Mỗi tuần một chuyện: Gởi HLV Ngô Quang Trường…

HUY THỌ 23/09/2023 09:33 GMT+7

TTCT - Trong trận Sông Lam Nghệ An gặp Viettel ở Giải U15 toàn quốc ngày 22-8, khi đội Sông Lam Nghệ An

Trong trận Sông Lam Nghệ An gặp Viettel ở Giải U15 toàn quốc ngày 22-8, khi đội Sông Lam Nghệ An ghi bàn, một cầu thủ đội này đã ăn mừng bằng cách chạy sang khu vực kỹ thuật đội bạn hò reo. Ngay lập tức, HLV Ngô Quang Trường với vẻ mặt đầy tức giận, chạy ra dùng vỏ chai nước suối (loại 250ml đã uống hết) vụt thẳng tay vào đầu học trò, bắt xin lỗi ban huấn luyện và cầu thủ đội bạn. Chuyện này đã gây bàn tán xôn xao.

Việc HLV Trường răn dạy cầu thủ là đúng nhưng cách ông thể hiện không ổn, không thể có hành vi bạo lực để răn dạy học trò, nhất là ở độ tuổi dưới 15, và giữa chốn đông người.

Tôi muốn gởi đến HLV Trường cuốn sách chỉ 210 trang của Yoshichi Shimada - diễn viên hài, nhà văn nổi tiếng của Nhật. Đó là cuốn Người bà tài giỏi vùng Saga, tự truyện thời niên thiếu của tác giả. Cuốn sách có rất nhiều câu chuyện sâu sắc về giáo dục, nhưng ở đây đang nói chuyện thể thao, nên tôi muốn nhắc chương 12 - Những người thầy không thể nào quên.

Cậu bé Akihiro và bà Sano là lòng tự trọng và tinh thần vươn lên của người Nhật bất chấp khó khăn - Ảnh: WAKA

Cậu bé Akihiro và bà Sano là lòng tự trọng và tinh thần vươn lên của người Nhật bất chấp khó khăn - Ảnh: WAKA

Tác giả khi học lớp 8 là đội trưởng đội bóng chày của trường, do thầy Tanaka phụ trách. Mùa hè năm ấy, Yoshichi sống với bà ngoại ở Saga, dự tính thi đấu xong trận cuối cùng là lên tàu về thăm mẹ ở Hiroshima. Trong hộc tủ của mình, Yoshichi cất chiếc vé tàu và 2.000 yen lộ phí. Sau trận đấu, cậu rụng rời khi cả vé lẫn tiền đều biến mất. Thầy Tanaka đưa cậu 5.000 yen để mua vé về thăm mẹ. Cậu không chịu, quyết tìm cho ra thủ phạm. "Không được tìm. Nếu em tìm được, người đó sẽ trở thành tội đồ" - thầy Tanaka từ tốn nói. Yoshichi hiểu ý thầy, nếu tìm ra thủ phạm thì người ấy sẽ khổ sở, tủi nhục bội phần, và tinh thần đoàn kết của đội bóng sẽ tan tác.

Nhà Yoshichi rất nghèo, mỗi khi đến ngày hội thể thao của trường, trong lúc các bạn đều có phần cơm cùng thịt cá, thì phần cơm mà bà ngoại bới cho cậu chỉ có mận khô và gừng muối. Tủi thân, cậu mang hộp cơm vào ngồi trong góc lớp, nhưng người thầy bước vào và đề nghị đổi cho mình, vì "bỗng dưng thầy đau bụng quá"! Đương nhiên, cậu bé mừng lắm vì "cuộc đổi chác quá hời!". Nhưng sau vài lần như thế, cậu đem thắc mắc về hỏi bà. Bà bảo: "Nếu thầy không nói đau bụng thì cháu sẽ không nhận đổi lấy hộp cơm ngon đúng không?". Bài học gieo vào đầu cậu bé là: "Tử tế thật sự là khi ta không để người khác nhận ra việc mình làm".

Cho nên, để dạy học trò tử tế, cần trước hết là cách dạy phải tử tế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận