​Đi nhẹ, nói khẽ... cho lành

HOÀNG XUÂN 21/05/2015 01:05 GMT+7

Trong xã hội đó lòng tốt không được vun bồi mà còn ngược lại. Ai cũng thích ở gần người tốt vì được lợi, nhưng chả ai dại gì làm người tốt để bị thiệt.

Tôi nhớ lần đầu tiên đọc được câu “Đi nhẹ, nói khẽ” là trên những tờ giấy dán ở các đầu cầu thang trong trụ sở Bộ Tư pháp cũ, lúc còn ở đường Cát Linh (Hà Nội). Trụ sở cũ phòng làm việc nằm hai bên hành lang, nên nếu có đông người đi xuống cầu thang vào giờ nghỉ mà không khẽ khàng thì các phòng đó lãnh đủ sự ồn ào.

Rồi tôi nghe người ta nói với nhau câu đó mọc lúc mọi nơi, thêm vào hai chữ nữa thành “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” như một phương châm hành xử bất di bất dịch, với ý nghĩa ngược hẳn với lời khuyên tích cực ban đầu, là cụm từ trái nghĩa với “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”.

Đến bây giờ thì “đi nhẹ, nói khẽ” đã phát triển lên mức cao hơn, thành phương châm “sống cho lành”. Bưng tai bịt mắt, nuốt vào bụng những điều cần nói thực to, tận tâm tận lực làm những điều không muốn làm cho những người mình không thích, chỉ mong “sống cho lành”, hi vọng không ai động đến mình, mãi mãi được yên thân.

Xưa Chế Lan Viên tự mỉa mai: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Bây giờ, ngủ trên giường king size chúng ta vẫn cố gắng buộc mình chỉ được mơ những giấc mơ con con như thế. Ai tự đè nát cuộc đời mình nếu không phải chính chúng ta?

Sống công chính không bao giờ là dễ, vì luôn phải đấu tranh với không ít bản năng vị kỷ của chính mình. Nhưng trong một xã hội bình thường thì công chính phải là một thang điểm rõ ràng mà đại đa số công dân đều đạt được điểm 5 trên thang điểm 10. Còn trong xã hội mà ai ai cũng tự nhủ phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” “cho lành” thì rõ ràng rất cần phải đặt câu hỏi vì sao?

Tôi nghĩ đó là vì có khoảng cách quá lớn giữa giáo dục trong nhà trường, báo chí, phim ảnh với thực tế cuộc sống.

Sách vở dạy những điều quá lý tưởng, người tốt luôn được tôn vinh, luôn là người thắng cuộc. Nhưng chỉ bước qua cổng trường và cửa nhà, xã hội đã hừng hực chứng minh trong nhiều trường hợp phần thắng không thuộc về người tốt mà thuộc về kẻ mạnh! Mạnh không phải vì có lẽ phải mà mạnh vì gạo, vì có ô dù chống lưng.

Trong xã hội đó lòng tốt không được vun bồi mà còn ngược lại. Ai cũng thích ở gần người tốt vì được lợi, nhưng chả ai dại gì làm người tốt để bị thiệt.

Đó cũng là vì người dân không tin mình có cơ hội được bảo vệ ngang bằng với những người giàu hoặc có thế lực. Họ cho rằng tốt nhất phải tự bảo vệ lấy chính mình. Mà muốn thế, chỉ nên tập trung vào miếng cơm manh áo và cái tổ ấm nho nhỏ. Những điều tốt đẹp mạnh mẽ thì cứ ngưỡng vọng xa xa thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận