Một ngày ở trung tâm điều khiển đường hầm sông Sài Gòn

MINH PHƯỢNG - NGỌC ẨN 13/10/2016 23:10 GMT+7

TTCT - “Hệ thống, thiết bị lắp đặt trong đường hầm sông Sài Gòn (Q.1 và Q.2, TP.HCM) như các bộ phận trong cơ thể con người. Hệ thống cấp điện là mạch máu, hệ thống thông gió là lá phổi, hệ thống camera giám sát là đôi mắt, hệ thống thoát nước là quả thận…” - anh Đoàn Văn Tấn, phó giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, ví von như vậy khi nói về đường hầm này.

Nhiều hệ thống đèn tín hiệu, báo hiệu được lắp đặt trong đường hầm sông Sài Gòn -Hữu Khoa
Nhiều hệ thống đèn tín hiệu, báo hiệu được lắp đặt trong đường hầm sông Sài Gòn -Hữu Khoa


Chạy xe băng qua đường hầm sông Sài Gòn (đường hầm Sài Gòn), người không quen dễ đau nhức lỗ tai vì những tiếng “ù ù” rất lớn. Anh Tấn nói những chiếc quạt khổng lồ gắn trên hầm chính là “thủ phạm” gây ra tiếng ồn ấy.

Đường hầm Sài Gòn chia ra hai chiều lưu thông riêng biệt thì mỗi chiều có đến 6 chiếc quạt như vậy. “Đây là những chiếc quạt phản lực, đường kính quạt 1,25m, dài tới 3,25m. Nhờ hệ thống quạt này nên không ai bị ngộp khi qua hầm” - anh Tấn nói.

Lá phổi khổng lồ “lọc” không khí

Ở hai đầu hầm là hai tòa nhà thiết bị. Anh Tấn dẫn chúng tôi vào thăm tòa nhà thiết bị phía Q.2. Tòa nhà không cửa sổ, bên trong là các phòng chứa thiết bị, hệ thống riêng biệt. Chỉ sau khi nhân viên tạm tắt hệ thống quạt hút, mọi người mới có thể nghe tiếng nhau.

Đập vào mắt chúng tôi lúc này là hai khối trụ cao hút tới trần nhà. Anh Nguyễn Tuyên Hưng, kỹ sư cơ khí, đang kiểm tra hệ thống thiết bị bên trong tòa nhà thiết bị cho biết những khối trụ khổng lồ kia là những chiếc quạt hút với đường kính 3,75m, cao đến 18m, có công dụng hút khí thải từ đường hầm (sau khi đã được hệ thống quạt phản lực đẩy về vị trí miệng hút ở hai đầu hầm) về hệ thống xử lý ở hai tòa tháp.

Mỗi khi kiểm tra, bảo dưỡng quạt, kỹ sư và đội ngũ nhân viên phải nhờ đến hệ thống dây xích, ròng rọc lắp đặt sẵn để nâng quạt qua một vị trí khác để tiện vệ sinh, bảo dưỡng.

Ở tầng hầm đầu tiên của tòa nhà thiết bị là căn phòng “ma quái” với bốn bức tường đều bị ám đen, nóng hầm hập, bên trong chứa những tấm lưới lọc bụi khổng lồ. Anh Tấn bảo không ai dám bén mảng vào đây khi quạt đang hoạt động.

Các cánh quạt như những cơn lốc xoáy khổng lồ, kéo tất cả khí thải, bụi bặm từ đường hầm Sài Gòn về đây với lực hút cực mạnh. “Tại đây, không khí được làm sạch trước khi đưa ra môi trường. Các hạt bụi bị lưới lọc bụi tĩnh điện giữ lại và hệ thống phun nước tự động sẽ phun nước vào lưới lọc bụi, làm bụi rơi xuống bể lắng.

Qua thêm hệ thống xử lý nữa, bụi thu được là khối chất kết tủa màu đen” - anh Tấn nói. Nhón tay lấy khối chất đen như bùn, anh Tấn cho biết đây chính là “sản phẩm” bụi thu được cuối cùng. Bụi ít hay nhiều tùy theo lượng xe lưu thông qua hầm, nhưng bình quân mỗi tháng thu được vài... bao tải.

Khi có cháy, hệ thống thông gió khổng lồ sẽ tự động cô lập tất cả các quạt, không cho quạt đẩy gió gây cháy lan từ nơi này sang nơi khác. Đồng thời, những chiếc quạt phản lực này có thể đảo chiều để đẩy khói về hướng đầu hầm gần nhất.

Thế nhưng bên trong tòa nhà thiết bị lại có hai căn phòng “VIP”: máy lạnh mát rượi, nhiệt độ luôn duy trì ở 25OC. Đây là phòng cấp điện trung thế và hạ thế, nơi cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống thiết bị trong đường hầm.

Việc duy trì ở nhiệt độ trên nhằm đảm bảo tuổi thọ cho các thiết bị điện, chống xảy ra cháy nổ do nóng. “Với những công trình trọng điểm như đường hầm Sài Gòn, hệ thống cấp điện như mạch máu của cơ thể người.

Để mạch máu ấy luôn thông suốt thì phải đảm bảo điện lấy từ hai nguồn riêng biệt (trạm trung gian Q.1 và trạm trung gian Q.2), phòng khi mất điện ở nguồn này thì hệ thống sẽ tự động chuyển sang nguồn kia. Khi tất cả các nguồn bị mất, máy phát điện dự phòng sẽ khởi động” - anh Tấn nói.

Nhân viên đường hầm sông Sài Gòn theo dõi các hoạt động trong đường hầm-Hữu Khoa
Nhân viên đường hầm sông Sài Gòn theo dõi các hoạt động trong đường hầm-Hữu Khoa

 

“Mắt thần” giám sát đường hầm

Các kỹ sư, nhân viên vận hành hệ thống, máy móc đường hầm chính xác, nhanh chóng là nhờ hệ thống camera hiện đại. Tại căn phòng lầu 3 - Trung tâm điều khiển của đường hầm Sài Gòn (phía Q.2), rất nhiều màn hình treo trên tường và hệ thống máy tính quản lý.

Mọi hoạt động diễn ra trong đường hầm đều được camera thu lại và truyền hình ảnh về đây. Lúc chúng tôi đến, ca trực có trưởng ca và tám thành viên. Trong đó, bốn nhân viên quan sát, vận hành hệ thống đường hầm Sài Gòn.

Bốn nhân viên ở mé bên phải giám sát hệ thống camera của hàng trăm tuyến đường trên địa bàn TP.HCM. Tất cả đều chăm chú vào màn hình máy tính trước mặt.

Là người phụ trách giám sát an toàn giao thông và thông tin liên lạc trong đường hầm, anh Phan Quốc Nhật cho biết mỗi ca trực 8 giờ, trong suốt thời gian ấy mọi người phải tập trung cao độ cho công việc, mắt dán vào màn hình, mông dán vào ghế, kịp thời phát hiện những sự cố xảy ra trong hầm để báo ngay cho trưởng ca phối hợp xử lý.

Chỉ vào màn hình máy tính bên cạnh, nơi có những ô đỏ nhấp nháy, anh Nhật giải thích: khi có sự cố, phương tiện dừng đỗ trong hầm thì hệ thống sẽ tự động phát hiện và báo chuông về trung tâm điều khiển. Anh em ở trung tâm điều khiển mau chóng xác định vị trí, phóng to hình ảnh để quan sát. Sau đó phải phán đoán ngay tình huống có nguy hiểm hay không để báo cho trưởng ca.

Ngồi kế bên là anh Nguyễn Xuân Thành - phụ trách bộ phận thông gió, thoát nước, phòng cháy chữa cháy - cho biết trong đường hầm có gắn những thiết bị cảm biến đo được tốc độ gió lưu thông trong hầm, đo nồng độ khí thải cũng như đo tầm nhìn trong hầm.

“Khi khí thải trong hầm nhiều, tầm nhìn sẽ giảm. Các thông số của quạt phản lực, quạt hút đã được cài đặt sẵn.

Phải theo dõi các thông số về tầm nhìn, nồng độ khí thải để điều chỉnh số lượng quạt hoạt động cho phù hợp - nói rồi anh chỉ tay vào màn hình giải thích - Thời điểm hiện tại, hướng đi từ Q.2 sang Q.1, nồng độ khí thải (CO) trong không khí là 77/1.000.000, tầm nhìn trong hầm là 89%, tốc độ gió là 4,27m/s. Với các thông số này, tôi chỉ cần cho hai quạt phản lực hoạt động sẽ đảm bảo tầm nhìn, sự an toàn cho người tham gia lưu thông” - anh Thành khẳng định.■

Khí thải sau khi được nén lại-Hữu Khoa
Khí thải sau khi được nén lại-Hữu Khoa

 

- Lý giải về việc chỉ cho xe máy qua hầm đến 22g mỗi ngày, anh Đoàn Văn Tấn cho biết ban đêm là thời gian đội ngũ nhân viên làm công tác vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống thiết bị trong hầm cho đến tận 5g sáng. Khi mọi người chìm vào giấc ngủ là lúc đội bảo trì, vệ sinh bắt tay vào công việc. Họ đi bộ kiểm tra các hệ thống, thiết bị trong hầm cũng như thực hiện hút bụi, lau chùi hầm, vệ sinh các thiết bị. Còn tòa nhà điều khiển cũng như tòa nhà thiết bị, mọi người lúc nào cũng túc trực 24/7.

- Với ba loại đèn chiếu sáng: chiếu sáng tăng cường, chiếu sáng ngày và chiếu sáng khẩn cấp đã cung cấp ánh sáng liên tục, giúp các phương tiện lưu thông qua hầm luôn an toàn. Hệ thống cảm biến trong hầm điều chỉnh ánh sáng ở đầu hầm tương tự bên ngoài và giảm dần khi vô sâu bên trong hầm để mắt người lái xe không bị thay đổi ánh sáng đột ngột, gây mất an toàn. Hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp có gắn ăcquy trong đèn. Trường hợp cúp điện đột ngột, trong khi chuyển từ lưới điện này qua lưới điện kia, đèn tắt thì hệ thống đèn khẩn cấp vẫn hoạt động.

- Đường hầm thiết kế độ dốc dọc 4%, ở hai đầu hầm có rãnh cắt ngang. Khi nước mưa tràn vào từ hai đầu hầm sẽ thoát xuống rãnh này và dẫn về hai bể chứa ở hai tòa nhà thiết bị. Lượng nước sót lại cũng như nước khi làm vệ sinh đường hầm sẽ chảy về vị trí thấp nhất (giữa hầm), tại đây lại có rãnh cắt để thoát nước, dẫn về bể chứa. Ở bể chứa có hệ thống van khổng lồ để bơm nước ra ngoài.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận