Đông Tảo - thương hiệu làng gà

BÙI DŨNG - TRỌNG PHÚ 05/02/2005 22:02 GMT+7

TTCN - Vào Internet, gõ “Đông Tảo”, phần lớn kết quả cho thấy từ “gà” gắn trước địa danh này. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quí hiếm của VN hiện đang được bảo tồn nguồn gen.

Phóng to
Con gà Đông Tảo thật khó mà lẫn với gà ở bất cứ vùng nào!
TTCN - Vào Internet, gõ “Đông Tảo”, phần lớn kết quả cho thấy từ “gà” gắn trước địa danh này. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quí hiếm của VN hiện đang được bảo tồn nguồn gen.

Ngay ở làng Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cách Hà Nội 40km, gà Đông Tảo thuần chủng hiện không có nhiều. Trưởng thôn Lưu Chí Cường ước tính cả thôn cũng chỉ có trên 300 con. Năm 1992, trên vùng đất trù phú, màu mỡ ven sông Hồng, không xa nơi diễn ra câu chuyện tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử, giống gà Đông Tảo chỉ còn một con trống và bốn con mái thuần chủng!

“Cỗ gà” quí hiếm còn sót lại ngày ấy là của gia đình cụ Nguyễn Trọng Dốc, người được tôn vinh là “vua gà”. Khi người của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm về tìm hiểu mới phát hiện những con gà thuần chủng cuối cùng này.

Đến nay, gà Đông Tảo đang được giữ giống bằng nhiều phương cách, nhất là qua chương trình “Bảo tồn quĩ gen vật nuôi” do Nhà nước hỗ trợ kinh phí, lúc đầu từ 5-6 triệu đồng để nuôi 40-50 con, đến năm 1994 nâng lên 10-15 triệu đồng để nuôi giữ 100-150 con. Từ đó gà thuần chủng đã nhân ra hàng chục nghìn con/năm, cung cấp cho một số địa phương ngoài tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Lạng Sơn… để lai tạo với gà địa phương tạo ra gà thịt thương phẩm tăng trọng nhanh, giá trị kinh tế cao.

Cụ Dốc đã qui tiên. Ngày cụ còn sống, thuở phải đi sơ tán vì chiến tranh phá hoại của Mỹ, đồ vật cụ mang theo chỉ là chiếc máy khâu (vì gia đình làm nghề may mặc) và đôi gà Đông Tảo. Trong số chín người con của cụ Dốc, nay chỉ có anh con út Nguyễn Trọng Tích đặt tâm nguyện giữ gìn giống gà của làng, bằng cách ký hợp đồng bảo tồn vốn gen gà Đông Tảo với Viện Chăn nuôi quốc gia. Anh “say” gà chẳng kém gì cha, dù giống như phần đông anh em trong nhà, anh Tích cũng đã từng kéo cả gia đình lên Hà Nội kiếm sống.

Anh Tích từng đổi cả chiếc xe đạp Mifa tài sản của gia đình để lấy một “cỗ gà”. Cậu con trai Nguyễn Thành Luân, năm nay học lớp 12 và sẽ thi vào khoa chăn nuôi của ĐH Nông nghiệp, là niềm hi vọng của anh Tích để tương lai sẽ thay anh tiếp tục bảo tồn giống gà Đông Tảo.

Nếu như giống gà Hồ cũng rất nổi tiếng của vùng Thuận Thành, Bắc Ninh nhẹ cân, nhỏ mình thì gà Đông Tảo vóc dáng to nặng, mã rất đẹp, có thể đạt 4-5kg là chuyện thường. Tài liệu nghiên cứu cao học của chị Nguyễn Thị Hòa (ĐH Sư phạm Hà Nội) viết về một đặc điểm nhận dạng riêng biệt của gà Đông Tảo chính là đôi chân: “Chân có dạng vảy thịt (chứ không phải vảy xương như gà Hồ). Khi còn bé chân phát triển bình thường, càng lớn đôi chân càng phình to. Đến khi ngừng phát triển, đôi chân trở nên xù xì và rất to như “đôi tay trẻ con”, đỏ ửng, bước đi lặc lè.

Với thân hình ngộ nghĩnh đó, nhiều vùng, nhất là Hà Nội, rộ lên phong trào nuôi gà Đông Tảo làm cảnh”. Gà Đông Tảo không chỉ có giá trị chăn nuôi đơn thuần mà còn để làm cảnh và đặc biệt là để phối gen, lai ghép với các giống gà khác, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Khi dịch cúm gà phát tán hơn một năm trở lại đây, việc bảo vệ đàn gà cũng khó khăn vô cùng, nhất là với gia đình anh Tích, hiện đang nuôi giữ 120 con để gây nguồn gen cho Viện Chăn nuôi.

Những ngày này anh Tích hạn chế tiếp khách đến nhà và dù có đến 600m2 đất để thả gà, nay gia đình anh phải nhốt chúng lại; từng con được chăm sóc cẩn thận, tiêm văcxin phòng dịch, rắc vôi bột quanh khu nuôi, cả đàn thường xuyên được sưởi ấm.

Anh Tích cho biết: “Năm ngoái trong làng dù có gà chết vì dịch cúm nhưng riêng gà Đông Tảo thì đã vượt qua sự nguy hiểm rình rập. Một kinh nghiệm bảo vệ gà khỏi dịch cúm đã được thực hiện thành công từ năm ngoái nay vẫn được áp dụng là không cho gà sinh sản vào thời điểm có dịch. Có vậy sức đề kháng của gà trở nên tốt hơn, nhất là lại trong mùa giá rét”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận