Hành trình tiến hóa chiến thuật của Pep Guardiola

BAN CẦM 02/07/2023 11:45 GMT+7

TTCT - Ngày 19-10-2013, một Pep Guardiola trẻ trung và sang trọng - bấy giờ ông vẫn giữ thói quen mặc vest chỉn chu - đi dọc đường biên sân Allianz Arena để bắt tay huấn luyện viên đội khách.

Lúc đó Guardiola vẫn gần như chỉ là một vị khách: ông vừa đến Đức sau kỷ nguyên rực rỡ nhưng mệt mỏi tại Barcelona và một năm nghỉ ngơi để tái tạo và suy nghĩ về bóng đá. Ông đến Munich vào mùa hè với một kế hoạch táo bạo: tái cấu trúc đội bóng tốt nhất thế giới, một Bayern vừa giành cú ăn ba dưới sự dẫn dắt của HLV Jupp Heynckes.

Haaland và Guardiola. Ảnh: Getty Images

Haaland và Guardiola. Ảnh: Getty Images

Phong cách tấn công nhanh, trực diện và theo người quyết liệt mà người Bavaria yêu thích sẽ biến mất, thay vào đó là lối chơi được xây dựng cẩn thận, phòng ngự theo khu vực và cấu trúc chặt chẽ để ngăn chặn mọi rủi ro và trao cho Bayern quyền kiểm soát hoàn toàn trận đấu.

Ý tưởng cơ bản là bằng cách chú ý chặt chẽ đến không gian, chuyển động và hình học của đội hình, một đội bóng có thể từ từ phá tan kết cấu đội hình đối phương khi tấn công, và ngăn chặn từ gốc các nguy cơ dính phản công. Họ sẽ giữ bóng gần với khung thành đối thủ và xa khung thành của mình.

Ý tưởng này là "juego de posicion", tức "lối chơi vị trí". Mặc dù một số nguyên tắc là giống nhau, nhưng Manchester City của Guardiola, mùa này cũng vừa ăn ba, không chơi theo cách giống như Bayern của ông, và Bayern cũng không chơi giống Barcelona trước đó. 

Lối chơi vị trí không chỉ là một hệ thống, mà còn là một hệ tư duy về bóng đá, và các ý tưởng của HLV người Catalunya đã tiến hóa cùng cầu thủ và hoàn cảnh của ông.

Đây là câu chuyện về cách các đội bóng của Guardiola đã tiến hóa ở bốn vai trò cụ thể: tiền vệ phòng ngự, hậu vệ cánh, tiền đạo cánh và tiền đạo.

Tiền vệ phòng ngự

Là một tiền vệ phòng ngự khi còn chơi bóng, Guardiola từng tuyên bố ông ghét phải chơi cặp với một đối tác cụ thể. Điều này làm giảm không gian của ông trên sân, ngăn cản ông điều tiết lối chơi như mong muốn, giới hạn cách ông định vị bản thân và hơn tất cả, vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của ông khi là một cầu thủ: tính toán đường chuyền tiếp theo trước khi nhận bóng.

Hai tiền vệ phòng ngự đứng trước hai trung vệ sẽ tạo ra một góc vuông cứng nhắc trong quá trình xây dựng lối chơi, trong khi một tiền vệ trụ đơn độc, trên lý thuyết, sẽ nhận được các đường chuyền chéo ngắn khi quay lưng, với tầm nhìn hướng về phía trước.

Hoạt động một mình ở vị trí nguy hiểm nhất trên sân không dễ dàng. Nó đòi hỏi khả năng phán đoán, thể hình tốt, năng lực giữ bóng, xoay tư thế linh hoạt, kỹ năng chuyền bóng hoàn hảo, và hơn tất cả, khả năng đọc trận đấu và đưa ra quyết định nhanh.

Khi bắt đầu huấn luyện với đội Barcelona B, Guardiola đã tìm thấy tất cả những phẩm chất đó ở cầu thủ trẻ tài năng Sergio Busquets. Tại Bayern, với tiền vệ của họ đã quen với hệ thống 4-2-3-1, ông chuyển đổi hậu vệ cánh Philipp Lahm thành tiền vệ cầm nhịp đơn độc. 

Hiện tại thì Man City có Rodri. Guardiola rất yêu thích những cầu thủ như thế, vì họ thoải mái làm việc độc lập ở vị trí cơ sở của tuyến giữa, giải phóng một tiền vệ để tạo ra các tam giác chuyền bóng tự nhiên phía sau.

Philipp Lahm và Guardiola

Philipp Lahm và Guardiola

Hậu vệ cánh

Khi Guardiola bắt đầu sự nghiệp HLV, việc hậu vệ cánh dâng lên theo đường chéo sân là hết sức bình thường. Trong "pha" tấn công, các hậu vệ cánh của Pep có thể di chuyển vào trong để chồng biên "ngược" với các tiền vệ và tiền đạo cánh. Có thể thấy điều này rõ nhất trong mùa giải đầu tiên của Guardiola tại Munich

Từ đầu, Guardiola liên tục khám phá những cách khác nhau để sử dụng hậu vệ cánh, bắt đầu từ nguyên tắc tiền đạo và hậu vệ cánh không nên chơi trên cùng một hành lang. 

Một phương án an toàn hơn một chút là giữ một hậu vệ cánh ở biên trong (half-space, khu vực hành lang ngay cạnh biên dọc) như một tiền vệ trung tâm thiên về tấn công, nơi Oleksandr Zinchenko của Man City đã thi đấu trong trận chung kết Champions League với Chelsea. Rafinha và David Alaba đã làm điều tương tự cho Bayern trong trận đấu với Mainz năm 2013.

Đây là một vị trí tốt để đưa bóng vào vòng cấm, và mặc dù một tiền vệ cánh đối phương vẫn có thể lẻn xuống phía sau anh ta trong tình huống phản công, việc trấn giữ một vị trí tốt ở biên trong vẫn có thể giúp hậu vệ cánh ngăn chặn tốt những đường chuyền phản công. 

"Quá trình tiến hóa chiến thuật mà tôi tưởng tượng ra tại thời điểm đó với Barca - Guardiola từng nói - bao gồm việc sử dụng hậu vệ trái để tiến lên chơi như một tiền vệ trung tâm thứ hai". Lahm ở Bayern và Joao Cancelo tại Man City đã hoàn thành mục tiêu này, và tạo ra một vị trí hoàn toàn mới: hậu vệ biên ngược (inverted-fullback).

Man City mùa này trình làng những phiên bản hậu vệ cánh thận trọng bậc nhất - nếu như họ vẫn còn được gọi là như vậy - trong sự nghiệp huấn luyện của Guardiola. 

Một trong hai hậu vệ cánh thường hoạt động như một tiền vệ thứ hai ở biên trong, người còn lại luôn giữ vị trí phía sau, không dâng lên. Thậm chí, đôi khi Pep sử dụng cả hai… trung vệ chơi ở vị trí này để đảm bảo an toàn tối đa.

Liệu có thể gọi Joao Cancelo là một hậu vệ cánh ở Man City? 

Liệu có thể gọi Joao Cancelo là một hậu vệ cánh ở Man City?

Các tiền vệ cánh

Các cầu thủ chạy cánh là yếu tố cơ bản trong chiến thuật. Trong cuốn sách về lịch sử chiến thuật, Zonal Marking: The Making Of Modern European Football, ký giả Michael Cox mô tả cách các cầu thủ chạy cánh của Louis Van Gaal tại Ajax là "những kẻ đặt bẫy", kéo giãn ở biên để tạo ra khoảng trống ở giữa sân. 

"Bạn không được kỳ vọng sẽ chạy vào vòng cấm và dứt điểm - bạn phải di chuyển rộng ra biên, cảm nhận được vạch biên dọc dưới gầm giày - Dennis Bergkamp nhớ lại vai trò của anh trong đội hình Ajax của Van Gaal - Nhiệm vụ của bạn là kéo dãn hàng phòng ngự đối phương, qua người và tạt bóng vào trong".

Tuy nhiên, hệ thống đó đã trở nên phức tạp hơn một chút với sự xuất hiện của các cầu thủ chạy biên cắt vào trong. Tại Bayern, Guardiola thừa hưởng hai trong số những người giỏi nhất là Franck Ribery và Arjen Robben - những tiền đạo cánh nguy hiểm thích ngoặt vào trong bằng chân thuận để dứt điểm thay vì chạy dọc biên và tạt. 

Với những cầu thủ chạy cánh như vậy, không nhất thiết phải ghim họ ở biên. Họ muốn gần khung thành. "Ở Barca, (Lionel) Messi hủy diệt đối phương ở trung lộ - Guardiola nói - Ở Bayern, đó sẽ là Ribery và Robben - nhưng từ cánh".

Mùa này, ông quay trở lại với ý tưởng dùng cầu thủ chạy cánh như một công cụ hỗ trợ kiểm soát bóng. Khi không có bóng, Jack Grealish và Riyad Mahrez giữ vị trí rộng để tạo không gian ở giữa sân. Khi có bóng, họ giữ bóng để chờ đồng đội lên phối hợp hoặc đột phá để tạo ra các tình huống áp đảo quân số cho Man City.

Có còn số 9 ảo?

Nếu có một đổi mới chiến thuật nào giúp Guardiola nổi tiếng khi mới đến Bayern, đó chính là số 9 ảo.

Năm 2009, ông gây sốc cho cả thế giới bằng cách cho Samuel Eto'o và Zlatan Ibrahimovic, hai tiền đạo kiệt xuất thời bấy giờ, ngồi dự bị để nhường chỗ cho một cầu thủ trẻ tên Lionel Messi, người trên lý thuyết đá cao nhất, nhưng không xuất phát từ vị trí đó. Thay đổi này đã mang đến thành công rực rỡ và lâu dài.

Trong trận đấu với Mainz vào năm 2013, sau khi không tìm thấy một số 9 ảo đẳng cấp cỡ Messi, Guardiola đã quay sang Mario Mandzukic, một tiền đạo cắm cổ điển nhưng có cái tôi dễ chịu, đủ để anh tự nguyện nhường lại không gian ghi bàn cho Robben hoặc Ribery, vốn xuất phát từ biên.

Mùa hè tiếp theo, Bayern ký hợp đồng với Robert Lewandowski, một tiền đạo cổ điển sắc bén hơn nữa. Sau đó, anh trở thành tâm điểm rõ rệt trong lối chơi tấn công của Guardiola, di chuyển chiều sâu theo trục dọc liên tục để khai thác khoảng trống phía sau hàng phòng ngự. 

Mùa 2015-2016, Lewandowski ghi được 30 bàn - con số cao nhất mà Bundesliga từng thấy kể từ những năm đầu thập niên 1970 của Gerd Mueller.

Sau khi chuyển đến Manchester, Guardiola đã thử nghiệm liên tục để đưa hệ thống số 9 ảo trở lại, nhưng dù chiếm quyền kiểm soát bóng ấn tượng, ông vẫn bị ám ảnh bởi sự yếu kém của đội nhà khi cần ghi những bàn thắng có tính quyết định, yếu tố then chốt ở Champions League.

Và đó là lý do Guardiola muốn có Erling Haaland. Hơn bất kỳ tiền đạo nào ông từng sử dụng, Haaland là một cầu thủ ghi bàn thuần túy và hầu như không làm gì khác với quả bóng. Nhưng anh là mảnh ghép hoàn hảo cho một Man City đã đạt đến sự cân bằng tuyệt vời giữa kiểm soát thế trận và hiệu quả.■

Thay đổi lớn nhất: Pep Guardiola

Tờ The Athletic mới đây tiết lộ trong cuộc gặp đầu tiên với các cầu thủ Man City, Pep không nói về chiến thuật. Ông chuẩn bị một clip trận hòa 1-1 trên sân Swansea, trận đấu đã giúp Man City giành vé dự Champions League vào phút chót mùa giải 2015-2016. Guardiola lưu ý chỉ một cầu thủ trong đội là Kevin De Bruyne đang ăn mừng. Tiền vệ người Bỉ không nhảy cẫng lên sung sướng nhưng ít nhất anh ta vẫn giơ hai tay lên và thật sự vui mừng vì Man City đã đạt được mục tiêu cuối cùng của mùa giải.

Guardiola muốn biết tại sao các đồng đội không cùng ăn mừng với De Bruyne. Từ đó, ông bắt đầu cài đặt nền văn hóa chiến thắng cho câu lạc bộ. Sau 6 năm, Man City đã giành được tất cả. Họ đã đến đích với cú ăn ba lịch sử. Dưới thời Guardiola, họ đã giành 5 chức vô địch Premier League trong 6 năm. Họ đã giành cú ăn ba quốc nội, trở thành đội bóng Anh đầu tiên làm được điều đó. Họ đã giành 4 chiếc cúp Carabao liên tiếp, 2 cúp FA và tại Istanbul, chức vô địch Champions League đầu tiên của câu lạc bộ.

Khoảnh khắc đầu tiên ở Man City có lẽ cũng là sự thay đổi của chính Pep, cho thấy rằng sau tất cả, ông không chỉ là một con "mọt" chiến thuật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận