Đồng minh chiến lược mới của ông Trump

DANH ĐỨC 27/05/2017 17:05 GMT+7

TTCT- Bốn tháng hơn đã trôi qua từ ngày tổng thống Donald Trump nhậm chức. Tạm ra khỏi những loay hoay trên bàn cờ thế Đông Á cùng trước những rối rắm trong nước, cuộc công du để “đổi gió” của ông mà chặng đầu tiên chính là tới Saudi Arabia mang lại nhiều điều đáng coi.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhảy với một thanh gươm trong buổi lễ chào đón ông của Vua Saman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia tại Riyadh ngày 20-5

 

Về đối ngoại, những lợi ích địa chính trị ở Đông Á của Mỹ đang ngày càng bị thách thức khi mà nhiều thế lực đang muốn độc chiếm khu vực này.

Cũng thế, ngay giữa lòng Trung Đông, “lò lửa” Syria là nơi Mỹ đang thất thế cũng mang dấu ấn của những thế lực lớn và cả nhơ nhỡ vốn kình chống Mỹ từ thuở nào.

Trong bối cảnh đó, chọn lựa đến Saudi Arabia trước tiên là một cơ hội cho ông Trump sắp lại bàn cờ thế Trung Đông một cách dứt khoát hơn, khác hẳn với người tiền nhiệm Obama bằng việc mở ra một liên minh chống khủng bố mới theo đúng “kịch bản” được tuyên cáo trên website của Nhà Trắng trong mục về chính sách “Nước Mỹ trước hết”:

Đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Để đánh bại và tiêu diệt các nhóm này, chúng tôi sẽ theo đuổi các hoạt động quân sự chung và liên quân khi cần thiết”.

Thay đổi "luật chơi"

Truyền thông Saudi Arabia đón ông Trump bằng bài xã luận của Salman Aldosary, nguyên tổng biên tập tờ Asharq Al-Awsat, một tờ báo tiếng Anh thuộc sở hữu một hoàng thân trong hoàng gia Saudi (có thể tạm hiểu là tờ “công báo” của nước này), tựa đề “Trump đến Riyadh, luật chơi đổi”. Bài báo rất chi tiết.

“Luật chơi” nào đã thay đổi? Theo tác giả, “Với việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đặt chân xuống sân bay quốc tế Quốc vương Khalid ở Riyadh như là điểm đến nước ngoài đầu tiên, thời kỳ Obama trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đã kết thúc.

Việc lựa chọn Saudi Arabia chính là một dấu hiệu rõ ràng về những ưu tiên sắp tới trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chính sách này được thể hiện qua việc chính quyền Hoa Kỳ tin rằng Riyadh có thể đóng vai trò trong việc thực hiện chiến lược chung của hai nước”.

Thông điệp thật rõ ràng: (1) chính sách đối với Trung Đông nói chung và đối với hoàng gia Saudi nói riêng của ông Obama phải chấm dứt và đã thực sự chấm dứt vào lúc ông Trump đặt chân xuống thủ đô Riyadh,

(2) từ nay hoàng gia Saudi Arabia chính là đồng minh “số 1” của Mỹ ở Trung Đông, (3) những gì Saudi Arabia đã, đang và sẽ làm cũng sẽ nằm trong chiến lược chung của hai nước.

Cách nhìn và cái nhìn của phía Saudi arabia là như thế. Thế còn phía Mỹ?

Tám ngày trước khi ông Trump đặt chân tới Saudi Arabia, website của Hội đồng đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) đã đăng “khúc dạo đầu” như một lời bắn tiếng:

Một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, đang ứng phó với điều mà họ cho là sự trỗi dậy trở lại của Iran và sự thoái lui của Hoa Kỳ, đã rất bực mình vì Tổng thống Barack Obama...

Chính phủ của Tổng thống Obama đã cáo buộc Saudi Arabia làm cho cuộc xung đột khu vực thêm trầm trọng và phá hoại lợi ích của Mỹ...

Ngược lại, Tổng thống Donald J. Trump đã chọn Saudi Arabia là quốc gia nước ngoài đầu tiên ông sẽ thăm sau nhậm chức, đồng thời cam kết sẽ tỏ thái độ cương quyết đối với chủ nghĩa bành trướng của Iran”.

CFR còn phân tích chi li: “Mặc dù Hoa Kỳ và Saudi Arabia đã chia sẻ mục tiêu là ổn định khu vực và ngăn chặn Iran, nhưng dưới trào Obama hai bên đã khác biệt nhau về một số vấn đề cốt lõi.

Saudi Arabia thất vọng vì Hoa Kỳ không ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Hosni Mubarak - một đồng minh quan trọng của Riyadh; Saudi Arabia cũng thúc giục Hoa Kỳ giữ vai trò lớn hơn trong việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, có chính sách phù hợp với Iran.

Và nhất là Saudi Arabia đã không được đưa vào vòng đàm phán ban đầu về chương trình hạt nhân của Iran, được tiến hành bí mật ở Oman vào năm 2013”.

Cả hai bài báo trên cho thấy mẫu số chung lớn nhất: nếu dưới trào ông Obama, Saudi Arabia bị xem nhẹ, thậm chí lên án vì đụng đến Iran, thì từ nay dưới trào ông Trump, tình hình sẽ thay đổi.

Chính ông Trump đã tuyên bố điều này trong diễn văn đọc tại Thượng đỉnh Ả Rập Hồi giáo - Mỹ tổ chức ở thủ đô Riyadh hôm 21-5: “Từ Lebanon tới Yemen, Iran tài trợ, vũ trang, huấn luyện các phần tử khủng bố cùng dân quân, và các nhóm cực đoan khác nhằm lan truyền sự tàn phá và hỗn loạn trong khắp khu vực.

Trong nhiều thập kỷ, Iran đã châm dầu vào bao cuộc hỏa hoạn mang tính xung đột tông phái và bạo lực. Trong những lần can thiệp gây bất ổn và tàn bạo nhất của Iran, có cuộc xung đột hiện thời ở Syria... Các quốc gia có tinh thần trách nhiệm phải hợp tác để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria, tiêu diệt IS và khôi phục ổn định cho khu vực...

Cho đến khi chế độ Iran sẵn sàng trở thành một đối tác vì hòa bình, tất cả các quốc gia có lương tâm phải cùng nhau cô lập Iran, không cho Iran tài trợ khủng bố...”.

 

 

Liên minh mới

Từ nay, sẽ là một quan hệ đồng minh chiến lược tay đôi. Bản “Tuyên bố tầm nhìn chiến lược hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Saudi Arabia” ngày 20-5-2017 nêu rõ:

“Hoa kỳ và Vương quốc Saudi Arabia nỗ lực hết sức mình để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của hai nước trong thế kỷ 21, và lên kế hoạch cho một lộ trình mới hướng tới hòa bình ở Trung Đông...; được xây dựng dựa trên niềm tin cùng các lợi ích cùng chia sẻ”.

Cụm từ “lợi ích cùng chia sẻ” này là tối quan trọng, là cơ sở để hai bên cùng vạch ra đối sách chung.

Bản tuyên bố nêu rõ đâu là mục tiêu chung: “Hai đất nước vĩ đại chúng tôi chia sẻ mong muốn giải quyết các mối đe dọa với các lợi ích an ninh chung của chúng tôi.

Do đó, Hoa Kỳ và Vương quốc Saudi Arabia đang tìm cách bắt tay vào những sáng kiến mới nhằm chống lại việc loan truyền các thông điệp cực đoan bạo lực nhằm cắt đứt việc tài trợ cho khủng bố, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng.

Những kẻ cực đoan bạo lực đang đe dọa hòa bình ở Trung Đông sẽ phải đối mặt với nhóm các đối tác trong khu vực ngày càng đông đảo, đối mặt với những người sẽ gieo hạt giống hòa bình.

Hoa Kỳ và Vương quốc Saudi Arabia hi vọng các chính phủ có trách nhiệm sẵn sàng dấn thân cho hòa bình sẽ đóng góp vào nỗ lực để thực hiện các mục tiêu này”.

Cụ thể hóa tuyên bố đó, một liên minh chống bạo lực cực đoan mà vai trò chính do Saudi Arabia đảm nhận qua các phiên họp ít nhất mỗi năm một lần của “Nhóm tham vấn chiến lược hỗn hợp” Hoa Kỳ - Saudi Arabia, mở cửa cho các nước trong khu vực tham gia.

Ông Trump đã giới thiệu vai trò “đầu tàu” mới này của Saudi Arabia trong bài diễn văn đọc tại Thượng đỉnh Ả Rập Hồi giáo - Mỹ:

“Tôi tự hào thông báo các quốc gia hiện diện ở đây hôm nay sẽ ký một thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho khủng bố, có tên là Trung tâm chiến đấu chống ý thức hệ cực đoan toàn cầu, do Hoa Kỳ và Saudi Arabia cùng chủ tọa, có sự tham gia của tất cả thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”.

Trong thực tế, một liên minh như thế đang hoạt động rồi. Đó là liên quân chín nước châu Phi và Trung Đông gồm Ai Cập, Morocco, Jordan, Sudan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Bahrain cùng Saudi Arabia can thiệp quân sự ở Yemen theo yêu cầu của tổng thống nước này đắc cử năm 2012 và được quốc tế công nhận là Abdrabbuh Mansur Hadi, chống lại quân Houthi được Iran hậu thuẫn.

Ngoài Syria, đó hiện là cuộc chiến then chốt thứ hai của khu vực. Mở bản đồ khu vực (trong bài) cho thấy vị trí then chốt của Yemen trên biển Đỏ chật hẹp dẫn tới kênh đào Suez.

Nếu phe nổi loạn được Iran hậu thuẫn thắng cuộc, coi như thông thương từ Âu sang Á rơi vào tầm khống chế của Iran, giống như eo biển Hormuz vốn là hải lộ dầu hỏa mà Iran chung biên giới với UAE và Oman, mà lâu lâu hải quân Iran vẫn “ngáng đường”.

Từ đầu năm 2017, để “nghênh đón” tân Tổng thống Trump, quân nổi loạn Houthi đã mấy lần tấn công tàu chiến của cả Saudi Arabia lẫn hải quân Mỹ bằng tên lửa đạn đạo, một loại vũ khí thường chỉ trong biên chế các quân đội chính quy chứ không thuộc hàng “phe nổi dậy”, dẫn đến việc ông Trump ra lệnh tấn công bằng biệt kích vào một cứ điểm của phe Houthi.

Thành ra, các nước trong khu vực có tham gia liên minh này cũng chính là vừa bảo vệ lợi ích của họ, vừa bảo vệ việc thông thương trong biển Đỏ và trên kênh đào Suez.

Rạch ròi quan hệ với Hồi giáo

Việc ông Trump chọn Saudi Arabia làm đồng minh chiến lược hàng đầu còn là để chứng tỏ rằng không bài bác Hồi giáo nói chung, mà chỉ những hình thức cực đoan, bạo lực cùng các tổ chức khủng bố như IS và Al-Qaeda.

“Tuyên bố tầm nhìn chiến lược hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Saudi Arabia”, khi đề cập đến nhà lãnh đạo Saudi Arabia đều gọi ông này là “Đấng bảo vệ hai đền thánh, vua của Vương quốc Saudi Arabia”.

Hai đền thánh mà quốc vương Saudi Arabia “bảo vệ” là đền thờ thiêng liêng nhất của Hồi giáo: Al-Masjid al-Haram (đền Thánh) ở thánh địa Mecca và Al-Masjid an-Nabawi (đền của Đấng tiên tri) ở Medina. Tước vị này là một “ấn tín” cần thiết (đại diện dòng Sunni) trong sự phân biệt với chức vụ Ayatollah (đại giáo chủ) của dòng Shiite ở Iran.

Việc ông Trump chọn Saudi Arabia là để cho thế lực thần quyền ở Iran thấy rằng phái Shiite của họ cô lập như thế nào so với phái đa số Sunni trong Hồi giáo, và rằng tám năm “xích lại gần nhau” giữa ông Obama và Iran nay đã kết thúc.

Trong diễn văn tại Thượng đỉnh Ả Rập Hồi giáo - Mỹ nêu trên, ông Trump đã nêu rõ cái nhìn và thái độ của chính quyền mới ở Mỹ:

Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải tuyệt đối hiểu rõ điều này: chủ nghĩa man rợ sẽ chẳng đem đến cho quý vị chút vinh quang nào, sự a tòng với cái ác sẽ cũng không mang lại cho quý vị chút nhân phẩm nào. Nếu quý vị chọn con đường khủng bố, cuộc sống quý vị sẽ trống rỗng, ngắn ngủi, linh hồn quý vị sẽ bị đọa đày”.

Và như vậy, chặng Saudi Arabia này không đơn giản chỉ là hợp đồng đem về cho nước Mỹ 350 tỉ USD vũ khí bán được ngay trước mắt và trong vòng 10 năm tới cùng mấy trăm tỉ USD đầu tư. Đi kèm là một liên minh mới đắt giá hơn nhiều.

Cân bằng với Israel

Thế còn đồng minh cố cựu và “ruột thịt” của Mỹ, Israel, thì sao?

Chẳng sao cả! Saudi Arabia trong cuộc thánh chiến thứ nhì của người Palestine kéo dài bốn năm, bốn tháng, từ tháng 9-2000 đến 8-2-2005 từng đưa ra “Sáng kiến hòa bình Ả Rập”, theo đó các nước Ả Rập sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, đổi lấy việc Israel rút ra khỏi các “lãnh thổ chiếm đóng” cùng một “giải pháp công chính” cho người tị nạn Palestine.

Một số chi tiết của đề xuất này đã được các chính quyền Bush và Obama áp dụng, CFR cho biết và hi vọng rằng chính quyền Trump cũng được thông báo về đề xuất này để tới phiên êkip của ông Trump đề ra kế hoạch của mình.

Trong khi chờ đợi một giải pháp hòa bình, việc Israel - Palestine, Mỹ hay Saudi Arabia có (thêm) một đồng minh chiến lược nữa trong cái vạc dầu Trung Đông đang sôi càng trở nên quan trọng.

Trong tình hình “chia phe đánh nhau” vì lợi ích địa chính trị của các “ông lớn”, Israel có quen biết với “đồng minh chiến lược của đồng minh chiến lược” là Saudi Arabia, và ngược lại, cũng là một đáp ứng trước hiểm họa chung khi mà những xung đột trong quá khứ như các cuộc chiến năm 1967 và 1973 đã là dĩ vãng.

Một quan hệ với quốc gia “không phải là đồng minh” hoàn toàn có thể đặt trong bối cảnh tranh chấp địa chính trị mà nói theo La Fontaine trong ngụ ngôn “Sư tử và chuột”, thì “người ta luôn cần đến những ai nhỏ hơn mình”. Điều này ắt hẳn không chỉ đúng ở Trung Đông. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận