"Làm khoa học, nhưng mê nói chuyện thể thao!"

CÔNG NHẬT THỰC HIỆN 21/06/2010 19:06 GMT+7

TTCT - Tự tin với những gì mình có là châm ngôn sống của chàng trai 24 tuổi Nguyễn Hoàng Minh Dũng, một trong những cá nhân hiếm hoi tốt nghiệp hệ cử nhân tại Việt Nam nhưng được đặc cách vào thẳng chương trình tiến sĩ ở nhiều ngôi trường danh giá trên thế giới.

Phóng to
Nguyễn Hoàng Minh Dũng tại khuôn viên Trường ĐH Sydney, Úc - Ảnh: H.T.

Dũng khiến chúng tôi bất ngờ lẫn thích thú khi thẳng thắn thừa nhận: “Thành tích học là thế nhưng tôi lại thật sự thích nói về thể thao hơn là học tập” trong lần trò chuyện gần đây.

* Chắc chắn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết Dũng được đặc cách vào thẳng chương trình tiến sĩ dẫu chỉ mới tốt nghiệp đại học tại VN. Bạn đã thuyết phục họ như thế nào?

- Ngoài ngoại ngữ, các trường thường yêu cầu sinh viên (SV) tốt nghiệp loại giỏi (GPA80%) hoặc thạc sĩ (có kinh nghiệm nghiên cứu là lợi thế). Và tôi thật sự tự hào khi chương trình kỹ sư (cử nhân) tài năng của hệ thống đại học quốc gia tại VN được các trường trên thế giới công nhận.

Có được điều này có lẽ cũng nhờ năng lực và kết quả học tập, nghiên cứu xuất sắc của các thầy cô, các anh chị đi trước đã từng bước khẳng định chất lượng giáo dục và khả năng của SV Việt, tạo tiền đề cho lớp sau tiếp bước. Vì thế tôi không nghĩ thành quả của mình là do cá nhân mà chính các thế hệ du học sinh đi trước đã làm điều này.

Tuy vậy, tôi cũng hi vọng trường hợp của mình sẽ phần nào giúp các bạn trẻ tốt nghiệp đại học tại VN không còn phải lo lắng, thiếu tự tin khi so kè với SV quốc tế nữa. Tốt nghiệp đại học tại VN thì đã sao? Nếu bạn giỏi và có động cơ học tập rõ ràng thì cơ hội học bổng hoặc thậm chí học vượt là trong tầm tay.

Sinh năm 1986, hiện Minh Dũng đang theo học tiến sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại Trường đại học (ĐH) Công nghệ thông tin thuộc ĐH Sydney (Úc).

Tốt nghiệp loại ưu chương trình kỹ sư tài năng khoa công nghệ thông tin ĐH Bách khoa TP.HCM (khóa 2004-2009) với luận văn “Hệ thống tìm kiếm ngữ nghĩa tiếng Việt - VN-KIM Search” đạt 9,5/10 điểm. Từng đoạt nhiều giải thưởng quốc gia về toán, tin học. Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2001), đặc cách tham dự đại hội Đoàn toàn quốc (Hà Nội 2003). “Rinh” vô số học bổng suốt thời đi học: Odon Vallet (2004), Vidaltek (2007), Sunflower (2008), ELCA (2008), Amcham (2008)...

Được nhiều trường cấp học bổng đặc cách vào thẳng chương trình tiến sĩ không cần lấy bằng thạc sĩ: ĐH Aberdeen (Anh), ĐH Quốc gia Singapore (Singapore), ĐH Sydney (Úc)...

* Dũng có thể đưa ra một vài lời khuyên cho những SV Việt khác đạt được kết quả tốt nhất khi xin học bổng cao học, tiến sĩ tại nước ngoài bên cạnh việc học giỏi?

- Để có thể thuyết phục các trường nhận nghiên cứu sau đại học, ngoài việc SV phải đạt được các yêu cầu tối thiểu của trường về kết quả học tập, ngoại ngữ, điều quan trọng nữa là hướng nghiên cứu và thuyết phục giáo sư nhận hướng dẫn. Các bước có thể tóm tắt như sau (đối với các trường ở Úc):

1) Tìm hiểu điều kiện nhập học tối thiểu của trường, khoa quan tâm trên trang web của trường.

2) Tìm hướng nghiên cứu và đề tài nghiên cứu thích hợp trên trang web của khoa.

3) Tìm giáo sư hướng dẫn và chủ động gửi email trao đổi về hướng nghiên cứu, khả năng và kiến thức cơ bản. Riêng bản thân tôi, ngay buổi đầu nhập học gặp giáo sư, câu đầu tiên của thầy là: “Rất vui được gặp em, từ email đầu tiên đến nay đã hơn một năm rưỡi!”. Tôi đã email trao đổi với giáo sư từ khi chưa tốt nghiệp (và SV hoàn toàn có thể nhận được thư nhập học có điều kiện - conditional offer - ngay từ khi chưa chính thức tốt nghiệp).

4) Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp hồ sơ (kế hoạch nghiên cứu, bằng cấp, bảng điểm, chứng chỉ tiếng Anh, thư giới thiệu của thầy hướng dẫn...). Và may mắn là tôi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ Tổ chức Giáo dục quốc tế IDP nên hồ sơ không gặp bất cứ vấn đề gì.

* Quay lại việc bạn thú nhận “thích nói về thể thao hơn học tập”...

- Đúng vậy, tôi tuy là người làm khoa học nhưng lại có khuyết điểm là không ngăn nắp và làm việc chưa thật sự... khoa học! Tôi cũng tự nhận thấy mình cực kỳ đam mê thể thao, có thể dành hàng giờ bàn luận về vấn đề này. Tôi thường xuyên đi đá banh, chơi quần vợt cùng bạn bè mỗi khi rảnh. Thời SV, ngoài thời gian lên lớp tôi chỉ dành khoảng 30 phút tới một giờ mỗi ngày để đọc lại bài giảng, rồi trước khi thi một tuần mới tập trung ôn lại.

Tôi nghĩ chơi thể thao nhiều sẽ giúp chúng ta minh mẫn hơn, và nó cũng quan trọng không kém việc học.

* Một thất bại đáng nhớ của bản thân Dũng là...

- Vốn tiếng Anh chưa tốt khiến tôi bỏ lỡ rất nhiều cơ hội du học trong những năm đầu tại đại học. Tôi từng rất thất vọng về điều này, nhưng đây cũng là động lực bắt buộc tôi phải phấn đấu hơn nữa. Tiền từ tất cả học bổng sau đó đạt được tôi đều để dành cho việc học ngoại ngữ. Để có nhiều thời gian cho môn tiếng Anh, tôi chấp nhận hạn chế thời gian học các môn trên trường. Tôi quan niệm khi mình không thể làm tốt nhiều thứ cùng lúc thì nên chia thành từng phần nhỏ để dễ thực hiện.

Và với kế hoạch “chia để trị” đó, tôi đã đạt được IELTS 7.0 hơn một năm trước khi bảo vệ luận văn. Nếu tôi không chịu “hi sinh” và lao đầu vào học tiếng Anh thì có lẽ du học là điều không thể dẫu điểm số ở trường có cao chót vót.

* Dũng ấp ủ đề tài nào cho khóa tiến sĩ này? Anh có gặp khó khăn nào không?

- Hiện tại tôi đang nghiên cứu về việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên ứng dụng trong lĩnh vực y học. Tôi hi vọng những kết quả đạt được của đề tài góp phần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thiết yếu của đời sống là y tế.

Còn về khó khăn có thể nói là rất nhiều. Kinh nghiệm còn quá hạn chế, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học còn yếu, xa lạ với việc viết bài báo khoa học... tất cả đều là thử thách rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực và cố gắng hết mình trong những năm tới.

Tuy nhiên, tôi rất thích câu nói “Nếu không vấp phải một trở ngại nào nữa, tức là bạn đã đi chệch hướng rồi đó” của M.Ghenin. Tôi nghĩ con đường để trở thành một nhà khoa học gốc Việt lớn như giáo sư Ngô Bảo Châu là không hề bằng phẳng, nhưng tôi tin vào những nỗ lực của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận