Josef Resch, người nắm giữ sự thật hay lừa đảo?

DUY VĂN 19/06/2016 17:06 GMT+7

TTCT - Ngày 6-6 vừa qua, nhà chức trách Đức và Thụy Sĩ đã lục soát và tịch thu các tài liệu của thám tử tư người Đức Josef Resch, người cho biết đã tìm ra nguyên nhân vụ máy bay Malaysia MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Donbass (đông Ukraine) ngày 17-7-2014.

Josef Resch trên báo Đức Stern-Stern
Josef Resch trên báo Đức Stern-Stern


Vụ lục soát đã làm “nóng” lại mối quan tâm về thảm họa gây ra cái chết của 298 người, mà cuộc điều tra của ủy ban quốc tế do Hà Lan phụ trách đến nay vẫn chưa đưa ra kết quả cuối cùng.

Các vụ lục soát đã diễn ra tại thị trấn Đức Bad Schwartau (bang Schleswig-Holstein), còn tại Zurich, cảnh sát tịch thu két ngân hàng của Resch cùng các tài liệu trong két. Các tài liệu này bị thu giữ theo yêu cầu của Hà Lan, nước đang tiến hành cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra thảm họa máy bay MH17.

Giờ đây một tòa án Thụy Sĩ sẽ phán quyết liệu các nhà điều tra ở Hà Lan có thể làm việc với những tài liệu tịch thu này không. Việc tịch thu tài liệu đã được ấn bản Đức Capital và tờ báo Telegraaf của Hà Lan ngày 6-6 đưa tin, sau được nhiều báo Nga đăng lại.

Đại diện Công tố viện Hà Lan Wim de Brein được Telegraaf dẫn lời cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm thông tin về vấn đề này nên đã lục soát nhà ông ta (Josef Resch)”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ thám tử tư này đang ở đâu.

500.000 euro cho Josef Resch?

Thật ra tên tuổi của thám tử tư Josef Resch đã được nhắc tới trên báo chí Đức và Nga từ tháng 6-2015, khi Resch cho biết đã “hoàn tất cuộc điều tra nguyên nhân thảm họa MH17”, đã “thu thập đủ tài liệu và chuyển cho người đặt hàng”. Ông cũng nói đã nhận được thù lao 500.000 euro thực hiện đơn hàng này.

Trả lời tờ báo Đức Capital khi đó, Josef Resch nói: “Trước khi ký hợp đồng, một số cuộc gặp giữa tôi và những người trung gian, đại diện cho khách hàng, đã diễn ra ở một số thành phố châu Âu. Họ là ai tôi không biết. Chỉ biết một điều: một người trong số họ nói (tiếng Đức với) giọng Thụy Sĩ, đặc biệt, ông ta bảo tôi: “Chúng tôi cần một Edward Snowden thứ hai”.

Tôi cũng không biết người đặt hàng là ai. Có thể là ai đó trong số những nhà tài phiệt Nga muốn làm hại (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và bằng cách đó hất ông ta ra khỏi Điện Kremlin. Có thể là chính Điện Kremlin. Hay là một ai đó rất giàu, muốn làm sáng tỏ câu chuyện này.

Trong trường hợp nào thì đó cũng là “một ai đó lớn với rất nhiều tiền””. Đầu tiên, người đặt hàng đã chuyển 40.000 euro tới hãng trinh thám Wifka mà Josef Resch (66 tuổi) đang là giám đốc, và hứa nếu thành công thù lao sẽ lên tới 500.000 euro. Hãng Wifka (có trụ sở ở Bad Schwartau, gần Lubeck) thật ra chuyên về các tội phạm kinh tế, nhưng món thù lao hậu hĩnh đã khiến Resch bắt tay vào chính trị.

Theo lời kể của Resch cho tờ Capital thì các tình tiết đủ hấp dẫn cho những bộ phim trinh thám: tất cả những cuộc trao đổi giữa khách hàng với Resch đều diễn ra qua các trung gian.

Các báo cáo về công việc của mình được Resch mã hóa rồi chuyển đi qua những trang web nhất định, hay gọi đến những số điện thoại được cho trước (thường là trong những nhà hàng châu Âu) hoặc để lại thông tin. Còn khi gặp riêng Resch, kẻ trung gian phải mang theo một “vật làm tin”, đó là một nửa tờ bạc đôla có chữ ký của Resch!

Josef Resch
Josef Resch

 

30 triệu đôla cho người cấp tin?

Để điều tra, Resch tuyên bố ông ta không dùng những phương pháp truyền thống: không cần đi tới Ukraine.

Tin rằng “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng... rất nhiều tiền”, Resch yêu cầu khách hàng phải trả một món tiền thưởng chưa từng có cho người cấp tin: 30 triệu USD. (Để so sánh, chỉ cần nhớ là Chính phủ Mỹ cũng “chỉ” chi có 25 triệu USD cho người cung cấp thông tin về chỗ ẩn náu của Osama Bin Laden)!

Để nhận được món tiền “khủng” trên, thám tử Resch yêu cầu người cấp tin phải trả lời đúng những câu hỏi sau:

- Ai đã bắn rơi máy bay của Malaysia Airlines thực hiện chuyến bay MH17 vào ngày 17-7-2014?

- Ai ra lệnh bắn hạ máy bay?

- Ai đã che giấu tội ác (nếu ở đây việc phóng tên lửa diễn ra vì một sai lầm chính trị, kinh tế hay quân sự)?

- Ai có thể tiết lộ chi tiết về các tình huống dẫn tới thảm họa?

- Ai là người thực hiện trực tiếp?

- Chuyện gì đã xảy ra cho những người thực hiện chiến dịch tiêu diệt chiếc Boeing?

- Số phận của vũ khí được sử dụng sau đó ra sao?

- Ai có thể gọi tên người hoặc nhóm nhân vật ra lệnh (tiêu diệt MH17)?

Những câu hỏi này vẫn còn nguyên trên trang chủ của hãng Wifka (http://wifka.de).

Hãng Wifka bảo đảm giữ tuyệt mật về người cấp tin, thậm chí còn hứa sẽ giúp thay đổi diện mạo cho người cấp tin, nếu muốn. Thông tin này được loan đi bằng nhiều thứ tiếng. Sau đó, theo lời Resch, công ty ông nhận được vô số thư và cuộc điện thoại, mà 99,9% là giả.

Còn với những người cấp tin mà Resch thấy “ít nhiều đáng quan tâm”, Resch chỉ gặp họ trên đất Đức. Những lời mời tới Ukraine hay Nga đều bị bỏ qua. Cũng theo lời Resch, ông ta và các thành viên gia đình, lẫn cộng sự trong hãng, không ít lần bị đe dọa.

Resch kể trên tờ Capital: “Kể từ tháng 9-2014, trong 10 tháng sau đó đã diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc. Trong đó có cuộc gặp với một thư ký báo chí của một huân tước Anh, người có mối quan hệ với tổ hợp công nghiệp quân sự.

Hai cuộc gặp với một người đàn ông nói tiếng Nga tuổi từ 35-40, người đưa ra một tập hồ sơ dày với bản photo các tài liệu có dấu tuyệt mật dường như là từ cơ quan mật vụ Ukraine. Người này còn đòi tôi dẫn tới gặp trực tiếp người đặt hàng”.

Rất nhiều chuyện thú vị

Thế rồi vào tháng 5-2015, theo Resch, cuối cùng cũng xuất hiện một người biết chính xác: ai, ở đâu và trong hoàn cảnh nào đã bắn hạ chiếc Boeing trên bầu trời Donetsk. “Tôi tổ chức cuộc gặp của ông ta với người trung gian “Thụy Sĩ”, người này dường như đã đưa ông ta tới gặp khách hàng. Không lâu sau đó tôi nhận được thông tin rằng khách hàng của tôi hoàn toàn hài lòng với thông tin nhận được” - Resch kể.

Theo lời Resch thì những ai mê phim trinh thám có thể mường tượng một khung phim hấp dẫn: “Cuộc gặp giữa “kẻ trung gian Thụy Sĩ” với người cấp tin được tổ chức trong rừng. Hai người trò chuyện với nhau khoảng 20 phút. Sau đó “người Thụy Sĩ” ngồi lên chiếc xe đạp gấp và đi trên một trong những con đường rừng hẹp, con đường mà không ôtô nào có thể len vào...”.

Tuy nhiên, Resch từ chối cho tờ Capital biết danh tính người cấp tin, chỉ nói: “Tôi đoán chẳng bao lâu sẽ có chuyện chấn động. Ai trả món tiền khổng lồ cho những thông tin như thế ắt sẽ không giữ riêng cho mình”.

Bài trả lời phỏng vấn này của Resch cho Capital đã được đăng từ một năm trước, tháng 6-2015. Tuy nhiên, nhiều chi tiết đáng ngờ đã khiến thông tin này chìm lắng. Cho đến ngày 6-6 mới rồi, khi cảnh sát Đức và Thụy Sĩ phối hợp bố ráp văn phòng và két sắt của Resch thì vụ việc lại bắt đầu gây chú ý.

Ngay khi Resch tuyên bố đã hoàn tất cuộc điều tra và chuyển thông tin cho khách hàng, không ít người đã nghi ngờ câu chuyện ly kỳ này, trong số này có một số báo Nga, điều khá dễ hiểu khi một số nhà điều tra phương Tây cho rằng các tay súng ly khai thân Nga đã bắn hạ MH17.

Tờ Sự Thật Komsomol viết: “Không loại trừ nhà thám tử đơn giản là muốn PR đen cho công ty mình. Làm thế nào có thể chứng minh rằng quả thật có đơn đặt hàng vụ điều tra này, rằng một vụ án mà nhiều cơ quan mật vụ thế giới không giải quyết nổi, lại được phá án chỉ bởi một thám tử tư khiêm tốn ở Đức?”.

Dù vậy, tờ báo không phủ nhận thành tích trước đây của Resch: “Trên vai ông ta là thâm niên 30 năm công tác điều tra, nhiều vụ không đơn giản. Không hiếm khi nhiều cơ quan chính phủ chuyên điều tra các “nguồn tiền offshore” phải tìm tới Resch. Và cách thức làm của ông ta luôn là một: đề nghị thưởng lớn cho người cấp tin.

Hãng của Resch nổi tiếng với vụ tìm ra ông chủ ngân hàng đào tẩu người Đức Florian Homm. Tháng 9-2007, Homm bất ngờ tuyên bố từ chức và biến mất, cuỗm theo 150 triệu euro các khoản đầu tư. Lập tức Homm bị truy nã quốc tế, nhưng sau một thời gian dài vẫn không ai tìm ra tung tích ông chủ nhà băng lừa đảo.

Năm 2012, hãng thám tử tư Wifka của Resch bắt tay vào việc, treo thưởng tới 1,5 triệu euro cho ai cấp tin (số tiền này do các nhà đầu tư bị Homm lừa đóng góp). Thế là chỉ một năm sau, cảnh sát bắt được Homm! Vì vậy chỉ còn hi vọng là những kẻ thủ ác, tấn công chiếc Boeing 777 ngày 17-7-2014 sẽ bị trừng phạt”, tờ báo kết luận.■

Điều tra chính thức nói gì?

Cho đến nay, thông tin mới nhất liên quan tới cuộc điều tra thảm họa máy bay MH17 là bản tin của ủy ban điều tra phối hợp do Hà Lan dẫn đầu, công bố hôm 6-6-2016 trên trang web của ủy ban này, giải thích 6 khía cạnh liên quan tới cuộc điều tra.

1/ Đầu tiên là công việc của các chuyên gia pháp y tại căn cứ không quân Gilze-Rhine ở Hà Lan. Các chuyên gia kiểm tra 11 container chứa các phần còn lại của máy bay Boeing 777. Trong số này có những phần nặng đến 6.000kg. Mỗi manh mối của từng chi tiết được nghiên cứu ít nhất 5 lần.

2/ Về hoạt động của văn phòng hiện trường ở Kiev, nơi các đại diện của Hà Lan và Úc làm việc. Các nhà điều tra xác định danh tính mỗi người trong các cuộc điện đàm và tài liệu nghe nhìn do các nhân chứng thu thập.

3/ Về thu thập và làm việc với các mẫu đất tại các vùng thuộc Donbass được giả định là nơi tên lửa phóng đi. Các chuyên gia Hà Lan chỉ mới tới được các vùng ở Donetsk, trong khi ở Lugansk họ chưa tiếp cận được.

4/ Tìm thông tin về hệ thống tên lửa tấn công máy bay Malaysia. Tuy nhiên đến nay các nhà điều tra chưa thể nói gì về việc ai đã bắn tên lửa từ đâu.

5/ Nhóm điều tra gồm 5 nước: Hà Lan, Bỉ, Malaysia, Úc và Ukraine, và vì thế có một số vấn đề về khác biệt ngôn ngữ cũng như hệ thống luật pháp của mỗi nước khi trao đổi thông tin.

6/ Yêu cầu trợ giúp pháp lý từ 18 nước. Cảnh sát Hà Lan chỉ có quyền tiến hành điều tra bên ngoài phạm vi Hà Lan khi được phép chính thức của nước khác. Ở đây nói về việc điều tra những người tình nghi và trò chuyện với các nhân chứng, lục soát nhà ở, tìm thông tin về số điện thoại, nghe lén điện đàm, phân tích và đối chiếu các mẫu ADN…

Công tố viện Hà Lan, đứng đầu nhóm điều tra hỗn hợp, ngày 3-6 cho biết sẽ trình báo cáo về vũ khí sử dụng cho cuộc tấn công MH17 vào mùa thu 2016 này, dù khẳng định báo cáo sẽ không đưa ra kết quả cuối cùng của cuộc điều tra do vẫn chưa đủ dữ liệu về thảm họa.

Riêng Hội đồng an ninh Hà Lan hồi tháng 10-2015 đã công bố báo cáo riêng của mình cho rằng chiếc Boeing 777 đã bị bắn hạ bởi tổ hợp tên lửa sản xuất tại Nga “Buk” với đầu đạn tên lửa 9M38. Tuy nhiên, báo cáo không thể xác định tên lửa do ai bắn và bắn từ phần đất do phe ly khai hay do Kiev kiểm soát.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận