TTO - Chùa Vân Lỗi nằm cách đường vào thôn Vân Hoàn chừng vài chục bước chân. Câu chuyện ra đời của Hữu Loan được người sãi giữ chùa kể đã lan truyền rất lâu ở làng.
Chiều cuối xuân nhạt nắng, từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi đi khoảng 30km về trung tâm huyện Nga Sơn. Từ xa đã dễ dàng nhận thấy ngọn núi Vân Hoàn sừng sững vươn lên giữa đồng bằng.
Nép bên sườn núi, nhìn ra sông Mã, chùa Vân Lỗi nằm cách đường vào thôn Vân Hoàn chừng vài chục bước chân.
Được xây dựng từ thế kỷ XIV thời nhà Trần, vách núi của ngôi chùa từng mang tên Sùng Nghiêm Tự này vẫn còn in dấu nhiều bài thơ do tiền nhân để lại.
Nhưng không chỉ thế, 104 năm trước, nơi đây còn gắn liền với sự ra đời của một nhà thơ tên tuổi khá đặc biệt trong văn học Việt Nam: Hữu Loan.
Đứng trên những bậc đá cheo leo lên chùa, ông Nguyễn Hữu Dũng, người sãi giữ chùa, nở nụ cười thân thiện mời chào.
Nghe chúng tôi hỏi thăm về thi nhân Hữu Loan, ông "khoe" ngay: "Tôi gọi nhà thơ là chú, bố tôi với nhà thơ là anh em chú bác ruột. Hồi xưa, ông ấy được đẻ loi (đẻ rơi) ngay cánh đồng trước chùa đây chứ đâu".
Vừa nói, ông Dũng vừa hướng ra đồng cói xanh xanh trước chùa, phía xa là con sông Mã hiền hòa uốn lượn.
Câu chuyện ra đời của Hữu Loan được người sãi giữ chùa 76 tuổi kể đã lan truyền rất lâu ở làng.
Ban đêm, sư trụ trì Sùng Nghiêm Tự bỗng thấy một vầng sáng vàng lóe lên phía trên núi Vân Hoàn. Rạng sáng hôm sau, một người phụ nữ đang làm đồng phía trước chùa lên cơn đau đẻ bất ngờ. Lê vào tới thềm chùa thì bà sinh rớt con ngay ở đó.
Sư trụ trì ngày ấy nói với người phụ nữ rằng đứa bé con bà rất đặc biệt, hẳn sau này sẽ hơn người. Đứa bé đó chính là nhà thơ Hữu Loan.
Cậu bé Hữu Loan lớn lên với trí thông minh, học đâu nhớ đó càng khiến nhiều người làng tin vào "điềm trời".
Dù nhà nghèo Hữu Loan vẫn được cha mẹ cho theo con đường ăn học. Để rồi năm 1938, 22 tuổi, con đường học vấn của Hữu Loan tỏa sáng khi đỗ "tú tài Tây" tại Hà Nội, bằng cấp thời ấy rất hiếm người đạt tới.
Chỉ cần có bằng tú tài là đủ để tìm việc trong một cơ quan hành chính đương thời, nhưng cơ hội ấy chưa bao giờ nằm trong ý định của Hữu Loan. Sau khi có bằng tú tài Tây, ông hành nghề dạy học ngay trên quê hương mình.
Trong suốt hành trình chúng tôi tìm hiểu về Hữu Loan, câu chuyện về xuất phát điểm của bài thơ được rất nhiều người kể lại gần như nhau.
Hồi đó ở số 48 Phố Lớn (Trần Phú, Thanh Hóa ngày nay), bà Tham Kỳ (tức Đái Thị Ngọc Chất, vợ ông Lê Đỗ Kỳ, chánh thanh tra Đông Dương về canh nông) mở cửa hiệu tạp hóa bán nhiều loại giấy bút, sách vở.
Là con ông Đái Xuân Quảng (một cử nhân Hán học, từng làm tri huyện), nên bà Tham Kỳ giỏi Hán ngữ lẫn Pháp ngữ, đam mê thơ phú, thuộc nhiều tác phẩm văn học cổ như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc...
Thời gian ở Thanh Hóa học tú tài, Hữu Loan vẫn thường xuyên lui tới cửa hiệu của bà Chất để thỏa mãn niềm đam mê sách vở. Rất quý mến chàng trai con nhà nghèo hiếu học, bà Chất đã mời Hữu Loan về dạy kèm cho ba con trai của mình.
Lần đầu tiên Hữu Loan về nhà bà Chất, con gái thứ tư của bà vẫn còn là cô bé con.
Bẵng đi một thời gian, khi đã là thầy giáo đang dạy Trường Alexandre de Rhodes do nhà thờ Công giáo ở Thanh Hóa lập, Hữu Loan lại được bà Chất mời về nhà dạy cho chính cô con gái này, lúc đó đã là cô bé Lê Đỗ Thị Ninh 8 tuổi.
Một thời gian sau, Hữu Loan tham gia kháng chiến.
Ông Nguyễn Hữu Đán, con trai út Hữu Loan, tâm sự: "Bố tôi kể sau ngày độc lập 2-9-1945, khi đang làm tuyên huấn, cụ đã diễn thuyết vận động nhân dân ủng hộ cách mạng trong Tuần lễ vàng ở Thanh Hóa.
Vô tình thấy cụ đang diễn thuyết, lúc đó là con nhà giàu đeo nhiều nữ trang, mẹ Ninh đã tháo ra hết ủng hộ cách mạng.
Về nhà, mẹ giải thích chuyện không còn vàng bạc với người mẹ là bà Tham Kỳ, rằng: "Mẹ ơi, hôm nay con gặp anh Loan. Anh đọc diễn văn Tuần lễ vàng trước bao nhiêu người, anh thông minh, giỏi lắm mẹ ạ".
Là phụ nữ, biết "bệnh" tương tư, người mẹ hiểu rõ tâm tình của cô con gái hay nhắc đến "anh Loan".
Sẵn mối cảm mến đặc biệt với thầy giáo và biết được tình ý của con gái, bà Tham Kỳ đã viết bức thư rồi sai người cậu tên Ngân chuyển vào nơi Hữu Loan đóng quân.
Nội dung nôm na: Cái Ninh nhà tôi nó khen anh lắm, hôm nọ vì anh mà nó tháo hết vàng bạc để ủng hộ cách mạng. Nó nhắc anh suốt. Nếu anh có ưng thì gia đình sẽ gả Ninh cho anh, đồng ý thì anh về sớm…
Cũng chính bà Chất đã kết duyên cho mối tình đầu đời của Hữu Loan. Sau tiêu thổ kháng chiến, khi bà Chất các con về sơ tán ở ấp Thị Long, Nông Cống (cách thành phố Thanh Hóa chừng 30km), Hữu Loan đã xin về phép và có một đám cưới giản đơn nhưng đầy hạnh phúc.
Một đám cưới chân thật như lời thơ của ông:
"Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi!".
Để rồi ba tháng sau đó, người vợ qua đời trong đau đớn.
Một trong những người ở cùng Hữu Loan trong kháng chiến lúc bấy giờ là nhà thơ Vũ Cao từng viết lại thời khắc đau thương nhất của Hữu Loan: "Trong một quán nhỏ ở Thanh Hóa, anh báo tôi biết cái tin đột ngột: Lê Đỗ Thị Ninh vừa mất. Bàn tay anh cầm cốc nước run lên bần bật, nước bắn tung tóe xuống bàn, mặt anh tái xanh".
Và những đau đớn ấy theo suốt đường hành quân xa, những vần thơ bất hủ cứ thế theo dòng cảm xúc của nhà thơ tài ba ra đời.
Sau thời gian "truyền tụng ngầm", bài thơ Mầu tím hoa sim lần đầu tiên được Nguyễn Bính cho đăng trên báo Trăm Hoa. Không ít ý kiến "quy kết" bài thơ là "thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản", được xem là nguyên cớ để Hữu Loan rời báo Văn Nghệ về quê lao động, thồ đá nuôi con.
Ở miền Nam, tác phẩm Mầu tím hoa sim được các nhạc sĩ tài hoa như Phạm Duy, Anh Bằng, Dzũng Chinh phổ nhạc, làm thổn thức biết bao trái tim.
Đến năm 2004, Mầu tím hoa sim được một công ty ở TP.HCM mua tác quyền với giá 100 triệu đồng...
TTO - Người em trai "nàng thơ" bảo rằng suốt mấy chục năm trời, cả gia đình không ai dám đọc, dám nghe bài thơ Mầu tím hoa sim vì nó quá thật, gợi sự "rờn rợn" và nỗi đau đớn tiếc thương.
Từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi tìm về ấp Thị Long, huyện Nông Cống - nơi được ghi "người vợ chờ bé bỏng chiều quê" nằm lại.
Bất ngờ qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Đán bảo: "Mẹ già tôi không nằm ở Nông Cống. Mẹ đang nằm ở nghĩa trang làng Định Hòa ở thành phố Thanh Hóa, cũng là quê của bà".
Làng Định Hòa thuộc phường Đông Cương, nằm cách cầu Hàm Rồng vắt qua sông Mã non ba cây số đường chim bay.
Tìm đến nhà thờ họ Lê Đỗ, ông thủ từ Lê Đỗ Dạng say sưa giới thiệu về ngôi nhà thờ cổ ba gian chạm trổ công phu được làm từ thời Khải Định, là nhà thờ cổ hiếm hoi, gần như duy nhất còn lại trong vùng.
Bên bảng phả hệ treo trên bức tường, ông diễn giải ngài tổ Lê Thành đến đất Định Hòa lập ấp từ mấy trăm năm trước, vốn là công thần nhà Lê Trung hưng được ban quốc tính nên con cháu về sau lấy họ Lê Đỗ.
Bảng phả hệ thể hiện người cha Lê Đỗ Kỳ đời thứ 17, bà Ninh đời 18.
Nằm cách khu dân cư Định Hòa một cánh đồng rộng trồng nhiều hoa hồng và rau màu tươi tốt, nghĩa trang họ Lê Đỗ được xây dựng qui mô với hàng trăm ngôi mộ xếp theo thế thứ.
Phần mộ "nàng thơ" nằm ở dãy thứ sáu, tấm bia ghi rõ: "Mộ chí bà Lê Thị Ninh, đời thứ 18, sinh năm 1932, tạ thế 29-4-1949".
Sau khi thắp hương, ông Dạng dẫn chúng tôi vào làng tìm gặp ông Lê Đỗ Tùng, trưởng ban điều hành dòng họ.
Ông Tùng là cán bộ về hưu, không biết có người trong họ vốn là "nàng thơ" dù ông rất thích bài thơ Mầu tím hoa sim. Ông "hi vọng" nhiều thông tin sẽ nằm trong gia phả mà mình lưu giữ.
Chúng tôi lần giở bản gia phả trong sự hồi hộp, bỗng "bắt phải vàng" khi ở đời thứ 18, mục 238, ghi rõ rành: "Lê Thị Ninh, tức Lê Đỗ Thị Ninh (1932-1948, giỗ ngày 29-5), cha: Lê Đỗ Kỳ, mẹ: Đái Thị Ngọc Chất, chồng: Nguyễn Hữu Loan (nhà thơ, 1916-2010), mộ ở làng Định Hòa".
Thông tin trong gia phả dù vài độ lệch về ngày tháng nhưng khẳng định rõ phần mộ kia chính xác là "người vợ chờ bé bỏng chiều quê" của thi sĩ tài hoa Hữu Loan.
Nhờ ông Tùng, chúng tôi liên lạc với ông Lê Đỗ Bình - em trai "nàng thơ" - và chốt cuộc hẹn tại Hà Nội.
Ngồi trên phiến đá xanh trước đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm, ông Bình kể nhiều về một thời loạn lạc tứ tán. Từ đầu năm 1947, tiêu thổ kháng chiến, ngôi nhà lớn ở Thanh Hóa bị giật sập, cả gia đình sơ tán lên ấp Thị Long sinh sống, nơi người bố có trang trại rộng chừng 5 - 7 mẫu.
Đến đoạn, giọng ông chùng nghẹn xuống, nhắc hình ảnh người chị xoáy trôi theo dòng nước suốt mấy chục năm vẫn mãi trong tâm trí.
"Sông Chuồng hôm ấy đang mùa nước dữ, nước chảy xiết, dâng cao. Mẹ tôi cùng chị Ninh đưa quần áo ra bến giặt, tôi và hai đứa em nữa theo sau. Chị Ninh không may bị trượt chân, tôi nhìn rõ cảnh chị bị dòng nước xoáy cuốn vào và đưa đi.
Mẹ tôi la hét gọi người đến cứu nhưng vì dân ở cách xa, không ai nghe thấy. Mãi lúc sau, một thanh niên xuống vớt chị lên, cách chỗ trượt chân khoảng chừng trăm mét. Mẹ tôi bất thần không biết gì nữa" - ông Bình kể.
Tang trùng tang, bà Đái Thị Ngọc Chất đau đớn tột cùng bởi người mẹ ruột sống cùng mình cũng qua đời trước đó không lâu. Bà cho an táng con gái cạnh người mẹ.
Mãi đến năm 1967, bà sai ông Bình về Thị Long tìm mộ mẹ và con gái đưa về cải táng đầu làng Định Hòa. Sau này khi Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa xây dựng, phần mộ bà Ninh tiếp tục được dời đến nghĩa trang gia đình.
Trong câu chuyện dài, ông nhớ mãi hình ảnh người chị gái có "khuôn mặt khá bầu, người hơi đậm, thấp và nhỏ nhắn" và ngậm ngùi vì di ảnh duy nhất bị thất lạc trong chiến tranh.
Sau đợt cải cách ruộng đất 1954, ông Bình tìm về Vân Hoàn ở cùng anh rể hơn 1 tháng mới ra Hà Nội.
Ông nhớ mãi Hữu Loan hồi đó "suốt ngày đọc sách rồi đi ra đi vào, viết lách làm thơ. Thỉnh thoảng anh đưa tôi đi về mấy xóm chài xem họ xiếc tép, làm cá. Cái thời cơm gạo khó khăn, hai anh em ăn toàn khoai lang".
Sau đó không lâu, khi Hữu Loan đang làm báo Văn Nghệ, ông Bình cũng tìm đến nhà anh rể gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở lại 2 tuần để chờ một người anh từ chiến khu trở về.
Năm 1985, ông Bình lại về thăm anh rể ở Vân Hoàn, giai đoạn bài thơ Mầu tím hoa sim "đã công khai, nổi tiếng như cồn". Ông kể: "Anh Loan bảo tôi: "Người ta sẽ đến đây tìm mộ nàng thơ Mầu tím hoa sim. Tôi muốn đưa mộ bà Ninh về Vân Hoàn này".
Tôi trả lời anh rằng chị gái đã bị di dời nhiều lần, nay đã mồ yên mả đẹp. Vả lại anh bây giờ đã yên bề gia thất, mười đứa con sum vầy, có người chăm sóc. Đưa chị về đây cũng cô quạnh lắm, chẳng nên chút nào".
Ông Bình kể khi còn sống, mẹ không bao giờ cho nghe bài thơ Mầu tím hoa sim. Hễ ai đọc lên là bà khóc. Mãi sau khi mẹ qua đời (1987), anh em trong gia đình mới đọc và nghe các bài hát phổ thơ, vậy mà không lần nào không rơi nước mắt.
"Bây giờ chúng tôi già rồi, "trơ" ra rồi, vậy mà đọc còn thấy đau xót lắm, bởi anh Hữu Loan viết tình cảnh rất thật. Ba người anh đi bộ đội, người em chưa biết nói đều có.
Còn đồi sim, trong trí nhớ tôi hồi ấy nơi trang trại ở vùng bán sơn địa Thị Long, màu tim tím cứ trải dài đến tận núi. Rồi những hình ảnh mẹ tôi "ngồi bên mộ con đầy bóng tối", "bình hoa ngày cưới thành bình hương"... tất cả đều thật hết" - dừng kể, ông khẽ đọc những câu thơ trong nỗi buồn miên man.
Câu chuyện gia đình Hữu Loan lẫn gia đình "nàng thơ" Mầu tím hoa sim cho biết Hữu Loan luôn thương, kính và biết ơn người mẹ vợ Đái Thị Ngọc Chất.
Tuy nhiên, theo ông Bình, có lẽ vì hai bên "có khác nhau" nên ít liên lạc. Đến khi người mẹ mất ở Hà Nội, gia đình ông cũng không báo.
Khi biết tin, Hữu Loan đã làm đôi câu đối vừa thể hiện dâng mẹ, vừa ẩn ý trách cứ:
TTO - Từng làm "quan to" ở Thanh Hóa và có "công việc sang trọng" ở báo Văn Nghệ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nhưng những bạn văn của Hữu Loan kể cả hai lần ông đều bỏ ngang về quê bởi cá tính bộc trực, quyết liệt của mình.
Trước Cách mạng tháng 8, năm 1936, Hữu Loan tham gia nhiều phong trào chống Pháp tại quê nhà, đến năm 1943 thì làm phó chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nga Sơn.
Lịch sử Đảng bộ xã Nga Lĩnh ghi giai đoạn cuối năm 1942 - đầu năm 1943: "Các đồng chí Nguyễn Hữu Loan (làng Vân Hoàn) và Phạm Minh Thanh (xã Nga Thanh ngày nay) là cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại thị xã Thanh Hóa đã trở về địa phương xây dựng tổ chức Việt Minh.
Hai đồng chí đã tích cực vận động giác ngộ, kết nạp được một số hội viên cứu quốc như các đồng chí... Đầu năm 1943, tại làng Vân Hoàn thành lập được tổ chức Việt Minh do đồng chí Nguyễn Hữu Loan phụ trách".
Tài liệu này cũng chú thích rất cụ thể: "Đồng chí Nguyễn Hữu Loan là người làng Vân Hoàn (Nga Lĩnh) lúc này là giáo viên và là cán bộ Việt Minh dạy học tại thị xã Thanh Hóa. Do cơ sở Việt Minh bị lộ, đồng chí đã trốn khỏi sự vây ráp của kẻ thù về địa phương tiếp tục hoạt động".
Trong nạn đói khủng khiếp gây chết người hàng loạt tại Thanh Hóa, tổ chức Việt Minh tại Vân Hoàn do Hữu Loan đứng đầu đã vận động lý trưởng không thu thuế nhà nghèo, chỉ thu thuế những nhà giàu nhưng không nộp lên trên.
Tài liệu Đảng bộ xã ghi: "Đồng chí Nguyễn Hữu Loan đã dẫn đầu đoàn đại biểu của làng Vân Hoàn lên huyện đấu tranh đòi khất thuế... Tổ chức Việt Minh tại các làng phát động phong trào kiên quyết cứu đói cho dân bằng mọi hình thức như vận động nhà giàu cho dân vay thóc, kêu gọi mọi người đồng tâm bớt sữa, góp gạo nấu cháo cứu đói... do đó đã kịp thời giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói".
Hữu Loan cũng tích cực tham gia lãnh đạo các hoạt động tại địa phương chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Một đội tự vệ cứu quốc cấp xã ở Nga Lĩnh lúc đó được thành lập gồm 71 đội viên, riêng làng Vân Hoàn của Hữu Loan tham gia đến 30 người.
Cách mạng Tháng 8 thành công, Hữu Loan tham gia thành lập chính quyền, làm ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, được xem tương đương chức phó chủ tịch tỉnh phụ trách các ty Giáo dục, Thông tin, Thương chính và công chính.
Nhưng rồi ông "bỏ ngang" về quê Vân Hoàn, Nga Sơn trong sự bất ngờ của nhiều người. Nhà thơ Nguyễn Văn Túy - phó chủ tịch thường trực Hội Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa - nói: "Hồi đó do bất đồng quan điểm nên ông bỏ ngang về quê chứ chẳng hề bị kỷ luật gì".
Ông Túy biết chuyện, bởi khi làm chánh văn phòng hội, ông nhận nhiệm vụ đi "xác minh lý lịch" để khôi phục lương hưu cho Hữu Loan giai đoạn từng làm việc ở báo Văn Nghệ.
Gặp gỡ nhân chứng và tâm sự với Hữu Loan, ông cho biết: Thời ấy, Hữu Loan nằm trong ban vận động quyên góp ủng hộ cách mạng Tuần lễ vàng. Người dân đóng góp vàng bạc rất nhiều nhưng có người trong bộ phận quản lý có dấu hiệu biển thủ, Hữu Loan đã thẳng thừng lên tiếng rồi chỉ mặt từng người dẫn đến bất đồng, sau đó ông bỏ về quê.
Sau khi tiếp quản thủ đô 1954, Hữu Loan ra Hà Nội làm biên tập cho báo Văn Nghệ, đến năm 1957 thì tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể thực tế thời Hữu Loan làm báo Văn Nghệ, vào Hội Nhà văn Việt Nam: "Hội nhà văn hồi ấy sang trọng lắm, ai mà hội viên Hội Nhà văn là được coi như "siêu nhân", thậm chí đi đâu cũng được bí thư tỉnh ủy tiếp".
Vậy mà rồi Hữu Loan lại bỏ công việc nhiều người mơ ước ở Hà Nội về quê Nga Sơn lao động thồ đá. Nhiều người cho rằng ông bỏ về quê vì "liên quan đến vụ Nhân văn - Giai phẩm". Ngay ở quê Vân Hoàn, theo lời người con Nguyễn Hữu Vũ, nhiều cán bộ chính quyền địa phương gọi thẳng họ là "con (của nhà văn) Nhân văn - Giai phẩm".
Trên thực tế, thi sĩ Mầu tím hoa sim liên quan thế nào với phong trào văn nghệ này và vì sao ông lại từ bỏ "công việc sang trọng" về quê?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải - người khá nhiều lần gặp gỡ Hữu Loan - cho rằng: "Hữu Loan không bị án kỷ luật gì. Ông bỏ việc sang trọng về quê là do khí phách can đảm, dám chịu trách nhiệm việc mình làm, dám nói thẳng với cấp trên về vấn đề gay cấn của xã hội".
Tương tự, nhà thơ Nguyễn Văn Túy khẳng định: "Trong toàn bộ lý lịch của cụ Hữu Loan không hề bị (một cái) kỷ luật gì cả. Cụ không (tham gia) Nhân văn - Giai phẩm, mà do bất đồng quan điểm với một số cá nhân ở trong Hội Nhà văn nên bỏ về".
Theo nhà thơ Nguyễn Văn Túy, chính nhờ không có kỷ luật gì trong lý lịch nên Hữu Loan được khôi phục lương mức chuyên viên 3 về hưu. Ông kể khi tiến hành làm hồ sơ, "cái tính gàn của cụ" làm ông bao phen khổ sở.
Hồi đó, vì giận một người con không nghe lời mình mà "nghe theo cán bộ chính quyền", cụ nhất quyết không ký vào hồ sơ nếu có tên người con này: "Tôi viết tên con ông ấy, ông không ký. Cuối cùng, tôi gửi lại hồ sơ cho ông Kiều Vượng (lúc ấy là đại diện báo Văn Nghệ ở miền Trung - NV).
Ông Vượng lại phải ra Hà Nội nhờ ông Hữu Thỉnh. Ông Hữu Thỉnh lại phải vào thuyết phục ông thì ông mới ký. Khó khăn đến mức độ như thế chứ không phải dễ".
Chưa hết, ông Túy kể tiếp nhà thơ Hữu Loan còn đòi được truy lĩnh lương cả giai đoạn bỏ việc về quê: "Tức cụ bỏ cụ về nhưng vẫn đòi truy lĩnh lương mấy chục năm trời. Tôi bảo không được đâu".
Ông Túy giải thích thêm với nhà thơ rằng chế độ lương hưu dựa trên tiền đóng góp bảo hiểm một phần của cá nhân và của cơ quan trong giai đoạn làm việc. Lúc đó ông cụ mới ký vào hồ sơ...
TTO - Sau nỗi đau lần hôn nhân thứ nhất và để lại cho đời áng thơ làm thổn thức hàng triệu con tim Mầu tím hoa sim, duyên số lại đưa đẩy nhà thơ Hữu Loan đến với người vợ thứ hai và cũng là "nàng thơ" của tác phẩm Hoa lúa trứ danh: Phạm Thị Nhu.
Bà Nhu sinh cho Hữu Loan 10 người con và đã cùng ông vượt qua bao gian khổ, thăng trầm đến những ngày cuối đời.
Bà Phạm Thị Nhu sinh năm 1935, thua Hữu Loan 19 tuổi.
Kể về cơ duyên gặp nhau của bố mẹ mình, ông Nguyễn Hữu Đán, người con thứ tám, cho biết: "Khoảng năm 1952, bố tôi về dạy học chỗ Trường THPT Mai Anh Tuấn, huyện Nga Sơn bây giờ. Trong số học trò của cụ có anh trai họ của mẹ tôi. Thời đó nhà ngoại tôi là địa chủ, đất đai ở vùng Nga Sơn nhiều lắm".
Sau cải cách ruộng đất, gia đình bà Nhu ly tán, bà phải đi chăn bò ở vùng quanh trường. Mỗi lần thả bò, bà Nhu tranh thủ cùng mấy người bạn mục đồng tới lấp ló ngoài cửa lớp nghe Hữu Loan dạy. Những lời thơ từ người thầy điển trai làm mê mẩn cô gái 17 tuổi.
Sau này kể lại với con cháu về những ngày đầu thấy Hữu Loan đứng trong lớp giảng Kiều, ngâm thơ, bà Nhu cho hay "nhiều đêm liền không ngủ được, cứ thấy hình ảnh ông ấy đứng ngâm thơ".
Bà Nhu không ngờ rằng đôi mắt trong veo của mình cũng được nhà thơ để ý. Để rồi khi biết bà là con nhà địa chủ đang chịu nhiều khổ ải do thời cuộc, ông tìm đến hỏi lấy bà làm vợ.
"Cụ lấy mẹ tôi năm 1953, đến năm sau thì sinh anh cả tôi, Nguyễn Hữu Cương", kể đến đây ông Đán chậm rãi ngâm những câu thơ đầu trong bài Hoa lúa bố mình viết tặng mẹ:
"Em là con gái đồng xanh
tóc dài
vương hoa lúa
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ
giếng ngọt
cây đa
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm
Nhạc quê hương say đắm trong lời em
từng lời...".
Thời điểm bà Nhu sinh con trai đầu lòng, Hữu Loan đang ra Hà Nội để làm việc ở báo Văn Nghệ.
"Lúc bà sinh con xong bị đói, chẳng có chi mà ăn, cứ thế nhịn đói. Mấy hôm sau bố tôi mới về. Sau đó bố đưa vợ con ra Hà Nội, xin cho mẹ tôi vào làm ở chỗ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Bà làm ở đó một thời gian, đến khi bố tôi bỏ về Thanh Hóa, bà lại ôm con theo về.
Cả đời bà, ông đi đâu bà theo đó, chẳng khi nào trách ông một lời", ông Đán kể tiếp.
Năm 2013, khi Hữu Loan mất được ba năm, bà Nhu cũng đi theo chồng.
"Bà làm bánh ướt, bún mộc từ khi về lại thôn Vân Hoàn sinh sống, cho đến năm bố tôi mất bà mới nghỉ, ngót nghét cũng 50 năm", ông Nguyễn Hữu Vũ, người con thứ tư, nói khi dẫn chúng tôi về thăm mái nhà xưa đang thờ bố mẹ mình.
Từ ngày ông bà mất, nơi đây cũng không còn ai ở, chỉ còn tiếng chim xanh véo von trên những tán nhãn che mát cả mảnh vườn nhỏ. Trong căn nhà cũ kỹ phía bên lối phải từ cổng đi vào, cái bếp nơi bà Nhu nấu bánh lúc sinh thời vẫn còn đó.
Cái cối đá để xay bột do tự tay nhà thơ Hữu Loan đục đẽo cho vợ mình làm bánh vẫn còn nằm ở góc sân. Lâu không sử dụng, cả mặt cối phủ đầy đất, có cả những mầm cỏ lún phún mọc phía trên.
"Phải những năm 1980 bà mới có bếp để nấu, chứ trước đó toàn nấu chui, bán chui cả", ông Vũ cười nhớ lại cả tuổi thơ khốn khó của mình.
Ông vẫn nhớ như in thời "ngăn sông cấm chợ", vài ba đồng tiền thồ đá của nhà thơ Hữu Loan không bõ bèn gì so với cả chục miệng ăn. Tối đến, nhà thơ phải lần mò trong đêm phụ vợ xay bột, làm bánh.
Bà Nhu tráng bánh ướt ngon có tiếng trong vùng. Nhưng để có bánh bán cho khách không phải chuyện dễ.
"Thời đó không có dầu ăn, muốn tráng bánh phải có mỡ lợn. Mà bị cấm sản xuất, giết mổ, chỉ còn cách lén lút nuôi lợn trong một chuồng kín không cho ai biết. Đến khi lợn lớn, phải chọn đêm tối, tống đầu lợn vào một bao gai đầy tro và ớt để nó sặc không kêu được rồi dìm xuống ao cho chết hẳn.
Mổ cả con lợn cũng trong bóng tối, không dám thắp đèn vì sợ người ta biết", giọng ông Vũ run run khi đứng bên ao cá trong vườn. Mặt nước ao cá trong veo, yên tĩnh, nhưng ông Vũ như soi vào đó cả trời ký ức khổ ải.
Có được miếng mỡ, mỗi lần làm bánh phải dùng lá cây bít những lỗ quanh nhà vì sợ hương thơm mỡ phi hành bay xa. Mỗi khi bà Nhu tráng bánh, con cái lại thay nhau đứng canh chừng trước cổng. Làm ra mẻ bánh, trong khi chồng đi thồ đá, bà Nhu lại phải "canh bán".
"Làm bánh ra không dám để trong nhà, sợ người ta vào là bắt luôn cả cối đá, xoong nồi làm bánh. Bà phải đem ra đồng giấu. Bà làm bánh, ủ bún ngon nhất làng nên người ta cứ tới hỏi mua. Ai mua thì sai anh em chúng tôi lén đưa đi giao, lấy tiền về", ông Vũ kể thêm.
Ông Vũ xúc động tâm sự về người mẹ mà ông mang khuôn mặt "như đúc": "Tính bà cũng bộc trực, ông hay nói bà thiếu tế nhị vì bà thấy cái gì cũng hay nói thẳng. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy bà cãi ý ông.
Bà chăm sóc chồng con hết lòng bằng cách đơn giản nhất, như kiếm cái quần cũ sửa lại cho ông mặc, tằn tiện lo rau cháo, nhường hết cho chồng con có cái ăn hằng ngày".
Hữu Loan cũng rất mực yêu vợ. Những năm không còn phải chịu cảnh bán bánh chui, rổ rá phải vá chằng vá đụp, người trong làng chiều chiều vẫn nghe ông bà vừa cùng xay bột vừa hát dân ca.
"Mãi về già sau này khi đã 90 tuổi, cụ vẫn thường hay khen nịnh mẹ tôi đẹp. Bà nghe thích lắm, lúc nào ông khen bà cũng cười tít mắt", ông Vũ cười kể, rồi bất giác ông nhìn lại cái cối đá mà khi xưa bố mẹ cùng nhau xay bột, ngâm lên những câu thơ cuối trong bài Hoa lúa:
"Trong mắt em hình ảnh quê ta
Làm sao mà rạo rực
Anh kiêu hãnh có quê hương bất khuất
Và có người yêu là em gái quê hương
Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt
Quê hương ta ơi từ nay rồi càng đẹp!
Tình đôi ta ơi! từ nay rồi càng sâu
Ta đi đầu sát bên đầu
Mắt em thăm thẳm đựng mầu trời quê!"
TTO - Núi Vân Hoàn (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) nằm hướng về thôn làng với vách đá thẳng đứng, dấu vết thời gian dài dân nghèo quanh núi lấy đá đem bán. Nay núi đã dừng khai thác nhưng với nhiều người lớn tuổi trong thôn, hình dáng cụ ‘Tú Loan’ như vẫn còn hằn trên từng mảng đá lở lói.
Trở lại Vân Hoàn giữa trời chiều nắng cháy, chúng tôi gặp ông già chăn bò dưới chân núi đá từng ngập mồ hôi bao phận nghèo đục đẽo, thồ đá mưu sinh thời khốn khó.
Trước mặt ông là cánh đồng cói xanh rì, xen kẽ những hàng sầu đông trơ xương chắn ngang tầm nhìn ra phía sông Mã, khiến cảnh vật càng u uẩn, xám xịt.
"Hỏi đúng người đấy. Từ năm lên mười tuổi tôi đã đi phụ thồ đá, từng đẩy đá cùng ông Tú Loan. Khổ thân ông cụ, xưa đẩy xe cút kít thồ đá, cơ cực trăm bề" - ông nói ngay khi chúng tôi hỏi về thi sĩ Hữu Loan.
Người chăn bò tên Ngô Văn Đương, 63 tuổi, cùng thôn Vân Hoàn, sống cách nhà Hữu Loan vài trăm thước.
"Xưa chúng tôi lấy đá ngay đây đấy, đến chừng mười năm rồi Nhà nước cấm không cho lấy nữa mới thôi. Cái thời ấy đói kém, nhà ai cũng cơ cực. Nhưng ông Tú Loan khốn cùng hơn ai hết, không như người ta ít nhiều cũng có lúa có khoai hay thịt cá hợp tác.
Cụ không vào hợp tác, nên chẳng thồ đá thì không biết lấy gì ăn dù chỉ là cháo loãng cho chục đứa con" - ông Đương nhớ lại.
Cả thời thanh xuân của ông Đương, ngày nắng hay mưa đều gặp nhà thơ Hữu Loan ngay dưới ngọn núi đá xanh này.
"Hồi đó cực nhọc thế nhưng cụ Tú Loan cũng làm nhiều bài thơ về việc thồ đá, về chiếc xe và việc đẩy xe cút kít của ông ấy - nói đoạn, ông Đương buột miệng đọc:
"Đẩy xe cút kít
Quay tít tù mù
Tiền thì chẳng được mấy xu...".
Theo ký ức của ông Đương, một khối đá lúc ấy được 3 đồng, rất nhiều người làng bám víu công việc thồ đá phụ thêm vào miếng ăn vốn rất ít ỏi từ ruộng đồng hợp tác chia được. Vậy mà ai đi thồ đá khi ấy cũng chỉ dằn bụng bằng rau, khoai qua bữa.
Cùng thiếu, cùng đói, nhưng "kiểu ông Tú Loan thồ đá thì khó ai quên. Cả làng này ai cũng quý ông cụ đỗ tú tài Tây, hỏi cái gì cũng biết. Hơn nữa cũng không có ai đi thồ đá mà giắt theo sách tiếng Tây tiếng Tàu để đọc khi nghỉ ngơi như ông ấy cả", ông Đương bật cười.
Trong một bài thơ viết năm 1988, Hữu Loan kể thời thồ đá:
"Tôi đẩy xe đi
đá nặng dốc dài
Dốc chang chang trên nắng dưới người
Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần từ râu không cạo"
Nhưng cái nắng rát, khối đá nặng, con dốc dài không phải là chuyện truân chuyên nhất trong quãng đời thồ đá. Riêng ông còn gặp nhiều trắc trở khác so với các "đồng nghiệp" phu đá đương thời.
Khi hỏi hình ảnh nhớ nhất về cha mình, những người con của ông luôn bật ra hình ảnh một người bố ăn mặc phong phanh áo vá, gồng lưng quai từng xe đá qua con dốc núi lởm chởm gồ ghề.
Ông Nguyễn Hữu Vũ, nay đã tuổi 60, từ lúc chưa đầy 10 tuổi đã ra bãi đá phụ bố, kể mà không kìm được nghẹn ngào: "Thời đó có bữa chỉ được dúm rau luộc ăn tạm rồi đi thồ. Có lần bố đang đẩy xe cút kít lên dốc thì đứng lại lảo đảo. Tôi hỏi sao, cụ bảo bố đói quá choáng váng chút thôi. Rồi cụ lại nghiến răng đẩy tiếp hết lượt xe mới nghỉ. Bữa đó nghỉ sớm".
Dĩ nhiên ông Vũ cũng không thể quên hình ảnh chiếc xe cút kít bằng gỗ do bố đóng gồm một thùng lớn có bánh xe phía trước, trên hai càng chống phía sau là hai tay cầm nối với nhau bằng một dây quai. Mỗi lần thồ, nhà thơ chất đá lên thùng, đeo quai vô vai, hai tay gồng giữ hai càng rồi đẩy tới. Chiếc bánh gỗ cứ thế "ò e cút kít".
Theo lời ông Nguyễn Hữu Dũng, em họ của Hữu Loan, có lần nhà thơ bị đá rơi trúng chân, vết trầy xước lở loét mãi không lành nên người ta nghi bị sâu quảng.
"Hồi đó thuốc men có đâu, mà nếu có ông cũng không có tiền để mua. Vậy là ông giã ốc sên đắp vào, mãi sau chỗ chân bị đá rơi ấy mới dần khỏi" - ông Dũng ngậm ngùi.
Chiếc xe cút kít gỗ nặng trịch đó về sau được nhà thơ dùng làm củi nhóm lò cho vợ làm bánh. Đó là giai đoạn "phu đá" Hữu Loan mua được một chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất (hiệu xe đạp thông dụng thời bấy giờ - PV) chế lại thồ đá.
Tưởng chừng có chiếc xe đạp, việc thồ đá sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhà thơ lại gặp phải vấn đề khác.
Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể: "Hồi đó xe đạp còn được quản lý kỹ, có bảng số. Chiếc xe đi thồ được thời gian thì các cán bộ xã đòi thu giữ vì bị xem ‘chế hàng lậu’".
Chuyện là chiếc xe thồ đá nặng quá khiến cái phuộc bị vẹo, Hữu Loan lấy cái xà beng bằng sắt Liên Xô chế lại. Chiếc "xe Thống Nhất, phuộc sắt Liên Xô" bị tịch thu lên xã vì lý do chế xe.
Nguy cơ mất "cần câu cơm", nhà thơ Hữu Loan lên gặp cán bộ phản ứng rất dữ.
"Cụ bảo chiếc xe để cụ thồ đá nuôi con, nếu cán bộ bắt xe thì ngày mai cụ sẽ dẫn cả bầy con lên giao cho cán bộ, rồi cụ ra giữa chợ ăn xin. Lúc đó, người ta xì xào cán bộ để ông Hữu Loan phải đi ăn mày thì đừng trách", ông Đán kể.
Biết tính Hữu Loan từ xưa hễ nói là làm, không nói đi nói lại, việc bắt xe sau đó được "cho qua". Có lại xe nhưng trở về bãi đá, có lẽ có sự can thiệp nào đó nên những người nổ mìn phá đá không bán cho ông nữa.
"Từ đó, cụ phải tự mình kiếm chỗ đá mồ côi, tự tay dùng xà beng bẩy, rồi đục cho lên xe thồ bán. Cụ vẫn tiếp tục làm đến khi không thồ đá nổi nữa và con cái đã lớn mới thôi.
Tính cụ rất thẳng, quyết không thỏa hiệp hay nản chí, không vì bất cứ lý do gì mà thay đổi ý định. Người ta không muốn cụ làm thì nhất định cụ phải làm", ông Đán kể thêm.
TTO - Nhà thơ Hữu Loan có 10 người con và có đến hơn 40 cháu chắt. Con cháu đều xem ông là một tấm gương nhân nghĩa, cả đời sống và nghĩ đến những người nghèo khổ, thấp bé trong xã hội.
Ngày 25-2, nhằm ngày 3-2 năm Canh Tý, chúng tôi ghé nhà xưa cụ Hữu Loan ở làng Vân Hoàn đúng ngày giỗ 10 năm.
10h sáng, bà Nguyễn Thị Hương, người con thứ hai, đã đến mở cửa nhà.
"Con cháu có nhà riêng cả, từ ngày bố mẹ mất không ai ở, chỉ ghé thắp nhang và mỗi năm một lần dồn về cúng giỗ", bà Hương vừa nói vừa lau bàn thờ.
Bên ngoài, người cháu ngoại quét sân vườn, khói lá nghi ngút phủ lên căn nhà cũ kỹ mà năm xưa vợ chồng nhà thơ và 10 người con quây quần vượt qua khốn khó.
Đợt giỗ lần này thiếu ba gia đình, đó là người con đầu Nguyễn Hữu Cương đang ở TP.HCM, con gái thứ bảy Nguyễn Thị Định ở Đồng Nai và con gái út Nguyễn Thị Triệu hiện ở Hàn Quốc.
Bảy gia đình quây quần, nhà nào cũng đã ổn định kinh tế, không còn ai phải thiếu hụt khó khăn như thời của bố. Mỗi gia đình đều chuẩn bị hoa quả và một vài món đem đến bày biện, dâng cúng.
Ngay sau dâng hương, mâm cỗ được bày dưới mái tôn trên sân trước, có đủ các món, từ gà, nộm, nem rán, bánh lá, bánh lọc đến cà ri bò, canh mực, canh miến nấu cua...
"Xưa cụ thích ăn rau lắm. Ông ăn uống dễ, thanh đạm, chỉ cần cơm với ít rau cũng xong bữa", bà Hương mở đầu câu chuyện về người bố đã đi xa đúng 10 năm.
Tất cả như chợt nín lặng khi người con Nguyễn Hữu Đán nhắc: "Chúng ta đang ngồi ở chỗ nhà tre nứa tám mái của ông cụ anh nhỉ?"...
Những câu chuyện cũ bỗng ùa về. Nào là chuyện ông tự làm nhà, chở đá nhọc nhằn. Nào là chuyện ông muốn chụp lại cái cảnh ngôi nhà từ đọt cây dừa bên hồ cá mà không biết bằng cách gì.
Chuyện ông tự tay đào ao, chở đá xanh từ núi Vân Hoàn về xếp bờ ao, làm thêm mấy bậc tam cấp đá dẫn xuống làm chỗ rửa chân.
Rồi chuyện ông mỗi ngày thắp nhang cạnh tảng đá xanh cạnh bên, hoặc uống trà hay rượu đều rưới lên tảng đá cho thập loại chúng sinh không nơi nương tựa mà hồn còn lẩn khuất đâu đây...
Khui chai rượu mang từ Đức về giỗ bố mời mọi người, ông Nguyễn Hữu Đán lần lượt giới thiệu cho chúng tôi người nhà. Với tay sang bà Hương, ông Đán nhắc kỷ niệm cũ của bố: "Chị Hương giờ đã là giáo viên về hưu. Mà năm xưa bố không xông vào ty giáo dục tìm giấy báo thì không làm giáo viên được ấy".
Câu chuyện lại kéo về thời đói khổ, vợ chồng nhà thơ người thồ đá, người làm bánh bán chui nuôi con. Những người con của ông ngày ấy chỉ học bổ túc, nhưng trí nhớ và sự thông minh cả làng đều biết.
Người con trai cả Nguyễn Hữu Cương sau khi thi đại học biết mình đủ điểm du học Liên Xô, vậy mà chờ hoài không thấy giấy báo nhập học, dù ông Hữu Loan mấy lần đạp xe lên huyện và tỉnh hỏi thăm.
Đời ông Cương từ đó rẽ sang hướng khác, quần quật đủ thứ nghề chân tay cho tới khi con gái vào TP.HCM lập nghiệp rồi theo vào.
Đến lượt bà Hương thi sư phạm cũng gặp cảnh không nhận được giấy báo. Thương con gái và cũng muốn con làm nghề dạy chữ, nhà thơ đạp xe thẳng lên Ty giáo dục Thanh Hóa. Người trên ty bảo về hỏi huyện, huyện bảo hỏi xã, xã lại chỉ cấp trên.
Tức mình, ông xông thẳng vào ty giáo dục, bảo nếu không trả giấy thì không về.
"Bực quá, cụ xông vào lục tung đống giấy tờ tìm. Người phụ trách lúc ấy kêu ông đừng làm rối loạn, hỏng hết việc. Ông bảo: ‘Chính tau đẻ ra cái này’, ý nói ông từng tham gia thành lập chính quyền và làm chức tương đương phó chủ tịch, phụ trách giáo dục. ‘Nếu hôm nay mày không trả, tau đánh mày’", ông Đán kể.
Lần ấy, không những tìm được giấy báo nhập học cho con gái, ông còn tìm được cả giấy báo nhập học cho con trai đầu nhưng đã bị sửa thành Nguyễn Hữu Cường. Những người con cho rằng chính lý do ấy làm ông chán ngán không muốn các con sau học đến nơi đến chốn.
Người con gái thứ ba Nguyễn Thị Hà học hết bổ túc lớp 10, ông cho nghỉ ở nhà lấy chồng. Con trai thứ tư Nguyễn Hữu Vũ học hết lớp 7 cho theo nghề cơ khí, xẻ gỗ và người con gái kế út Nguyễn Thị Chung học hết lớp 9...
Còn ông Đán học xong phổ thông cũng nghỉ mở tiệm hàn ở quê. Đến năm 1991, khi cửa hàng đắt khách, ông quyết chí đi học và đỗ vào ngành kiến trúc ở Hà Nội.
Ông nhớ như in: "Bố bảo tôi thôi đừng đi học nữa, học cũng không đến đâu, học hay làm gì thì cũng kiếm tiền. Có cửa hàng, có nghiệp vụ, có khách hàng, làm kiếm tiền lương thiện rồi. Lên Hà Nội cũng khó khăn, bố mẹ không có điều kiện giúp con được".
Tuy nhiên, đó chỉ là những lo lắng của người cha trước thời cuộc. Khi ông Đán nói rõ sở thích được đi học của mình, ông không can ngăn nữa.
Các con ông nhắc rất nhiều đến sự dạy dỗ của một người bố rất ân tình, nhân nghĩa, luôn quan tâm và thương những thân phận nghèo khổ.
Khi rời báo Văn Nghệ ở Hà Nội về quê trong cảnh túng thiếu, vậy mà Hữu Loan sẵn sàng cho gia đình mượn nhà ông trước đó ở tiếp để thu hoạch hết vụ hoa màu trong vườn nhà.
Phần mình, ông dẫn vợ con sang vùng Nga Điền, Nga Sơn xin cày mấy mẫu ruộng do người vào Nam bỏ hoang.
"Cái nhà tự tay bố tôi làm, lợp cói và cỏ năng. Những đêm mưa dột, cả nhà phải lóp ngóp chen nhau che nước. Có đợt bão về, gió chiều nào phải hùa nhau đứng vịn chống cột ngược lại chiều ấy cho khỏi sập nhà.
Con còn nhỏ, bố phải nằm thế khum lưng chồm che cho con khỏi ướt suốt cả đêm, vậy mà ông thường kêu mẹ dẫn mấy người ăn xin rách rưới, hôi hám, không nơi nương tựa về cho tá túc, ăn uống cùng.
Thiếu thốn, nhà chật còn không đủ chỗ cho con đông vậy mà cảnh mấy người ăn xin chen ăn, chen ngủ trong nhà như một điều tự nhiên" - ông Nguyễn Hữu Vũ kể và cho rằng tình thương người trong mấy người con cứ thế thấm dần theo bố.
Phần mình, nhà thơ rất trực tính, nghiêm nghị, đôi khi đánh con sai quấy. Khi con cái hục hặc với nhau, ông chỉ đánh đứa lớn hơn, vì ông cho rằng đứa lớn thì làm gương được cho đứa nhỏ.
Tuy nhiên, ông cũng là một người cha rất tinh tế, không bao giờ dạy con theo khẩu hiệu mà gần như mọi lúc mọi nơi, từng ngày từng giờ để dạy con, phân giải cho con cái hiểu mọi thứ khúc mắc.
"Đặc biệt thấy làm sai là ông nói ngay, chứ không dạy dỗ theo kiểu hình thức phải thế này, thế nọ. Bố là người rất sát thực và có khả năng nhìn thấu tim mỗi người con. Bố cũng dạy mỗi người mỗi khác, ai có tính xấu, bố sẽ có cách để làm giảm tính xấu đó lại", ông Đán xúc động nhắc về bố.
TTO - Cuối thập niên 1980, trong chuyến đi đầu tiên vào miền Nam sau gần 30 năm "ẩn cư" dưới chân núi Vân Hoàn, Hữu Loan đã viết những câu thơ miêu tả mình: "Tôi là cây gỗ vuông chành chạnh/ suốt đời đã làm thất bại mọi âm mưu đẽo tròn". Ông bảo đó chính là "chân tính" của mình.
Những người từng biết đến nhà thơ đều thừa nhận rằng ông đã đi qua một cuộc đời nhiều biến động, thăng trầm chỉ bằng một lối đi duy nhất là tính cách chính trực.
Trong khuôn viên xưa cạnh đình Vân Hoàn, đến nay vẫn còn ngôi nhà do Hữu Loan làm từ những năm 1980. Căn nhà nhỏ, ngói đã dột nát nhiều chỗ. Bờ tường vá víu xen kẽ mấy mảng gạch và bờ lô cũ kỹ loang lổ, những thanh tre làm rường cột, vì kèo cũng đã mục oằn.
Đó là nơi tá túc trong một thời gian dài của gia đình nhà thơ cùng khách khứa là... người ăn xin không chốn dung thân, và cũng là căn nhà thứ hai do Hữu Loan làm nên.
Trước đó khi mới về lại thôn Vân Hoàn, Hữu Loan đã tự tay dựng nên căn nhà bằng mái cói và cỏ năn bứt ngoài bãi sông, cột kèo tre, xoan đốn hạ trong vườn. Còn vách nhà chỉ là mấy tấm phên đính tạm xung quanh.
Nhà không có cửa, ban đêm cả vợ chồng, con cái, mỗi người ngủ trên một ổ lót bằng rơm hoặc lá chuối khô. Mùa lạnh ai nấy chui vào bao gai, giữa nhà đốt thêm thanh củi lớn để sưởi ấm.
Cũng vì căn nhà tuềnh toàng chẳng giống ai như thế nên có câu chuyện về sau được lan truyền như giai thoại về tính khí của Hữu Loan.
Người con trai Nguyễn Hữu Đán kể: "Vốn là cán bộ về quê nên chính quyền địa phương cho rằng bố đi thồ đá, làm nhà cửa sơ sài như thế là làm xấu mặt chính quyền. Họ kêu lên chất vấn ông sao không làm nhà đàng hoàng mà ở. Ông trả lời thẳng: Tau bận làm người!".
Câu nói "bận làm người" còn được kể nhắc nhiều lần, nhất là khi những vị khách ông không mặn mà "ghé thăm" căn nhà rách nát.
Cám cảnh túng khó, khoảng năm 1990, Hội Văn nghệ Thanh Hóa quyên góp được khoảng 20 triệu đồng có ý in giúp Hữu Loan tập thơ bán lấy tiền hỗ trợ. Nhưng về Vân Hoàn thấy căn nhà quá dột nát, họ chuyển hướng xây nhà cho cụ.
Hội cử người sang gặp lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin thêm 20 triệu đồng, nói để in thơ cho Hữu Loan nhưng thực chất bù tiền làm nhà. Vị phó bí thư tỉnh ủy lúc ấy đã "quyết" những 22 triệu nên ngôi nhà tình nghĩa (nay còn thấy) mới được tiến hành.
Người trực tiếp lo việc này, ông Nguyễn Văn Túy, kể: "Lúc về bàn việc xây nhà, cụ bảo nếu tiền Nhà nước thì cụ không nhận. Chúng tôi phải đấu dịu là tiền do anh em trong hội văn nghệ quý mến góp lại, cụ mới đồng ý".
Ban đầu thi sĩ Mầu tím hoa sim đưa ý tưởng làm nhà giữa ao, trên mấy trụ bêtông rồi bắc cầu sang để trồng sen tỏa hương. Nhưng ông Túy bảo tiền chỉ đủ dựng mấy cái cọc và tấm lát cầu nên ông mới đồng ý theo bản vẽ do một kiến trúc sư chuẩn bị từ trước.
Hồi đó việc xây nhà "quy mô" ở Nga Sơn là cả vấn đề lớn, bởi "vài cọng thép, mấy bao ximăng chở đi ngoài đường cũng phải có giấy phép".
Cũng may nhờ có giấy phép cấp trên và những người thực hiện trong vai cán bộ cấp tỉnh lẫn ý kiến từ trên tác động mà công việc tiến hành thuận tiện. Kể cả việc mở mới lối đi cho xe chở vật liệu ngay sau đình Vân Hoàn.
Nhờ vậy lối vào cố trạch Hữu Loan rộng rãi, thay cho con hẻm vòng vo nhỏ hẹp trước đó.
Chứng kiến nhiều cảnh đói khổ quanh mình, Hữu Loan cho rằng do địa phương làm sai. Và nhà thơ gần như cự tuyệt, không tiếp xúc với một số cán bộ từ khi về "ẩn cư" ở thôn Vân Hoàn.
Ông Nguyễn Hữu Đán giải thích: "Họ lo ngại bố tôi vì nhiều vấn đề lắm, nào mẹ tôi là con địa chủ, cái tính ngang, rồi bỏ việc… Về quê, ông cũng hay phản đối thẳng thừng những chính sách không hợp lý của hợp tác xã như việc bỏ lúa trồng đay mà ông dự báo sẽ làm dân đói".
Mãi tận cuối đời, một số cán bộ đến gặp, Hữu Loan vẫn tỏ thẳng thái độ không thích. Ông Ngô Đăng Khoa, chủ tịch UBND xã Nga Phượng (hợp nhất từ xã Nga Lĩnh và Nga Nhân từ năm 2019), thừa nhận mình là người thôn Vân Hoàn, nhưng bản thân cũng rất khó tiếp xúc được với nhà thơ yêu thích.
Sống với tâm trạng như thế, nhưng mỗi khi ra đường gặp phải chuyện gì bất bình, Hữu Loan cũng sẵn sàng tham gia phân giải.
Về điều này, cháu ngoại của Hữu Loan là Mỵ Quỳnh Lê - giảng viên khoa Khoa học xã hội Đại học Hồng Đức - viết lại trên tạp chí Xứ Thanh tháng 11-2019: "Những đám tranh cãi nhau, đánh nhau không đám nào ông bỏ qua. Đám nào ông cũng can dự với vai trò như một quan tòa.
Hễ thấy ai phải là ông bênh vực bảo vệ, ai trái là ông sẵn sàng "tát sưng mồm" đứa "điêu ngoa", "xảo trá". Có người bị ông tát nhưng chỉ dám ôm miệng hỏi: "Cháu làm gì ông mà ông đánh cháu?". Ông trỏ thẳng mặt: "Tau đứng đây, tau lắng rồi. Mày sai, mày là đứa đểu, tau phải trừng trị những đứa đểu như mày".
Người con trai Nguyễn Hữu Vũ cũng xác nhận: "Ông hay thế lắm, thấy hai đám đánh nhau mà biết bên đúng bị yếu thế thì ông nhảy vào bênh liền. Nhiều lúc cũng bị đánh cho sứt mẻ. Nhưng ông chẳng sợ, về nhà còn lấy chuyện đó làm vui".
TTO - Thơ Hữu Loan đến nay được đăng không nhiều, nhưng chỉ vài tuyệt phẩm tình yêu như Mầu tím hoa sim, Hoa lúa đã đưa ông lên hàng tượng đài thi ca bất tử.
Bao năm qua và rất nhiều năm nữa, nhân gian vẫn thổn thức với:
"Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương tàn lạnh vây quanh"...
Bảo tàng Văn học Việt Nam hôm chúng tôi đến đang đóng cửa tránh dịch, hai hôm sau mới mở cửa. Gian trưng bày nhà thơ Hữu Loan ở tầng năm, nằm cạnh nhà văn Kim Lân và Bùi Hiển; đối diện với nhà thơ Quang Dũng và Hoàng Cầm.
Bức tượng đồng bán thân Hữu Loan rất sống động do người con trai út Nguyễn Hữu Đán chuyển tặng.
Sự gợi nhớ không chỉ ở dòng chữ "Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt", mà còn ở bó hoa sim chen lẫn hoa lúa vắt trên vai mang hồn hai bài thơ Mầu tím hoa sim và Hoa lúa gắn liền hai cuộc tình mà cũng là đỉnh cao sự nghiệp thi ca của nhà thơ...
Phần giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ ghi rõ ông là "hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957". Năm trang bản thảo bài thơ Mầu tím hoa sim thủ bút Hữu Loan viết trên giấy mỏng ố màu thời gian được ghi chú là tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ 3-2012.
Phía trên là bức ảnh đen trắng thi sĩ ngồi trên chiếu cói cùng các bạn văn. Hàng dưới bày các đồ dùng thường nhật của nhà thơ như quạt máy để bàn, radio, phích nước, bộ ấm chén và điếu cày.
Cảm động hơn cả là chiếc xe lăn gắn bên trên là chiếc ghế nhựa trắng cưa chân, một hiện vật gợi nhớ về hình ảnh nhà thơ những năm cuối đời...
Nhà thơ Lê Quang Sinh - phó giám đốc bảo tàng - kể khi nhận nhiệm vụ sưu tầm hiện vật của Hữu Loan, ông gọi về một nhà văn ở Thanh Hóa và thất vọng khi người này bảo "bản thảo mọi thứ bị đốt hết rồi còn đâu nữa".
May là sự thật ngược lại, ông được những người con tạo điều kiện hết mức, sưu tầm được nhiều thủ bút Hữu Loan. Đặc biệt là bản thảo tập thơ Hoa lúa do Hội Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa đã hoàn thành biên tập nhưng chưa in vì dành tiền xây nhà tình nghĩa cho nhà thơ. Hiện vật này được xem độc bản, rất nhiều thủ bút chỉnh sửa vô cùng quý giá.
Cùng "hai ôtô hiện vật" chở về còn có thêm cây trúc trong vườn nhà thơ, hiện đang xanh tốt trong khuôn viên bảo tàng.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm giám đốc bảo tàng, là người mê thơ Hữu Loan từ hồi còn đi học. Ông nhận xét Hữu Loan là một trong những nhà thơ thế hệ kháng Pháp tiêu biểu.
Nhưng khác với nhiều tác giả khác có thể chỉ một bài, Hữu Loan có nhiều bài trên các bút pháp khác nhau, thể hiện sự đa dạng của tâm hồn và cảm xúc...
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đán hẹn gặp chúng tôi tại trụ sở Công ty cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt mà ông làm giám đốc ở Hà Nội.
Ông dẫn chúng tôi lên tầng thượng, nơi dựng ngôi nhà gỗ phong cách xưa làm nhà truyền thống công ty. Trên bàn gỗ ở gian bên có bày bức tượng đồng kèm bài vị sơn thếp cùng một số kỷ vật của người cha Hữu Loan.
Câu chuyện kéo đến giữa khuya khi chúng tôi theo ông về nhà riêng ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, cạnh đại lộ Thăng Long và lên tầng ba thắp hương cho bố mẹ ông trên bàn thờ gỗ sơn thếp rất đẹp.
Trên chiếc tủ gỗ cũ kỹ được giới thiệu của bố và chuyển về từ Vân Hoàn bày một bức tượng nhà thơ cùng nhiều tranh, ảnh và bằng công nhận Giải thưởng Nhà nước...
Ông lục album gia đình, có rất nhiều bức ảnh xưa quý hiếm về người cha Hữu Loan. Đặc biệt bức ảnh chân dung thời trai trẻ vô cùng hiếm hoi (mà về sau nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị chúng tôi chuyển lại cho Bảo tàng Văn học Việt Nam).
Tôi hỏi ngay chiếc bình hoa xưa, ông bảo kỷ vật đó quá đặc biệt, quá sâu nặng đối với bố. Đó chính là "chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh" ngày xưa được bố đặt trên bàn thờ mẹ Ninh ở Vân Hoàn.
Bố qua đời, sợ thất lạc vì nhà xưa không ai ở, ông đã thỉnh về Hà Nội. Và vì nó quá đặc biệt nên ông cất giữ kỹ lưỡng, cẩn thận qua nhiều lần chốt khóa. Bảo tàng Văn học Việt Nam rất muốn có hiện vật này nhưng ông phân vân bởi có ý định lập bảo tàng về bố tại gia đình...
Giữa khuya, điều mong đợi nhất với chúng tôi rồi cũng đến khi ông Đán cẩn thận lấy ra các bản thảo bạc màu thời gian của bố. Thủ bút Mầu tím hoa sim (khóc vợ xấu số là Minh Đức Lê Đỗ Thị Ninh) nằm trong tập vở có in hình hai bé trai và gái vác xẻng lao động đề năm "49".
Đặc biệt, phần cuối bài thơ rất khác với bản lưu hành quen thuộc:
"...Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm...
Màu tím hoa sim tím tình tang lệ rớm
Trong tím màu hoa tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh sứt chỉ dù lâu
Ráng vàng ma
Và kèn rúc điệu quân hành vang vọng chập chờn
Theo bóng những binh đoàn biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh sứt chỉ dù lâu".
Có nhiều bài thơ nổi tiếng khác như Đèo Cả, Tục đèo Cả, Hoa lúa, Quách Xuân Kỳ, Thánh mẫu hài đồng thủ bút nhà thơ, nhiều chỗ sửa chữa, gạch xóa.
Đặc biệt, một tập khá dày dùng chỉ khâu gáy, mục lục trước bìa đề các tác phẩm: Khát vọng hiến dâng, Huyền thoại người trâu ngựa, Ác hoa và nấm độc, Bi khúc địa cầu, Một mảnh hồn quê, Trần trụi 87, Chuyện tôi về.
Một tập trường ca khác ghi trong tập vở kẻ ô li của học sinh đề "hoàn chỉnh" khoanh trong nét mực tròn, ghi các phần: "I: Giải khúc hoàng hôn, II: Cuộc tiễn đưa kỳ lạ, III: Chuyện đi về. Rồi trường ca Trần trụi 87 hành được quay ronéo dài mà ông Đán cho biết do một người quen đánh giúp nên nhiều khả năng không phải độc bản mà có thể có một vài bản.
Qua các bản thảo mới biết Hữu Loan từng sáng tác rất nhiều câu đối, dịch nhiều thơ Pháp và thơ Đường. Đặc biệt hơn cả là nhiều trang viết nội dung đậm chất suy tưởng, tự sự về các học thuyết, triết học, tôn giáo, văn chương nghệ thuật và nhân tình thế thái...
Cầm trên tay những bản thảo với nét bút bay bổng của thi sĩ tài hoa, chúng tôi ai cũng cảm xúc dâng trào.
Lần giở mấy tập thơ, người con trai giới thiệu kỹ lưỡng từng hoàn cảnh và thời điểm sáng tác của bố. Nhiều trong số thơ trên được Hữu Loan viết trong giai đoạn chu du Bắc - Nam cuối thập niên 1980. Nhiều bài viết về các vấn đề thời sự, "chưa đăng và chưa đăng được"…
TTO - Tối 18-3-2010, nhiều hãng tin, báo chí tiếng Việt trong và ngoài nước đều đưa tin thi sĩ Hữu Loan qua đời, tác giả tuyệt phẩm Mầu tím hoa sim đã trải xong đoạn trường 94 năm dạo cõi phù sinh để về miền thi ca vĩnh hằng.
Con cháu cho hay ông minh mẫn đến những phút cuối đời, và ra đi như ngọn đèn dầu đã cạn.
Trong năm cuối đời, ông Mai Văn Lễ, chồng con gái thứ 3 Nguyễn Thị Hà, mỗi ngày thường ba bữa lo cơm cháo chăm sóc bố mẹ vợ. Thời điểm ấy, vợ chồng ông mở hàng ăn ở thôn 2, xã Nga Nhân (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), cách nhà bố mẹ hơn cây số.
Mỗi sáng, bà Hà đi chợ mua con cá ngon hay con cua gạch về, ông đem đến nấu mời bố mẹ. Mỗi bữa, ông Lễ múc cháo lươn, bữa cháo thịt bò băm nhỏ hoặc bò băm cùng lươn xé nhỏ trộn đều vào cháo. Người bố vợ cũng rất thích món cháo nấu bằng dây chằng gan lợn băm nhỏ, hầm với nước xương lươn.
"Bố thường băn khoăn ‘Được ăn sướng thế này, bố vẫn cứ thương những người khổ'. Tôi bảo 'Bố ạ, giờ người bình thường ăn sướng hơn rồi'. Bố bảo 'Thật à? Bố vẫn cứ thương người đói thôi', ông cứ nghĩ về người khác như thế", ông Lễ chia sẻ.
Đang ngồi bán trái cây ở chợ Nga Phượng, con gái thứ 3 Nguyễn Thị Hà nói sau 10 năm xa biệt nhưng hình ảnh người bố, nhất là những nụ cười hiền từ, tinh anh cứ hằn in trong tâm trí.
Bà rỉ rả: "Những lần cuối, bố cứ nhắc tôi ‘Bố chỉ hơi lăn tăn là không có gì để lại cho các con, bởi bố nghèo’. Tôi trả lời ‘Chúng con không phàn nàn về những cái đó. Bố cho chúng con bộ óc thông minh để làm ăn với mọi người, chúng con mãn nguyện lắm rồi’. ‘Con cũng nghĩ như thế à!’", bố nói rồi cười.
Bị thấp khớp do tuổi già, từ năm 2009, Hữu Loan bắt đầu yếu dần. Ông thường nằm trên chiếc giường trong căn phòng nhỏ, cửa sổ hướng ra ao cá, phía bên kia là ngôi nhà cũ tự tay dựng nên.
"Lúc bấy giờ, mỗi thứ bảy, chủ nhật tôi đều tranh thủ chở vợ con từ Hà Nội về chơi với bố mẹ. Lúc ấy, tôi cũng cảm giác bố đã rất yếu. Bố nằm lâu, tôi còn mua cái nệm nước về cho đỡ xót lưng", người con trai Nguyễn Hữu Đán kể lại.
Bệnh già dần làm giọng ông yếu đi, không tự trở mình ngồi dậy được, nhưng ông vẫn biết mọi sự xung quanh.
Cuối năm 2009, con cháu nhà thơ vẫn nhớ chuyến thăm đặc biệt của ông Nguyễn Quốc Triệu, lúc ấy là bộ trưởng Bộ Y tế.
"Ông Triệu cho biết mình đã yêu bài Mầu tím hoa sim từ ngày còn sinh viên trường y, và bài thơ đi theo suốt thời gian ông vào chiến đấu tại chiến trường ác liệt nhất hồi đó, Quảng Trị. Một chuyến công tác tại Hòa Bình, ông Triệu nghe người ta mở bài hát Mầu tím hoa sim và nhớ ra năm 2009 là tròn 60 năm bài thơ ra đời, nên đã về Thanh Hóa thăm tác giả bài thơ", ông Đán kể.
Sự minh mẫn thể hiện rõ khi nằm trên giường, Hữu Loan vẫn cười vui khi nghe người đến thăm ngâm thơ. Đến đoạn "gió sớm thu về dờn dợn nước sông", thi sĩ đang mắt lim dim bỗng mở sáng: "rờn rợn chứ không phải dờn dợn".
Cũng trong những ngày cuối, người cháu Nguyễn Hữu Dũng hay tin chú yếu, đóng vội cửa chùa ghé sang thăm: "Khi tôi vào nhà, thấy vài người vây quanh, tôi kêu ‘Chú ơi, cháu bận quá, giờ mới đến thăm chú được’. Thấy tôi, ông còn bảo một người con: ‘Lấy cái gói bánh quy vừng (vốn là loại bánh ông biết tôi rất thích) cho Dũng ăn’. Trước khi ra đi chú vẫn minh mẫn lắm".
Dường như chính nhà thơ cũng cảm nhận được sự ra đi của mình. Người con trai Nguyễn Hữu Vũ kể: "Những ngày gần cuối đời, bố tôi thường xuyên bảo: ‘Tau thấy mẹ tau về’. Kiểu như bố cảm nhận bà nội tôi về rủ ông đi. Thấy chúng tôi thắp nhang lên bàn thờ mẹ Ninh (‘nàng thơ’ Mầu tím hoa sim), ông cũng dặn nhớ cúng giỗ bà to vào".
Giờ phút nhà thơ Mầu tím hoa sim chia lìa cuộc thế có người con dâu trưởng ở thôn kế bên sang chăm sóc cho bố mẹ chồng.
Bà Nguyễn Thị Hương, con gái Hữu Loan ở cách đó chừng 10 cây số, kể lại: "Lúc đó, khoảng 6h tối, chị dâu tôi mang cháo lên cho cụ thì cụ bảo: "Để bố nghỉ tí đã, bố còn hơi mệt, lát bố ăn". Chị dâu tôi quay ra lo cơm nước cho mẹ, lúc vào lại thì đã thấy cụ nằm yên. Bóp tay cho cụ thì mới hay cụ đã đi rồi. Mẹ tôi báo, tôi chạy sang, lúc ấy khoảng 7h hơn".
Nhà thơ Hữu Loan ra đi. Những ngày ấy chật kín người về đưa tiễn, phúng viếng. Những người ở vùng Nga Sơn, Thanh Hóa vẫn cho đó là đám tang lớn nhất từ trước đến nay.
"Sân đình Vân Hoàn lúc ấy không còn chỗ đậu xe. Vòng hoa không biết bao nhiêu mà kể. Đến ngày đi tiễn, người đưa nối dài hơn cả cây số từ sân nhà ra đến tận đất mộ phần", bà Hương kể.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xúc động đọc điếu văn:
"...Ai đã đến với Hữu Loan dù chỉ một lần thì không bao giờ quên... Từ thơ ông và từ con người ông toát lên vẻ đẹp thuần khiết của một thi nhân và ngọn lửa ấm của một nghệ sĩ cách mạng.
Hữu Loan là sở hữu tinh thần hôm qua, hôm nay và mai sau của chúng ta. Những gì mà ông đã để lại sẽ còn mãi mãi với quê hương và đất nước và sẽ được các thế hệ đời sau nhớ mãi.
Nhớ mãi nhà thơ chiến sĩ, nhớ mãi một nghị lực, một tấm gương hiếm có, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để giữ trọn sự cao khiết của hồn thơ. Hình ảnh thi nhân chở đá xây đời từ sự thật đầm đìa mồ hôi đã thành biểu tượng cao lộng...
Từ hồn quê, hôm nay Hữu Loan nhập cùng hồn nước. Gánh nặng của đời thi nghiệp thơ giờ đây ông dồn lên vai tất cả chúng ta...".
Một năm sau, về Vân Hoàn dự giỗ đầu nhà thơ Mầu tím hoa sim, nhà văn lịch sử Hoàng Quốc Hải được nghe lại lời điếu văn mà lòng còn "rờn rợn".
"Giọng nhà thơ Hữu Thỉnh đọc điếu văn cứ vang lên thể hiện sự xúc động. Ai cũng khen bài điếu văn hay, bởi nó toát lên được cái thần thái và cả những quặn thắt đoạn trường trong sự nghiệp của nhà thơ Hữu Loan - một nhân cách, một tài năng, một cá tính độc đáo... Rõ ràng nhà thơ Hữu Loan được tôn vinh về phẩm giá và sự nghiệp", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận