Nhạc sĩ Thuận Yến: "Nguồn cảm hứng vô tận của tôi"

HOÀNG ĐIỆP 29/08/2009 20:08 GMT+7

TTCT - Viết đến 24 ca khúc về Hồ Chủ tịch, nhạc sĩ Thuận Yến là người sáng tác ca khúc về Hồ Chí Minh nhiều nhất từ trước đến nay và ông chưa muốn dừng lại ở đó.

Phóng to
Nhạc sĩ Thuận Yến - Ảnh: H.Đ.
TTCT - Viết đến 24 ca khúc về Hồ Chủ tịch, nhạc sĩ Thuận Yến là người sáng tác ca khúc về Hồ Chí Minh nhiều nhất từ trước đến nay và ông chưa muốn dừng lại ở đó.

“Lần đầu tiên tôi cùng đoàn văn công được ra Bắc biểu diễn cho Bác xem là năm 1966, đó cũng là lần duy nhất tôi được gặp Người - nhạc sĩ Thuận Yến bùi ngùi - Những năm ấy, trong chiến trường đói khổ vô cùng. Cái ăn thiếu, cái mặc cũng thiếu. Có tấm áo lành các chiến sĩ nhường cho nhau mặc là chuyện bình thường. Khi đoàn văn công của chúng tôi ra Bắc, Bác dặn những người làm hậu cần: đừng để các cháu thiếu thốn, ở trong chiến trường đã không có ăn, không có mặc rồi, ra đây phải để các cháu đầy đủ”.

Nhạc sĩ Thuận Yến còn nhớ rất rõ khi ông cùng mọi người vào Phủ Chủ tịch đã thấy Bác bế một em bé ngồi trong ghế mây, bên cạnh là một đĩa kẹo đầy. Cứ mỗi tiết mục biểu diễn xong, Bác lại phát cho mỗi người hai chiếc kẹo. Mấy anh chị em bảo nhau kẹo này không ăn để dành mang về cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Kết thúc buổi biểu diễn, Bác hỏi han anh chị em về điều kiện ăn ở, sinh hoạt và những khó khăn của các chiến sĩ ngoài mặt trận. Khi về, mỗi người trong đoàn đều được bên hậu cần cấp cho một số lượng quần áo, đồ dùng cá nhân đầy đủ để sử dụng.

Năm 1969, Bác mất. Nhạc sĩ Thuận Yến chứng kiến tình yêu của toàn dân dành cho Bác. Năm 1979 ông viết ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la, lấy cảm hứng từ lần gặp Bác và những suy nghĩ về tình cảm, tình thương và tình yêu lớn lao của Người dành cho đồng bào và nhân dân cả nước. Bài hát được phát lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói VN với tiếng hát của ca sĩ Thanh Hoa, ngay lập tức trở thành bài hát được rất nhiều người yêu thích và ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Từ thành công của ca khúc đầu tiên viết về Bác, nhạc sĩ viết tiếp Vầng trăng Ba Đình, rồi Miền Trung nhớ Bác. Năm 1989, nhạc sĩ Thuận Yến được mời đến Nghệ An, được thăm quê hương của Bác, lại được nghe kể về chuyến thăm quê duy nhất của Hồ Chủ tịch sau bao năm bôn ba. “Người về quê nhưng không đi đường lớn mà đi lại con đường ngày xưa mình đã từng đi. Người chạm tay vào cây khoai lang mọc dại ven đường đang nở hoa như sắc cờ, thăm lại căn nhà bên làng Sen. Căn nhà lá bé nhỏ, đơn sơ. Tấm liếp chắn cửa được kéo lên, Người cúi đầu bước qua ngưỡng cửa vào nhà, chạm vào nghiên mực của cha, khung cửi dệt vải của mẹ, cánh võng ngày còn thơ Người đã nằm và nghe tiếng hát đò đưa... Tất cả còn nguyên vẹn như hôm qua Người vừa bước chân ra đi”.

Hình ảnh một người con bôn ba mấy chục năm trời trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn với những vật dụng và cuộc sống giản dị, đơn sơ, thanh bạch... lập tức trở thành những hình ảnh ám ảnh nhạc sĩ. Và ông đã bật ra những ca từ rất đỗi gần gũi: Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương. Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha... Gặp lại tiếng thoi, mẹ ngồi dệt vải, gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ, gặp lại tuổi thơ đi nghe hát đò đưa... Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương, gặp lại sắc hoa giữa màu cờ đỏ, gặp lại tình người trong trang thơ Nguyễn Du, gặp lại vị quê trong hương cốm mùa thu...

Nhạc sĩ Thuận Yến chia sẻ: “Tôi không có nhiều dịp gặp Bác Hồ. Viết về Người, chủ yếu là xuất phát từ tình cảm và những câu chuyện kể mà tôi được xem, nghe, đọc, như: truyện Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, bộ phim Hồ Chí Minh, chân dung một con người của đạo diễn Bùi Đình Hạc... và rất nhiều những tác phẩm khác đã khắc họa chân dung giản dị và rất đỗi thân thuộc của Bác. Đó là những nguồn tài liệu quý giá và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi”.

“Hiện nay tôi đang sáng tác một số tổ khúc lớn chứ không viết những bài hát đơn lẻ nữa, trong đó có những tổ khúc viết về Hồ Chủ tịch. Bởi 24 ca khúc đã viết vẫn là chưa đủ đối với tình cảm Bác dành cho đồng bào và chiến sĩ. Tôi viết về Bác không vì thần tượng một vị lãnh tụ mà tôi viết về người Cha già được toàn dân yêu kính”. Hồ Chí Minh! Người là quê hương như sông Lam chẳng cạn. Hồ Chí Minh! Người là mùa hoa sen tỏa ngát hương đời. Người nhạc sĩ già cất giọng không còn khỏe hát một đoạn trong bài Người về thăm quê. Tiếng hát vang lên, rưng rưng trong một buổi sáng mùa thu tháng tám.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận