Một phụ nữ đẹp đã ra đi...

THÁNG 5-2009 09/05/2009 09:05 GMT+7

TTCT - Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nhà xã hội học nổi tiếng, một cộng tác viên nhiều năm thân thiết với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, vừa mất ở tuổi 78. Trang báo này dành để tưởng niệm bà qua ký ức của những người có dịp gặp và làm việc cùng bà.

Phóng to

Ảnh: Tư Liệu tuổi trẻ

TTCT - Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nhà xã hội học nổi tiếng, một cộng tác viên nhiều năm thân thiết với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, vừa mất ở tuổi 78. Trang báo này dành để tưởng niệm bà qua ký ức của những người có dịp gặp và làm việc cùng bà.

Hôm đến Bệnh viện Hoàn Mỹ, tôi không dám vào thăm cô. Tôi chỉ đứng bên ngoài, nhìn qua khe cửa thấy cô nằm bất động trên giường, tóc bạc sáng một góc phòng hồi sức!

Từ khi biết cô tóc cô đã bạc như thế. Mái tóc sáng trắng từng sợi, bất chấp thời gian. Mái tóc kiểu “bum bê”, vừa tươi vui vừa nghịch ngợm, chăng vướng bận chút bụi trần!

Mỗi khi ngắm nhìn mái tóc bạc ấy lại nghĩ đến kho sách mà cô đã viết. Có cuốn sách cô viết một mạch liên tục trong ba ngày đêm tại Bangkok để kịp làm giáo trình cho khoa phụ nữ học của Đại học Mở - bán công. Nhưng cũng có cuốn là cuộc trò chuyên dài lâu, gom góp từ nhiều ngày tháng làm nên, mà một bạn đọc khi mail về báo Tuổi Trẻ đã gọi là những lời “sâu sắc, lắng đọng và đầy tình yêu thương”. Có những cuốn sách là tập bài giảng về giáo dục chủ động, về tâm lý nhóm, về tâm lý học giao tiếp và truyền thông, về công tác xã hội đại cương... Cũng có cuốn là hồi ký, nhưng nhân vật chính không phải là cô mà là chính công việc cô theo đuổi suốt đời với bao nhiêu lo toan, không phải cho mình mà cho người khác, nhưng lúc nào cũng đầy ắp lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh tự hoàn thiện của mỗi con người.

Cứ mỗi khi nhớ đến mái tóc bạc ấy lại hay nghĩ đến những bài báo mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi tên là “nảy lửa”. Cô viết rất nhanh, như thể lấy ra từ túi áo có sẵn, với tốc độ mà các nhà báo chuyên nghiệp có khi phải ghen tị. Có khi chỉ là một câu chuyện ngắn thấy được từ một chuyến xe buýt. Có khi là cả một chuyên đề nhiều kỳ về cách tạo dựng “ý thức giá trị bản thân” cho bạn trẻ. Cô góp mặt trên nhiều trang báo về thanh niên, văn hóa, giáo dục, kỹ năng, lối sống... của một số tờ báo. Cô múa bút với nhiều thể loại, từ “Thời sự và suy nghĩ” trên Tuổi Trẻ, chuyên đề cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần, đến “Tư vấn tâm lý học đường” của Phụ Nữ Chủ Nhật mà lượng thư gửi về chỉ đứng sau mục “Nhỏ to tâm sự” của chị Hạnh Dung. Cô là người bạn lớn của một số phóng viên, biên tập viên trong làng báo Sài Gòn.

Đó là một trong những phụ nữ đẹp nhất mà tôi đã gặp trên đời.

Cô rất đẹp vì... chăng cần trang điểm! Không một chút son phấn hào nhoáng của giàu sang, chức vị, danh hiệu, thành tích... Bà già U-80 vẫn đi lại thường ngày hội thảo, huấn luyện, nói chuyện, lãnh nhuận bút, đi khám bệnh... bằng leo xe buýt, lên xe ôm, thỉnh thoảng ngồi taxi, từ ngôi nhà ở Hóc Môn cách trung tâm thành phố trên dưới 20km. Cô luôn miệng nói “tôi sắp về hưu đây!” nhưng chưa bao giờ thôi làm việc.

Chân vẫn đi, tay vẫn viết, miệng vẫn dạy, không hề mệt mỏi. Cô cùng mọi người lập nên Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng từ tiền thân là phòng nghiên cứu công tác xã hội, có tuổi thọ đến nay đã 20 năm. Cô góp sức mười mấy năm hình thành ngành công tác xã hội với mã đào tạo bậc đại học. Mới đây, cô lại cùng mở ra hội quán Đến với nhau. Cô làm nhiều dự án vì cộng đồng, tìm nhiều học bổng cho người trẻ đi học nước ngoài... Tài sản cô để lại chắc gì đã đếm hết!

Cô rất đẹp vì có... nhiều người mê! Mà toàn là những fan mê thiệt bụng. Từ những tình nguyện viên tham gia các dự án phát triển cộng đồng, những sinh viên nhiều lứa tuổi từng được cô giảng dạy, đến những bạn trẻ, người lớn được cô tư vấn trên trang báo mà chưa hề gặp mặt. Chỉ nhận ra rằng ai đã đến với cô thì sẽ thấy mình lớn hơn, tự tin vào bản thân hơn và biết sống đẹp hơn vì người khác. Như chị Trinh, người phụ nữ học vấn chỉ lớp 5, nay đã về hưu. Hơn 40 năm trước là một thiếu nữ lao động, chỉ qua hai năm cùng cô làm việc đã thay đổi bản thân, tham gia hoạt động cộng đồng và ra cả nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm. Bằng nghề bảo mẫu, chị nuôi dạy bốn người con thành tài, hiện đều làm nghề dạy học.

Giờ đây, mọi người cùng ngồi lại bên nhau với những cuốn sách ký tên Nguyễn Thị Oanh, với nến, với lá và hoa và niềm cảm thương khôn cùng... Tất cả cùng hát những bài ca cộng đồng để tiễn biệt cô về cõi vĩnh hằng!

Vĩnh biệt, cô ơi!

______________

Có bạn nói với tôi rằng bài giảng của cô Oanh hay nhờ giọng nói của cô dịu dàng, chân tình nên thuyết phục người nghe. Nếu đưa bài giảng ấy cho người khác có lẽ sức thuyết phục sẽ không cao như thế... Vì sao chúng ta có cảm giác bị thu hút bởi giọng nói của cô? Tôi lại nhìn việc ấy theo một góc nhìn khác. Tôi đoán dường như cô được huấn luyện khá tốt về kỹ thuật khẩu hình khi diễn thuyết. Hầu hết các khóa học về kỹ năng nói, kỹ năng trình bày ngày nay chúng ta bỏ quên mất kỹ thuật khẩu hình này. Tôi có biết một chút về kỹ thuật khẩu hình khi học hát nên nhận ra cô Oanh có sử dụng kỹ thuật này khi diễn thuyết. Do vậy, bài giảng của cô sinh động và hấp dẫn lắm.

Trên bục giảng hay giữa đám đông, cô không diễn thuyết theo cách hao tốn quá nhiều năng lượng như khoa tay, múa chân, chồm về phía này, nhảy đến phía kia khiến người nghe tối tăm mặt mũi. Cô nói thong thả, rõ ràng, đúng là tròn vành rõ chữ theo tiêu chuẩn các cô giáo lớp 1. Cô có di chuyển nhưng từ tốn, mềm mại... Dù thế, nội công của cô khi diễn thuyết thật tuyệt vời. Hầu như chẳng ai nói rằng tôi chưa nghe kịp. Cử tọa không bị thu hút bởi hình thể hay cách nói của cô. Nói theo ngôn ngữ diễn thuyết thì cô không hề nã đại liên vào đầu cử tọa. Cô dẫn họ đi vào thế giới ký ức của mỗi người, giúp mỗi người nhận ra câu chuyện của cô cũng chính là câu chuyện riêng của mỗi người. Từ đó, hãy suy nghĩ xem giải pháp cô đưa ra có áp dụng được cho trường hợp riêng của mỗi người hay không?

Khi giảng cô tổng hợp nhuần nhuyễn các kỹ thuật của công tác xã hội như kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, các kỹ thuật của giáo dục như kỹ năng soạn bài giảng, các kỹ thuật của xã hội học như nghiên cứu tài liệu sẵn có, nghiên cứu tình huống... Và mọi kỹ thuật tinh tế ấy được thể hiện thông qua xúc cảm của cô. Kết hợp hai yếu tố kỹ thuật và cảm xúc, tôi xin phép được gọi cô là một diễn viên, một nghệ sĩ xuất sắc trên bục giảng. Tôi bỗng nhớ một câu hát của nhóm nhạc ABBA:

Thank you for the music for giving it to me...

(tạm dịch: Cảm ơn bạn với bài nhạc ấy đã trả nó về với tôi...).

Cô Oanh kính, cộng đồng xã hội học xin thắp nén hương lòng để cảm ơn cô vì cô đã trả các kiến thức xã hội về với mỗi con người trong xã hội ấy. Trả về sau khi trao cho chúng tôi bao tâm huyết của cô. Trả về sau khi trao cho chúng tôi sứ mạng của đời cô: làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn...

______________

Hai năm qua cô dốc toàn bộ tâm huyết của mình vào hội quán Đến với nhau (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - nơi cô mong để các nhân viên xã hội đến với nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hay giúp nhau vượt qua những giây phút khó khăn. Tôi xót xa thấy cô đang gom hết lửa trái tim mình ra để đốt. Cô hay càm ràm nửa đùa nửa thật: “Mấy người phải giỏi lên để làm thay đi chứ già này hết sức rồi!”.

Và cô hết sức thật, mặc dù trông cô lúc nào cũng tươi tỉnh, nhanh nhẹn và dí dỏm. Chúng tôi thường thấy cô mệt lả sau những buổi giảng hay nói chuyện và vội vàng đi đến nơi trị liệu, nhưng không thích ai hỏi han đến sức khỏe của mình.

Hội quán ban đầu rất khó khăn nên cô và chị N. rất cực. Cô gần như túc trực nơi hội quán để tiếp khách hay trực tiếp giảng hoặc điều khiển hội thảo. Buổi trưa nhìn cô nằm nghỉ dưới nền nhà mà thương. Tôi hỏi cô sao không viết dự án để có tiền thực hiện các hoạt động mà không phải lo lắng chuyện doanh thu. Cô bảo: “Cô chán dự án lắm rồi. Dự án chỉ làm hư các nhân viên xã hội thôi!”. Nhìn cô tôi không dám nói gì, nhưng tôi thầm nhủ: “Cô ơi, cô cũng từng thực hiện các dự án đó thôi mà chúng có làm hư cô được đâu. Hư hay không là do bản chất của con người thôi cô ạ!”. Nhưng tôi hiểu được nỗi đau của cô...

Càng về sau cô càng nóng tính. Ai cũng thấy những cơn giận bùng lên của cô. Có người bực mình khó chịu. Có người thấy tổn thương. Nhưng tôi lại thắt lòng vì thấy cô đang rất vội. Cô đang lo không còn đủ thời gian để làm hết những điều mình muốn làm, và cũng vì thế mà cô dễ nổ bùng với những tiến bộ chậm chạp. Nhiều người tìm đến cô vì yêu quý và cần nương dựa vào cô, nhưng sự tự đổi thay chậm chạp của họ lại làm phiền và quấy nhiễu cô mà không biết, vì họ đâu hiểu rằng cô đang cần được nghỉ ngơi!

______________

Tin bài liên quan:

Sức mạnh của nhóm nhỏ
Tiễn biệt một "đời vui"
Chị vẫn làm việc đến phút cuối cùng!
"Chúng em sẽ cố gắng tiếp bước cô"...
Cô Oanh đã ra đi
Nhà xã hội học Nguyễn Thị Oanh đã qua đời

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận