Hanoi - Warszawa, lát cắt hoàn hảo

VIỆT LINH 24/04/2011 17:04 GMT+7

TTCT - Nhọc nhằn, bí mật... như cuộc hành quân thời chiến, chỉ khác nhóm người Việt xuyên rừng giữa tuyết băng và được đưa dắt bởi một gã da trắng...

Phóng to
Mai Thu Hà hóa thân tuyệt đẹp vào nhân vật Mai Anh - Ảnh: tư liệu

Tài liệu - truyện

Hanoi - Warszawa, bộ phim 21 phút, sản xuất năm 2009 mà người viết vừa xem ở Liên hoan phim phụ nữ Créteil (Pháp) có đoạn mở đầu như vậy. Ấn tượng đầu tiên của Hanoi - Warszawa là phảng phất tính tài liệu, do phong cách sáng tác và cũng do động cơ sản xuất.

Theo đạo diễn kiêm biên kịch Katarzyna Klimkiewicz, dự định đầu tiên của cô chỉ là bộ phim tài liệu về những ngày cuối cùng của Sân vận động 10 năm - khu chợ trời lớn nhất châu Âu - bị giải thể. Tại đây Katarzyna có dịp tiếp xúc với nhiều người Việt buôn bán lẻ, từng vượt biên đến Ba Lan, nhưng hầu hết họ từ chối ghi hình bởi đang sống bất hợp pháp. Một dự án phá sản nhưng một cảm thông sâu sắc được hình thành, Katarzyna quyết định làm phim truyện, mà theo cô, để chia sẻ sự bơ vơ của cộng đồng người Việt ở Ba Lan, để nói ra một sự thật ít người biết đến.

Hanoi - Warszawa là câu chuyện về cô gái trẻ có tên Mai Anh, phải đi qua đoạn đường tủi nhục từ Việt Nam sang Warszawa để đoàn tụ với người yêu. Mai Anh đến Ba Lan đúng lúc Vọng - người yêu của cô - bị chính quyền quản thúc. Để không bị trục xuất, anh phải sử dụng tên giả, và dĩ nhiên khước từ liên hệ với Mai Anh, dẫu trong nước mắt...

33 tuổi, với tác phẩm đầu tay về những người xa lạ, Katarzyna Klimkiewicz được đánh giá là một tài năng tiếp nối truyền thống vẻ vang của điện ảnh Ba Lan. Cấp độ tài năng, theo người viết, có thể còn tranh cãi, nhưng rõ ràng để làm được Hanoi - Warszawa, ngoài sự cảm thông, nữ đạo diễn này còn có sự mẫn cảm đối với đề tài.

Trong nhiều tài liệu, Katarzyna cho biết để làm phim, cô đã phải liên hệ khăng khít với các nhà hoạt động xã hội trong cộng đồng người Việt, các tổ chức phi chính phủ như Quỹ chống buôn người La Strada, Tổ chức Biên phòng... Phim mang bóng dáng tài liệu chính từ thấu cảm sâu xa của người đạo diễn với những nhân vật có thật, những câu chuyện có thật.

Phóng to
Đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz - Ảnh: tư liệu

Lát cắt hoàn hảo

Là bộ phim đầu tiên thực hiện tại Ba Lan sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính, ngay từ những phút đầu tiên Hanoi - Warszawa đã lôi cuốn khán giả bởi hình ảnh gợi cảm và tính dồn thúc đặc thù phim ngắn. Vừa thót tim vì đứa bé khóc trong cuộc đi bí mật, ngay sau đó khán giả sẽ thắt tim bởi cảnh Mai Anh bị gã tài xế dẫn đường lôi ra hãm hiếp trước khi khởi hành.

Giống như những người đồng hương của Mai Anh, chúng ta không thấy gì bên vách xe, chỉ nghe tiếng hùng hục của tên bất lương, tiếng kêu la đau đớn của cô gái... Với tư duy dàn dựng thông thường, hẳn những người trên xe sẽ phản ứng căm giận, sợ hãi hoặc than khóc. Nhưng không, Katarzyna để cho tất cả lặng im, đúng hơn, chết lặng. Chính sự lặng im đối đầu với âm thanh tội ác mới làm ta tê tái: họ đã biết trước điều này, chấp nhận điều này khi quyết định băng rừng...

Một trong những tài năng của đạo diễn là chỉ đạo diễn xuất. Dưới bàn tay của Katarzyna, Mai Thu Hà, sinh viên khoa báo chí Đại học Tổng hợp Warsaw, nhan sắc trung bình, đã hóa thân tuyệt đẹp vào nhân vật Mai Anh - sự hóa thân khiến mọi đạo diễn chuyên nghiệp phải ao ước, và dĩ nhiên không bất ngờ khi cô được Liên hoan phim Gdynia (Ba Lan) trao giải.

Mai Thu Hà cùng các bạn diễn Việt Nam hòa nhập khá dễ dàng vào nhân vật hẳn do cảnh sống quen thuộc, nhưng tác nhân chính, theo người viết, là do đạo diễn chọn góc nhìn trong cuộc chứ không phải đôi mắt quan sát: một câu chuyện Việt được kể lại bởi những người Việt.

Sự thuyết phục của phim còn ở các chi tiết: lúc Mai Anh xuống xe, cô gái Ba Lan bất ngờ chạy theo, và thay vì cho tiền hoặc thức ăn, cô gái tốt bụng choàng vào cổ Mai Anh chiếc khăn len của mình. Tạo hình đẹp, hợp lý trong mùa đông, chiếc khăn len còn nói lên sự ấm áp... Với chi tiết này, đạo diễn đã hóa giải tinh tế ấn tượng xấu về người Ba Lan trước đó. Tính hợp lý cũng được Katarzyna chú ý trong tạo hình: suốt hành trình bí mật, hai cánh cửa thùng xe đông lạnh luôn hé mở để người trong xe không ngộp, nhưng cũng để khán giả, qua mắt họ, nhìn khe sống bên ngoài - một khe sống háo hức, gập gợn, bất trắc...

Thành công nhất của bộ phim có lẽ là đoạn kết, lúc Mai Anh bị Vọng quay mặt. Trước sự bàng hoàng, thảng thốt của Mai Anh, một phụ nữ đồng hương lớn tuổi bước đến an ủi, âu yếm, giải thích... Đó là cảm xúc đẹp cần giữ lâu, nhưng giữ lâu sẽ dễ thành ngượng ngập. Đạo diễn thông minh đã tìm ra giải pháp: cho khán giả tiếp tục nhìn họ qua lớp kính mờ của trại giam, cùng âm vang bài hát ru con... Nỗi đau đang trần trụi bỗng thoắt thành cái đẹp, thắm thiết, mông lung, mờ ảo như cảnh đời của họ...

Rõ ràng Hanoi - Warszawa, như lời nhận xét của ban giám khảo Liên hoan phim Gdynia, “đã có công đưa điện ảnh Ba Lan vào hệ trình cảm thông rộng lớn”. Xúc động và nhân văn, Hanoi - Warszawa là lát cắt nhỏ của cuộc hành trình mưu sinh khổ ải của người Việt. Về nghệ thuật, đó là lát cắt hoàn hảo mà câu trả lời là giải giám khảo Liên hoan phim Gdynia 2009, giải Điện ảnh châu Âu 2010.

Còn lát cắt hiện thực? Câu trả lời nào?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận