Tháng 10 vừa qua, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, đề cập việc nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và lao động nhập cư để giữ chân họ khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới", sau khi đại dịch cho thấy một khiếm khuyết nghiêm trọng trong vấn đề này, khi chỗ ở của công nhân cũng là những điểm nóng bùng phát dịch và điều kiện sống của họ có quá nhiều bất ổn. Chỗ ở ổn định giúp người lao động (NLĐ) yên lòng gắn bó lâu dài với TP.HCM. Nhưng nhiều năm nay, công nhân các tỉnh đến TP.HCM làm việc đều phụ thuộc vào số lượng nhà trọ do tư nhân xây dựng.
Đối diện Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP Thủ Đức) qua hầm chui Linh Xuân là khu nhà trọ dày đặc của phường Linh Xuân. Gần như nhà nào ở khu này cũng có từ vài phòng đến mấy chục phòng trọ.
Ông Tư, chủ nhà trọ ở mặt tiền đường số 4, khu phố 3, phường Linh Xuân, cho biết ông còn hai phòng trọ do công nhân mới về quê đầu tháng 10. Qua cánh cổng rộng hơn 1m là khoảng sân vừa là đường đi vừa là nơi để xe máy.
Từ sân đi vào khu trọ 20 phòng phải qua hai cửa vuông góc với nhau. Ông Tư dẫn khách thuê trọ đi vào hành lang tầng trệt với hai dãy phòng hai bên. Hành lang tối lờ mờ nhìn không rõ mặt người. Phía trên, hai hàng áo quần của các phòng trọ kéo từ đầu đến cuối hành lang. Căn phòng ở tầng trệt, diện tích 2,2x4m, có bếp và nhà vệ sinh, gác là sàn gỗ thấp, đủ chỗ nằm cho 3 người. Ông Tư nói nếu 3-4 người ở thì giá 1,4 triệu đồng/tháng, ở một người ông lấy 1,3 triệu đồng. Từ đường số 4 rẽ qua một đường nhánh xuống một khu nhà ở được phân lô vuông vắn, những dãy nhà trọ san sát. “Không ai ở khu này xin được giấy phép xây dựng nhà trọ đâu cô!” - ông Minh Hậu, một chủ trọ có 10 phòng, phân trần khi khách hỏi về giấy đăng ký kinh doanh nhà trọ.
5 năm trước, khi tính xây dựng dãy trọ một trệt một lầu, ông Hậu cũng tìm hiểu về thủ tục xin giấy phép xây dựng để kinh doanh cho hợp pháp. Tuy nhiên, theo đúng quy định thì miếng đất của ông chỉ xây được 3 phòng trọ, còn lại là khoảng thông thoáng, phòng cháy chữa cháy… Ông chuyển qua xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình rồi nhờ một thầu xây dựng quen xây lén thành mỗi tầng 5 phòng trọ. “Cả khu này, mấy trăm nhà có phòng trọ đều xin phép xây nhà riêng lẻ rồi tự ngăn phòng như nhà tôi”, ông Hậu khẳng định.
Theo Sở Xây dựng, quận Bình Tân có nhiều phòng trọ nhất TP.HCM với gần 88.000 phòng, trong đó phường Tân Tạo A có nhiều phòng trọ nhất, với hơn 11.000 phòng. Dễ hiểu bởi khu vực này nằm gần một doanh nghiệp may mặc có số lượng công nhân lớn nhất nhì TP là Công ty Pouyuen Việt Nam. Gần như nhà nào của khu này cũng có phòng trọ. Những khu đất phân lô bán nền ban đầu cho xây dựng nhà ở liên kế thì nay được xây thành năm, bảy phòng trọ bé xíu. Mỗi dãy có một đường nội bộ rộng chừng 1m, lúc nào cũng lờ mờ tối, kể cả buổi trưa.
Ba nữ công nhân quê ở miền Trung là Sương, Giang và Hòa chia nhau ở trong một căn phòng hơn 10m2 , suốt ngày phải mở đèn. Giang cho biết tiền phòng, điện và nước mỗi tháng hơn 700.000 đồng/người. Bình thường họ đi làm suốt ngày, ăn trong công ty, tăng ca đến gần 21h mới về nên chỗ ở chỉ để ngủ qua đêm, dành dụm thêm chút tiền gửi về quê phụ cha mẹ. Đợt dịch vừa qua, cả ba phải ở nhà gần 4 tháng trời nên mới thấm sự bức bí của chỗ ở này. “Tụi em phải lén ra ngoài đường ngồi hít thở khí trời. Ra ngoài đó mới hay cả xóm thiếu không khí chứ không phải chỉ mỗi phòng em. Nhưng phòng trọ thoáng hơn chút thì mắc lắm, riêng tiền thuê phòng phải hơn 1 triệu đồng/người/tháng, tụi em không đủ tiền trả” - Giang nói.
Tháng 4-2020, Sở Xây dựng có hướng dẫn hộ gia đình cá nhân xây dựng nhà cho NLĐ thuê ở. Trong đó, quy định diện tích sử dụng của phòng trọ không nhỏ hơn 10m2 , chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 2,4m, chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không nhỏ hơn 2,7m. Phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ bảo đảm nhu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên, nền nhà phải cao hơn mặt đường, nhà vệ sinh trong phòng phải có vách ngăn với phòng ngủ… Chủ nhà phải có quyền sử dụng đất hợp pháp, có giấy phép xây dựng…
Nhưng một quan chức của quận Bình Tân cho biết từ trước đến nay, rất ít trường hợp được cấp giấy phép xây dựng nhà trọ. Các chủ nhà chủ yếu xin phép xây dựng nhà riêng lẻ hoặc sửa chữa nhà cũ rồi lén cải tạo thành phòng trọ. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì công trình đã xây xong, cũng có quyết định xử phạt, cũng có yêu cầu tháo dỡ, cưỡng chế nhưng thực tế rất khó tháo dỡ phần xây dựng, cải tạo không đúng giấy phép kiểu này. Cũng theo cán bộ này, rất nhiều phòng trọ không đủ chuẩn về diện tích, chiều rộng và chiều cao thông thủy. Đặc biệt, hiện vẫn còn những khu trọ sử dụng nhà vệ sinh chung, không có khu riêng cho nam và nữ…
Tại một hội nghị chuyên đề của Thành ủy TP Thủ Đức gần đây, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết số lượng nhà trọ trên địa bàn TP Thủ Đức khá lớn, nhất là khu vực 2 và khu vực 3 (quận 9 và Thủ Đức cũ), trong đó có nhiều nhà trọ có chất lượng trung bình và dưới trung bình. Nhiều nhà trọ xây dựng không phép, sai phép, xin xây dựng nhà ở riêng lẻ phát triển thành nhà trọ quy mô cả trăm phòng trong khi các điều kiện về an toàn quy chuẩn xây dựng, an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Có những khu nhà trọ hàng chục phòng nhưng chỉ có 1-2 nhà vệ sinh.
Hậu quả là thời gian qua, từ các khu nhà trọ không đảm bảo này phát sinh các ổ dịch lớn không kiểm soát được.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, lãnh đạo UBND phường Linh Trung (TP Thủ Đức) cho biết phường này có hơn 2.500 phòng trọ, rất ít nhà trọ được cấp giấy phép xây dựng theo quy chuẩn. Mỗi khi có nhà ở riêng lẻ nào được cấp phép với diện tích lớn, UBND phường giám sát rất chặt để tránh xảy ra tình trạng biến tướng thành nhà trọ. Nhưng lãnh đạo phường này thừa nhận: hằng năm, số lượng nhà trọ trên địa bàn phường vẫn tăng do những công trình sai phép chưa tháo dỡ được. Muốn tháo dỡ, chính quyền phải xây dựng phương án và qua nhiều thủ tục thẩm duyệt từ kỹ thuật an toàn đến tài chính. Nhưng chính quyền lại thiếu kinh phí để tổ chức tháo dỡ, thực tế không có nhiều đơn vị có chức năng và chuyên môn làm công việc này, đó là trở ngại khiến việc tháo dỡ nhà xây trái phép càng thêm chậm. Vì vậy, các nhà trọ xây sai phép vẫn còn tồn nhiều cho đến nay.
Khu nhà lưu trú cho công nhân của Quỹ phát triển nhà TP ở số 219 đường Lê Văn Chí, P.Linh Trung luôn được bảo vệ nghiêm ngặt như một chung cư cao cấp. Ai đến khu nhà phải có lý do, khách muốn gặp người nào trong khu nhà cũng phải đăng ký qua bảo vệ. Xe khách để ở khu vực riêng, xe của công nhân ở khu riêng, tránh nhầm lẫn, mất mát. Đang mùa dịch, người lạ đến khu nhà phải trình chứng minh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 hoặc là F0 khỏi bệnh. Các tài xế giao hàng đều phải để hàng trên một cái bàn gần cổng bảo vệ cho người mua xuống nhận… Bên trong khu nhà, hành lang được lau dọn hằng ngày, sạch sẽ và ngăn nắp. Một vài phòng dán bảng khu vực có F0 cách ly tại nhà. Ở đây còn có một khoảng sân dành cho thể thao, phòng gym, phòng đọc sách, hội trường để công nhân tổ chức các hoạt động tập thể.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, trưởng ban quản lý nhà lưu trú, cho biết hiện khu nhà cho các doanh nghiệp thuê để bố trí cho công nhân ở chứ không nhận công nhân ở tự do. Hiện có 39 doanh nghiệp đăng ký thuê và trả tiền hằng tháng 236 phòng của khu nhà lưu trú. “Nhiều doanh nghiệp tìm hỏi thuê nhà cho NLĐ ở nhưng chúng tôi không còn phòng để tiếp nhận”, bà Tâm nói.
So với nhà trọ bên ngoài, giá cho thuê trong khu nhà lưu trú khá mềm: phòng 10 người ở giá 2,5 triệu đồng/tháng. Phòng 6 người ở giá 1,2 triệu đồng/tháng và phòng cho 4 người giá 1 triệu đồng/tháng. Bà Tâm cho biết trong đợt cao điểm dịch COVID-19 vừa qua, trong khu nhà lưu trú 219 không có trường hợp nào bị dương tính.
Khu nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II (P.Bình Chiểu) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư cũng luôn kín người. Khu nhà có gần 400 căn hộ, mỗi căn rộng 35m2 có bancông, phòng khách, phòng bếp, nhà vệ sinh, phòng tắm và phòng ngủ. Công nhân muốn đăng ký thuê chỗ ở tại nhà lưu trú Thiên Phát phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và chờ cho đến khi có chỗ trống.
Theo Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có 12 nhà lưu trú cho công nhân với 15.000 chỗ ở. Tuy nhiên, hầu hết các khu nhà lưu trú này đã được sử dụng khoảng 10 năm về trước. Năm 2018, Công ty Thiên Phát được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm một khu nhà lưu trú nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công được. Sở Xây dựng cũng cho biết hiện có gần 20 dự án nhà ở cho công nhân đang triển khai nhưng chưa nói được tiến độ hoàn thành do nhiều dự án chưa xong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng.
Mới đây, lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết dự kiến quy hoạch ba khu đất để làm nhà ở cho công nhân và NLĐ làm việc trong Khu công nghệ cao TP. Ba khu đất diện tích hơn 90ha, tiếp giáp khu công nghệ, có thể đáp ứng được hơn 80.000 chỗ ở cho công nhân và NLĐ.
Trước đó, UBND quận 7 cũng đề xuất với UBND TP được sử dụng tạm 8 vị trí đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, có thể đáp ứng được chỗ ở cho 30.000 NLĐ.
Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh cũng đang tìm chỗ xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nhưng đến nay chưa thấy đề xuất quỹ đất hay có dự án nào.
Đồng Nai, Bình Dương có hàng chục khu công nghiệp đang hoạt động và hàng triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Phần lớn họ là lao động nhập cư nên nhu cầu về nhà ở rất lớn.
Chạy dọc các con hẻm ở phường Long Bình, Trảng Dài, Tân Phong (TP Biên Hòa) là thấy hàng chục dãy nhà trọ với quy mô, cũ mới khác nhau. Điểm chung của chúng là hai dãy phòng đối diện nhau, ở giữa có lối đi chung rộng 2-3m. Mỗi phòng có diện tích từ 12-20m2 , được thiết kế với một cửa chính, một cửa sổ, có gác lửng hoặc không. Trung bình mỗi phòng có từ 2-3 người, cũng có phòng đến 5-6 người cùng ở.
Hơn 2 năm nay, chị Sao Mai (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng chồng và con nhỏ 3 tuổi dọn tới thuê trọ tại khu phố 11A, phường Tân Phong. Cũng như những người đang sống cùng dãy trọ, mọi sinh hoạt nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh, ngủ nghỉ, dạy con học… đều gói gọn trong căn phòng chưa tới 20m2 . Vợ chồng chị Mai từ quê vào Đồng Nai 10 năm nay. Chị làm nhà nước lương ổn định nhưng thấp, chồng chị làm công nhân trong Khu công nghiệp Amata.
Trước đây, lương chồng chị chưa tới 5 triệu đồng vì công ty không tăng ca, sau đó chồng chị đổi qua công ty khác làm, lương có đỡ hơn chút nhưng vẫn không thể dành dụm được tiền mua nhà. Dãy trọ của chị có 14 phòng đối mặt nhau, mỗi phòng có ít nhất 3 người. “Nếu có nhà ở xã hội giá rẻ hay vừa tầm, vợ chồng tôi sẽ vay mượn để mua" - chị nói.
Anh Nguyễn Văn Tùng (ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa) cho biết từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp gần 10 năm. Sau nhiều năm vất vả dành dụm, anh có được hơn 400 triệu đồng, dự tính mua một căn nhà nhưng mãi vẫn chưa kiếm được nhà giá phù hợp. “Chỗ nào rao bán nhà, bán đất giá rẻ chút là tôi đều chạy tới hỏi thăm nhưng vẫn chưa mua được. Ở trung tâm thì mỗi lô đất chưa có nhà đã hơn tỉ, còn các phường như Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình… cũng cả tỉ đồng một căn nhà cấp 4 nhưng không có giấy tờ, không thể thế chấp vay ngân hàng được”, anh Tùng đắn đo.
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, toàn tỉnh có trên 20.000 cơ sở cho thuê nhà trọ tập trung với hơn 150.000 phòng, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho NLĐ. Mặc dù các phòng trọ này rất chật hẹp, không đảm bảo các tiêu chuẩn nhưng do giá thấp nên thu hút được nhiều người thuê.
Cũng theo Sở Xây dựng Đồng Nai, hiện có khoảng 410.000 NLĐ các khu công nghiệp trên địa bàn có nhu cầu về nhà ở, trong đó có hơn 320.000 người là lao động ngoại tỉnh. Ước tính, Đồng Nai cần ít nhất hơn 200.000 căn nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của số lao động trên. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại Đồng Nai thời gian qua quá chậm. Theo mục tiêu, Đồng Nai phải xây dựng 21.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2014-2020, nhưng đến cuối năm 2020, tỉnh này mới hoàn thành 3.498 căn nhà ở xã hội (đạt 16,3% kế hoạch), trong đó có 1.581 căn nhà ở xã hội cho NLĐ.
Nguyên nhân chủ yếu do tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội chậm, nhiều dự án đã xác định được chủ đầu tư nhưng đến nay chưa xây dựng; quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại dành để phát triển nhà ở xã hội đạt tỉ lệ thấp (khoảng 6%) do nhiều chủ đầu tư chưa triển khai dự án.
Ngày 30-7, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành nghị quyết 23 thông qua “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030”, mục tiêu xây dựng 6.000 căn nhà ở xã hội, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 xây dựng 2.500 căn nhà ở xã hội, diện tích sàn 200.000m2 , vốn hơn 2.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2026-2030 xây dựng thêm 3.500 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn 280.000m2 , vốn đầu tư gần 4.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia bất động sản, số căn nhà ở xã hội này khó đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của hàng trăm ngàn NLĐ đang khó khăn về nhà ở tại Đồng Nai.
Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Xây dựng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết toàn tỉnh có hơn 400.000 công nhân có nhu cầu nhà ở. Trừ đi các trường hợp tự mua được nhà riêng, các đôi vợ chồng công nhân thì Đồng Nai còn thiếu hơn 200.000 căn nhà ở xã hội. Ông nói: “Sau đợt dịch tôi đã yêu cầu ngành xây dựng lên kế hoạch ngay chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trong đó nói rõ các địa phương, đặc biệt những nơi có khu công nghiệp, phải đầu tư ít nhất từ 2-3 khu nhà ở xã hội”.
Về quỹ đất làm nhà ở xã hội, Đồng Nai đã rà soát lại các dự án làm khu dân cư trên 10ha, khu đô thị 2ha trở lên; đưa một số vị trí đất công có thể chuyển thành nhà ở xã hội vào quy hoạch để xây dựng; chuyển các nhà trọ tư nhân xây theo kiểu lụp xụp quy mô 1-2ha sang làm nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Dũng, qua rà soát các khu thương mại dịch vụ quy hoạch trước đây trong 31 khu công nghiệp tại Đồng Nai hiện còn trống 132ha. Ông Dũng cho rằng đây là quỹ đất khá lớn và kiến nghị Bộ Xây dựng cho cơ chế để Đồng Nai trình lên Chính phủ xin cho địa phương điều chỉnh khu thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp thành đất nhà ở xã hội. “Được một nửa trong số 132ha này sẽ giải quyết rất nhiều nhà ở cho công nhân”, ông Dũng tính toán.
Sở Xây dựng Bình Dương cho biết tỉnh không đặt nặng việc xây nhà lưu trú cho công nhân mà chuyển sang xây nhà giá rẻ bán cho NLĐ. Trong giai đoạn 2011-2015, Bình Dương xây dựng 1.307.700m² nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 110.907 người. Thời gian qua tỉnh Bình Dương đã thu hút được 86 dự án phát triển nhà ở xã hội các loại với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 200ha, tương đương với 3,9 triệu m2 sàn xây dựng.
Thực tế, mô hình nhà ở xã hội giá thấp (100-150 triệu đồng/ căn) được xem là thành công tại Bình Dương. Với lợi thế quỹ đất còn nhiều, Bình Dương đã xây dựng được nhiều block nhà 5 tầng với diện tích khoảng 30m2 mỗi căn hộ (gồm trệt và gác) và hàng ngàn công nhân đã có chỗ an cư tươm tất. Tuy nhiên, lãnh đạo Bình Dương cũng thừa nhận số lượng nhà ở xã hội chưa đủ cho nhu cầu của lượng lớn NLĐ các tỉnh khác đang làm việc tại Bình Dương.
Ông Lê Quang Vinh, trưởng phòng quản lý nhà Sở Xây dựng Bình Dương, cho biết hiện trên Bình Dương chưa có nhà lưu trú cho công nhân. Vì vậy, những công nhân chưa mua được nhà ở xã hội phải ở các khu phòng trọ tự phát chật chội, ẩm thấp. “Sở Xây dựng Bình Dương đang xây dựng quy chuẩn xây nhà ở cho công nhân, NLĐ thuê để nâng cao chất lượng phòng trọ trên địa bàn trong khi chờ các dự án nhà lưu trú và nhà ở xã hội xây dựng”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, Bình Dương đã có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội để NLĐ thuê theo quy định. Cụ thể, dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Chủ đầu tư dự án được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn ưu đãi; hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội… Với nhà trọ do tư nhân đầu tư, Bình Dương khuyến khích hộ gia đình, cá nhân áp dụng tiêu chuẩn nhà ở xã hội, nhằm nâng cao chất lượng nhà cho thuê.
Từng khét tiếng về những khu nhà ở “kongsi” xập xệ cho công nhân quanh các công trường, Malaysia đang quyết liệt theo đuổi chính sách cải thiện chất lượng không gian sống cho người lao động, đồng thời mở ra cánh cửa để các nhà đầu tư cùng tham gia giải quyết vấn đề.
Tháng 11 vừa rồi, truyền thông Malaysia xôn xao vì một con số được nhà chức trách nước này đưa ra: Một nửa trong số 34.248 chủ sử dụng lao động bị thanh tra trong năm nay không cung cấp chỗ ở đạt tiêu chuẩn cho người lao động.
Theo ông Awang Hashim, thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, từ tháng 2 năm nay cơ quan này đã mở 1.169 cuộc điều tra và ra 796 quyết định xử phạt với số tiền 9,14 triệu ringgit Malaysia (gần 50 tỉ đồng) với các cơ sở không thực hiện đúng Đạo luật tiêu chuẩn tối thiểu về nhà ở và tiện nghi cho người lao động, hay còn được biết đến với cái tên Đạo luật 446.
Kết quả thanh tra cho thấy khối vi phạm nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất chế tạo, còn một trong những vi phạm phổ biến nhất là việc thiếu khu vực ăn uống và nghỉ ngơi cho nhân viên, theo báo Malay Mail.
Nỗ lực này của giới chức Malaysia được khởi động sau khi các ổ dịch COVID-19 liên tục được phát hiện ở các cộng đồng công nhân nhập cư. Theo lời ông Awang, một trong các lý do gây bùng dịch là “sự thiếu thốn, mất kiểm soát về điều kiện vệ sinh nơi ở” mà một lượng lớn người lao động nhập cư nước này đang phải chịu đựng.
Với dân số 33 triệu người và tỉ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 68%, Malaysia hiện đang sử dụng khoảng 2 triệu lao động nước ngoài, chưa kể hàng triệu lao động khác di cư theo đường không chính thức. Phần đông lao động ngoại nhập này làm việc trong lĩnh vực xây dựng và chế biến, nơi các nhà tuyển dụng không ngừng tìm kiếm nhân công rẻ từ các nước lân cận như Indonesia, Bangladesh và Pakistan để lấp đầy các vị trí trống mà dân bản địa không mấy mặn mà.
Tuy nhiên, nơi ăn chốn ở cho lực lượng này lại không phải ưu tiên số 1 được các nhà tuyển dụng Malaysia quan tâm. Lao động tha hương, mà phần lớn là công nhân xây dựng, thường bị đẩy vào các khu nhà ở tồi tàn, còn gọi là “kongsi”, nơi hàng chục người sống chen chúc các phòng giường tầng xây tạm bợ, thiếu nguồn nước và khu vực vệ sinh đảm bảo.
Trả lời phóng viên điều tra của tạp chí R.age thuộc báo The Star (Malaysia), một lao động nhập cư cho biết khu kongsi nơi anh đang sống “còn tệ hơn cả bãi rác ở khu ổ chuột của Bangladesh”, khi chỉ có 3 cái toalét cho 400 công nhân và một bồn nước ximăng lớn là nơi duy nhất có nước tắm.
Dù đã nhức nhối từ lâu, vấn đề nhà ở cho công nhân chỉ mới thực sự được coi là nghiêm trọng khi có COVID-19 can dự vào. Hồi cuối năm 2020, hãng sản xuất dụng cụ y tế Top Glove đã phải dừng hoạt động 28 nhà máy tại Malaysia sau khi hàng loạt công nhân xét nghiệm dương tính với COVID-19. Nhiều nhân viên Top Glove đổ lỗi cho hãng vì đã nhét tới 30 công nhân vào các phòng ở chật chội, bức bí khiến virus dễ lây lan, thay vì phải bảo vệ họ trước dịch bệnh.
Với sự cấp bách của vấn đề nhà ở công nhân trong dịch bệnh, mọi con mắt đổ dồn về hiệu quả của việc thực thi Đạo luật 446. Đạo luật này vốn đã ra mắt từ năm 1990, nhưng khi đó chỉ quy định tiêu chuẩn nhà ở công nhân trong các trang trại đồn điền. Phải đến năm 2019, văn bản này mới được sửa đổi để áp dụng cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo chỗ ở có nguồn nước, điện ổn định, đồng thời bố trí nhà vệ sinh và nhà tắm với tỉ lệ trung bình không vượt quá 15 người/đơn vị. Khu bếp và nhà ăn cần được đảm bảo, trong khi diện tích chỗ ngủ trung bình phải bằng hoặc trên 3m2 cho 1 người.
Trước đây, các tiêu chuẩn của Chính phủ Malaysia về nhà ở công nhân chỉ dừng lại ở mức khuyến nghị. Thế nhưng, nhờ có Đạo luật 446 sửa đổi, nhà chức trách sẽ có quyền buộc chủ lao động tiến hành thay thế hoặc sửa chữa nhà ở để đảm bảo chất lượng sống tối thiểu cho người lao động, đồng thời áp dụng mức phạt lên đến 200.000 ringgit Malaysia (1 tỉ đồng) và 3 năm tù giam cho các cá nhân không chấp hành.
Các sửa đổi theo dự định ban đầu sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2020, nhưng do các cản trở của dịch COVID-19 mà mãi đến tháng 9-2021 mới thật sự được thi hành. “Người lao động, bất kể là công dân Malaysia hay người nhập cư, đều cần cảm thấy an toàn trong chỗ ở được chủ lao động cung cấp” - Thứ trưởng Awang cho biết.
Sự cương quyết trong thực thi Đạo luật 446 của Chính phủ Malaysia được dự đoán sẽ gây ra nhiều biến chuyển trên thị trường nước này. Chủ sử dụng lao động đang loay hoay tìm cách thích ứng với yêu cầu mới, còn các nhà đầu tư thì ngay lập tức nhìn thấy cơ hội.
Theo một báo cáo gần đây của đơn vị tư vấn bất động sản Knight Frank Malaysia, sức ép thi hành Đạo luật 446 sẽ khiến nhà ở chất lượng tốt dành cho công nhân được các chủ lao động và các bên liên quan săn lùng trong thời gian tới.
“Các cơ sở công nghiệp đang đi qua giai đoạn phản kháng và đang tìm cách thích nghi với đạo luật mới. Cùng với đó, họ cũng tiếp nhận các góc nhìn mới, cho rằng nhà ở cho công nhân sẽ giúp đảm bảo sự bền vững cho công việc kinh doanh của họ” - báo New Straits Times dẫn lời Allan Sim, giám đốc thị trường vốn và công nghiệp của Knight Frank Malaysia, cho biết.
Đối với các nhà đầu tư, nhà ở chuyên biệt cho người lao động (purposebuilt workers' accommodation - PBWA) ở Malaysia đang trở thành một phân loại đầu tư ngách mới mang tính phi truyền thống, với nhiều công trình mới đang tập trung ở các khu vực có tốc độ phát triển cao như Selangor, Johor hay Penang. Giá không gian ở tính theo giường tại các khu vực vào khoảng 155-300 ringgit (800.000 - 1,6 triệu đồng) một tháng, mức giá được cho là hợp lý và phù hợp với túi tiền của người lao động phổ thông. Tuy vậy, các phúc lợi xã hội đi kèm chỗ ở vẫn sẽ được các nhà đầu tư chú trọng.
“Tiện ích trong các khu nhà ở chuyên biệt này như siêu thị mini, tiệm cắt tóc và tiệm ăn, khu giải trí, WiFi và các hoạt động giao lưu xã hội sẽ giúp đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lao động, ngay cả khi họ phải di chuyển ra ngoài trong tình hình dịch bệnh” - Sim nói thêm.
Với tiềm lực mạnh từ các đơn vị sản xuất công nghiệp, cụ thể là chuỗi sản xuất giá trị cao tại Malaysia, các khu nhà ở đảm bảo chất lượng cho công nhân sẽ trở thành một phân loại đầu tư có chất lượng trong thời gian không xa, Allan khẳng định.
“Nguồn chỗ ở đảm bảo cho người lao động cũng là một yếu tố quan trọng giúp hoàn thành hệ sinh thái công nghiệp, giúp Malaysia cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả nhất. Cơ hội vẫn đang tràn trề cho các dự án nhà ở chuyên biệt cho người lao động mới ở Malaysia”.
Hiến pháp Việt Nam 2013, điều 22 nêu rõ: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”, và dù việc thực thi quyền này trong thực tế không hề dễ dàng, việc mọi người dân đều có một mái ấm là mong ước phổ quát của mọi quốc gia.
Những lý do nào khiến một “đặc quyền” (privilege) trở thành một “quyền” (right), đâu là ranh giới của hai điều đó, và vì sao nó lại quan trọng với vấn đề nhà ở? Một ví dụ: giáo dục bậc cao là quyền hay đặc quyền? Câu hỏi đó chắc sẽ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu là giáo dục tiểu học, hẳn số người nhất trí đó là quyền, chứ không phải đặc quyền, sẽ cao hơn nhiều. Vậy nhà ở thì sao?
Mọi vấn đề đều có lịch sử của nó. Giáo dục tiểu học, ngày nay được coi là quyền nghiễm nhiên ở hầu hết các quốc gia, một thời cũng từng gây tranh cãi. Vào đầu cuộc cách mạng công nghiệp, việc sử dụng và bóc lột lao động trẻ em là hết sức bình thường, nhưng rồi xã hội thay đổi. Ý tưởng mọi đứa trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho học hành trở nên thắng thế, và đủ thứ quyền được pháp luật bảo vệ gắn với bà mẹ và trẻ em ra đời, những điều mà không lâu trước đó còn là một đặc quyền.
Giống như giáo dục, việc có một nơi tá túc cũng đang dần thay đổi từ đặc quyền thành quyền, dù chậm chạp và nhọc nhằn hơn. Ý tưởng mọi người có quyền yên giấc mỗi tối, không phải lo sợ hay chịu đựng mưa gió, giá lạnh, bạo lực… không chỉ đẹp và nhân văn, nó còn hợp pháp nữa.
Trong nhiều thứ bất bình đẳng thì bất bình đẳng về nhà ở đang là điều hiển hiện nhất ở hầu hết các xã hội đã phát triển, hoặc đang chuyển mình trở nên khá giả. Dạo qua một vòng những khu đô thị hiện đại và sang chảnh như Phú Mỹ Hưng chẳng hạn, ta chẳng khó bắt gặp những siêu biệt thự, những căn hộ cao cấp, những nhà phố cửa đóng then cài, không có người ở, chỉ ngạo nghễ đứng đó như một thứ tài sản để dành. Cách đó không xa là những khu xóm trọ nghèo của đủ thứ dân lao động và không lao động, ngập nước, chen chúc, và cả không ít những người vô gia cư.
Khi căn nhà không chỉ là một nơi trú ngụ, mà còn là một tài sản lớn, thậm chí là lớn nhất đời người, tình trạng bất bình đẳng về nhà ở đang là vấn đề nhức nhối với gần như mọi quốc gia. Ở New Zealand chẳng hạn, giá nhà trung bình, theo một bài báo trên Stuff ngày 21-9-2021, là hơn 900.000 đôla New Zealand (14 tỉ đồng). Là một quốc gia giàu có bậc nhất, nhưng vẫn có tới 300.000 người New Zealand (dân số 5 triệu người) sống trong tình trạng nhà ở “không thể chấp nhận được” và hơn 360.000 hộ vẫn phải nhận trợ cấp nhà ở. Tỉ lệ sở hữu nhà chỉ là dưới 30% và ở thành phố lớn nhất nước Aukland là không tới 50%.
Đó là một tình thế chung ở gần như mọi quốc gia. Thị trường bất động sản sau nhiều năm tích tụ của cải hình thành nên trạng thái gần như không thể lay chuyển: Những người sở hữu nhà đất sẽ tăng tài sản của mình lên mà không phải làm gì và gần như luôn với mức tăng giá nhanh hơn nhiều so với tăng thu nhập từ lương. Trong khi đó, những người không sở hữu nhà phải chấp nhận triển vọng có nơi ở lâu dài ngày một xa vời, một số người sẽ phải vay mượn những khoản tiền lớn, nhiều người khác đành cam chịu. Hệ quả, nhất là khi các đô thị ngày một mở rộng, là số người lao động phải chấp nhận những điều kiện chỗ ở tồi tệ sẽ tăng lên.
Hầu như tuần nào trên các trang tin bất động sản, thị trường, kinh doanh cũng xuất hiện một bài báo chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến nhà cửa đắt đỏ: thiếu nguồn cung, khó tiếp cận tài chính, lãi suất thấp khiến đầu cơ nhà đất tăng lên, thủ tục xây dựng rườm rà, giá vật liệu xây dựng tăng, vân vân và vân vân. Rồi cũng gần như mỗi tuần, những giải pháp cũ rích lại được đề đạt: đánh thuế bất động sản thứ hai, sửa đổi luật nhà đất, hay mới đây nhất, siết lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy, giá nhà tăng vẫn cứ tăng, và hiệu lực của các chính sách vẫn cứ ở lại trên giấy.
Những nỗ lực xoay chuyển tình thế ít nhiều thành công cho tới giờ, thực ra, cho thấy Nhà nước sẽ phải can thiệp mạnh tay hơn là các “giải pháp thị trường” thuần túy, và để nhiều người hơn có nhà ở, lợi ích của một số người khác sẽ phải bị hy sinh.
Ngay cả ở Mỹ, thiên đường của chủ nghĩa tư bản kiểu Darwin, những dự án phát triển nhà ở xã hội đã có từ rất lâu đời, ít ra là gần một thế kỷ, và hiện 1,2 triệu người Mỹ đang sống trong những căn nhà thuộc sự quản lý của hơn 3.300 cơ quan quản lý nhà ở xã hội, hầu hết là các khu có điều kiện sống tốt. Các dự án này từng nhận nhiều chỉ trích, bị giới kinh tế gia tự do cho là sự lãng phí nguồn lực phi thị trường và làm mọc lên các khu ổ chuột ở những thành phố lớn, nhưng cũng có những ý kiến khác. “Câu chuyện về nhà ở xã hội ở Mỹ là một thành công lặng lẽ bị nhấn chìm bởi một số ít thất bại bị làm rùm beng” - Ed Goetz, giáo sư Đại học Minnesota, viết trong cuốn New Deal Ruins: Race, Economic Justice and Public Housing Policy (Tàn tích của chính sách Kinh tế mới: Chủng tộc, công lý kinh tế và chính sách nhà ở xã hội) in năm 2013.
Những nỗ lực ở quy mô liên bang đầu tiên để xây nhà ở xã hội là vào những năm 1930, khi cuộc Đại suy thoái đang hoành hành, được chính thức hóa qua đạo luật nhà ở 1937. Sự chống đối là gần như ngay lập tức: nhiều người không muốn đóng thuế để xây nhà cho người nghèo và giới chủ đầu tư bất động sản không muốn phải cạnh tranh với nhà nước. Các nhóm vận động hành lang dựng lên những tấm bảng: “Bạn có muốn trả tiền thuê nhà cho người khác không?”, theo Goetz.
Đó là một cuộc tranh đấu dai dẳng, với cái tên nổi bật là Lyndon B. Johnson. Từ khi làm nghị sĩ ở tuổi 29 (1937) cho tới khi làm tổng thống 30 năm sau đó (1963-1969), nhà ở xã hội đã luôn là trọng tâm trong mọi nghị trình của ông. Ngay từ năm 1938, ông đã nói: “Những người đang sống trong các hoàn cảnh mà tôi đã mô tả giờ có thể chuyển tới những nơi mới, sạch sẽ và an toàn. Sẽ không có thảm Ba Tư trải sàn, không có màn cửa kiểu Venice, nhưng sẽ có đèn điện, nước sạch, khí trời, và cửa sổ mở ra đón nắng, và những bức tường vững chãi đủ để chống lại giá rét mùa đông”.
Theo đuổi triết lý đơn giản đó, ngày nay, nói ví dụ ở New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, có khoảng 180.000 đơn vị nhà ở xã hội, góp phần quan trọng giúp nhiều người có thu nhập thấp tìm được chỗ tá túc đàng hoàng ở siêu đô thị mà giá nhà vào loại thuộc “cõi trên” nhất thế giới.
Trong một ví dụ khác, Thái Lan cho thấy một chương trình nhà ở xã hội thành công là quan trọng ra sao với các quốc gia và đô thị đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Bangkok được dự báo sẽ bị ngập tới 40% vì biến đổi khí hậu ngay từ năm 2030, theo Ngân hàng Thế giới. Điều đó đồng nghĩa hàng chục nghìn cư dân của đô thị 11 triệu dân này, vốn sống dọc các bờ kênh, các nhánh của sông Chao Phraya, trong các khu ổ chuột, hầu hết là người lao động nghèo, sẽ gặp khó khăn về nhà ở.
Những nỗ lực có hệ thống đã được thực hiện để tái định cư cho họ. Chương trình Baan Mankong của chính quyền, khởi động từ năm 2003, nhắm tới việc hỗ trợ dân các khu ổ chuột có được nhà ở đàng hoàng qua các khoản trợ cấp, cho vay ưu đãi mua hoặc nâng cấp nhà cửa. Hơn 130.000 hộ gia đình khắp Thái Lan, cả ở nông thôn và thành thị, đã hưởng lợi từ chương trình này.
Chính quyền đã đều đặn nâng mức trợ cấp cho Baan Mankong và tuyên bố mục tiêu xây 1,2 triệu đơn vị nhà ở xã hội trong 10 năm tới, chủ yếu là để tái định cư cho những người sống dọc các bờ sông và kênh rạch. Theo đó, các cộng đồng dân cư sẽ tổ chức hợp tác xã để thương lượng với chủ đất tư nhân và chính quyền nhằm mua hoặc thuê đất, tự quyết định phương án thiết kế cũng như các khoản vay. Quyền sở hữu sẽ là tập thể, thông qua hợp tác xã. Bằng cách tập hợp nguồn lực và có tư cách pháp nhân tổ chức, một cộng đồng có thể tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn so với tư cách cá nhân.
Bằng cách được quyền tự quyết, họ sẽ xây nên những căn nhà phù hợp nhất với lối sống và túi tiền của họ. “Cơ chế linh hoạt này, nơi người nghèo có thể tiếp cận trực tiếp các quỹ xây dựng nhà ở, là khác với các dự án nhà ở xã hội mà tiền hoàn toàn do nhà nước nắm giữ” - Supreeya Wungpatcharapon, trợ lý giáo sư ở Đại học Kasetsart từng nghiên cứu về nhà ở xã hội, nói với Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận