Mua bài luận giả: Chúng tôi viết, bạn nhận điểm cao

NGUYỄN VŨ 30/05/2019 17:05 GMT+7

Những tưởng chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện rao công khai dịch vụ viết luận văn thuê, ai ngờ ở Mỹ dịch vụ này cũng nhộn nhịp không kém với hàng trăm website chào mời.

Trang web ExtraEssay quảng cáo thẳng: “Chúng tôi viết, bạn nhận điểm cao”. Trong ô “đặt hàng”, người dùng sẽ chọn loại luận văn (từ bài luận nộp kèm hồ sơ tuyển sinh đến khóa luận tốt nghiệp); trình độ (từ trung học đến cao học); ngày hoàn thành (từ 14 ngày tiêu chuẩn đến làm nhanh trong 3 giờ... Từ đó, trang web ước lượng khoản tiền phải trả. Giá thấp nhất khoảng 11 đôla/trang.

Một mẩu quảng cáo giảm giá cho việc viết thuê nếu số lượng lớn.
Một mẩu quảng cáo giảm giá cho việc viết thuê nếu số lượng lớn.

Điều mỉa mai nhất là phần rao bên dưới, dịch vụ này khoe bài luận họ viết không hề bị tai tiếng đạo văn: “Trước khi gửi bài luận về cho bạn, chúng tôi kiểm tra kỹ để tránh nạn đạo văn, bảo đảm mỗi bài luận đều là sáng tạo độc đáo”. Họ kiểm tra mức độ đạo văn bằng phần mềm y như các trường đang sử dụng và khoe có cập nhật thường xuyên. Nghĩa là họ thuê cộng tác viên viết cho khách nhưng cũng kiểm tra các cộng tác viên này.

Trước đây, để đối phó với các yêu cầu viết lách, từ bài luận nộp ở trường đến bài thuyết trình, từ tiểu luận đến một bài bình sách... nhiều học sinh, sinh viên dùng cách “cắt, dán”, chép lại từ nhiều nguồn “sưu tầm” trên mạng. Trước vấn nạn này, các trường bèn thuê các dịch vụ phát hiện đạo văn hoặc mua phần mềm phát hiện đạo văn về để đối phó.

Phần mềm loại này ngày càng hoàn thiện nên chuyện “cắt, dán” ngày càng khó lọt qua mắt các thầy cô. Chẳng hạn Công ty Turnitin (ở Anh) đang cung cấp dịch vụ kiểm tra bài viết xem có đạo văn không cho hơn 18.000 cơ sở giáo dục khắp thế giới. Trang này cũng có phần tiếng Việt giới thiệu dịch vụ, có lẽ do nhu cầu kiểm tra đạo văn từ Việt Nam cũng cao.

Khó đạo văn, các học sinh, sinh viên nhảy qua sử dụng dịch vụ viết thuê, được mệnh danh là “gian lận có hợp đồng” (contract cheating).

Tờ Business Insider trích một nghiên cứu cho rằng cứ sáu học sinh, sinh viên có một người từng nhờ các nơi này viết bài luận hộ mình. Hàng triệu học sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ viết thuê đã tạo ra một nhu cầu to lớn, hàng loạt “nhà máy” sản xuất luận văn giả xuất hiện, quảng cáo ì xèo, nhất là trên các mạng xã hội để tranh khách hàng. Họ cạnh tranh bằng cách rao bài luận thuê viết sẽ mang cá tính, phong cách của người thuê. Nhiều trang dùng cách “trò chuyện” trực tuyến với người thuê để xác định chính xác nhu cầu lẫn thói quen viết lách.

Vì cạnh tranh nên giá có xu hướng giảm. Ví dụ, trang BuyEssays.net tính giá 13 đôla/trang luận văn, viết trong vòng hai tuần; nếu viết gấp trong vòng 4 giờ thì giá tăng lên 39 đôla/trang.

Mặc dù các nước đều tìm cách ngăn chặn dịch vụ loại này nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp triệt để. Chỉ có đầu năm nay, cơ quan quản lý quảng cáo ở Anh cáo buộc trang Oxbridge Essays, nơi từng bán trên 70.000 bài luận, là quảng cáo sai lệch khi nói dịch vụ của họ không đem lại rủi ro cho sinh viên. Mặc dù nơi này cãi lại: họ có khuyên khách hàng sử dụng bài luận giả để làm tài liệu học tập thôi, đừng nộp cho thầy cô, nhưng cuối cùng họ cũng phải gỡ nội dung quảng cáo.

Turnitin, nơi chuyên phát hiện nạn đạo văn, nay cũng cập nhật phần mềm để thêm dịch vụ phát hiện nạn thuê viết bài luận giả. Họ dựa vào một số dấu hiệu sau khi phân tích bài luận của chính học sinh và bài nghi ngờ thuê viết như cách chấm câu (nhiều người có thói quen dùng hai khoảng trống sau dấu chấm, nhiều người chỉ dùng một khoảng trống); phong cách dùng từ; thói quen ngữ pháp... để tìm dấu hiệu bất nhất. Các file văn bản thường có kèm theo dữ liệu ẩn, cho biết bài được biên tập bao nhiêu lần, ai biên tập, thời gian biên tập... nếu bên viết thuê quên xóa dữ liệu này, nó cũng là dấu vết để xác định bài luận có nhờ viết thuê hay không.

Điều đáng nói là vẫn có những người chịu đi viết thuê. Rõ ràng để đáp ứng yêu cầu của một nghiên cứu sinh thạc sĩ cần một bài viết nộp cho thầy, phải là người có trình độ tương đương hay cao hơn chấp bút.

Ở đây mạng lưới kết nối “người” và “việc” khắp thế giới, từng rất hữu hiệu trong các lĩnh vực như dịch thuật, thiết kế, nay giúp người sẵn sàng viết thuê làm thêm kiếm tiền. Nhiều người đến từ các nước đang phát triển nói tiếng Anh như Ấn Độ, Philippines. Nhiều người kể ban đầu họ chỉ đồng ý làm người biên tập, giúp sửa bài nhưng dần dần đảm trách hết chuyện viết lách. Có thể họ nhủ thầm theo kiểu tự dối mình, rằng họ chỉ là “ghost writer” (người viết hồi ký cho các nhân vật nổi tiếng) mà khách hàng là các cô các cậu sinh viên, học sinh.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận