Tuoitre Interactive

Gần 160 ngày
TP.HCM chống dịch

Thời điểm nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, ngay cả những người bi quan nhất cũng khó tưởng tượng rằng gần hết tháng 9, Việt Nam đã vượt 700.000 ca COVID-19 (ghi nhận ngày 25-9 là 746.678 ca, riêng TP.HCM đợt dịch mới này ghi nhận 366.539 ca).

Số ca COVID-19 trong hơn 4 tháng qua gấp 250 lần so với gần 1 năm rưỡi trước đó, số tử vong tăng hơn 500 lần. Trước đợt dịch này, Việt Nam đứng thứ 177 trong số 212 quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19, còn ghi nhận ngày 25-9, Việt Nam ở vị trí 44.

Số liệu ca nhiễm

toàn quốc

Số ca nhiễm toàn quốc

746.678

Số ca nhiễm tăng

250 lần

Số tử vong tăng

500 lần

Thứ hạng ca nhiễm trên thế giới

44 trước đây 177

Cùng nhìn lại đợt dịch này, đặc biệt là tại TP.HCM và khu vực phía Nam,
để ghi nhớ 4 tháng chống dịch đặc biệt, không thể nào quên.

(Bấm vào từng mốc thời gian để tương tác)

Nội dung: LAN ANH, HOÀNG LỘC

Ảnh: TUỔI TRẺ ONLINE

Thiết kế: VŨ HOÀNG - Trình bày: ĐÌNH KHÁNH - Concept: BẢO SUZU

Tổ chức thực hiện: CÁT KHUÊ

Lấy mẫu xét nghiệm người làm việc tại điểm bầu cử số 9 và số 10 (P.3, Q.Gò Vấp) do liên quan đến ca nhiễm ở “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” - Ảnh: NHẬT THỊNH

Nhóm truyền giáo và
những F0 chưa rõ nguồn lây

Khi tâm điểm dịch còn ở Bắc Ninh và Bắc Giang, TP.HCM ghi nhận những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. 26-5 được coi là thời điểm bùng phát của đợt dịch này tại TP. và các tỉnh thành phía Nam.

Số ca mắc tăng rất nhanh, từ những bệnh nhân đầu tiên là thành viên của nhóm truyền giáo, đến 1-6 đã ghi nhận 210 ca dương tính với 2 chuỗi lây nhiễm khác nhau gồm chuỗi lây nhiễm trong nhóm truyền giáo và chuỗi ghi nhận tại Bệnh viện Hoàn Mỹ.

Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tây Ninh, Đắk Lắk, Đồng Tháp cũng ghi nhận những ca dương tính đầu tiên từ nguồn lây này.

Đường phố Sài Gòn vắng vẻ trong những ngày giãn cách

Bắt đầu đợt giãn cách toàn thành phố đầu tiên, phong tỏa Gò Vấp

Ngày 31-5, TP.HCM đã chính thức thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện chỉ thị 16. Gò Vấp lập 10 chốt kiểm soát ra vào quận. Đây là thời điểm TP.HCM bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội đầu tiên.

0h ngày 31-5, tại chốt kiểm soát phương tiện giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, các lực lượng lấy rào chắn cả 2 hướng ra vào quận.

Sau thời điểm lập chốt, tại đầu cầu An Phú Đông hướng từ quận Gò Vấp đi quận 12 và ngược lại... các lực lượng chức năng gồm công an quận, phường, CSGT có mặt phong tỏa ngăn mọi xe cộ đi qua chốt này.

TP.HCM ngưng xe buýt hoạt động tại Gò Vấp. Các đường dẫn từ Gò Vấp vào trung tâm thành phố ùn ứ tại chốt chặn, dù vậy người dân không hoang mang vì đã nhiều dợt dịch trôi qua, TP.HCM vẫn đứng vững. Đâu ngờ sau đó dịch như bão đến và TP.HCM giãn cách xã hội đến tận bây giờ.

Các y bác sĩ tận tình chăm sóc các bệnh nhân nhiễm Covid-19

Đối diện đỉnh dịch

Cuối tháng 7 và sang tháng 8, số ca COVID-19 tăng dần, ngày 24-7 cả nước đã ghi nhận xấp xỉ 8000 ca/ngày, riêng TP.HCM lên tới 5.400 ca. Tổng số ca tử vong trên cả nước được báo cáo tính đến 24-7 là 370 ca (tính từ đầu dịch), tăng hơn 9 ngày trước đó 170 ca, vậy là mỗi ngày có gần 20 bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Số bệnh nhân được ra viện rất hạn chế, 1 ngày chỉ có hơn 200 bệnh nhân ra viện nhưng có gần 8.000 người vào viện, cho thấy sức ép lên hệ thống y tế khủng khiếp.

Chỉ tính số ca chuyển nặng - tỉ lệ chuyển nặng đợt dịch này khoảng 11% - mỗi ngày có trên 800 bệnh nhân, nhu cầu oxy, máy thở, bác sĩ hồi sức tích cực... trở nên cấp thiết.

Vắc xin còn rất hạn chế. Đến 24-7 cả nước mới tiêm được 4,5 triệu liều vắc xin, số người tiêm đủ 2 mũi mới chỉ hơn 373.000 người, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu cũng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Ngày 12-7, Sở Y tế TP.HCM thông báo sử dụng khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, chuyển đổi công năng trở thành Trung tâm hồi sức COVID-19 với quy mô 1.000 giường.

Áp dụng mô hình tháp điều trị 4 tầng: 30.000 giường điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng; 2.500 giường điều trị F0 có triệu chứng; 3.000 giường điều trị F0 có triệu chứng và có bệnh nền; 1.200 giường hồi sức bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Cả nước đang áp dụng tháp 3 tầng: bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân có triệu chứng; bệnh nhân nặng - nguy kịch. TP.HCM áp dụng thêm 1 tầng, cách này được cho là gây lúng túng khi chuyển bệnh nhân.

Và những con số giường bệnh chuẩn bị kể trên cho thấy việc đánh giá nguy cơ đã không kịp với tốc độ của dịch bệnh. Số lượng bệnh nhân ghi nhận cho đến tháng 9 đã gấp 10 lần so với số giường chuẩn bị.

Ai ở đâu ở yên đó -
bộ đội về phố - công an chi viện...

Người dân TP.HCM đã và đang trải qua một thời gian dài chưa từng có với nhiều cấp độ giãn cách khác nhau (chỉ thị 15, 15+, 16, 16+, 19…). Với mong muốn dần kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường, từ 0h ngày 23-8, TP.HCM quyết liệt thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”. Ban đầu chỉ dự kiến trong 2 tuần nhưng đã kéo dài cho đến ngày hôm nay.

Khoảng thời gian này chính là cơ hội để TP.HCM siết chặt chống dịch ở mức độ cao nhất.

Lớp lớp chiến sĩ công an, quân đội từ mọi nơi được huy động lên đường chi viện cho TP.HCM thiết lập các chốt kiểm soát người đi lại, vận chuyển lương thực thực phẩm và xây dựng vận hành các trạm y tế lưu động.

Những ngày đã qua, màu áo xanh có mặt khắp các tuyến đường; len lỏi trong từng ngõ hẻm đến từng nhà dân thăm khám cấp cứu cho các F0 và cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân duy trì cuộc sống chờ ngày “mở cửa”.

Chuyển đổi công năng,
lập thêm bệnh viện dã chiến

Ngày 2-6, ca tử vong đầu tiên tại TP.HCM và khu vực phía Nam - kể từ khi COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam (28-1-2020) - ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Theo Bộ Y tế, đến thời điểm đó, cả nước đã có 49 ca tử vong vì COVID-19 được công bố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia cho rằng căn cứ trên số lượng bệnh nhân nặng đang điều trị, đợt dịch này có thể có thêm 20 ca tử vong nữa. Tiên đoán sai bởi không ngờ lại có những con số khủng khiếp sau này.

Đến nay Việt Nam ghi nhận 18.400 ca tử vong (con số ngày 25-9), tỉ lệ tử vong là 2,5%, cao hơn bình quân chủng của thế giới, riêng ở TP.HCM con số này là 4%, trong khi gần 1 năm rưỡi trước đợt dịch này chỉ có 35 ca tử vong.

TP.HCM chống dịch theo phương pháp đã áp dụng từ ban đầu: cách ly toàn bộ F1 tại khu cách ly tập trung, F0 cách ly tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị.

Chỉ trong ít ngày, các khu cách ly trở nên quá chật, nguy cơ lây nhiễm  chéo rất cao, có những ngày chỉ 1 khu cách ly tập trung đã ghi nhận hàng trăm ca dương tính. Đầu tháng 7, Bộ Y tế có quy định mới hướng dẫn điều kiện cách ly F1 tại nhà. Nhưng rất khó để áp dụng.

Tại các khu cách ly tập trung tình trạng lây nhiễm chéo vẫn còn, đến giữa tháng 7, số ca mắc mới hàng ngày bắt đầu lên mức 4 con số (từ 1000 ca/ngày), 1/2 trong đó ở TP.HCM, kế đến là Bình Dương, Long An, Đồng Tháp. Hầu hết bệnh nhân ghi nhận tại khu cách ly, khu phong toả, số ca cộng đồng chỉ khoảng 5%/tổng số ca.

TP.HCM gần như phải “chạy đua” thành lập bệnh viện dã chiến - trung tâm hồi sức. Hầu hết các bệnh viện phải chuyển đổi công năng để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là điều trị COVID-19, trưng dụng nhiều ký túc xá, trường học, nhà văn hóa, chung cư… để có chỗ tiếp nhận bệnh nhân.

Tính đến nay, TP.HCM đã có đến 93 cơ sở tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, với tổng số gần 65.000 giường bệnh.

Chiến lược điều trị bệnh nhân COVID-19 thay đổi. Từ cách ly tập trung chuyển sang cách ly F0, F1 tại nhà. Ngoài việc thiết lập các trạm y tế lưu động “gần dân”, các gói thuốc A,B,C cũng được cố gắng cung ứng đến tay F0.

Khi số F0 tự chăm sóc điều trị tại nhà đang chiếm gần 50% tổng số ca COVID-19 đang điều trị, TP.HCM muốn giảm dần các bệnh viện dã chiến, tận dụng tất cả nguồn lực y tế tập trung chăm sóc F0 cộng đồng nhằm giảm số ca nhập viện, giảm chuyển nặng và tử vong.

Cả nước chi viện cho Miền Nam chống dịch

Bắt đầu từ ngày 30-6 và cao điểm từ 21-8 TP.HCM đã đón khoảng 17.000 y bác sĩ, học viên y khoa từ tất cả các bệnh viện từ trung ương đến các tỉnh thành như Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương...

Toàn bộ thiết bị từ trung tâm hồi sức COVID-19 tại Bắc Giang được chuyển vào TP.HCM. Các y bác sĩ chi viện mang theo hàng trăm tấn thiết bị y tế, trang phục bảo hộ...

Cuối tháng 7, Bộ Y tế quyết định thành lập 3 Trung tâm Hồi sức tích cực mới do các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế phụ trách tại TP.HCM, bên cạnh Trung tâm Hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách có từ trước đó.

Tại Bình Dương, Trung tâm Hồi sức COVID-19 được giao cho Bệnh viện ĐH Y Hà Nội phụ trách. 

Hơn 100 y bác sĩ, học viên quân y lên đường vào miền Nam chống dịch

Bệnh viện Bạch Mai đã gửi vào TP.HCM 500 y bác sĩ, trên 1.000 học viên CĐ Y Bạch Mai, trong đó có những thầy thuốc đầu ngành như PGS Nguyễn Văn Chi, GS Đặng Quốc Tuấn...

Bác sĩ Lưu Quang Thuỳ - phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Việt Đức tại TP.HCM - cho biết từ cuối tháng 7, đoàn 600 y bác sĩ của Việt Đức đã lên đường vào TP.HCM.

Từ 11-8 đến nay Trung tâm đã điều trị cho 800 bệnh nhân trung bình và nặng, có 300 bệnh nhân được ra viện, 250 bệnh nhân khác đang được điều trị tích cực, 50 bệnh nhân đang đợi đủ điều kiện để xuất viện.

Tỷ lệ tử vong bệnh nhân nặng đã giảm.

Người bệnh không nhìn rõ mặt những người chữa bệnh cho họ, bởi ai cũng trùm kín toàn thân bằng bộ bảo hộ và khẩu trang, nhưng trong những lúc mê man, họ nghe tiếng nói mọi miền ở quanh mình, nâng giấc những lúc khó thở, những lúc cận kề hiểm nguy.

Thật khó có thể kể hết những hi sinh của y bác sĩ tuyến đầu trong đợt dịch này. Có nơi một điều dưỡng phải chăm sóc 140 - 150 bệnh nhân. 3 y bác sĩ đã nhiễm bệnh và tử vong. Xin nghiêng mình tri ân các y bác sĩ.

Cấp tốc phủ vắc xin

Từ ngày 21-6, TP.HCM bắt đầu tiêm phủ vắc xin. Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM là địa phương được Chính phủ, Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vắc xin nhiều nhất.

Giữa tháng 6-2021 với 966.3000 liều vắc xin Astra Zeneca được nhập về Việt Nam, TP.HCM được Bộ Y tế “chia” 836.000 liều (chiếm 86%). Với số lượng vắc xin lúc bấy giờ, TP.HCM bước vào đợt tiêm vắc xin lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Xe tiêm chủng vắc xin lưu động đến tận các xã phường - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiến lược tiêm vắc xin tại TP.HCM điều chỉnh qua từng giai đoạn. Sau những đợt đầu ưu tiên tiêm cho 11 nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, càng về sau càng mở rộng cho người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền, thai phụ, phụ nữ nuôi con nhỏ nhằm mục tiêu giảm số ca mắc, giảm số ca nhập viện trở nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Hiện tại, mọi người dân trên 18 tuổi đủ điều kiện đều được “mời” hoặc thậm chí đến tận nhà để tiêm chủng. TP đang đề xuất cung ứng nguồn vắc xin phù hợp để tiêm cho người dưới 18 tuổi (từ 12-17 tuổi).

Để có được “áo giáp” phòng dịch, từng bước mở cửa, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch phủ vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho tất cả người dân từ nay đến hết năm 2021, theo lộ trình 4 giai đoạn.

Với thông điệp “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”, địa phương đang nỗ lực cung ứng vắc xin đến gần dân nhất, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tính đến ngày 23-9 TP.HCM đã tiêm vắc xin mũi 1 là 6.780.069 người (đạt tỷ lệ 94,1%), mũi 2 là 2.202.207 người (đạt tỷ lệ 30,5%). Trên cổng thông tin tiêm chủng quốc gia ngày 25-9, ghi nhận TP.HCM đã tiêm 9,094,833 liều vắc xin.

Thẻ xanh Covid và lộ trình bình thường mới

Để từng bước mở cửa, thẻ xanh chính là “từ khóa” được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ cùng các Khu chế xuất và Khu công nghệ cao là những đơn vị đầu tiên của TP.HCM thí điểm “thẻ xanh COVID-19” từ ngày 16-9. Đây cũng là các địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất, đã sớm trở thành “vùng xanh” theo tiêu chí đánh giá của Bộ Y tế.

Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho biết “thẻ xanh” chính là công cụ được thành phố dùng để quản lý những cá nhân an toàn (đáp ứng tiêu chí đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh) trong kế hoạch mở cửa từng phần. Có thể nhận thấy trong bối cảnh không thể đưa COVID-19 trở về “Zero”, việc áp dụng “thẻ xanh COVID” chính là bước đi phù hợp nhằm giúp TP.HCM tiến tới thực hiện lộ trình bình thường mới sau 30-9 tới đây.

TP.HCM đang xây dựng 11 chiến lược cho thời kỳ bình thường mới. Trong đó có chiến lược về y tế, an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh. “Đã đến lúc chúng ta phải có sự chuẩn bị về tâm thế, thói quen, tinh thần và cả những điều kiện cần thiết để ứng phó với môi trường sống mới có chủng virus Delta. TP.HCM không thể không mở cửa lúc này” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế, y tế sáng 17-9.

4 tháng vừa qua là 4 tháng nhiều cảm xúc. Ở đỉnh dịch, có những ngày ghi nhận 340 ca tử vong, nhiều ngày liên tục ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới. TP.HCM có trên 1.500 trẻ em mồ côi sau dịch, nhiều người mất việc làm, mất kế mưu sinh, bị ảnh hưởng tâm lý do giãn cách xã hội kéo dài, nhiều thời điểm thành phố vốn sôi động nhất nước nhưng người dân thiếu thực phẩm vì đứt gãy chuỗi cung ứng. Chúng ta sẽ không quên những ngày cả thành phố kiên trì chống dịch này, để bước tiếp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0