Dũng "khùng"

CÁT VŨ 30/03/2008 18:03 GMT+7

TTCT - Tại hội sách tổ chức tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) vừa qua, ấn bản Nụ hôn thần chết của tác giả - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (nickname Dũng “khùng”, bút danh Duku), bán chạy hơn cuốn bút ký mới nhất Nhà văn về làng của cha anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nghe tin này, ông Sáng nở nụ cười hỉ hả: “Ít ra nó cũng dính cái gen của mình chớ!”.

Phóng to
TTCT - Tại hội sách tổ chức tại công viên Lê Văn Tám (TP.HCM) vừa qua, ấn bản Nụ hôn thần chết của tác giả - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (nickname Dũng “khùng”, bút danh Duku), bán chạy hơn cuốn bút ký mới nhất Nhà văn về làng của cha anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nghe tin này, ông Sáng nở nụ cười hỉ hả: “Ít ra nó cũng dính cái gen của mình chớ!”.

Năm lên 4 tuổi, lời hát nghêu ngao của Dũng “khùng” đã được Trịnh Công Sơn ghi lại, biến thành một bài hát mầm non (nhạc: Trịnh Công Sơn, lời: Nguyễn Quang Dũng): “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng. Con sang chơi nhà bạn, í a. Con cầm cây đàn con hát. Con cầm cây đàn con hát. Hát cho mẹ về với con. Hát cho mẹ về với con”.

Chuyện đứng tên đồng tác giả với nhạc sĩ họ Trịnh của Dũng là một kỷ niệm đẹp cho... ba Dũng. Còn với mình, Dũng chỉ nhớ rõ là chuyện học hành chữ nghĩa thuở nhỏ không có gì lôi cuốn cả. Sức học văn hóa ở trường thì tầm tầm nhưng những môn giải trí như bóng bàn, âm nhạc thì Nguyễn Quang Dũng tỏ ra tiếp thu khá nhanh.

Tốt nghiệp THPT, Dũng vẫn không thấy hướng đi tương lai nào phù hợp với mình. Một hôm, ba anh hỏi: “Mai mốt mày thi vào đâu?”. Bị hỏi bất ngờ, sẵn trên tivi đang chiếu phim Cánh đồng hoang, anh buột miệng nói đại: “Mai mốt ba viết kịch bản đi, con làm phim cho!”. Nghe vậy, ông Sáng phì cười, nghĩ thằng này nói cà rỡn cho qua chuyện chớ đạo diễn gì nó. Vì không chắc chắn nên theo ngành gì, năm đó Nguyễn Quang Dũng dự thi hai trường và đậu cả hai: khoa sáng tác Nhạc viện TP.HCM và khoa đạo diễn điện ảnh Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM.

Anh chọn học đạo diễn. Điều này khiến ba anh hơi ngỡ ngàng: “Tưởng nó chọn nhạc, ai ngờ lại sang điện ảnh!”. Còn mẹ anh, nghe tin đứa con út chuẩn bị làm “nghệ sĩ” thì chép miệng lo lắng: “Vậy là nhà này có thêm một thằng lông bông!”. Trong trí của bà vẫn hiện lên hình ảnh ngày hai con trai còn nhỏ, tối nào ba mẹ con cũng dắt nhau ra ngồi ở gốc cây ngoài cổng đợi ông chồng nhà văn đi nhậu về.

Không giống ai nên thành “khùng”

Bạn bè đồng môn vẫn chưa quên cách thi vào điện ảnh không giống ai của Nguyễn Quang Dũng. Giữa lúc ai nấy lo làm tiểu phẩm cho phần kiểm tra năng khiếu chuyên môn thì anh lặng lẽ xách cây đàn organ lên tự hát, tự đệm bài hát mình sáng tác. Điều lạ là anh rất lười học văn hóa nhưng học điện ảnh lại rất siêng, năm nào cũng giành được học bổng.

Tốt nghiệp ra trường, khả năng âm nhạc cộng với sở học điện ảnh đã đem lại cho Nguyễn Quang Dũng khá nhiều sô dàn dựng phim ca nhạc và viết nhạc cho phim quảng cáo. Điều anh không ngờ là chính trong thời gian này, anh mang thêm nickname Dũng “khùng”. Số là năm ấy, anh ra Hà Nội làm phim ca nhạc, quảng cáo cho Công ty BHD. Những ý tưởng có vẻ bất thường, không giống ai của anh khiến bạn bè và các cộng sự nhiều lúc “điên đầu”, và một người trong số đó - một chuyên gia máy tính - đã “trừng phạt” anh bằng cách lập cho anh một website và đặt luôn cho anh nickname Dũng “khùng”. Mọi người thấy quá có lý nên truyền tai nhau rất nhanh.

Sau khi thực tập làm phó cho đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trong phim Vũ khúc con cò, Dũng “khùng” về cộng tác với “thằng bạn thân” cùng lớp Vũ Ngọc Đãng, đóng vai một anh chàng bán tạp hóa cho vui và viết một lúc năm ca khúc cho phim truyện nhựa Những cô gái chân dài. Năm ca khúc này liền sau đó được thu vào một album, bán chạy như tôm tươi một lúc 7.000 đĩa. Dư luận trong giới làm nghề đồn rằng nhờ sự kiện ăn khách của CD này mà từ đó nhạc phim trở nên cao giá.

“Mai mốt ba viết kịch bản đi, con làm đạo diễn cho!”, câu trả lời nhằm đối phó trong lúc bị “ông già” dồn vào thế bí ngày trước không ngờ lại trở thành hiện thực chỉ sau hơn năm năm. Khi cảm thấy “đủ lông đủ cánh”, Nguyễn Quang Dũng nghĩ đến một bộ phim cho riêng mình. Anh hỏi ba có kịch bản nào không, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chợt nhớ có Con gà trống đang nằm trong hộc bàn của giám đốc Hãng phim TFS.

Người đặt hàng kịch bản này là đạo diễn Phạm Khắc. Ông dự định sẽ huy động vốn làm Con gà trống bằng phim truyện nhựa vì “nội dung có chất lượng không thua kém Cánh đồng hoang” nhưng chưa kịp làm thì ông lên giám đốc HTV. Hơn 10 năm qua, không đạo diễn nào dám rớ tới vì nó gồm có ba cái khó: chiến tranh, thiếu nhi và... con vật. Con gà trống ở đây được xem như là một nhân vật chính và điểm đặc biệt của con gà này là không được gáy.

Tác giả muốn đưa ra một hiện thực tréo ngoe bất bình thường của chiến tranh là gà không được gáy nhưng vẫn đạp mái, trong khi văn công được hát nhưng không được phép yêu đương. Ký xong hợp đồng với hãng phim, Nguyễn Quang Dũng hăng hái dẫn đoàn phim lên Tây Ninh, vào đóng quân trong rừng suốt hơn một tháng. Đến đây rồi anh mới thấy hết cái khó khi làm Con gà trống (bây giờ nghĩ lại anh còn thấy sợ). Nhất là khi làm việc với mấy anh chị “diễn viên gà”, kêu một đàng cứ đủng đỉnh làm một nẻo.

Kinh phí cũng như các phương tiện kỹ thuật phim truyền hình ở ta làm sao dựng nổi phim chiến tranh. Nhưng bộ phim Con gà trống sau đó nhận được giải thưởng thường kỳ của UBND TP.HCM, nhưng phần thưởng mà Nguyễn Quang Dũng thấy có giá trị với mình nhất là anh đã ngộ ra một điều “xương máu” là không phải cái gì một mình cũng làm được. Trong khi anh tự nhận việc làm bộ phim Con gà trống là hơi vượt quá sức mình thì ba anh, với tư cách người viết kịch bản, lại tỏ ra khá hài lòng. Ông nói: “Bộ phim đã đạt được yêu cầu đề ra của... tác giả”.

Năm 2005, ba hãng phim BHD, Phước Sang và HK Phim hợp lại đặt anh làm một bộ phim hài theo tích Hồn Trương Ba da hàng thịt với lời bỏ nhỏ rằng tốt nhất cứ chuyển thể nguyên xi kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ sang điện ảnh là được. Nhưng khi anh trình kịch bản thì mọi người mới “té ngửa”: Hồn Trương Ba da hàng thịt chỉ còn lại cái tên phim, còn nội dung là một câu chuyện thời nay quá hài hước.

Phim đặt ra câu hỏi là: một khi phải trở thành một người khác thì liệu có dám trở về lại với chính mình không. Đọc xong, Phước Sang hỏi với nụ cười khoái chí: “Này Dũng, phim này là phim hài hay phim... khùng!”. Trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguyễn Quang Dũng đã làm được một chuyện mà nhiều đạo diễn thèm muốn nhưng khó ai làm được, đó là qui tụ một đội ngũ những người nổi tiếng vào vai quần chúng.

Ngoài Nguyễn Quang Sáng “người nhà”, còn có họa sĩ Trịnh Cung, đạo diễn Trần Mỹ Hà, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, nhạc sĩ Bảo Phúc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, nhà thơ Bùi Chí Vinh... Anh cho biết phim nào cũng có nhiều vai nho nhỏ, không gọi người quen thì cũng kêu người lạ. Bạn bè, người quen của mình đủ sức làm, coi như đó là một kỷ niệm. Nhờ vậy, đến nay ai cũng nhớ. Người ta nhận xét bộ phim truyện nhựa Hồn Trương Ba da hàng thịt lạ thì có lạ nhưng như là chuyện giỡn chơi, ít tính nghệ thuật.

Tuy cho rằng phim cà rỡn khó làm hơn phim nghiêm túc nhưng Nguyễn Quang Dũng cũng vui vẻ đồng tình với những nhận xét trên. Anh ví phim Hồn Trương Ba da hàng thịt của mình như một “thằng” quá khỏe, quá trẻ, mạnh về tính cách nhưng lại thiếu sự chủ động về tiết tấu, có bao nhiêu sức lực quăng ra hết khiến phim luôn trong “trạng thái” cao trào, khán giả không chịu đựng nổi.

Sự quá đà này đã được anh điều chỉnh khi thực hiện bộ phim truyện nhựa thứ hai Nụ hôn thần chết. Ngoài kịch bản tự viết cũng không giống ai, anh đã biết điều khiển được cảm xúc của khán giả. Chỗ nào anh muốn họ cười, họ cười. Chỗ nào anh muốn họ cảm động, họ cảm động. Anh gọi bộ phim này là “từ cảm xúc xuyên qua cảm xúc”. Nụ hôn thần chết được hình thành từ suy nghĩ của Nguyễn Quang Dũng về cái chết. Người ta chết là hết hay còn tồn tại dưới một dạng nào khác. “Ai cũng sợ chết.

Tôi cũng sợ chết nên Nụ hôn thần chết được làm ra để con người đừng quá bi quan về cái chết”. Sau khi xem Nụ hôn thần chết chiếu ra mắt, ba anh vỗ vai cậu con trai: “Được đó mày!”. Còn mẹ anh cười cười: “Cái thằng này sao nhiều trò!”. Bộ phim đến nay đã có doanh thu gần 17 tỉ đồng sau hơn một tháng rưỡi chiếu và vinh dự giành được một “cánh diều” bạc (không có “cánh diều” vàng) và một giải kịch bản phim hay nhất.

Lấp đầy cái thiếu

Chỉ mới hai bộ phim truyện nhựa nhưng Dũng “khùng” đã dán vào trán mình một dấu hiệu mới cho điện ảnh VN. Nhận xét về phong cách làm phim của con trai, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói: “Thế hệ của tôi làm điện ảnh với những nhân vật có thật trong đời sống. Còn thế hệ con trai tôi là những nhân vật vừa thật vừa không có thật, có thể ở trên trời hoặc dưới địa ngục. Trí tưởng tượng, đó là cái mới của điện ảnh VN”.

Với Nguyễn Quang Dũng, điều đó đơn giản hơn, anh và những người bạn của mình chỉ muốn làm điều điện ảnh VN đang thiếu. Cái đang thiếu nhất là thiếu khán giả. Anh nói: “Khi mới ra trường, tôi cho là phim VN không bao giờ có khán giả, nhưng “hiện tượng” của Gái nhảy đã làm tôi nghĩ ngược lại, nếu mình làm phim cho khán giả, họ sẽ tới với mình”. Để thực hiện được điều này, khi kịch bản được viết ra, anh đưa cho nhiều người đọc; khi phim dựng xong bản nháp, anh cho Focus group xem, nếu họ không cười nghĩa là mình chưa “đánh” trúng.

Anh thường dành thì giờ vào rạp ngồi xem phim chung với khán giả để biết họ có nhu cầu gì. Theo cách nói của anh, sau phim hài cường điệu (Hồn Trương Ba da hàng thịt), phim hài tình cảm (Nụ hôn thần chết), anh đang lên dự án làm bộ phim thứ ba: hài hồi hộp. Về lâu dài, Nguyễn Quang Dũng muốn nhắm đến chỗ ngồi của một nhà sản xuất, người chuyên lập nên các dự án. Hiện nay, ngoài việc làm phim, anh còn “để lộ cái gen tiềm ẩn” của ba mình bằng việc tham gia viết mục phiếm luận hằng tuần trên báo Thể Thao & Văn Hóa với tiêu đề nhại theo Azit Nexin “Cái gì chúng ta cũng giỏi thật” bằng bút danh Duku.

Anh tâm sự: “Nghe gọi tôi là Dũng “khùng” có người lầm tưởng tôi bị khùng thật ở ngoài đời. Thật ra, tôi chỉ “khùng” với những suy nghĩ bay bổng của mình thôi. Là đạo diễn bay bổng nhưng tôi luôn biết nghĩ tới nhà sản xuất, biết được giới hạn của các điều kiện làm việc”. Anh nói anh cảm ơn “Câu lạc bộ dưới cây mận” trước nhà của ba mình, nhờ tuổi nhỏ chơi luẩn quẩn, đi lòng vòng để có dịp “hóng” lỗ tai nghe lén chuyện đời, chuyện nghề của các bác, các chú danh tiếng bạn của ba và được ba cho đi nhiều, cho “vọc” nát đống sách trong thư phòng của ba mà mình mới trở thành một Dũng “khùng” ngày hôm nay.

Ba anh thường nói ông không cần anh nuôi cơm, chỉ cần anh nuôi “rượu” bằng tiền làm phim của anh là đủ. Dũng “khùng” con trai ông không những đã nuôi rượu được mà còn sắm hẳn cho ông “con” xế hộp để thỉnh thoảng đưa ông đi thăm bạn bè ở xa. Nhưng điều làm lòng người cha ấm hơn hết là Dũng “khùng” con trai ông đã như nhân vật Du trong Nụ hôn thần chết, mọc lên đôi cánh thiên thần với ước vọng đưa điện ảnh nước nhà bay lên, bay cao hơn trong lòng công chúng.

Đó chính là điều mà trong bữa cơm gia đình năm xưa, ông chưa hề nghĩ tới cho dù Nguyễn Quang Dũng, “thằng út cưng”, đã vội vàng trả lời câu hỏi của ông như đang trong một cơn mộng du mê muội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận