TTCT - 1. Nhắc đến những nhà văn góp phần vào việc cách tân, đổi mới quan niệm tiểu thuyết ở thế kỷ 20, không thể không nhắc đến Marcel Proust (1871-1922) - văn hào Pháp, tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng Đi tìm thời gian đã mất.

Tác phẩm này đóng vai trò quan trọng đối với mỹ học tiểu thuyết, đến mức từng có ý kiến cho rằng: “Có một cách viết tiểu thuyết, một cách đọc tiểu thuyết trước Proust và sau Proust”.

Phóng to

2. Nếu như Franz Kafka (1883-1924) - nhà văn người Tiệp Khắc sống cùng thời với Proust - đắm mình trong những cơn ác mộng, trong những huyền thoại để dựng xây tòa lâu đài của những điều phi lý trong “cõi người ta” thì Proust, bằng tác phẩm của mình, lại kiến tạo tòa dinh thự mênh mông của những hoài niệm.

Những hoài niệm ấy đi về, chảy trôi trong bảy tập sách của bộ tiểu thuyết: Bên phía nhà Swann (*), Dưới bóng những thiếu nữ đương hoa, Phía Guermantes, Sodome và Gomorrhe, Cô gái bị cầm tù, Albertine mất tích, Thời gian tìm thấy lại... Cốt truyện của tác phẩm bị xóa nhòa, đan bện trong dòng tâm tư.

Truyện được kể chủ yếu ở ngôi thứ nhất, gồm những hồi ức của một người trưởng thành tự thuật đời mình. Cứ như thế, những hồi ức quá vãng cứ miên man ám ảnh trong những câu văn rất nhiều mệnh đề của Proust.

Và số phận long đong của tác phẩm trong khâu xuất bản có lẽ cũng bắt nguồn phần nào từ mê cung hoài niệm, từ những câu văn “dây leo” ấy, như nhận định của đại diện một nhà xuất bản từng chối từ bản thảo: “Chắc tôi phải hết sức ù lì, nhưng tôi không sao hiểu nổi một quý ông có thể sử dụng ba chục trang để miêu tả ông ta trăn trở trên giường như thế nào, trước khi ngủ được”.

Tác phẩm khó tiếp nhận là vậy. Nhưng bạn đọc Việt Nam, rồi đây, hẳn sẽ có người cùng sẻ chia với Proust những hồi ức ấy và cùng ông tham gia cuộc tìm kiếm thời gian đã mất. Vì lần đầu tiên ở Việt Nam, Bên phía nhà Swann - tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất - được một nhóm dịch giả giàu kinh nghiệm và tâm huyết chuyển ngữ.

Cuốn Bên phía nhà Swann gồm có ba phần. Phần 1: Combray, người kể chuyện thuật lại thời gian ngày trước của mình, về thời thơ ấu ở Combray, về những đêm khó ngủ và nụ hôn của mẹ. Mùi vị của mẩu bánh Madeleine làm sống lại trong tâm tưởng anh hình ảnh của một miền quê thân thương và biết bao kiếp người sống ở nơi ấy.

Phần 2 có nhan đề “Mối tình của Swann” là phần duy nhất được kể từ ngôi thứ ba trong cả bộ sách, thuật lại những sự kiện trước khi người kể chuyện ra đời, xoay quanh cuộc sống và mối tình của người đàn ông tên là Swann. Phần 3: Tên xứ sở trở về với lời kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện kể về những mơ mộng thời trẻ của bản thân mình...

Trong suốt hàng trăm trang sách, Proust đã khéo léo đan cài vào đấy hàng loạt hiểu biết về văn chương, âm nhạc, hội họa... với những câu văn thách thức sự kiên nhẫn của người đọc. Nhưng đúng như André Gide đã nói: “Dẫu Proust có chi tiết đến đâu đi nữa, ông cũng chẳng bao giờ rườm rà, có dồi dào ý tứ đến đâu cũng không bao giờ dài dòng”. Tòa dinh thự hoài niệm mà Proust dựng xây bằng ngôn từ cứ mãi hấp dẫn và thách thức người đọc qua bao thế hệ.

3. Khi nhận xét về Marcel Proust, nhà văn Pháp Anatole France có cho rằng: “Đời quá ngắn mà Proust lại quá dài”. Việc đọc tác phẩm của Proust đòi hỏi người đọc phải không ngừng nâng cao tầm đón nhận trước một lối viết cách tân, mới mẻ, một nghệ thuật tiểu thuyết biết vượt lên và tạo lập những hệ hình mới trên những phương diện như: nghệ thuật xử lý thời gian, kết cấu tác phẩm, lối viết dòng ý thức...

Và hơn thế, cần một khả năng đồng cảm để có thể mở cánh cửa của tác phẩm, giải mã những ẩn ngữ đan cài sau mỗi dòng văn.

Đó thật sự là mê cung mà Proust yêu cầu mỗi người đọc phải tự bước vào bằng chính những ký ức của bản thân mình.

Trà đã đánh thức chân lý trong tôi, nhưng không hay biết gì về nó... Tôi đặt tách xuống và quay về với trí óc tôi. Nó phải tìm ra sự thật. Nhưng bằng cách nào? Thật mông lung mỗi khi trí óc cảm thấy bị vượt qua bởi chính nó; khi chính nó, kẻ đi tìm, cũng là toàn bộ xứ sở tối tăm nơi nó phải tìm tòi và là nơi cả hành trang của nó cũng chẳng giúp gì được nó.

Tìm tòi ư? Không chỉ thế: mà sáng tạo. Nó đang đứng trước một cái gì đó chưa tồn tại mà chỉ một mình nó hiện thực hóa được, rồi đưa vào ánh sáng của mình. (tr.63-64)

KHA LÊ

(*): Marcel Proust: Bên phía nhà Swann - Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường và Đặng Anh Đào dịch, Nhã Nam & Nhà xuất bản Văn Học, tháng 11-2013

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận