày đầu đầy gian khó của Đảng ta và khích lệ họ phấn đấu.
Không còn bóng đèn, cũng không được đốt lửa, nhưng một ngọn đèn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại không ngừng tỏa thứ ánh sáng của riêng mình để soi rọi vào một phần lịch sử hào hùng của đất nước những ngày chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đó là ngọn đèn trong đêm diễn ra cuộc họp đặc biệt của nhóm các thanh niên sinh viên yêu nước tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự vào năm 1928. Đó là một đêm thu cuối tháng 9-1928 ở miền quê Kinh Bắc, nơi có mái nhà của cụ đồ Du, thân sinh của đồng chí Ngô Gia Tự. Một lễ mừng cho quý tử vừa đỗ tú tài Tây sắp được cụ Du tổ chức long trọng Nhưng ngoài bà con làng xóm, khách khứa hôm đó còn có cả một nhóm bạn trẻ của "cậu Tú" Ngô Gia Tự từ Hà Nội và trên tỉnh đến chúc mừng.
Lễ mừng ấy thực chất chỉ là vỏ bọc cho một cuộc họp quan trọng của nhóm thanh niên yêu nước, chính là các đồng chí đại biểu Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam cách mạng thanh niên. Cuộc họp trước đó đã phải ngừng lại vì có động.
Trong đêm thu yên tĩnh ở vùng quê Tam Sơn, Bắc Ninh, những mái đầu xanh đang tràn đầy hoài bão, lý tưởng cách mạng cứu nước cùng tụ họp quanh cây đèn tọa đăng, kiểm điểm công tác của hội trong hai năm qua và nhất trí ra nghị quyết có ý nghĩa quyết định đối với phong trào công nhân và nhân dân lao động. Đó là nghị quyết thực hiện chủ trương Vô sản hóa, nhằm đưa hội viên là trí thức, tiểu tư sản tự nguyện rời bó cuộc sống thuận lợi, an toàn để bước vào cuộc sống gian khổ ở các vùng trung tâm công nghiệp có nhiều công nhân đang là việc tại các hầm mỏ, nhà máy…Kết quả của phòng trào Vô sản hóa là đã góp phần đẩy nhanh quá trình giác ngộ của giai cấp công nhân, đưa chủ nghĩa Mac - Lenin thật sự chiếm được lòng tin của dân tộc ta.
Và ngọn đèn soi rọi trong đêm họp đặc biệt ấy, trải qua hơn 90 năm, hiện vẫn đang được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đèn cao 33cm, không còn bóng, có bầu chứa dầu bằng thủy tinh, đường kính 15cm, chân đế bằng kim loại. Ngắm nhìn cây đèn trong tủ trưng bày của bảo tàng, lắng nghe câu chuyện về nó, người xem như thấy được những gương mặt thanh niên trí thức trẻ sáng ngời ý chí và khát vọng cứu dân cứu nước ở tuổi mười tám, đôi mươi năm ấy như Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Hoan, Trịnh Đình Cửu... Ánh sáng của ngọn đèn như vẫn còn soi chiếu cho các thế hệ người Việt hiểu hơn về một trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1930.
Dưới ánh sáng của Đường kách mệnh, lớp học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước hoạt động, cùng Người chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước sau này.
Cuốn Đường kách mệnh hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.
Đường kách mệnh là tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sử dụng để giảng dạy cho đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Thông qua Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác- Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách dễ hiểu nhất.
Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc, lấy tên là Lý Thụy, chọn một số thanh niên yêu nước và mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, đào tạo họ trở thành những cán bộ cách mạng, đưa về nước hoạt động. Với 10 khóa huấn luyện, khoảng 200 thanh niên ưu tú đã được trang bị lý luận và thực tiễn để trở thành lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên đi theo con đường của chủ nghĩa Mác Lê nin, góp phần quan trọng vào việc thành lập Đảng.
Ấn phẩm Đường kách mệnh được Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu. Những bản in đầu tiên đó bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930. Bản gốc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ấn phẩm được in li-tô mực đen trên giấy dó có kích thước 13cm x 19cm.
Đường kách mệnh coi việc giác ngộ cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ là một trong những yêu cầu hàng đầu để chuẩn bị về tư tưởng và chính trị, tiến tới xây dựng một Đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.
Trong cuốn sách Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: "Muốn sống thì phải làm cách mạng. Làm cách mạng phải có quyết tâm, bền gan, đoàn kết nhau lại và hiểu rõ vì sao lại làm cách mạng. Người cách mạng phải tự mình cần kiệm, chí công, vô tư, quả quyết sửa lỗi mình, không háo danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn vật chất.
Cuốn Đường kách mệnh có ý nghĩa lịch sử rất to lớn đói với cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ chỉ đạo cách mạng nước ta trong thời kỳ xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đặt nền tảng cho cương lĩnh của Đảng ta ra đời vào đầu năm 1930.
Đường kách mệnh sau khi được phát triển hoàn chỉnh thêm đã trở thành nền tảng, đường lối của Đảng về cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là con đường giải phóng dân tộc bị áp bức khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc.
Năm 2017, tròn 90 năm ra đời của Đường kách mệnh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề Ánh sáng từ Đường kách mệnh. Trưng bày thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là bảo vật quốc gia Đường kách mệnh đã mang đến nhiều xúc cảm tự hào về một thời cách mạng sôi nổi của cha ông.
Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương - là một hiện vật quý giá đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tuy nhiên đây không phải là bản thảo gốc do đồng chí Trần Phú khởi thảo năm 1930 tại căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (Hà Nội), mà chỉ là một tài liệu in thạch chữ màu tím, có đóng dấu của Đảng bộ Thạch Hà, Hà Tĩnh. Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết tài liệu này đã được Đảng bộ Thạch Hà in ấn và bí mật phổ biến trong tỉnh, được sưu tầm tại Hà Tĩnh từ những năm cuối thập niên 1950. Nó không chỉ phản ánh nội dung của bản Luận cương chính trị, mà còn thể hiện vai trò trong hoạt động thực tiễn cách mạng ở Hà Tĩnh, và sự lãnh đạo của Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập.
Bản luận cương có kích thước 19cm x 15,2cm và chỉ còn 24 trang nội dung. Trải qua 90 năm, nay màu tím của thạch in đã có phần bị phai mờ nhưng nét chữ đều đặn, cứng rắn, trang trọng vẫn thể hiện rõ nội dung cơ bản của bản Luận cương chính trị mà Đảng ta đã nhất trí thông qua vào tháng 10-1930.
Ngày đó, giữa lúc cao trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Ban Chấp hành trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc). Chủ trì hội nghị là đồng chí Trần Phú, khi đó mới tốt nghiệp trường Đại học Cộng sản Phương Đông mang tên Stalin ở Liên Xô (cũ) và được bổ sung vào Ban Chấp hành trung ương lâm thời. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu Ban Chấp hành trung ương chính thức và cử đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Hội nghị cũng bàn thảo và thông qua bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Theo thời gian, Bản luận cương được đánh giá là một văn kiện có giá trị to lớn, nằm trong kho tàng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó cung cấp một số bài học rất hữu ích trong đánh giá thực tiễn, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, làm giàu tri thức lãnh đạo và trí tuệ của Đảng trước mọi biến cố của lịch sử.
Trước đó, tháng 7-1930 đồng chí Trần Phú về Hà Nội được bổ sung vào Ban Chấp hành lâm thời và nhận nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để tránh sự theo dõi của mật thám và tạo yếu tố bất ngờ, thường vụ trung ương lâm thời đã có một quyết định táo bạo: lấy nhà một công chức thực dân Pháp làm trụ sở bí mật của Đảng. Đó là ngôi nhà ở phố Giăng Xole, nay là số nhà 90 phố thợ Nhuộm. Ngôi nhà là biệt thự của một viên chức cao cấp người Pháp - thanh tra Sở tài chính của chính quyền thực dân. Đồng chí Trần Phú ở một buồng nhỏ trong đó có một tấm phản để vừa làm giường ngủ, vừa làm bàn viết, chính tại nơi này, đồng chí đã bí mật viết bản dự thảo Luận cương chính trị.
Ngày nay, hiện vật lịch sử này là một trong những hiện vật quý trong bộ sưu tập hiện vật về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn giành được sự chú ý của đông đảo khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chiêm ngưỡng hiện vật này, khách tham quan có thể mường tượng được không khí sục sôi chí khí cách mạng một thời trên quê hương Hà Tĩnh - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng thời kỳ 1930-1931 - cũng như trên cả nước nói chung.
Nhiều kỷ vật như những chứng nhân thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 hiện vẫn còn được lưu giữ trang trọng tại các bảo tàng. Năm tháng dần lùi xa nhưng những câu chuyện thú vị phía sau nhiều hiện vật quý giá vẫn luôn đợi người đời khám phá.
Đây là những hiện vật ghi lại mốc lịch sử quan trọng, một trong những dấu son của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trước chiếc micro trên lễ đài trong những giờ phút thiêng liêng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào, trước toàn thế giới ngày 2-9-1945 từ lâu đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam và không ít bạn bè quốc tế. Hơn 70 năm trôi qua, chiếc micro chứng nhân lịch sử ấy hiện vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Có lẽ hàng triệu người đã từng ngắm hiện vật đặc biệt này nhưng hẳn ít người biết giữa những ngày còn hỗn độn, gấp gáp và thiếu thốn đủ đường của buổi đầu mới giành được chính quyền ấy, người chuẩn bị chiếc micro đi vào lịch sử này là ai. Và nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết câu trả lời: đó chính là ông Nguyễn Dực, con trai của học giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh.
Nhà báo Vĩnh Trà trong cuốn sách viết về lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam kể rằng, những ngày gấp rút chuẩn bị thành lập đài phát thanh quốc gia sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhóm những người được giao nhiệm vụ thành lập đài rất muốn có sự cộng tác của ông Nguyễn Dực, một người bạn của một thành viên trong nhóm. Nhưng đang tham gia thì ông Dực được điều lên chuẩn bị cho khâu phóng thanh buổi lễ 2-9 ở Ba Đình.
Một số bài báo từng nhắc tới vai trò của ông Nguyễn Dực - người trực tiếp tham gia chuẩn bị cũng như lắp đặt trang thiết bị, phụ trách hệ thống âm thanh trong ngày lễ Độc lập 2-9-1945 trọng đại của đất nước tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội - nhưng thân thế đặc biệt của ông Nguyễn Dực thì hầu như chưa được nhắc đến. Nguyễn Dực là người con giáp út của học giả Nguyễn Văn Vĩnh - một trí thức lớn của đất nước những năm đầu thế kỷ 20. Hai anh trai của ông Dực cũng là hai nhà thơ nổi tiếng là Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Giang.
Sinh năm 1921, ông Nguyễn Dực theo học trường kỹ nghệ thực hành, bộ môn cơ khí. Tuy vậy ông lại say mê nghề vô tuyến điện. Ở tuổi 20, ông đã nổi tiếng với cửa hiệu Nguyễn Dực radio - cửa hiệu radio lớn nhất Hà Nội thời đó, vừa sửa chữa vừa bán thiết bị vô tuyến điện ở 43A Đồng Khánh (tên gọi cũ của phố Hàng Bài). Từ năm 1944, Nguyễn Dực được tiếp xúc với ông Xuân Thủy. Trước đó, Nguyễn Dực đã nhiều lần giúp anh chị em tuyên truyền đường lối cách mạng bằng thiết bị âm thanh của mình, chỉ đường giúp anh em tuyên truyền xung phong rút lui khi lính Pháp ập đến.
Được giao nhiệm vụ chuẩn bị âm thanh cho Lễ Độc lập, lúc diễn ra buổi lễ, ông Dực thường trực ngay dưới gầm lễ đài, theo dõi dòng điện, tiếng loa. Trong cuốn hồi ký của mình, ông viết: "Khi vừa chào cờ xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn vào ba chiếc micro, rồi khẽ thổi vào chiếc micro bốn mặt, nhãn hiệu Philips đặt ở giữa, đèn báo trên máy đỏ lên, lập tức có tiếng phù từ các loa dội lại khá to. Người lùi lại một chút rồi nói: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Phía dưới lập tức vang lên: Có ạ!"...
Đó là chiếc micro bằng than chì, mạ kền trắng cao 30cm, phần trên có hình tròn, đường kính 8cm, giữa có mạng sắt, đế tròn rộng 16cm đặt trên lễ đài, đưa tiếng nói ấm áp của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong giờ phút thiêng liêng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập vang xa.
Năm 1997, người lo chiếc micro cho Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập được công nhận là lão thành cách mạng. Ba năm sau ông Nguyễn Dực qua đời ở tuổi 79.
Một thông tin đặc biệt liên quan tới ngày 2-9-1945 mà đến nay không nhiều người biết đến và cũng ít được nhắc tới trong sách vở, báo chí: số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập ra đúng ngày Chủ nhật, 2-9-1945, một số báo dành riêng cho Ngày Độc lập của dân tộc.
Đó là tờ báo Đông Phát số 6107. Báo Đông Phát có trụ sở tại 94 Hàng Gai, Hà Nội, do ông Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm, chủ bút là ông Hoàng Hữu Huy. Số báo 6107 đã trang trọng đề trên trang nhất dòng chữ in đậm Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập.
Ngay ở đầu trang nhất, dưới tiêu đề Việt Nam độc lập muôn năm, tờ báo kêu gọi: "2h chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự ngày độc lập" và khẳng định: "Ngày Độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết". Bài báo cũng nhắc nhở dân chúng : "Lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời - một Chính phủ Dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập".
Tờ báo cũng dành vị trí đặc biệt để đăng tải những lời thề độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của quốc dân, đăng tải chương trình chính thức của cuộc mít tinh - tuần hành tại Hà Nội vào ngày 2-9-1945. Một sơ đồ cụ thể các tuyến phố dành cho các giới, các tổ chức tham gia mít tinh được chỉ dẫn một cách cặn kẽ như đi hàng mấy, đội tự vệ không mang khí giới gì khác ngoài gậy và có nhiệm vụ trông coi trật tự, giữ vững tinh thần của đoàn mình. Việc hát và hô các khẩu hiệu cũng được hướng dẫn rất rõ ràng.
Một thông tin thú vị khác cũng được đăng tải trên trang nhất của số báo này đó là những thông báo mới về giờ làm việc ở các công sở bắt đầu từ ngày 3-9-1945, tức là ngày làm việc đầu tiên của chế độ mới.
Bản báo cũng thông báo sẽ đổi tên báo với nội dung: "Nước nhà đã bước sang trang mới, nên báo Đông Phát nay mai sẽ đổi tên, để biểu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ, và để kỷ niệm nền Độc lập của nước Việt Nam mới".
Trang 2 của tờ báo cũng thể hiện một khí thế tưng bừng của tất cả các ngành, các giới, các thế hệ đón ngày hội lớn của non sông Từ nhân viên Sở Hỏa xa, đến học sinh các trường phổ thông, thanh niên Hà Nội, phụ nữ, các văn nghệ sĩ, các vị bô lão…đều có chương trình dự mít tinh của mình. Hội Phật giáo Việt Nam qua báo Đông Phát gửi lời mời tới các tín đồ Phật tử đúng 7h sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh viễn; 13h các tăng ni, Phật tử tập trung tại chùa Quán Sứ để đi dự lễ mít tinh và biểu tình do Chính phủ tổ chức; còn ở các chùa, đúng 14h làm lễ tụng kinh Di đà cầu nguyện cho các binh sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc…
Tờ báo Đông Phát hôm đó đăng tải những thông tin rất xúc động cho thấy tấm lòng của người dân trước khí thế tưng bừng của nước Việt Nam mới. Đó là thông tin "Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được, cả vốn lẫn lời trong Ngày Độc lập"; còn các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập với "giá tiền độc lập" vào 8h sáng ngày 2-9; cùng thông tin nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt.
Tờ báo Đông Phát 6107 số đặc biệt hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tại di tích 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên ngôn độc lập, cũng trưng bày một phiên bản của bản báo này.
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, có thể nói tinh thần đoàn kết cũng như tình cảm sâu nặng của nhân dân, nghệ sĩ miền Nam với Đảng với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng. Rất nhiều câu chuyện, hiện vật thể hiện tình cảm đặc biệt của đồng bào miền Nam vẫn còn được lưu giữ.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) hiện đang lưu giữ bức tranh bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu được hoàn thành này 2-9-1947 tại Nam Bộ. Bức tranh có tên Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Trung Nam Bắc, được vẽ trên lụa. Họa sĩ đã dùng máu chích ở tay mình vẽ hình Bác Hồ với ba em nhỏ tượng trưng cho ba miền Bắc-Trung- Nam. Góc trái phía dưới bức tranh ghi chữ bằng bút chì đỏ: "Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ, con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên. Nam Bộ ngày 2-9-1947. Ký tên Diệp Minh Châu".
Hơn 70 năm đã trôi qua, bức họa nay đã cũ sờn, nhưng vẫn còn nguyên nét vẽ ban đầu. Ánh mắt sáng quắc đầy cương nghị trên khuôn mặt hiền từ của Bác Hồ trong bức tranh hút mọi ánh nhìn của du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Lời chú thích bức tranh bằng máu cùng hình ảnh người Cha già dân tộc vừa cương nghị vừa nhân từ bên các em nhỏ và những dòng chữ bằng bút chì đỏ là những lời gan ruột của họa sĩ khiến bất cứ ai khi xem bức tranh ấy cũng tò mò về câu chuyện đằng sau bức tranh được coi là bức huyết họa đầu tiên vẽ Bác Hồ.
Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì hoàn cảnh sáng tác của bức tranh đặc biệt này đã được hé lộ trong một bài viết được đăng trên Tạp chí Quân đội quốc gia Việt Nam, xuất bản năm 1948. Trang 3 của tờ tạp chí này đăng tải một bức thư với tựa đề Hai lá huyết thư. Đây chính là bức huyết thư mà họa sĩ trẻ Diệp Minh Châu đã gửi cùng với bức huyết họa từ Nam Bộ nơi ông sống ra Hà Nội kính gửi lên Bác Hồ.
Lá thư cho thấy bức huyết họa đã được vẽ vào đúng ngày kỷ niệm lễ Độc lập năm 1947. Tại hội chợ mừng lễ Độc lập tổ chức ở xã Thiện Hộ, chiến khu Đồng Tháp Mười, sau khi được nghe lại Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác, nghe tốp ca thiếu nhi hát bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước, giữa mênh mang sóng nước chiến khu, trong tâm hồn chàng họa sĩ trẻ trào dâng một cảm xúc mãnh liệt. Quá xúc động, người họa sĩ trẻ đang tràn đầy lý tưởng và niềm tin vào người Cha già giải phóng dân tộc, đã có một hành động can trường xuất phát từ chính trái tim mình: Lấy dao rạch cánh tay để lấy máu vẽ chân dung Bác, với ba em bé đại diện cho thiếu nhi Bắc Trung Nam xung quanh. Bức huyết họa này sau đó đã được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác kèm bức thư của người nghệ sĩ trẻ kính gửi vị Cha già dân tộc.
Ngay dưới bức thư được in trên tạp chí là dòng ghi chú: "Ngày 2-9-1947, tại Nam Bộ, trước một cảnh tượng kỉ niệm tưng bừng ngày độc lập, họa sĩ Diệp Minh Châu đã tự chích máu mình vẽ bức tranh trên lụa để dâng Cha già dân tộc. Kèm theo một lá thư viết bằng máu".
Đọc kỹ bức thư, người đọc không chỉ hiểu sâu sắc về hoàn cảnh sáng tác rất xúc động của bức tranh vẽ bằng máu của người họa sĩ tài ba, mà còn thấy được tấm lòng của các văn nghệ sĩ miền Nam đối với Bác Hồ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngoài bản gốc bức tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử quốc gia), con có một bản sao do họa sĩ Trần Thức thực hiện, được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Điều đặc biệt, khi vẽ bức tranh này, họa sĩ Diệp Minh Châu chưa từng được gặp Bác Hồ mà chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng. Sau này họa sĩ có được cơ hội sáng tác bên cạnh Bác trong vài tháng ở chiến khu Việt Bắc, nhờ đó mà ông có hàng loạt sáng tác điêu khắc về Bác, trong đó có tác phẩm thạch cao Bác Hồ dịch sử Đảng hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và bức tượng đồng Bác Hồ với thiếu nhi hiện đặt tại vườn hoa Nhà thiếu nhi TP.HCM.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ bức thư có chất liệu đặc biệt: thư viết trên bảng tre của đồng bào dân tộc Kơ Tu gửi tới Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III năm 1960. Thời kỳ đó, loại bảng tre này đã được sử dụng khá thông dụng trong phong trào học chữ của đồng bào dân tộc. Các cán bộ cách mạng đã hướng dẫn bà con làm loại bảng này để học chữ, khắc phục những thiếu thốn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Thư của đồng bào Kơ Tu gửi tới đại hội Đảng lần thứ III gồm có hai tấm bảng tre màu nâu, kích thước 12,5cm x 17cm và được ghép lại bởi một sợi dây luồn qua lỗ đục ở bên lề bảng, mực viết màu xanh nhưng nay đã khá mờ. Kèm theo bức thư bằng tre còn có bản dịch bức thư ra chữ quốc ngữ được viết trên tờ giấy trắng ngà, kích thước 15cm x 18,8cm. Thư của Chi bộ Đảng vùng Đông, Bến Giằng tỉnh Quảng Nam ngày 19-5-1960. Trong thư, đồng bào thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và niềm tin với Đảng một cách rất mộc mạc và chân thành; cùng ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thư có đoạn: "Trước kia, người Kơ Tu như con vịt, con chim, không biết chi hết. Từ ngày có Đảng đến, bây giờ người Kơ Tu đã được sống cuộc đời tươi hơn. Đảng bày một bụng một gan đoàn kết không đâm chém nhau nữa. Đảng bày cải tiến phong tục khỏi bị ràng buộc, thi đua làm rẫy, ai nấy đều được no ấm. Đảng bày biết thương yêu đất nước, thương yêu dân tộc, làm cách mạng, chịu gian khổ để giành độc lập. Đảng bày học chữ dân tộc, bây giờ đã nhiều người biết chữ, mắt và bụng gan đã sáng ra, không còn đui điếc như trước. Tất cả công việc của Đảng đều nhằm đem lại đời sống sung sướng cho dân tộc mình…"
Từ lâu, nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh những đoàn xe đạp thồ xuyên rừng núi đêm ngày chở lương thực, thực phẩm, vũ khí chi viện cho tiền tuyến, chuẩn bị cho một trận chiến chấn động địa cầu.
Còn nhắc tới ngày "lớp lớp đoàn quân kéo về" ngày 10-10-1954 - giải phóng Thủ đô, người ta không thể không mường tượng cảnh những lá cờ hai bên đường phố vẫy chào những đoàn quân chiến thắng trở về. Trong đó, có những lá cờ thật đặc biệt mà câu chuyện của nó còn ít được khám phá.
Thêm một bức tượng đồng đặc biệt, bức tượng đầu tiên tạc Bác Hồ, do một nhà điêu khắc nữ thực hiện, đã được đào lên từ dưới lòng đất sau ngày những đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội.
Trong số hàng ngàn chiếc xe đạp thồ của đội dân quân anh hùng, có một chiếc xe đạp đã cùng người dân quân hành quân qua dốc cao suối sâu trên hành trình gian nan từ Thanh Hóa lên tới mặt trận Điện Biên Phủ. Đó là chiếc xe đạp của ông Bùi Tín, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia gia Việt Nam.
Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chiếc xe mang nhãn hiệu Vina, được sơn màu xanh, là loại xe nam, khung ngang rất chắc khỏe. Để đáp ứng được với hành trình nặng nhọc chở hàng từ Thanh Hóa tới Điện Biên Phủ, ông Tín đã tháo bỏ một số phụ từng như chắn bùn, chắn xích, cải tiến lại chỗ trở hàng cho thật chắc chắn. Ông Tín cũng gia cố thêm nhiều bộ phận cho chắc chắn; phía trước tay lái xe có lắp thêm một chiếc đèn nhỏ, hai bên cạnh đèn treo hai chiếc vỏ hộp nhôm tròn, được sơn màu xanh, dùng đựng nước uống và thức ăn cho chủ nhân khi đang trên đường làm nhiệm vụ.
Năm 1952, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go khi đế quốc Pháp - Mỹ đặt ra kế hoạch Nava nhằm tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược ở nước ta. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã xác định chủ trương trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh nhân dân trên khắp chiến trường, địa phương trong cả nước. Đặc biệt, với mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề đảm bảo cung cấp lương thực, vũ khí đạn dược cho một trận đánh lớn, ở xa hậu phương 500-700km trong một thời gian dài, đường xá khó khăn, phương tiện vận tải thiếu thốn, quân địch không ngừng đánh phá các tuyến đường cung cấp lương thực của ta là nhiệm vụ vôn cùng quan trọng.
Trung ương Đảng và Chính phủ đã phát động toàn dân, toàn Đảng tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, nhất định đảm bảo cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ "tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng", ông Bùi Tín đã cùng hàng vạn dân công Thanh Hóa lên đường tham gia phục vụ chiến dịch, thồ gạo, chở vũ khí tiếp viện cho bộ đội… Đó là những chặng đường dài đầy hiểm trở nhưng những đoàn xe thồ vẫn nối nhau tiến bước ngay cả trong sương giá hay nắng lửa, đạn bom, đói khát, dốc cao đèo sâu.
Chiếc xe đạp nhỏ bé nhưng đã cùng ông Bùi Tín mang trên mình những bao tải gạo, những hòm đạn nặng trĩu trong suốt cả ba đợt của chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lẽ không ai ngờ rằng trên những chẳng đường quá gian nan ấy, có những lần chiếc xe đạp thồ bé nhỏ đã cùng ông Bùi Tín mang theo chuyến hạng nặng tới hơn 400kg. Cũng giống như cả thế giới đã rất kinh ngạc trước chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Ông Tín đã được Chính phủ tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng III cho những nỗ lực cống hiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ cùng chiếc xe đạp thồ của mình. Còn chiếc xe đạp "anh hùng" ấy thì được ông Bùi Tín hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện lưu giữ, trưng bày một lá cờ đặc biệt gắn liền với ngày trọng đại Giải phóng Thủ đô 10-10-1954. Cờ hình chữ nhật màu đỏ, ngôi sao vàng ở giữa, kích thước 122vm x 77cm, làm bằng vải sa tanh có thêu kim tuyến rất đẹp. Ở phía trên lá cờ thêu dòng chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", ở dưới lá cờ thêu 3 chữ "Phố Hàng Mắm". Cờ có hai mặt giống nhau.
Đây là lá cờ của nhân dân phố Hàng Mắm, Hà Nội đã bí mật chuẩn bị để đón bộ đội về giải phóng Thủ đô ngày 10-10-1954.
Trong bản ghi chép của ông Bồ Bá Thuyết về lá cờ này mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ, ông Thuyết cho biết, bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với quyết tâm "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ", người dân Hàng Mắm đã cùng với nhân dân Hà Nội và cả nước đoàn kết xung quanh Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Đại đa số thanh thiếu niên trên con phố này đều vào tự vệ thành, trung niên và phụ lão cũng tích cực tham gia tùy sức mình.
Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, thực dân Pháp nhận thấy phố Hàng Mắm thành phần kháng chiến đông nên đã tung nhiều gián điệp vào dò xét và đàn áp nhân dân. Mặc dù vậy, nhân dân vẫn một lòng hướng về kháng chiến và Hồ Chủ tịch, tin tưởng vào ngày thắng lợi. Họ đã tổ chức các tổ nghe đài kháng chiến để theo dõi từng giờ từng phút các tin thắng trận. Khi nghe tin quân ta đã thắng lợi lớn ở Điện Biên Phủ, nhân dân tin rằng ngày giải phóng Thủ đô chắc chắn sẽ không con xa nữa, nên đã cùng nhau sửa soạn công việc đón tiếp quân giải phóng.
Người dân phố Hàng Mắm đã bí mật chuẩn bị cờ, biển trang trí phố thật đẹp để bộ đội về tiếp quản. Lá cờ của của nhân dân Hàng Mắm tự làm trong lòng địch còn chiếm đóng phải canh gác bảo vệ cẩn trọng trong nhiều ngày mới hoàn thành. Lá cờ đó đã tung bay giữa trời tự do, chứng kiến phút giây lịch sử ngày 10-10-1954 khi những đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô đi qua phố Hàng Mắm.
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam còn ghi về cái tên Nguyễn Thị Kim như là nữ điêu khắc gia Việt Nam đầu tiên và là người đầu tiên nặn tượng Bác Hồ.
Tháng 5-1946, bà Nguyễn Thị Kim mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vài tháng. Để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm Mỹ thuật ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc đã cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đến Phủ Chủ tịch để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khoảng 10 ngày trực tiếp nặn tượng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, bức tượng bán thân Bác Hồ hoàn thành. Bà Kim đã đổ thạch cao để làm khuôn đúc đồng. Một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của làng Mọc ở ngoại thành Hà Nội hồi đó đã được giao đúc bức tượng này. Tượng cao 45cm, nặng 17kg, mô tả Bác đang ngồi tập trung cao độ vào công việc, dáng vẻ ưu tư trên khuông mặt gầy. Bức tượng Chân dung Bác Hồ đã được trưng bày trang trọng trong Triển lãm mỹ thuật Mùa thu năm 1946.
Nhưng không lâu sau đó, tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ. Nhà in báo Sự thật hồi đó đang đóng ở nhà bà Kim, được lệnh phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Trước khi rời Hà Nội theo kháng chiến, để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Kim đã đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ nhà thợ họ của gia đình để chôn giấu bức tượng.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, gia đình nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim hân hoan tiền về Thủ đô cùng các đoàn quân giải phóng. Trong thời gian này bà Kim lại đang đi công tác ở nước ngoài nên chồng bà khi vừa về đến nhà đã lập tức cùng với người anh trai đào bới căn hầm khi xưa và đã vui mừng khôn xiết khi thấy bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn vẹn nguyên màu đồng. Lau chùi bức tượng sạch sẽ, các ông trận trọng đặt bức tượng lên bàn, phủ nhiễu điều như một báu vật của gia đình.
Sau khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được thành lập năm 1959, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim đã quyết định đem tặng bảo tàng bức tượng quý giá mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử vàng son của đất nước.
Một buổi kết nạp Đảng khẩn trương nhưng rất cảm động ngay giữa chiến hào Điện Biên Phủ, đã được danh họa Nguyễn Sáng đưa vào bức tranh đầy chất sử thi hùng tráng.
Đó là bức sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, được họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ sau thời khắc chiến thắng Điện Biên Phủ 9 năm. Và đúng 50 năm sau khi ra đời, năm 2013, bức tranh được coi là "một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của hội họa hiện đại Việt Nam" trở thành Bảo vật quốc gia.
Nguyễn Sáng vẽ tác phẩm này để tri ân, tưởng nhớ những đồng đội đã cùng mình đi qua mưa bom bão đạn ở Điện Biên Phủ những năm 1953-1954.
Năm 1963, 9 năm sau "thiên sử vàng" Điện Biên Phủ, trong một căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2 chỉ toàn những tranh, cọ, màu ở Hà Nội, người họa sĩ tài danh vừa bước vào độ chín của nghề là Nguyễn Sáng đang miệt mài bên một sáng tác mới, một sáng tác mà ông đã ấp ủ gần chục năm trời.
Những cảm xúc chân thực xúc động về một lễ kết nạp Đảng ở ngay giữa chiến hào Điện Biên Phủ năm nào cùng những hình ảnh quả cảm của các chiến sĩ mà Nguyễn Sáng từng chứng kiến trong thời gian đi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc, Quang Phòng…sau 9 năm ngủ vùi trong tâm trí người nghệ sĩ bỗng hiện dần ra sau từng lớp sơn mài. Đợi tới 9 năm, khúc tráng ca mang tên Điện Biên Phủ cuối cùng cũng hiển hiện lẫm liệt, hào hùng trong căn phòng nhỏ, đó là bức tranh sơn mài của người họa sĩ tài hoa Nguyễn Sáng - bức Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ thể hiện nhóm nhân vật trung tâm đang thực hiện lễ kết nạp Đảng viên mới trong không gian chiến hào, bên phải tác phẩm có hai nhân vật đang dìu nhau thể hiện sự mất mát hy sinh; hậu cảnh là một chiến sĩ khác đang di chuyển nhanh, nhấn mạnh thêm hoạt cảnh cuộc chiến đang diễn ra khẩn trương. Các chiến sĩ, người tay cầm chắc súng, người đầu quấn băng, người dìu đồng đội bị thương, người hối hả xung trận, nhưng cái xiết tay thật chặt đầy quyết tâm của người Đảng viên mới được kết nạp ngay trên trận địa đã khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối ở đường lối, ở chiến thắng. Những chuyển biến nhanh, mạnh, không khí khẩn trương của buổi kết nạp thể hiện qua từng chi tiết nhỏ như gương mặt kiên định phảng chút âu lo nhìn thẳng lên bầu trời canh gác của anh chiến sĩ, và xa xa là một chiến sĩ khác đang lao mình vào trận địa, khẩn trương trở lại giáp mặt với kẻ thù.
Có lẽ giấc mơ về chiến trường khốc liệt nhưng đậm chất anh hùng cách mạng ở Điện Biên Phủ vẫn trở đi trở lại trong trí não họa sĩ Nguyễn Sáng, để rồi giấc mơ đã bước ra thật sinh động trên bức tranh của ông. Ngắm bức sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, hẳn người xem sẽ không khỏi xúc động khi thấy được không khí của một buổi kết nạp Đảng đặc biệt diễn ra ngay giữa chiến hào, dưới làn mưa bom bão đạn nơi chảo lửa Điện Biên những ngày ác liệt nhất. Mầu nâu đỏ của vách hào và màu vàng sáng của nền đất, nền trời càng làm tăng sự trần trụi, khốc liệt của cuộc chiến và sự bi tráng của những chiến sĩ hi sinh.
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được giới chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình cùng kỹ thuật sơn mài truyền thống, lối dùng ít màu, vẽ mỏng, ít lớp nhưng nét vẽ khỏe khoắn, khối hình vững chãi - ngôn ngữ hội họa đặc trưng của danh họa Nguyễn Sáng. Toát lên từ bức tranh là màu vàng nâu của đất thành hào, mảng lớn mà không thô, nét thẳng mà không cứng. Không diễn tả nhiều chi tiết, song người xem vẫn cảm nhận được không khí trang nghiêm của người chiến sĩ sắp trở thành một Đảng viên mới. Những thân thể cường tráng, những gương mặt có tư tưởng, cá tính đã tạo nên một Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ khỏe khoắn, khoáng đạt mà tinh tế.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Quốc Huy (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), lối kết hợp giữa cách tạo hình Âu châu với chất liệu tạo hình phương Đông cùng chất liệu dân gian trong tác phẩm này đã tạo ra một bức hoạ vừa đậm chất dân tộc vừa rất hiện đại. Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng vừa đẹp vừa đậm chất sử thi và chất anh hùng ca, như một bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Là người từng gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên, gắn bó nhiều năm với mỹ thuật nước nhà - từ thế hệ các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương tới các họa sĩ khóa kháng chiến - từng có nhiều bài viết về danh họa Nguyễn Sáng, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết, bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được Nguyễn Sáng hoàn thành vào năm 1963. Bức tranh là ký ức những ngày đi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953-1954 của Nguyễn Sáng cùng các bạn bè của mình. Và có lẽ Nguyễn Sáng đã vẽ Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ như một khúc tráng ca về người lính Điện Biên để tri ân đồng đội của ông.
Những năm 1963, chưa có hoạt động mua bán tranh. Các họa sĩ sáng tác xong thì tập trung tranh ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Khi Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập năm 1966 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) thì bộ sưu tập tranh đó được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao cho Bảo tàng để trưng bày. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - Viện trưởng Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đầu tiên, đã tiếp nhận tác phẩm này cho bộ sưu tập của bảo tàng, để rồi sau này nó trở thành 1 trong 7 bức tranh được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Một điều đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Sáng là người con của Nam Bộ (ông quê Mỹ Tho) nhưng kể từ thuở thanh niên theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1939, ông đã sống ở miền Bắc (tới năm 1986) trong hầu hết cuộc đời của mình (ông mất năm 1988 tại TP.HCM). Nguyễn Sáng có nhiều sáng tác đề tài về người chiến sĩ cách mạng rất lẫm liệt. Ông là một trong số những họa sĩ có những tác phẩm đẹp nhất về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức, họa sĩ Nguyễn Sáng đã mang hết sức mình phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Chính ông đã viết: "Có Tổ quốc mới có nghệ thuật. Trái lại, mất nước, mất tự do, là mất tất cả". Nguyễn Sáng được bạn bè nhìn nhận là một trong số những họa sĩ sớm giác ngộ chân lý trong cuộc đấu tranh cách mạng, đi đầu trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật, tạo ra nhiều tác phẩm mang chủ đề tư tưởng xã hội và thời đại rõ nét, những tác phẩm sâu sắc về đề tài chiến tranh và cách mạng Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Sáng là 1 trong 8 họa sĩ Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996 cho các tác phẩm: Giặc đốt làng tôi (sơn dầu, năm 1954), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (sơn mài, năm 1963), Thành đồng Tổ quốc (sơn mài, năm 1978), Bộ đội trú mưa (sơn mài, năm 1970), Thiếu nữ bên hoa sen (sơn dầu, năm 1972).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận