Liên hoan phim Venice: Sân chơi lớn của điện ảnh châu Á

LÊ HỒNG LÂM 05/09/2007 13:09 GMT+7

TTCT - Liên hoan phim (LHP) Cannes vừa kỷ niệm dấu mốc lần 60 hồi tháng năm vừa qua thì giờ đây (từ ngày 29-8 đến 8-9), LHP Venice cũng long trọng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập.

Phóng to

Dù vậy, nếu tính số lần tổ chức thì đây là LHP lần 64 do nhiều lần bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới thứ 2. Đây là LHP lâu đời nhất trong ba LHP quốc tế lừng danh nhất thế giới, cùng với Cannes và Berlin.

Ra đời trong thời điểm điện ảnh Ý hưng thịnh với trào lưu tân hiện thực, đến nay LHP Venice vẫn đi theo tiêu chí tôn vinh điện ảnh nghệ thuật, tinh thần độc lập và mang tính xu hướng cao.

LHP Venice lần 64 này vừa mở màn vào tối thứ tư (ngày 29-8) vừa qua với bộ phim Atonement của đạo diễn trẻ người Anh Joe Wright. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn Anh Ian McEwan, với diễn xuất chính của hai diễn viên trẻ người Anh Keira Knightley và Jame McAvoy.

Phóng to
Đây mới chỉ là bộ phim thứ hai của đạo diễn 35 tuổi này sau bộ phim đầu tay Kiêu hãnh và định kiến đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh, trong đó có bốn đề cử Oscar năm 2006. Giám đốc điều hành Marco Muller hào hứng cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử LHP Venice, bộ phim được chọn mở màn lại của một đạo diễn trẻ như thế. Nhưng bộ phim này của anh còn tốt hơn nhiều bộ phim được chọn mở màn của các đạo diễn lớn trong nhiều LHP trước đây”. Joe Wright thì cho đây là một vinh dự lớn của anh.

Bộ phim này được xem là một ứng cử viên quan trọng của giải Sư tử vàng tại LHP năm nay, tuy nhiên để đạt được điều đó, nó phải vượt qua 21 bộ phim dự thi khác, trong đó có nhiều bộ phim đầy hi vọng của điện ảnh châu Á, các tên tuổi cựu trào của điện ảnh Anh, Mỹ, Nga, Pháp...

Ban giám khảo của LHP Venice năm nay có sự góp mặt của nhiều tên tuổi đạo diễn danh tiếng như Catherine Breillatt (Pháp), Jane Campion (New Zealand), Alejandro Gonzalez Inarritu (Mexico), Paul Verhoaven (Hà Lan)... nhưng người nắm quyền cao nhất thuộc về đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, ông chủ tịch ban giám khảo đã từng hai lần giật giải thưởng Sư tử vàng trước đây. Một lần nữa, điện ảnh châu Á lại có cơ hội lớn tại LHP lâu đời nhất hành tinh này.

Sân chơi lớn của điện ảnh châu Á

Phóng to
Trong gần hai thập niên qua, điện ảnh châu Á được tôn vinh liên tục tại cả ba LHP danh tiếng nhất thế giới. Các tên tuổi của điện ảnh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran... lần lượt giật các giải thưởng Sư tử vàng, Cành cọ vàng, Gấu vàng cùng nhiều giải thưởng khác tại ba LHP này.

Tuy nhiên, LHP tôn vinh điện ảnh châu Á nhiều nhất là LHP Venice. Tính từ thời điểm năm 1989, thời điểm trỗi dậy của điện ảnh nghệ thuật châu Á, đến năm 2006, tức qua 17 lần LHP, điện ảnh châu Á đã chiếm đến 10 giải Sư tử vàng, một con số kỷ lục mà không một châu lục nào có thể đạt được, kể cả cái nôi của điện ảnh như châu Âu hay sự bành trướng của điện ảnh Mỹ. Trong số 10 giải Sư tử vàng đó, chiếm số lớn là điện ảnh Trung Hoa đại lục với sáu lần đoạt giải cao nhất, thuộc về các đạo diễn lớn như Trương Nghệ Mưu (hai lần), Hầu Hiếu Hiền, Thái Minh Lượng, Lý An (ba đạo diễn gốc Đài Loan) và Giả Chương Kha (Trung Quốc). Bốn lần còn lại thuộc về Nhật Bản, Ấn Độ, Iran và Việt Nam (Xích lô của Trần Anh Hùng).

Có lẽ vì thế, cộng với ghế chủ tịch của Trương Nghệ Mưu, điện ảnh châu Á tràn đầy hi vọng đoạt giải Sư tử vàng tại LHP lần này, nhất là bộ phim mới nhất của đạo diễn Lý An, người đã hai lần đoạt giải Gấu vàng, một lần đoạt Sư tử vàng, đoạt giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc...

Phóng to
Brad Pitt trong phim cao bồi Viễn Tây The assassination of Jesse James....

Lý An đến với LHP Venice lần này với bộ phim hình sự gián điệp Lust, caution được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn nữ Trương Ái Linh. Sau nhiều bộ phim vang danh tại Hollywood, Lý An mới trở lại quê nhà với bộ phim nói tiếng Hoa này cùng dàn diễn viên tài hoa như Lương Triều Vỹ, Trần Xung, Vương Lực Hoành, Đường Vi.

Phim kể về một nhóm sinh viên ái quốc ở Thượng Hải lên kế hoạch ám sát một tay chính trị gia rất quyền lực và thông minh thời Nhật đang xâm chiếm Trung Quốc trong những năm Thế chiến 2. Nữ diễn viên trẻ Đường Vi vào vai cô sinh viên trẻ, dùng nhan sắc để bẫy tình tay chính trị gia này (Lương Triều Vỹ đóng).

LHP lần này còn có hai bộ phim nói tiếng Hoa khác là The sun also rises của đạo diễn Khương Văn, kể về một câu chuyện tình tay ba thời Cách mạng văn hóa và bộ phim lãng mạn Help me eros của đạo diễn Đài Loan Lee Kang Sheng.

Bộ phim thứ tư của châu Á trong danh sách tranh giải Sư tử vàng là Sukiyaki western django (Shusi Western) của đạo diễn Nhật Bản Miike Takashi. Đây là một bộ phim cao bồi kiểu Nhật vì đạo diễn Miike Takashi là người rất hâm mộ phim cao bồi Viễn Tây, đặc biệt là những bộ phim hồi thập niên 1970 của Sergio Leone và luôn ao ước được thực hiện một bộ phim thuộc thể loại này. Phim có sự tham gia diễn xuất của đạo diễn Mỹ Quentin Tarantino, người rất hâm mộ điện ảnh châu Á và là bạn thân của Takashi.

Điện ảnh Anh - Mỹ áp đảo

Phóng to
Cùng với điện ảnh châu Á, điện ảnh của Anh và Mỹ cũng áp đảo tại LHP Venice lần 64. Trong 22 phim tranh tài để giành giải Sư tử vàng lần này, chiếm gần một nửa là phim của Anh và Mỹ.

Đáng chú ý là hai bộ phim về chiến tranh Iraq In The valley of Elah của đạo diễn Paul Haggis và Redacted của Brian De Palma. Hai bộ phim là hai góc nhìn khác nhau về những dư chấn của chiến tranh Iraq đối với người Mỹ. Phim của Paul Haggis (biên kịch và đạo diễn phim Crash) với ba diễn viên chính từng đoạt Oscar là Tommy Lee Jones, Charlize Theron, Susan Sarandon kể câu chuyện về một cựu binh Mỹ trở về từ Iraq và mất tích. Jones và Sarandon vào vai một cặp vợ chồng, cùng với nữ thanh tra cảnh sát (do Theron đóng) đi tìm sự thật đằng sau sự biến mất của đứa con sau khi trở về từ chiến tranh Iraq.

Còn phim của De Palma châm biếm những bóp méo của truyền thông Mỹ về sự thật diễn ra tại Iraq.

Đạo diễn người Anh Kenneth Branagh thì dựng lại Sleuth, một bộ phim hình sự với kịch bản sân khấu của nhà văn Harold Pinter, người đoạt Nobel văn chương năm 2005. Trong thập niên 1970, Sleuth từng nổi tiếng trên sân khấu kịch và sau đó được chuyển thể thành phim do Laurence Olivier và Michael Caine đóng - hai tên tuổi của hai thế hệ thời đó. Năm 2007, bộ phim này được dựng lại với diễn xuất của hai tên tuổi đại diện cho hai thế hệ tại Anh bây giờ là Michael Caine và Jude Law. Phim là câu chuyện về cuộc đối đầu giữa một nhà văn già (Caine) và một tay diễn viên trẻ, kẻ tán tỉnh vợ ông ta.

Một bộ phim chân dung độc đáo gây nhiều chú ý là I’m not there của đạo diễn Mỹ Todd Haynes. Bộ phim tái hiện chân dung của Bob Dylan, một nghệ sĩ - nhà thơ vĩ đại nhất trong làng âm nhạc Mỹ đương đại với nhiều góc nhìn khác nhau. Có đến sáu diễn viên nổi tiếng khác nhau vào vai Bob Dylan với những sáng tạo khác nhau như Richard Gere, Heath Ledger, Christian Bale... Thậm chí nữ diễn viên Cate Blanchett cũng hóa trang thành Bob Dylan với vẻ ngoài được đánh giá là giống ông nhất.

Dàn sao của Hollywood đến Venice lần này còn có Brad Pitt với bộ phim cao bồi Viễn Tây The assassination of Jesse James by the coward Robert Ford. George Clooney có bộ phim hình sự Michael Clayton. Ba diễn viên Owen Wilson, Adrien Brody và Jason Schwartzman vào vai ba anh em trong bộ phim The Darjeeling limited, kể về hành trình khám phá đất nước Ấn Độ của Wes Anderson - đạo diễn phim độc lập được đánh giá rất cao.

10 giải Sư tử vàng thuộc về các đạo diễn của điện ảnh châu Á (Tính từ năm 1989-2006)

1989: Thành phố buồn (The city of sadness của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền, Đài Loan)

1992: Thu Cúc đi kiện của Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc)

1994: Vive L’amour của Thái Minh Lượng (Đài Loan)

1995: Xích lô của Trần Anh Hùng (Việt Nam)

1997: Pháo hoa (Fireworks) của Takeshi Kitano (Nhật Bản)

1999: Không thiếu một ai (No one less) của Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc)

2000: Vòng tròn số mệnh (The circle) của Jafar Panahi (Iran)

2001: Đám cưới mùa mưa (Monsoon wedding) của Mira Nair (Ấn Độ)

2005: Núi gãy (Brokeback mountain) của Lý An (Đài Loan)

2006: Người tốt ở Tam Hiệp của Giả Chương Kha (Trung Quốc)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận