Mãi lộ sống nhờ bao che?

VÕ HỒNG QUỲNH 18/04/2004 22:04 GMT+7

TTCN - Trong khoảng mười năm trở lại đây, gần như năm nào báo chí cũng lên tiếng gay gắt về tình trạng nhận tiền mãi lộ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Nhưng tình trạng mãi lộ vẫn không giảm, thậm chí có lúc có nơi còn có xu hướng gia tăng gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Phóng to
TTCN - Trong khoảng mười năm trở lại đây, gần như năm nào báo chí cũng lên tiếng gay gắt về tình trạng nhận tiền mãi lộ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Nhưng tình trạng mãi lộ vẫn không giảm, thậm chí có lúc có nơi còn có xu hướng gia tăng gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Những ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ lại tiếp tục “trở lại những cung đường đen mãi lộ”, và thật lạ lùng những “trạm thu phí di động” của CSGT trên quốc lộ 51, trạm Dầu Giây hay trên tuyến đường 20 về Bình Thuận, Lâm Đồng… của ngày hôm nay vẫn diễn ra y như nhiều năm về trước. Làn sóng dư luận lại phẫn nộ.

Nhà chức trách địa phương khi được chất vấn lại hứa “sẽ xác minh làm rõ”, “chúng tôi không bao che” và “sẽ xử lý nghiêm minh”… Bằng chứng trước tiên là 15 CSGT đã bị tạm ngưng công tác để viết tường trình, chờ xem xét kỷ luật. Nhưng, liệu có thể dẹp được nạn mãi lộ trong CSGT?

Năm 2003, báo chí phanh phui vụ “mãi lộ có hệ thống” của CSGT tỉnh Đồng Nai tại các tuyến quốc lộ 51, trạm Dầu Giây, trong đó nêu đích danh trung tá Huỳnh Bảo Hùng - trưởng phòng CSGT - đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình vào việc kinh doanh vận tải.

Theo ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai, tại tỉnh này có hơn 20 xe tải, xe khách được mệnh danh là “xe vua” thì đều do người nhà thân cận của ông Hùng đứng tên. Chỉ trong 16 ngày, đoàn “xe vua” này chở ximăng thì đã có đến 362 lần xe quá tải nhưng vẫn bon bon trên đường, không hề bị thổi phạt. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì sao “lính” của “sếp” Hùng thỏa sức làm mưa làm gió trên các cung đường mà không hề bị nhắc nhở dù chỉ một lần.

Cơ quan chức năng vào cuộc, hàng chục CSGT bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc hoặc chuyển công tác khác, riêng trạm Dầu Giây, người ta đã thay gần như toàn bộ quân số của trạm khoảng 28 người. Nhưng ông trưởng phòng Huỳnh Bảo Hùng chỉ bị... cảnh cáo và chờ bố trí công tác khác. Nghe đâu ông Hùng lại đang được cân nhắc vào một cái “ghế” còn oai hơn, “ngon ăn” hơn chức trưởng phòng của ông!?

Mỗi lần phản ánh về nạn mãi lộ của CSGT, báo chí lại cũng không quên “lật lại vụ án nhận mãi lộ tập thể tại trạm 20”, đóng ở km 91, Định Quán (Đồng Nai). Đúng 10 năm về trước, ở đó, lần đầu tiên lực lượng trinh sát đặc nhiệm của Bộ Công an mặc thường phục trong vai lơ xe, chủ hàng đã đồng loạt ra quân bắt quả tang hai CSGT nhận tiền mãi lộ, sau đó cơ quan điều tra lần lượt khởi tố bảy CSGT về hành vi tham ô tài sản.

Cơ quan điều tra nhận định tiêu cực tại trạm 20 có hệ thống và mang tính tập thể kéo dài gần hai năm mới bị phát hiện, giao toàn bộ hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ra cáo trạng truy tố trước pháp luật. Nhưng, sau nhiều lần xem xét, cuối cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai thống nhất ra một quyết định hoàn toàn đứng trên cả luật pháp - xử lý nội bộ!

“Thật không còn gì để nói, tôi nhớ lúc ấy mỗi tuần người ta ra một quyết định đình chỉ bị can; tôi biết trong số bị can đó có nhiều người là con em của ông này, bà nọ…”, một cán bộ làm việc trong chính ngành kiểm sát của Đồng Nai tâm sự với chúng tôi đêm 13-4-2004.

Chính trung tướng Lê Thế Tiệm cũng đã thừa nhận với báo chí ngày 14-4-2004 rằng: “Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo rất nghiêm, chỉ có điều có sự can thiệp của lãnh đạo dưới địa phương, chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, bàn đi tính lại...”.

Không phải ngành công an từ các cấp cơ sở đến bộ không “ra tay”, nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đã được chỉ đạo làm thường xuyên hoặc đột xuất đối với hiện tượng tiêu cực của CSGT. Cũng có phát hiện tiêu cực của một, hai CSGT ngoài đường, rồi củng cố, chấn chỉnh nội bộ nhưng rồi... đâu lại vào đó!

Thực tế lực lượng CSGT hiện nay có không ít người là con em của “ông này, bà nọ”, còn lại họ vào ngành với một cái “giá” vật chất hẳn hoi. Và, để được “sếp” phân công ra tuần tra trên đường, mỗi CSGT cũng phải “biết điều” theo kiểu “bánh ít đi, bánh qui lại”.

Mãi lộ có hệ thống, mang tính tập thể lại có biểu hiện bao che thì làm sao mãi lộ có thể chấm dứt?!

___________________

Đâu chỉ là...mãi lộ

Dù biết rằng phạm luật thì bị trừng phạt là điều không thể tránh khỏi, không thể lựa chọn. Nhưng oái oăm (và đau đớn) thay khi có lúc phạm luật mà lại được phép lựa chọn: đằng nào cũng mất tiền nhưng bạn sẽ chọn mất tiền rồi đi tiếp, hay vừa mất tiền vừa ôm thêm một núi rắc rối khác nữa, nào là làm biên bản, nào là giam xe, nào bấm lỗ...

Đạo đức của con người đã được đem ra để cân nhắc một cách thực dụng và cái thực dụng đã chiến thắng lòng tự trọng của bản thân, chiến thắng cả luật pháp.

Tôi đã từng nhiều lần đi qua cung đường này, giữa một rừng cao su bạt ngàn, bất kể ngày hay đêm, thậm chí lúc 1-2 giờ sáng đều có một chiếc xe cảnh sát giao thông đứng kiểm soát, và đặc biệt là các anh cảnh sát chẳng cần ra một dấu hiệu gì cho xe ngừng lại nhưng các bác tài vẫn cứ dừng lại xếp hàng ngay ngắn để… hỏi thăm sức khỏe các anh với một bóp giấy tờ đủ các thứ giấy nào là giấy phép lái xe, giấy bảo hiểm, giấy đăng kiểm, lệnh xuất bến… nhưng đặc biệt là một thứ “giấy tờ” lúc màu xanh lúc màu đỏ lúc lại màu tím không thể thiếu (?!), “cái mà ai cũng biết là cái gì” và đó cũng là thứ giấy tờ duy nhất được kiểm tra và… sẽ bị tịch thu trong không khí hoan hỉ của cả đôi bên.

Mãi lộ bây giờ không đơn giản chỉ là chuyện ăn hối lộ của một số chiến sĩ cảnh sát giao thông. Nó đã trở thành một đại nạn về sự xuống cấp đạo đức của một thế hệ. Chúng ta đã nói gì, đã dạy dỗ gì cho thế hệ trẻ khi thực tế trước mắt đang dạy chúng rằng: “Trở thành cảnh sát giao thông chưa chắc là để bảo vệ tính mạng con người, để bảo vệ luật pháp mà là để trở thành… một con gà đẻ trứng vàng”.

“Những việc như thế này phóng viên biết, tài xế biết, thậm chí dân thường cũng biết, liệu những người lãnh đạo của ngành cảnh sát nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng có biết không? Xin ngài bộ trưởng Bộ Công an hãy vì lợi ích của người dân, vì truyền thống ngành công an hơn 50 năm qua, vì danh dự của người cảnh sát nhân dân, dũng cảm loại bỏ những con sâu, bên cạnh đó cũng loại bỏ những tác nhân để cho con sâu này tồn tại. Vì chuyện cơm tù mà chủ tịch tỉnh bị kiểm điểm, kỷ luật. Tại sao vì những chuyện này mà các vị khác vẫn “ngồi yên”?

Phóng to
Những gương mặt đen ấy đã thật sự làm hoen ố màu áo chiến sĩ công an trong lòng người dân. Tuy vậy, xin đừng quên rằng còn có nhiều chiền sĩ có mặt hằng ngày vào giờ cao điểm bất chấp nắng mưa, khói bụi để phân luồng tuyến cho xe cộ lưu thông an toàn.

Vẫn có người như Khương Hải Âu suýt phải trả giá bằng tính mạng của mình khi truy đuổi bọn cướp giật trên đường phố. Còn có những hành động nhỏ làm ấm lòng người như anh CSGT trên giao lộ Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn đẩy xe lăn giúp bà cụ tàn tật qua đường (ảnh chụp chiều 1-3-2004 tại Hà Nội).

Ngay trên báo Tuổi Trẻ 14-4-2004 cũng có nhắc đến trường hợp “... từ đội trưởng đến chiến sĩ CSGT huyện Định Quán (Đồng Nai) đã cùng bà con xã Phú Tân lái canô vật lộn với hiểm nguy suốt 24 giờ để cứu hai phụ nữ và một trẻ em chìm đò trên sông Đồng Nai”.

Làm thế nào để cũng chính những con người tốt đẹp như thế khi đứng trong bóng tối không bị cám dỗ của đồng tiền khi lợi dụng việc thực thi pháp luật để mãi lộ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận