Lệ Chi viên trên quê hương Beethoven

TTCT - Trong suốt năm năm sống tại Đức, những ngày gần đây có lẽ là thời gian tôi đọc được nhiều nhất những từ, cụm từ có liên quan tới VN trên báo chí địa phương: Nhạc Beethoven bằng tiếng Việt, Trần Mạnh Hùng, Bùi Công Duy, Hà Nội...

Lệ Chi viên trên quê hương Beethoven

TTCT - Trong suốt năm năm sống tại Đức, những ngày gần đây có lẽ là thời gian tôi đọc được nhiều nhất những từ, cụm từ có liên quan tới VN trên báo chí địa phương: Nhạc Beethoven bằng tiếng Việt, Trần Mạnh Hùng, Bùi Công Duy, Hà Nội...

Chính những thành viên của dàn nhạc Giao hưởng trẻ đến từ VN đã tạo ra “đợt sóng truyền thông” nho nhỏ này...

Dàn nhạc giao hưởng trẻ VN trong Lễ hội âm nhạc Beethoven - Ảnh: Beethovenfest Bonn & Deutsche Welle Copyright 2009

Họ, những sinh viên tuổi từ 16-24, đang theo đuổi một dòng nhạc rất kén người nghe: nhạc cổ điển. Và họ đã biểu diễn nhạc Beethoven thật tuyệt vời ngay tại quê nhà của chính tác giả: thành phố Bonn. Trong cuộc trò chuyện với báo chí và khán giả trước buổi hòa nhạc, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng tâm sự: việc được biểu diễn trên quê hương của nhạc cổ điển, của Beethoven không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là một vinh dự lớn đối với cá nhân anh và dàn nhạc giao hưởng trẻ của Học viện Âm nhạc quốc gia VN.

Trong những năm gần đây, VN đang được nhận định là một thị trường đầy tiềm năng cho việc phát triển cũng như quảng bá nhạc cổ điển và giao hưởng. Ngay New York Philharmonic, một trong những dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất thế giới, cũng sẽ tới VN biểu diễn lần đầu tiên trong tháng 10 này.

Bên cạnh đó, lý giải cho sự lựa chọn VN lần này của kênh truyền hình đối ngoại của Đức - Deutsche Welle (DW), tiến sĩ Gero Schliess, giám đốc quảng bá cho chương trình, tiết lộ: “Trong khi tìm hiểu về nhạc cổ điển ở VN, tôi thấy những nhạc công của các bạn chơi nhạc với một tinh thần khác, hết sức riêng biệt: dịu dàng hơn, giàu nhạc điệu hơn...”.

Trong khuôn khổ của “The Orchestra Campus” (dự án dành riêng cho những dàn nhạc giao hưởng trẻ trên toàn thế giới), DW cũng đã đặt hàng riêng nhà soạn nhạc trẻ Trần Mạnh Hùng một tác phẩm giao hưởng đương đại, mang hơi thở của chính đất nước VN.

Giao hưởng thơ (Poem symphony) hay Lệ Chi viên được anh viết cho violin và dàn nhạc, với chất liệu âm nhạc dân tộc VN đặc trưng bay bổng trên nền nhạc cổ điển châu Âu, chính là thành quả của sự hợp tác này. Lệ Chi viên đã được trình diễn trong đêm 27-9 cùng với tác phẩm Rhapsody Việt Nam của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và hai trích đoạn tác phẩm khác của nhạc sĩ thiên tài Beethoven.

Tất cả thành viên trong đoàn VN hôm đó hẳn đã phải rất nức lòng. Bởi dù đó là lần xuất hiện đầu tiên của một dàn nhạc giao hưởng toàn người trẻ đến từ một đất nước xa xôi, giá vé vào xem cũng không hề rẻ (30 euro, tương đương 800.000 đồng VN) nhưng khán phòng hai tầng rộng mênh mông của Beethovenhalle gần như chật kín. Để dẫn dắt người nghe, Trần Mạnh Hùng đã chọn một trích đoạn lịch sử (bằng âm nhạc) đầy oan khiên về vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.

Xuyên suốt tác phẩm là tiếng violin solo của nghệ sĩ tài năng Bùi Công Duy, minh họa cho tiếng lòng của Nguyễn Thị Lộ, nhân vật nữ trong câu chuyện. Khi giới thiệu tác phẩm, điều khán giả rất quan tâm là liệu một câu chuyện bi như vậy thì âm nhạc có bi thương không. Trần Mạnh Hùng trả lời rằng “âm nhạc sẽ không thật sự buồn”.

Và quả thật lãng mạn mới chính là xúc cảm chung của nhiều người nghe về bản giao hưởng này. Tiếng violin réo rắt, đẫm chất thơ và sự lôi cuốn hào sảng của dàn nhạc đã làm nên một bức tranh tổng thể toàn vẹn, đẹp đẽ cho Lệ Chi viên.

Bên lề buổi hòa nhạc là những chuyến tham quan ngắn vòng quanh thành phố cổ kính tuyệt đẹp hay đi mua sắm ở khu trung tâm - thú vui không thể thiếu của những người trẻ trong dàn nhạc. Các bạn đã sống cùng nhiều gia đình địa phương (home-stay). Và nếu câu hỏi nhiều nhất của những người Đức trước khi các bạn đến là “Các bạn ấy thích ăn gì?”, “Liệu các bạn VN có thẳng thắn nói ra những gì họ suy nghĩ không?” thì sau vài ngày chủ - khách đã chia tay nhau bịn rịn.

Trong buổi nói chuyện về tác phẩm của mình, nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng đã hai lần nhắc đến lòng yêu mến của nhiều nhạc sĩ VN với Beethoven và về niềm vinh dự được xuất hiện tại quê hương của ông, lại được trình bày tác phẩm của chính mình. Đó hoàn toàn không phải là xã giao. Bởi ngay cả tôi, người phiên dịch trong buổi nói chuyện, cũng không kìm được sự tự hào khi nói ra những lời ấy cho dù không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Beethovenfest (Lễ hội âm nhạc Beethoven) được tổ chức thường niên từ năm 1999 và được coi là “tiểu Olympic” của những người dân thành phố xinh xắn từng là thủ phủ của Tây Đức. Lễ hội diễn ra trong hơn bốn tuần thường vào tháng 9, với gần 100 hoạt động lớn nhỏ: hòa nhạc, tọa đàm, chiếu phim, triển lãm sắp đặt, nói chuyện...

Trong những ngày này, nhạc Beethoven được biểu diễn khắp nơi trong thành phố (con số nghệ sĩ biểu diễn lên tới 2.000 người): trong nhà thờ, viện bảo tàng, các di tích lịch sử, lâu đài hoặc trong những công sở hiện đại. Cùng với đối tác truyền thông là DW, thành phố Bonn đã lập ra dự án đặc biệt “The Orchestra Campus”. Qua tám năm đã có sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Ba Lan... Năm nay vinh dự và cũng là cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh đất nước đã thuộc về VN.

NGUYỄN DANH QUÝ
(Học viện Truyền thông DW Akademie - Deutsche Welle)

______________

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhạc trưởng Claire Levecher (phải) trong buổi diễn tại Bonn - Ảnh: Beethovenfest Bonn & Deutsche Welle Copyright 2009

“Âm nhạc VN truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng”

Dàn nhạc giao hưởng trẻ của VN được luyện tập dưới sự chỉ đạo của bà Claire Levecher, nhạc trưởng nổi tiếng người Pháp, người hiện nhận được nhiều lời mời nhất trên thế giới. Bà luôn biết cách động viên và dẫn dắt những nhạc công chưa có nhiều kinh nghiệm.

* Làm thế nào để bà có thể làm việc được với những nhạc công trẻ từ VN, những người không nói chung một ngôn ngữ với bà?

- Chúng tôi có một ngôn ngữ chung là âm nhạc. Tuyệt vời nhất vẫn là khi nhạc trưởng không nói gì, chỉ sử dụng động tác thôi. Trên thực tế, đối với dàn nhạc trẻ của VN, tôi vẫn phải sử dụng nhiều ngôn ngữ nói hơn. Tôi muốn giúp đỡ và giải thích nhiều hơn vì các nhạc công ở đây đều là các bạn sinh viên rất trẻ. Cốt yếu là các bạn có thể học được những điều mới từ các buổi tập này.

* Có khá nhiều nhạc cụ dân tộc VN xuất hiện trong buổi biểu diễn, vậy bà đã làm như thế nào để “chỉ huy” chúng?

- Tôi vẫn muốn có thêm nhiều nhạc cụ dân tộc VN nữa trong dàn nhạc. Thật là những trải nghiệm tuyệt vời khi tôi được nghe và làm quen với nhạc dân tộc VN lúc còn ở Hà Nội. Thứ âm nhạc đó đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng. Có rất nhiều điều mới lạ trong âm nhạc truyền thống của VN, rất khác so với cách các nhà soạn nhạc phương Tây, kể cả Beethoven, thường làm. Và tôi rất muốn thử nghiệm, pha trộn chúng lại với nhau...

KHALID EL KAOUTIT thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận