Làm phim như Dòng máu anh hùng

HÒA BÌNH 20/05/2007 23:05 GMT+7

TTCT - Dù “chỉ là phim hành động” như tự nhận của chính những người làm phim Dòng máu anh hùng (DMAH) nhưng bộ phim này đã được đánh giá cao tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương và Liên hoan Phim VN thế giới (VIFF) đều được tổ chức ở Mỹ (*).

Phóng to
Phim DMAH được trao giải tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương
TTCT - Dù “chỉ là phim hành động” như tự nhận của chính những người làm phim Dòng máu anh hùng (DMAH) nhưng bộ phim này đã được đánh giá cao tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương và Liên hoan Phim VN thế giới (VIFF) đều được tổ chức ở Mỹ (*).

Có thể DMAH còn nhiều điểm chưa thật sự thuyết phục khán giả ở tâm lý, tính cách nhân vật và các tình huống, con người lịch sử... song những nỗ lực để bộ phim có được những đại cảnh thì không có mấy phim trong nước sánh được.

Có thể nói những bối cảnh VN thời Pháp thuộc những năm 1920 được tái hiện trong DMAH chẳng kém bất kỳ bộ phim hoành tráng nào của điện ảnh thế giới làm về VN và Đông Dương thời kỳ này: những dãy nhà kiến trúc thuộc địa cổ kính, những chiếc ôtô, xe máy, xe lửa hồi đầu thế kỷ 20... hay cảnh công trường khai thác quặng ở một mỏ sắt qui tụ cả ngàn người lao động.

Charlie Phạm Nghiêm, chủ nhiệm phim DMAH, cho biết để có được những bối cảnh như thế anh đã cùng những cộng sự phải nhiều lần đi từ Nam ra Bắc săn lùng bối cảnh, mỗi lần kéo dài hơn hai tuần. Riêng cảnh quay ở mỏ sắt là cảnh thật, qui tụ cả ngàn diễn viên quần chúng, nội tiền phục trang thuê mướn cũng hết sức tốn kém. Và cảnh quay phải diễn ra dưới ánh mặt trời gay gắt để mô tả sự khổ sai. Không chỉ diễn viên bị choáng khi vào vai trong bối cảnh đó mà ngay những công nhân và người dân địa phương được thuê cũng không chịu nổi điều kiện làm việc như vậy.

Phóng to
Một đại cảnh trong DMAH
Sau khi hoàn tất DMAH, Hãng Chánh Phương đã có được cả một “phim trường” với đầy đủ bối cảnh, đạo cụ, phục trang của VN thời Pháp thuộc để các đoàn phim khác thuê mướn lại. Theo anh Phạm Nghiêm, đoàn làm phim đã tốn nhiều công sức, thời gian, chi phí mới có được cảnh quay chiếc xe lửa thời Pháp thuộc.

Ở Đà Lạt có một đầu xe lửa như vậy nằm trong ga nhưng đường ray cho nó đã bị phá bỏ từ lâu. Tìm khắp nơi mới phát hiện trong một mỏ quặng ở Thái Nguyên cũng có một đầu máy tương tự nhưng không còn chạy được. Đoàn phim phải thuê người sửa để đầu máy này hoạt động được và phải đóng thêm nhiều toa xe. May là trong mỏ có đường ray để vận chuyển sản phẩm ra ngoài.

Còn phải kể đến ngôn ngữ thoại của các nhân vật sắc, gọn, gây ấn tượng mạnh về cá tính nhân vật, khó tìm thấy trong nhiều bộ phim VN. Và, là phim hành động, nên DMAH còn những pha đánh đấm thật sự Hollywood bởi được Johnny Trí Nguyễn - cascadeur từng đóng thế trong phim Người nhện - dàn dựng. Và phải kể đến yếu tố trẻ: êkip làm phim là những Việt kiều trẻ có phong cách làm phim hiện đại và chuyên nghiệp.

DMAH đã thu được gần 10 tỉ đồng khi chiếu trong nước và hiện có một đối tác đồng ý mua DMAH để phát hành tại Mỹ, nhưng theo Charlie Phạm Nghiêm: “Chúng tôi cố gắng làm phim DMAH theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể phát hành rộng rãi ở nhiều nước vì thị trường phim hành động trên thế giới là rất lớn. Đối tác muốn mua phim của chúng tôi để chiếu những khu vực có nhiều người Việt sinh sống nhưng chúng tôi đang thương lượng với họ để DMAH được chiếu cùng lúc ở khoảng 100 rạp, cả ở những khu vực có đông người Mỹ”.

(*) DMAH đoạt giải thưởng lớn của ban giám khảo tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương ở Los Angeles từ 3 đến 10-5 vừa qua. Trước đó, tại Liên hoan phim VN thế giới từ 12 đến 22-4 tại California, DMAH đã được trao giải “phim do khán giả bình chọn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận