Nhà máy, Faust và thân phận người công nhân

CHIÊU VĂN 27/03/2018 02:03 GMT+7

TTCT - Những nhà máy đang thay đổi mạnh mẽ, nhưng thân phận người công nhân thì chưa được như thế.

Tranh tường Detroit Industry của -Diego Rivera ở Viện Nghệ thuật Detroit. Ảnh: vassar.edu
Tranh tường Detroit Industry của -Diego Rivera ở Viện Nghệ thuật Detroit. Ảnh: vassar.edu

 

Năm 2010, 14 công nhân tự sát tại các nhà máy ở Trung Quốc của Tập đoàn Hon Hai Precision Industry, tức Foxconn - những cơ sở sản xuất khổng lồ chuyên chế tạo các thiết bị điện tử cho Hewlett-Packard, Dell và nổi tiếng nhất, Apple.

Trước những tin tức đó, chủ tịch Apple Steve Jobs (đã qua đời năm 2011) nói những vụ tự sát “thật phiền lòng” và hứa rằng công ty sẽ “làm tất cả những gì có thể”. Cùng lúc, ông lưu ý rằng ở Foxconn, với hơn 1 triệu nhân công, tỉ lệ tự sát thấp hơn nhiều so với tỉ lệ bình quân ở Trung Quốc hay ở Mỹ.

Điều đó đúng, nhưng đấy là những vụ tự sát bắt chước nhau, nhằm gây chú ý tới mức lương còm cõi và điều kiện làm việc tàn tệ ở Hon Hai (Hồng Hải): 13/14 trường hợp tử vong (và 4 người nữa tự sát bất thành) là những công nhân trẻ gieo mình xuống từ khu nhà ở cao tầng của công ty. Hai năm sau, 150 công nhân xếp hàng trên một nóc nhà khác dọa sẽ nhảy xuống nhất loạt nếu những yêu cầu đòi điều kiện làm việc tốt hơn của họ không được chấp thuận. Ban quản lý ưng thuận và các công nhân rời nóc nhà, vô sự. Những chiếc iPhone tiếp tục được xuất xưởng, không ngừng.

Những vụ việc như thế, và 300 năm vô số thân phận con người đã giam mình trong các nhà máy sản xuất hàng loạt kể từ cách mạng công nghiệp là cảm hứng cho cuốn sách mới ra mắt của sử gia người Mỹ, giáo sư Đại học New York, Joshua B. Freeman Behemoth: A History of the Factory and the Making of the Modern World (tạm dịch: Con quái vật: Một lịch sử nhà máy và sự hình thành thế giới hiện đại).

Trong đó, ông lập luận rằng xưởng sản xuất công nghiệp là sự đánh đổi mang chất Faust lớn nhất của loài người. (Faust là nhân vật chính trong vở kịch cùng tên của văn hào người Đức Johann Wolfgang Goethe. Trong tác phẩm, Faust chấp nhận một cuộc mặc cả với quỷ, đổi linh hồn mình lấy tri thức).

Với Freeman, lịch sử phi nhân tính và hủy hoại môi trường của các nhà máy công nghiệp diễn ra song song với lịch sử về những cơ hội mới, sự thịnh vượng và phồn vinh của xã hội loài người. Là một học giả lớn về lịch sử lao động, Freeman tìm hiểu cái giá kinh khủng mà con người phải trả cho quá trình công nghiệp hóa.

Behemoth ghi lại biên niên 5 chặng đường phát triển của nhà máy thông qua hàng loạt ví dụ cụ thể: các nhà máy dệt may ở Anh, thép và xe hơi ở Mỹ, máy cày và cơ khí ở Nga, giày dép cùng thiết bị điện tử ở Trung Quốc. Trên suốt hành trình đó là một câu chuyện khác ít tính học thuật hơn nhiều, về ý thức hệ, sự đam mê về mặt mỹ học và đấu tranh giai cấp không khoan nhượng.

Các nhà máy đã thực sự quy định cách chúng ta làm việc, suy nghĩ, đi lại, chơi bời và đánh nhau. Những nhà tư bản, những người cộng sản, những người dân chủ, những người xã hội chủ nghĩa, các triết gia, các nghệ sĩ, các kỹ sư, các kế toán viên..., tất cả đều ở trong vòng xoáy của những nhà máy từ những năm 1720, khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu tăng tốc.

Henry Ford muốn qua quản trị khoa học để xây dựng “những cỗ máy tính hợp khổng lồ” tạo ra nhiều hàng hóa nhanh nhất có thể, trong khi nhà nước Liên Xô coi nhà máy được kế hoạch hóa tập trung là nền tảng của sản xuất chủ nghĩa xã hội. Bên ngoài cuộc chiến ý thức hệ, họa sĩ Diego Rivera vẽ kiệt tác tranh tường Detroit Industry đầu những năm 1930 để vinh danh “sức mạnh của con người và máy móc”.

Nhưng cũng giống nhiều thứ khác ở thời đại này, các nhà máy đang thay đổi. Những con quái vật ngày xưa giờ đã trở thành siêu quái vật, lớn hơn bất cứ thứ gì mà Detroit hay Stalingrad của nửa đầu thế kỷ 20 có thể tưởng tượng ra.

Những nhà máy mới có thể vẫn mượn phương pháp, quy trình và cấu trúc tổ chức cũ, nhưng chúng khác hẳn quá khứ. Chúng không còn là biểu tượng tự hào của các công ty sở hữu chúng nữa mà chỉ là những cơ sở sản xuất được các tập đoàn đa quốc gia thuê mướn.

Cũng thế, “quê ta nhà máy khói ngút trời” giờ không còn là niềm tự hào vẻ vang nữa. Các cơ sở sản xuất hàng loạt hiện đại phải lánh mình cách xa các đô thị, và cảnh báo mọi người “không phận sự miễn vào”.

Chủ sở hữu của chúng cũng đã hoàn toàn khác. Không còn là những nhà tư bản sản xuất như Ford, cũng không còn là các nhà nước toàn trị. Cổ đông lớn thứ hai của Hon Hai chẳng hạn, là một quỹ tương hỗ hoàn toàn không dính dáng gì tới những công việc ăn no vác nặng của sản xuất công nghiệp. Chỉ có một điều đã không thay đổi được nhiều như thế: đời sống của người công nhân ở trong những xưởng mồ hôi đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận