Từ khi hồ Phú Xuân phía thượng nguồn tích nước, dòng sông chảy quanh năm.
Phóng to |
Minh họa: Đức Trí |
Sông dài hơn 5 cây số, mùa mưa được tiếp nước từ suối Mây, suối Tía, suối Trầu, suối Bà Sào và suối Ré. Tuy ngắn nhưng dòng sông có nhiều bến: bến Ông Bắn, bến Đồng Thành, bến Ông Rằng, bến Núi Một, bến Ông Thanh Bộ Hào. Nhà em gần bến Đồng Thành, phía trên bến Ông Rằng, mỗi bến gắn với tuổi thơ em nhiều kỷ niệm.
Ba mất những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, lúc em mới 7 tuổi. Thân hình má nhỏ thó lại một mình nuôi năm con nhỏ, làm việc vất vả riết rồi kiệt sức ốm như “cây chuối đẹt”. Xoay xở lo cho con một ngày ăn hai bữa cơm trưa, chiều là mừng rồi đừng nói chi ăn buổi sáng (buổi sáng bụng đói dài dài).
Má làm lụng cật lực quanh năm vậy mà không dư dả một đồng nào. Có ngày má đi nhổ cỏ mướn ngoài soi, đường xa nên ở lại luôn trưa, chị Ba nấu nồi cơm chín dọn ra nhưng trong bếp không còn thức ăn, vừa lúc đó cậu Mười ở xa về thấy vậy xách lưới ra bến Đồng Thành thả cá, thoáng chốc đem cá về đựng đầy rổ tre. Cá nhiều ăn không hết rộng trong lu, mỗi bữa ăn bắt vô nấu canh chua, lá dang có sẵn sau hè.
Hồi đó cả xóm chỉ có nhà ông Năm Vụt sắm được máy cassette. Tối, năm anh em dắt díu đi nghe cải lương. Chủ nhà tốt bụng ngả cái nong tre ra giữa sân, mấy đứa nhỏ cùng nằm duỗi chân, máy cassette để trên đầu mở mấy tuồng cải lương: Tâm sự loài chim biển, Máu nhuộm sân chùa, nghe “mùi tai” ngủ quên. Sáng thả bò đi ăn, bụng đói cồn cào đi dọc bờ sông hái trái cơm rượu ăn, cơm rượu chín đỏ cây, không có hột cơm sáng lót bụng, ăn nhiều trái cơm rượu say đi nghiêng ngả.
Rồi đến thời tivi trắng đen xài điện bằng bình ăcquy, tối đến trẻ con tập trung xem đông nghịt, có đứa thượng lên bao lúa, còn em đứng thò đầu bên cửa sổ xem không chớp mắt. Tối đó mưa to, nước sông Trà Bương nhảy vào đồng ruộng tràn vào nhà, một mình má dọn lụt không kịp, bồ lúa cũ chưa kịp ăn nước lũ tràn vào đổ xuống nền nhà; mấy cái xoong, nồi má rửa để ngoài giàn cho ráo nước, chưa kịp đem vô nước lũ cuốn trôi sạch. Khuya về thấy má một mình lui hui cầm đèn dầu hốt lúa ướt mà nước mắt chảy dài. Năm anh em khóc theo. Má bảo năm nay chắc đói to rồi con ơi!
Bước sang học cấp II, trường học xa nhà, em qua ở nhà dì dượng bên này sông ăn học, nhà còn lại anh Hai, chị Ba, anh Bốn và đứa em gái út. Cũng từ đó em làm con nuôi dì dượng, lâu lâu nhớ nhà em đi ngược dòng sông Trà Bương qua bến Ông Rằng về thăm. Lần đầu tiên em về thấy anh Hai biết theo cậu Mười ra sông thả cá, vậy là em mừng. Mừng vì hôm nào hết thức ăn, cậu Mười không về, anh Hai biết thả lưới bắt cá cho cả nhà ăn. Nỗi mừng vui làm cho em rơi nước mắt!
Cuối năm học cấp II, một trận lũ lớn ập về, nước từ các con suối đổ ra sông ầm ào, nhìn dòng sông nước dâng cao, em đoán nhà má chắc ngập lụt, hối hả chạy về dọn lụt cho má. Em chạy ngược dòng sông, từ bến Ông Thanh Bộ Hào qua bao nhiêu bến, rồi đến bến Ông Bắn nước sông vẫn lênh láng, chảy xiết. Hai bên bờ sông chỉ còn ló mấy đọt tre, không một phương tiện ghe, sõng (xuồng nhỏ) nào bơi qua được. Lũ rút em về, má nghẹn ngào nói nhỏ: “Mới mua tivi về chưa coi được tuồng cải lương nào, nước lũ ngâm hư rồi con ơi!”.
Những năm học sư phạm xa nhà, hình ảnh con sông trong mắt em luôn hiển hiện. Từ ngày hồ chứa nước Phú Xuân chặn dòng, sông Trà Bương không gây ra lũ lớn, nhà má không “thuộc diện” ngập lụt nữa.
Bây giờ em dạy học tại một ngôi trường ở phía thượng nguồn dòng sông cách nhà gần 5 cây số. Nhà ở cuối sông, hằng ngày em đi trên con đường chạy dọc theo suốt chiều dài dòng sông đến trường. Dòng sông ngắn nhưng những kỷ niệm con sông Trà Bương lặng lẽ, chảy dài trong tâm hồn em mải miết.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận