TP.HCM đã và đang là một megacity của cả châu Á, và điều siêu đô thị này cần nhất là một cơ chế riêng để phát huy sức mạnh sẵn có, nghĩa là một hành lang đủ lớn để tăng tốc thật sự.
Với những người nhập cư trên 20 năm như tôi, tức từng chứng kiến người Sài Gòn xuống đường chỉ để đi vòng vèo Lê Lợi - Đồng Khởi thời bóng đá Việt Nam mới thành á quân SEA Games, hay chen chúc ở đường Nguyễn Huệ nhân lễ Sài Gòn 300 năm để được xem ca nhạc và trình diễn thời trang miễn phí cả tuần, thì các biểu tượng vật chất của Sài Gòn lần lượt thay đổi theo... chiều cao của các tòa nhà.
Vào cuối những năm 1990, đến Sài Gòn là phải nhìn thấy tòa nhà 33 tầng ở 37 Tôn Đức Thắng. Một
thập niên sau là tòa hoa sen 68 tầng Bitexco. Rồi 10 năm sau nữa là tòa Landmark 81 tầng của
Vingroup. Từ những ngày đầu tiên choáng ngợp với những cao ốc 10 -15 tầng ở quận 1, đến khi phải
đứng tận trên cầu Sài Gòn mới chụp được hết nóc tòa nhà cao 300m, thuộc top 20 tòa chọc trời của
thế giới, với đa số người dân ở Sài Gòn, họ vẫn chỉ được xem bắn pháo hoa mỗi dịp cuối năm, vẫn
phải đến sân Thống Nhất xem bóng đá với không gian chật chội nhếch nhác không khác một sân bóng
hàng tỉnh thời bao cấp.
Giấc mơ về một trung tâm thể thao cho đàng hoàng ở một đô thị mười mấy triệu dân, ngay cả chỉ là món quà cho thế hệ con cái, vẫn mãi là giấc mơ, dù cái biển báo chỉ đường “Trung tâm TDTT Rạch Chiếc” đã có cách đây cũng xấp xỉ 20 năm.
Một câu chuyện mới gần đây thôi làm chia rẽ lòng người không nhỏ là khi thành phố quyết định đầu
tư xây dựng một nhà hát opera trong lòng Thủ Thiêm. Nhiều ý kiến gay gắt với quan điểm: Thành
phố còn bao nhiêu nhu cầu cấp thiết khác, đi xây dựng một công trình biểu diễn thứ nghệ thuật mà
không mấy người hiểu được làm gì?
Đấy là những ví dụ để có thể thấy được một nghịch lý của TPHCM. Là đầu tàu cung cấp hơn 1/4 cho ngân sách quốc gia, là megacity của cả khu vực Đông Nam Á, nhưng vừa chi ra một đồng thì ngay lập tức bị người dân nặng nhẹ bởi tình trạng giật gấu vá vai, làm gì cũng không đủ, và khó để đa số người dân hài lòng đã trở thành mãn tính. Cốt lõi vấn đề, ai cũng biết, nhưng nói ra thì ai cũng thở dài: tiền thu được cần cho quốc gia hơn.
Một ngày thành phố thu ngân sách hơn một nghìn tỉ, một năm xấp xỉ 380.000 tỉ; cho đến năm nay, thành phố được giữ lại khoảng 78.000 tỉ, tương đương 18% tổng thu ngân sách. Năm sau sẽ được tăng thêm 6.000 tỉ, tức tăng 3 điểm phần trăm. Con số tăng thêm này là kết quả của cả một quá trình thương lượng và nâng lên đặt xuống giữa các cấp, bộ, ngành của trung ương và thành phố suốt mấy năm qua.
6.000 tỉ tăng thêm mỗi năm không thể gọi là nhiều, nó chưa đủ để xây một tòa Landmark 81 (300 triệu USD, tức gần 7.000 tỉ đồng) nhưng vẫn là niềm vui lớn cho chính quyền thành phố và người dân Sài Gòn. Tuy nhiên, đấy không phải là một niềm vui trọn vẹn, bởi lẽ con số phần trăm tăng thêm chỉ được xem xét mỗi năm, có nghĩa là có thể cao hoặc thấp hơn trong các năm tiếp theo. Và bởi một lẽ khác quan trọng hơn, nó là con cá, chứ chưa phải cần câu, cho một thành phố mà nhu cầu nguồn lực cho sự phát triển không thể chỉ trông chờ vào một sự tái phân bổ rộng rãi hơn. Cái cần là cái... cần câu.
Không gì rõ nét hơn sự thiếu thốn tiền bạc của thành phố khi đi ra các cửa ngõ. Con đường huyết mạch cho nền kinh tế của Sài Gòn và vùng Đông Nam Bộ - xa lộ Biên Hòa đoạn từ Khu tưởng niệm Vua Hùng đến cầu Đồng Nai, nơi giáp ranh của 3 tỉnh thành động lực tăng trưởng chính của miền Nam và cả nước là TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai - 20 năm qua vẫn chỉ có một làn xe hơi và một làn xe máy.
Tỉnh lộ 43, từ cầu Bình Triệu ra đến quốc lộ 13 nối Bình Dương, bao nhiêu năm không khắc phục
được tình trạng kẹt xe - thứ mà chỉ qua bên kia vài chục mét thuộc địa phận Bình Dương đã lại rất
hiếm hoi. Con đường đi ra cảng Cát Lái, qua bên kia Nhơn Trạch vẫn bến phà kẽo kẹt gồng gánh bao
nhiêu năm. Rồi để đi qua được Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố, nơi con đường xuyên qua rừng
Sác thuộc loại rộng rãi xanh sạch nhất Sài Gòn - cho đến giờ vẫn không có cách nào khác, lại là
phà.
Với những người nhập cư có khoảng thanh xuân lớn lên cùng thành phố 20 năm có lẻ, sống được nhờ thành phố và cũng có cống hiến ít nhiều cho nơi này như tôi, mỗi tuần đều phải đi lại trên những cung đường đấy, chưa bao giờ hết bức bối với câu hỏi: Có quá khó lắm không khi hàng mấy thập niên trôi qua, những công trình đường sá cầu cống thuộc loại vô cùng thiết yếu như thế cho dân sinh và nền kinh tế vẫn ì ạch? Đúng là khó thật nếu chỉ trông vào 3% giữ lại thêm kia để thành phố vừa có thêm cầu, thêm đường lẫn thêm nhà hát. Vậy tiền đâu khi mà 5 hay 6% là điều bất khả thi?
Câu trả lời là thành phố phải tự xoay xở, và phải có thêm quyền, thêm tự chủ. Nó tương tự như bố mẹ không cho con cái tiền nhưng cho nó quyền được tự kiếm tiền, quyền đi vay mượn, thậm chí cho nó vay. Bài toán tiền đâu của thành phố thực chất nằm ở khả năng có thêm quyền tự chủ và năng lực dám làm của những người đứng đầu.
Những giải pháp đã được rất nhiều chuyên gia đưa ra từ lâu đến mức người không có chuyên môn cũng thuộc lòng: Thành phố được tự huy động vốn bằng cách tăng khối lượng trái phiếu địa phương; con số hiện tại chỉ là 2.000 tỉ, là muối bỏ bể nếu so với giá trị trái phiếu chính phủ là vào khoảng 330.000 tỉ. Hiểu nôm na là thành phố đang chỉ được phép vay mượn chưa đến 1% so với trung ương, dù tỉ phần về quy mô kinh tế lớn hơn thế nhiều (giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản lượng của TPHCM chiếm 22,2% cả nước, theo báo Nhân Dân).
Thành phố có thể vay mượn thêm không? Với tư cách là người cho vay thì các doanh nghiệp tài chính chắc chắn là sẵn lòng với một con nợ hoàn toàn có khả năng trả nợ như TP.HCM. Vấn đề chỉ là thành phố có được vay và muốn vay hay không? Vế một thuộc về trung ương, vế hai thuộc về lãnh đạo thành phố.
Thứ nữa là tăng thu từ quản lý đất đai - nôm na là bán đất công, đất vàng. Vấn đề này mấy năm gần đây thường dẫn tới không ít vụ lao lý cho giới chức thành phố nhiều hơn là tiền nộp vào ngân sách, nên chìa khóa của nó không phải là có bán được giá hay không mà là bán rồi thì tiền vào tay ai?
TP.HCM đã và đang là một megacity của cả châu Á, một siêu đô thị cần có cơ chế riêng để nó có thể phát huy sức mạnh sẵn có, nghĩa là một hành lang đủ lớn để khi tăng tốc, ít bị chặn lại bởi các rào cản mà chính quyền trung ương tạo ra đối với những đô thị quy mô nhỏ hơn. Muốn thế, trước hết bản thân thành phố phải được lèo lái bởi những con người hiểu rõ đường đua và làm chủ được tốc độ. Câu chuyện tăng ngân sách giữ lại thêm 3% là câu chuyện của việc cho cá. Với người dân thường, họ mong mỏi con cá đấy biến thành một cây cầu, một sân banh, một trường học...
Còn có được cần câu, để tự kiếm được nhiều cá hơn, nó phải thực sự là một đột phá đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và một kỹ năng quản trị công khoa học và hợp lý. Ví dụ như để trả lời cho câu hỏi, nếu chính quyền thành phố được trao quyền tự chủ nhiều hơn, thì những thiệt hơn của việc TPHCM sẽ phát triển nhanh hơn hay trở thành một đô thị đắt đỏ, giãn rộng thêm sự bất bình đẳng, gây mất cân đối cho cả khu vực Đông Nam Bộ sẽ ra sao.
Liệu rằng không có sự tham gia của những chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, chúng ta có thể có một câu trả lời khả dĩ hợp lý, nếu nhìn vào thực trạng một thập niên qua: Bao nhiêu lợi ích văn hóa được tạo ra từ sự phát triển của thành phố dành cho người dân không thuộc tầng lớp giàu có?
Sự tự chủ và cơ chế hợp lý ở đây cần phải được hiểu thêm về khía cạnh cân bằng lợi ích. Không chỉ
giữa thành phố và các tỉnh lân cận, mà còn ngay trong cộng đồng cư dân của chính đại đô thị
này.
Gói kích thích kinh tế có thể giá trị rất lớn đang được thảo luận, nhưng nhiều băn khoăn đang đặt ra về mục tiêu thiết kế và hiệu quả.
Tương tự như các quốc gia khác, Việt Nam đang gấp rút nghiên cứu gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu
COVID-19. Một số tiền khổng lồ dự kiến sẽ được bơm vào nền kinh tế thông qua tất cả các kênh trọng
yếu, từ đầu tư công cho đến cung ứng tín dụng giá rẻ cho doanh nghiệp và người dân. Nhưng liệu
năng lực tài chính của khu vực công có tài trợ được số tiền này? Dòng tiền sẽ đến tay các doanh
nghiệp đang khát vốn hay cuối cùng lại chảy vào thị trường chứng khoán, bất động sản và lọt vào
tay số ít các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt?
Số tiền quy mô lớn đang chuẩn bị đổ vào nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ một số gói về kích thích kinh tế, hỗ trợ lãi suất với khoảng 20.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo sẽ tung ra gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng, tương ứng dư nợ tín dụng tác động lên tới 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp kiệt quệ bởi đại dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, điều sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành xây dựng, từ đó lan tỏa sang các ngành khác, kích thích kinh tế tăng trưởng.
Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ ngành cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế. Thực tế, gói kích thích kinh tế ở Việt Nam còn nhỏ, mới chi 1,7% GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực, như Philippines là 2,7%, Trung Quốc là 4,8%. Việt Nam không nhất thiết phải thiết kế gói hỗ trợ cao giống như một số nước, nhưng đúng là vẫn còn dư địa để tăng thêm quy mô.
Điều mà hầu hết các doanh nghiệp mong mỏi lúc này là được bơm một lượng tiền mới để phục hồi sản xuất và kinh doanh. Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư cho phép giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp được phân loại đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng khó khăn vẫn còn đó.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dư địa cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được cơ cấu nợ về bản chất là nợ dưới chuẩn. Do đó việc xem xét cho vay mới là khó khăn, đặc biệt khi doanh thu của doanh nghiệp giảm, tài sản đảm bảo thiếu. Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt để các TCTD xem xét hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò của quỹ bảo lãnh tín dụng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện năng lực tài chính của Chính phủ đang ở trạng thái thuận lợi để tung ra các khoản chi kích thích có quy mô lớn. Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết nợ công năm 2020 đạt mức 45,08% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,7% GDP. Tính ra quy mô nợ công vẫn còn khoảng cách tương đối lớn so với trần nợ công được quy định ở mức 60% GDP.
Nguồn thu ngân sách chưa thấy dấu hiệu hụt thu, nằm trong phạm vi an toàn để chi trả cho các khoản nợ tăng thêm. Bộ Tài chính cho biết 9 tháng đầu năm nay đã thu được hơn 1,077 triệu tỉ đồng, bằng 80,2% dự toán và tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020.
Thị trường tài chính ngay lập tức phát tín hiệu tích cực giữa lúc Quốc hội và Chính phủ thảo luận về các gói kích thích kinh tế mới. Chỉ số VNIndex đóng cửa tuần thứ 44 của năm 2021 với 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, có thêm 55,03 điểm, tương đương 3,96%, lập đỉnh mới 1.444,27 điểm. Thanh khoản tiếp tục cải thiện, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt con số ấn tượng: 26.040 tỉ đồng, tăng 19,95% so với tuần trước đó và 26,3% so với trung bình 5 tuần trước. Nhiều nhà đầu tư đang sôi nổi thảo luận về các lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế.
Trên thị trường bất động sản, giá nhà sơ cấp vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều chủ đầu tư đang kỳ vọng bất động sản sẽ vọt dậy sau thời gian dài giãn cách. Chính phủ sẽ gia tăng đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, hay nguồn kiều hối đổ về cuối năm sẽ lại đổ dồn vào nhà đất.
Tuy nhiên, xác định đúng đích đến của dòng tiền kích thích còn quan trọng hơn quy mô. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từng khuyến nghị chính sách phản ứng của chính phủ cần tập trung vào các mục tiêu quan trọng nhất: kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; và bảo vệ người lao động tại nơi làm việc. Khung chính sách hướng tới các mục tiêu cốt lõi đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế trong tương lai.
Bài học của gói kích thích kinh tế trên diện rộng nhưng khó kiểm soát năm 2008 và hệ quả kéo dài đến vài năm sau đó vẫn còn nóng hổi. Việc triển khai đồng thời nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất cùng thực thi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng làm tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất thị trường và lạm phát. Mức tăng tín dụng chỉ tính riêng năm 2009 đã là 37,85%.
Một nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho thấy trung bình trong giai đoạn 2007 - 2012, tức sau khi gói kích thích kinh tế 2008 được tung ra, tỉ lệ lạm phát tăng trong khi tăng trưởng GDP lại giảm so với các con số tương ứng của giai đoạn 2001 - 2006.
Hơn thế nữa, sự bất ổn (được đo lường theo độ lệch chuẩn của các biến) trong giai đoạn 2007 - 2012 lớn gần gấp đôi so với các con số tương ứng của giai đoạn 2001 - 2006. Tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng đầu tư công liên tục được duy trì ở mức cao, đặc biệt là kể từ năm 2007. Các công cụ chính sách tiền tệ (đại diện bởi lượng cung tiền) và tài khóa (đại diện bởi tăng trưởng đầu tư công) cũng thay đổi thất thường hơn. Độ lệch chuẩn của tăng trưởng cung tiền và độ lệch chuẩn của đầu tư công đều tăng khoảng hơn 3 lần trong giai đoạn 2007 - 2012 so với 2001 - 2006.
Gói kích thích 2008 thực tế làm tăng lạm phát, trong khi hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dường như không tương xứng. Kiểm định nhân quả Granger trong nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh cho thấy biến động chu kỳ của tăng trưởng cung tiền là nguyên nhân gây ra biến động chu kỳ của lạm phát với độ trễ từ 4 - 6 tháng.
Hoàn cảnh hiện nay khá giống năm 2008. Để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật, Trung Quốc đều tích cực bơm tiền. Hệ quả là giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa gia tăng chóng mặt, gây nhiều bất ổn không mong muốn.
Hiện giá dầu thế giới vẫn chưa bớt nóng. Black Rock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nhận định giá dầu thô có thể lên tới 100 USD/thùng và giữ ở mức cao trong suốt năm 2022. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì nhu cầu sụt giảm sẽ càng chật vật hơn nếu chi phí nguyên liệu đầu vào không bớt căng thẳng.
Vì vậy, thay vì đối tượng nhắm đến còn mập mờ - điều có thể làm gia tăng lạm phát và đổ tiền vào các thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ..., người hoạch định chính sách có thể thay đổi và thiết kế sao cho dòng tiền hỗ trợ lần này gắn với các mục tiêu cụ thể như bảo vệ môi trường, giảm khí thải, tạo việc làm, hỗ trợ đào tạo hay cải thiện đời sống công nhân. Thậm chí nên đòi hỏi doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ phải thay đổi mô hình, phát triển theo các xu thế mới đang nở rộ như đầu tư có trách nhiệm với xã hội (ESG), phát triển năng lượng tái tạo hay ứng dụng công nghệ cao.
Gói kích thích lần này cũng cần đảm bảo công bằng và khách quan trong chọn lựa doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tránh hiện tượng một số công ty có nguồn lực mạnh nhưng vẫn xin vay vốn để chi tiêu vào các dự án kém hiệu quả, gửi tiết kiệm ngân hàng, mang tiền cho các doanh nghiệp nhỏ khác vay kiếm chênh lệch hay phục vụ cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Chất lượng các khoản đầu tư công là vấn đề còn khó khăn hơn, nhất là với các dự án hạ tầng giao
thông trọng điểm. Bên cạnh đó, cần hướng tới các mục tiêu quan trọng khác gồm cải thiện các cân
đối lớn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô hòng tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững và năng
lực chống đỡ tốt hơn trước các cú sốc khu vực và thế giới trong các năm tới.
Hoạt động kinh tế, kinh doanh... là sự từ bỏ tình trạng cô lập bộ lạc, ra khỏi tự cấp, tự túc để tụ hội, phân công, cùng lao động, gặp gỡ, trao đổi, mua bán, tạo ra thị trường, sức tiêu thụ, thúc đẩy sáng tạo... Nghĩa là người ta phải gặp nhau, phải nhìn thấy nhau, giao lưu, tương tác... thì mới có kinh tế. Hiện tình của chúng ta lúc này thì ngược lại: chúng ta tránh nhau, đứng né nhau... hai mét, không tụ tập đông đúc và chỉ toàn nhìn thấy... khẩu trang của nhau. Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế “không chân dung”.
Tuần rồi, khi công việc buộc phải ra khỏi nhà đi gặp gỡ đối tác mới, tôi đã lúng túng quá bởi thay vì “tay bắt mặt mừng” thì giờ “tay không dám bắt”, còn mặt thì... “khỏi có nhìn thấy nhau”; thay cho câu chào hỏi thông thường, tôi đã gượng gạo, nhã nhặn, nói khẽ: “Bạn vui lòng bỏ khẩu trang một giây để chúng ta biết mặt nhau”...
Vào cửa nhà máy, khi ông bảo vệ xáp lại đưa điện thoại để xác nhận mã QR, một phản xạ tự vệ từ đâu ra khiến tôi buột miệng: “Anh đứng xa ra một chút để tôi đưa máy tới...”. Ông bảo vệ thì buồn, mình thì ngượng. Rồi đồng nghiệp nóng lòng muốn gặp bàn bạc dự án dở dang nhưng cũng đành phải khất để tránh gặp: “Ông để cho vài tuần nữa xem sao đã, ông và tôi đều ở tuổi mồi ngon cho COVID”...
Chúng ta càng ngày càng giống những ẩn sĩ trên núi, sống ngược lại với cách vận hành của nền kinh
tế mà nhân loại mày mò mấy ngàn năm mới tạo dựng được. Chúng ta đang vô tình “hoang dã hóa” nền
kinh tế.
Khẩu trang là vật cứu tinh cho con người trong đại dịch này, nhưng rồi chính nó lại trở thành biểu tượng của một cuộc chiến. Có thể nói, trừ những ca tử vong thì nạn nhân chính trị đầu tiên và lớn nhất của đại dịch COVID-19 này là ông Donald Trump. Nếu không có COVID-19 và cách xử lý với dịch của ông trong năm 2020 thì khó ai có thể biến ông ta thành “tổng thống một nhiệm kỳ”. Khó mà không nhớ về cuộc “tuyên chiến” của ông với cái khẩu trang, nhất quyết không đeo, thậm chí chế nhạo và dị ứng với nó đến mức gần như đánh cuộc sự nghiệp chính trị của mình với cái... khẩu trang - một biểu tượng của đại dịch.
Không riêng ông ta, ở Mỹ và trên thế giới cũng có một loạt các nhà chính trị chống việc buộc đeo
khẩu trang quyết liệt... Chắc chắn điều đó về mặt y tế là sai. Nhưng chính thái độ của họ cho ta
thấy sự quan trọng của “chân dung” một con người trong nền kinh tế, văn hóa và xã hội hiện đại.
Một con người không phải là một bóng ma. Và một đám đông những con người hình thành nên cộng đồng
xã hội nếu chỉ là những cái bóng khẩu trang chập chờn chuyển động thì trông cũng... bất thường.
Trong các chương trình ca nhạc lớn của truyền hình Pháp TV5, chắc người ta cũng cảm giác như vậy, nên đám đông tham dự đeo khẩu trang có in hình khuôn miệng cười để trông còn ra vẻ khuôn mặt người. Kỹ thuật này giúp người xem thấy một đám đông có “chân dung cười”, nhưng rồi nó cũng trở thành một loại ma quái khác... Đám đông bỗng trở nên giống gương mặt cười vô hồn của “thằng hề ma” thường thấy gặp trong ngày Halloween...
Xã hội chúng ta chỉ mới qua hơn năm tuần thay đổi chiến lược để sống chung với đại dịch và trở về bình thường mới, nên 5K và chiếc khẩu trang là một vũ khí khó thay thế. Tuy nhiên về lâu dài, sau khi đã được “vũ trang” thêm các “khí tài” mới để chống dịch: vắc xin, thuốc điều trị, tiêm tăng cường, đẩy mạnh các loại xét nghiệm mới ít xâm lấn, cơ sở y tế mạnh mẽ... thì cuộc chiến để khôi phục kinh tế chính là nỗ lực trả lại chân dung cho con người, tạo ra một xã hội có mặt người, sống động, phong phú, đa dạng...
Biểu tượng hồi phục kinh tế xã hội trên toàn thế giới lúc này chính là hình ảnh các đám đông hội
hè và không còn chiếc khẩu trang nào cả. Đó chính là chân dung thật của nhân loại. Cho nên kinh tế
chỉ thật sự hồi phục khi chúng ta tìm ra con đường giảm dần, tiến đến loại bỏ cái khẩu trang, để
kinh tế kinh doanh trở lại đúng nghĩa là nơi tụ hội, gặp gỡ, chia sẻ, phân công, lao động, trao
đổi... Khẩu trang toàn xã hội lâu dài sẽ làm biến dạng kinh tế, xã hội, văn hóa...
Sống trong những thành phố... ma là cảm giác chúng ta trải qua trong hơn ba tháng trời phong tỏa toàn xã hội. Đó cũng là hình ảnh bắt gặp trên toàn thế giới trong suốt hai năm qua: các sân bay... ma, các khu du lịch... ma, các khách sạn... tắt đèn, các trung tâm thương mại... khóa trái cửa, nhà máy im lìm, các trang trại để nông sản thối rục trên cây, các trường học không học trò, các thánh đường và chùa chiền không nghi lễ...
Cả loài người dường như biến mất. Chúng ta nấp kín trong nhà, sau tấm che giọt bắn, sau cái khẩu trang... Toàn bộ giềng mối của xã hội những lúc ấy chỉ được duy trì trên nền tảng thương mại trực tuyến, hội họp qua Zoom, học hành qua tivi và máy tính, đại nhạc hội online, YouTube, thánh lễ trên máy tính... Chúng ta đang dựa vào nền kinh tế... ảo, một xã hội... ảo, một văn hóa... ảo.
Đó cũng chính là điều mà con virus này muốn, vì cái chiêu thức đáng sợ nhất của nó là... “ảo hóa” mọi sự: nó chỉ gây đau họng chút xíu thôi mà, rồi tự lành mà, chỉ cần ở trong nhà 15 ngày là xong. 80% sẽ khỏi... Nó chỉ là căn bệnh cúm thông thường... nhưng đùng một cái có thể gây tử vong cho hai vạn người trong hơn một tháng. Trong chiến tranh ít có trận chiến nào mà tử vong đến hai sư đoàn như vậy... Nó có đó mất đó, rồi xuất hiện đột ngột giết chết nạn nhân. Đến nỗi khắp thế giới không ít những người cứng đầu nhất, giờ chót nằm trên giường ICU với dây dợ loằng ngoằng cũng ráng thì thào nhắc nhở: con virus này là có thật, hãy cảnh giác...
Do sợ chiêu biến hóa của nó, chúng ta hình thành quán tính ẩn nấp, và quán tính này đang ám vào tất cả chúng ta. Không chỉ người già như tôi ngại ra đường mà con cháu mình giờ cũng ngại đi làm, nhiều cháu đang xin tiếp tục “làm việc tại nhà”. Ở Mỹ, các nhà kinh tế học ngạc nhiên quá, không biết lao động đi đâu mất trong lúc nền kinh tế đang cần 11 triệu chỗ làm mà không thấy ai xuất hiện đăng ký. Lúc đầu họ nghĩ là các gói trợ cấp giai đoạn phong tỏa khiến người ta có tiền nên không đi làm, nhưng sau họ phát hiện ra ở các bang đã cắt khoản trợ cấp ấy từ lâu cũng không có nhiều người chịu đi làm lại, họ nhận ra tâm lý ẩn nấp đã thâm sâu vào dân chúng (Lo ngại an toàn, lo ở nhà chăm sóc con chưa đi học lại, thay đổi mục tiêu sống sau sang chấn đại dịch..., người ta dần hài lòng với sự ẩn nấp trong thiếu thốn ấy).
Ở ta, thông tin báo chí cũng chỉ ra việc thiếu lao động nặng nề sau đại dịch, nhưng riêng cá nhân mỗi người, ta cũng dễ nghiệm ra: đến lúc này là sáu tuần sau ngày mở cửa 1-10, mỗi chúng ta đã đi ra phố bao nhiêu lần, đã hoãn bao nhiêu cuộc hẹn làm việc, đã trở lại thói quen buổi sáng: balô lên vai, nổ máy xe hào hứng lao ra đường phố chưa... Chắc chắn là chưa, chắc chắn là rất ít... Chúng ta đang tiếp tục ẩn nấp. Đó là chỉ số đáng báo động của bất cứ hoạt động kinh tế nào.
Do đó, để hồi phục kinh tế, các nhà quản lý xã hội và tất cả chúng ta cần cùng nhau tìm cách chống lại đòn “ảo hóa” quỷ quyệt mà con virus này đã... “chích” vào mình. Cần bình tĩnh, không hoảng hốt, cùng sắp xếp với nhau về cách chống dịch và tổ chức lại đời sống. Trong một cuộc họp, một phó thủ tướng phụ trách chống dịch đã thêm vào hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế yêu cầu: phải dựa trên sự đồng thuận của mọi người. Hướng dẫn tạm thời về quản lý F0 mà ngành y tế thành phố vừa đưa ra cũng thế: “Trên cơ sở tự nguyện, người dương tính được chọn ở nhà hay khu cách ly nào mình phù hợp, chỉ phong tỏa tạm căn hộ có người dương tính, và nếu trong hộ sau đó có người dương tính tiếp thì cũng không cộng thêm 15 ngày phong tỏa nữa...”.
Rõ ràng để chống lại cái chất độc “mềm, ảo” của virus, ta không thể dùng biện pháp “cứng” được; chúng ta cũng phải mềm mại, nhân văn, uyển chuyển và tìm sự đồng thuận của toàn xã hội. Đó chính là chiêu thức đúng để “phản phé” con virus ấy.
Ghi nhận sau hơn một tháng mở cửa, các ca dương tính vẫn tăng nhưng ca nhập viện và tử vong giảm liên tục... Vẫn còn đó sự căng thẳng nhưng cũng đã có thêm rất nhiều bình tâm lại. Cả xã hội dường như đang và biết cách nhìn thẳng vào nỗi sợ, và khi diện đối diện, nỗi sợ sẽ dần mất đi sự quỷ quyệt của nó.
Chúng ta dần biết mình đã có lớp khiên chủng ngừa, mình sẽ tự xét nghiệm thường xuyên để chăm sóc sức khỏe và không lây cho người khác, nếu xuất hiện “hai vạch” thì mình cách ly 15 ngày tại nhà, không có việc bị trùm quần áo bảo hộ dẫn đi cách ly, không gây cho cả xóm hay cả khu căn hộ bị giăng dây, nếu xuất hiện triệu chứng thì có thuốc điều trị ngay, nếu trở nặng thì bệnh viện còn rộng rãi để vào... Và quan trọng nhất là không có sự kỳ thị nào nữa cả, không phải khai hết mọi quan hệ để truy vết và làm cho bạn bè, đồng nghiệp bị cách ly hết... Ở Singapore, người ta chỉ thông báo về ca F0 để tất cả những ai tự thấy mình là F1 thì cẩn thận, tự cách ly 3 ngày, nếu không có triệu chứng gì thì trở lại cuộc sống bình thường...
Cần nhớ rằng cái chất độc mà con virus này gây ra không chỉ là chết người mà là tìm cách đẩy xa
mọi người khỏi nhau, nghi kỵ, sợ hãi nhau và làm tan vỡ các gắn kết xã hội nữa. Giống như câu nói
trong một cuốn sách cổ xưa: sự thật mang lại tự do, chúng ta phải nhìn thẳng vào nỗi sợ, nói thật
với nhau mọi chuyện thì sẽ tìm lại được an bình trong tự do. Chỉ khi đó xã hội mới an lòng, yên
vui để bỏ đi chữ “mới” trong cụm từ “bình thường”. Bình thường là bình thường, không cần thêm
một... tính từ nào. Đó mới là nền kinh tế, kinh doanh, hoạt động xã hội... mà nhân loại đã tạo
dựng suốt nhiều ngàn năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận