Miễn con được đi học...

GIANG NGUYỄN 28/11/2010 09:11 GMT+7

TTCT - Thoáng những gánh hàng rong trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) nào là cóc, ổi, xoài, bánh tráng, có cả những bịch đậu phộng nhỏ được cột vào hai đầu đòn gánh... Tôi lặng lẽ bước đi trên hành lang vỉa hè. Chợt nghe một tiếng gọi mời: ”Ăn ổi đi cậu”.

Cái giọng khàn khàn nhẹ nhàng của miền Trung đã níu bước chân tôi ngừng bên gánh hàng của chị - một phụ nữ đã luống tuổi, khuôn mặt sạm những vết chân chim, những vết nhỏ li ti, làn da sần hằn lên những nếp gấp ở trán...

Phóng to
Ảnh: tamtay.vn

Cầm trái ổi trên tay chưa kịp trả tiền, bỗng thấy chị quảy gánh hàng chạy vào một con hẻm. Khi đã... tạm yên, chị giải thích: ”Bán hàng rong thế này là không được phép cậu à, mất mỹ quan đô thị, chị bị đuổi hoài”. “Sao chị không bỏ mà làm nghề khác?” - tôi hỏi. “Chị đâu muốn buôn gánh bán bưng thế này, chị cũng muốn đường phố Sài Gòn đẹp trong mắt mọi người và du khách quốc tế. Nhưng ở quê nghèo lắm, lại đang bị lũ lụt hoành hành mất mùa, chị vào đây theo con gái đang đi học...”. Mắt chị sáng lên khi nhắc đến cô con gái: ”Nó thi đậu đại học. Đời chị là cả một kiếp nghèo, con được đi học thì đời chị như được đổi. Cực khổ mấy chị cũng làm, miễn con được đi học là chị vui lắm”.

Người mẹ gánh hàng rong này cũng như mẹ tôi và bao bà mẹ khác, sẵn sàng làm mọi thứ để những đứa con của mình được học hành thành đạt. Tôi nghẹn lòng, nhìn chị quảy gánh hàng đi xa...

“Sao không tới nhà tôi?”

Tối nay, nhận được công văn của mặt trận phường về việc quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ, tôi cơm nước sớm rồi đến từng hộ dân. Mưa dầm dề không ngớt từ chiều...

Tổ dân phố của tôi có 35 hộ. Tôi quyết định bỏ qua hai nhà không vào là nhà chị Xuân và nhà cụ Cật. Chị Xuân đi bán hàng thuê cho người ta, chồng là công chức lương hành chính, họ đang phải nuôi hai con học đại học nên khá vất vả, ba mẹ phải sinh hoạt tùng tiệm và cả hai đứa con đều phải đi làm thêm. Còn nhà cụ Cật chỉ có hai ông bà cụ đã gần tám mươi nay đau mai ốm. Chỉ cụ ông có lương hưu dạy tiểu học.

Vậy mà khi tôi về tới nhà đã khá khuya thì có tiếng gõ cửa. Thì ra chị Xuân. Chị hớt hải nói trong hơi mưa: “Sao không tới nhà tôi, nghe bà Hai nói cô vừa tới quyên góp. Tôi sợ mai đi bán mà không gặp cô nên vội chạy sang. Thương bà con vùng lũ quá. Cho tôi góp một chút”. Chị đã về rồi, mưa vẫn chưa tạnh nhưng tôi thấy lòng mình ấm áp lạ.

Sáng hôm sau, tôi đi chợ ngang qua nhà ông cụ Cật thì nghe ông hỏi: “Hôm qua cô đi quyên góp ủng hộ lũ lụt à. Bỏ qua nhà tôi phải không? Tôi không có nhiều nhưng cũng góp năm chục đây, cô cầm lấy...”.

Bỏ dở việc đi chợ, tôi về nhà lấy sổ ra ghi. Tự nhiên thế là rơi nước mắt. Thương quá đồng bào miền Trung và cũng thương quá những tấm lòng như chị Xuân và ông bà cụ Cật.

Đề phòng

Nhật ký ơi,

Từ khi lên Sài Gòn học đại học, tôi nghe nhiều người dặn dò là phải đề phòng mọi thứ, không nên thương hại mấy người ăn xin mà cho tiền họ, vì tất cả đều có người “chăn dắt”, tiền mình cho vào tay bọn xấu. Tôi nhiều lần đắn đo trước những người ăn xin tàn tật, ăn mặc bẩn thỉu... Bước đi mà lòng cảm thấy thật khó chịu. Có lần, tôi tiện tay cho những đứa trẻ ăn xin mấy đồng tiền lẻ khi vừa ra khỏi tiệm thuốc tây, chúng cảm ơn rồi nhìn tôi với ánh mắt biết ơn. Chúng thật đáng thương, nhưng tôi lại có cảm giác phải đề phòng khi nhớ tới lời dặn những đứa trẻ này có kẻ... “chăn dắt”.

Tôi trở nên đề phòng mọi thứ, mọi người lạ khi đi ra đường. Trạm xe buýt đông người, huyên náo, nhưng là tiếng xe cộ, tiếng người có nhưng ít và nhỏ. Trên chuyến xe, ngoài đường, không ai nói chuyện với nhau. Ở đó, người ta đề phòng tất cả, ai có biểu hiện muốn làm quen người khác thường được xem là “có vấn đề”. Rất nhiều trường hợp người lạ làm quen để lừa đảo. Con cái ra đường đều được cha mẹ dặn dò phải cảnh giác với người lạ. Nhưng sao tôi thấy khó chịu thế nào ấy. Khó chịu khi phải im lặng, phải đề phòng.

Bao giờ tôi mới hết phải đề phòng mọi thứ thế này?

TTCT cảm ơn các bạn: Đỗ Huy, Thiên Phàm, Quế Hương, tranthi phuongthuy, GTAL, Mai Hương,... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận