Đào bom giữa phố

PHƯƠNG NGUYÊN - HỒ VĂN 18/04/2004 01:04 GMT+7

TTCN - Những vụ nổ bom, đạn liên tục từ đầu năm đến nay, nhất là những ngày đầu tháng tư này, làm nhiều người chết và bị thương dường như không làm người dân xóm Lưới, Bình Thủy (Cần Thơ) nao núng.


Đạn cối 81mm vừa được dân đào phế liệu đưa lên khỏi mặt đất

Họ kéo cả xóm vào khu vực kho bom 301 đào bom, đạn về bán, những lúc cao điểm gần như nhà nào cũng chứa vật liệu gây nổ trong nhà. Chết chóc, tang thương luôn chực chờ bao trùm lên “xóm liều” này…

Cả xóm đi đào… bom

“Nói cả xóm thì hơi quá đáng nhưng cũng có đến 80 - 90% dân trong xóm Lưới đi nhặt phế liệu ở kho bom. Già trẻ lớn bé gì cũng đi hết. Có lúc đi tới vắng xóm luôn, chỉ có những ông cụ, bà lão đi không được mới ở lại nhà” - anh Lê Tùng Phương, một dân đi đào phế liệu, cho biết. Có cái gì mà họ kéo nhau đi dữ vậy? 

“Thì sắt vụn, iti, đầu đạn, vỏ bom… Nói chung cái gì bán được là lượm hết. Bữa nào trúng mánh được trên trăm ngàn đồng, bữa nào ít thì vài ba chục. Vẫn khỏe hơn làm thuê, làm mướn”. Không sợ lượm nhằm đầu đạn, bom mìn à? “Cái nào thấy có khả năng nổ thì không lấy, cái nào nhắm không còn nổ thì mang về đập lấy sắt vụn. Mà dân lượm ở đây cái gì cũng lấy vì đã có người thu mua cả đầu đạn chưa nổ” - anh Phương tỉnh rụi! 

Anh Huỳnh Văn Hải - trưởng khu vực 1 (xóm Lưới) - cũng thừa nhận có ngần ấy số người trong xóm đi đào phế liệu ở kho bom. Trong khoảng trên 500 hộ thì có đến 70-80% hộ có người đi đào, phần lớn họ rất nghèo. 

Anh Hải cho biết: “Có lúc xóm này vắng hoe đến lạ thường, dân lao động đi hết, đến tối lại về đông vui rôm rả. Sáng họ đi với cây cuốc trên tay, chiều về quẩy thêm một hai bao tải trên vai. Trong bao toàn là sắt vụn gỉ sét, nhưng nhiều lúc có cả đầu đạn cối 81, 105, 106mm và nhiều loại kíp nổ, bom, mìn. Nguy hiểm quá”.  

Bom, đạn, vật liệu nổ càng ngày chở về xóm càng nhiều. Nhiều nhà chất đầu đạn thành đống cao ngất. Họ đổ ra trước sân hoặc trong hiên nhà mà đập, đục đẽo lấy sắt vụn. Nhiều trường hợp bị nổ chết người, bị cụt tay, tét mặt… vậy mà họ không sợ.

 “Như thằng Tâm con nuôi ông Tới bị nổ tét mặt phải đi nhà thương khâu vá nhưng hai ba hôm sau lại thấy ra kho bom đào tiếp. Hôm trước công an lại nhà bắt một đống đầu đạn thì hôm sau nó lại lôi về thêm năm cái đầu đạn 105mm, ai nấy cũng hết hồn. Còn ông già nuôi của nó cũng vậy, công an tới khuyên ngăn thì ổng lấy hai trái lựu đạn ra hù dọa”- anh Hải dẫn chứng. 

Một cư dân xóm Lưới vừa phát hiện một đầu đạn 105mm

Nhiều lúc xóm Lưới này như một kho bom mini tồn tại giữa lòng thành phố vì nhà nhà chứa bom đạn, người người đi đào bom đạn. Nguy cơ nổ dẫn đến thương vong có thể xảy đến bất cứ lúc nào. 

Thấy mối nguy hiểm rình rập đó, chính quyền đã đến khuyên bảo người dân, bắt thực hiện cam kết không lượm vật liệu nổ như bom, đầu đạn, mìn, kíp nổ… đem về nữa nhưng người dân không nghe. Hôm trước họ ừ ừ hử hử thì hôm sau lại đi đào tiếp. Bắt, thu gom đầu đạn hôm nay thì hôm sau họ lại đào đem về cái khác và đều đặn ngày này sang ngày nọ. Công an làm gắt quá thì họ không chứa trong nhà nữa mà quăng xuống sông cạnh nhà, khi công an đi khỏi thì lôi lên… cưa tiếp. 

Mới hồi đầu tháng tư này, một ông bán kẹo kéo ở Bình Thủy đã chết vì cưa đầu đạn. Thấy bán kẹo kéo không lời bằng cưa đầu đạn nên ông quyết định chuyển nghề. Không biết mua lại hay lượm ở đâu được một đầu đạn ông liền cưa để lấy sắt vụn nhưng không ngờ đầu đạn nổ, ông chết liền tại chỗ.

Sau đó cũng có bốn thanh niên cưa đầu đạn và kết cục cả bốn phải vào bệnh viện cấp cứu. Bắt hoài mà họ không ngán nên lực lượng công an, quân sự cũng ngán tay vì bom, đạn thu hồi được chứa trong trụ sở cao như núi, nguy hiểm luôn chực chờ. 

Cày xới kho bom

Kho bom 301 nằm trên đường Lê Hồng Phong thuộc quận Bình Thủy. Rộng 150ha, đã được Quân khu 9 giao lại cho một đơn vị dân sự thi công san lấp mặt bằng để xây dựng khu dân cư, thương mại và trụ sở quận. Chúng tôi theo chân những người đào phế liệu tiến vào với sự cẩn trọng vì sợ giẫm phải bom, đạn. Phía gần lộ các đơn vị đang thi công đổ cát nền, sâu vào bên trong thì đất cát bề bộn; hố sâu, đồi cát chi chít làm chúng tôi không biết đường đâu mà lần. Đây đó cờ đỏ cắm dày đặc. 

Một người đào phế liệu cho biết đó là dấu hiệu mà lực lượng công binh “điểm” có bom, đạn hoặc khu vực chưa được rà phá. “Thấy cờ đỏ thì tốt nhất tránh xa, những khu vực đó nguy hiểm lắm, có thể là bị nổ hoặc bị nhiễm chất độc hóa học” - anh Tùng Phương, một dân đào phê liệu nơi đây, nói vậy. Sau đó anh tình nguyện dẫn chúng tôi đi sâu vào trong, đến những chỗ mà dân đào phế liệu đang tập trung nhiều.

Đến một khu vực có dốc cao thoai thoải, chúng tôi thấy một nhóm sáu người đang ngồi bệt xuống đất nhai vội vài bụm cơm, uống một ít nước rồi đào tiếp. Leo lên đỉnh dốc nhìn vào bên trong là một lòng chảo, đất cát bị xới tung, lỗ chỗ. Anh Phương nói: “Khu vực này nhiều người đào quá nên mới như thế”. 

Một dân đào phế liệu đang "đào hang" sâu trong lòng đất 7-8m

Ấn tượng nhất với chúng tôi là một cái hố ăn sâu vào lòng đất chừng 7-8m. Bên trong cái hố ấy có một người đang hì hục đào, lượm vỏ iti bỏ vào bao. Thấy chúng tôi thì anh này bỏ chạy, nhưng sau đó biêt không phải là lực lượng bảo vệ nên anh chui xuống đào tiếp. 

Theo anh Phương, cũng chính những cái hố đào sâu như thế này mà mấy ngày trước hai vợ chồng anh Lý Thanh Tuấn bị đất sụp chôn sống trong lòng đất hơn nửa giờ, sau đó được cứu thoát, nhưng người vợ đang mang thai bốn tháng bị gãy hết hai chân.

Kế bên cái hố sâu thẳm kia là một nhóm khác đang hì hục đào một vạt đất, trong đó có cả đàn bà, con gái, trẻ con… Thỉnh thoảng họ lại reo lên “được một trái đạn nè”, sau đó họ cầm chọi “phịch” xuống đất làm chúng tôi hết hồn. Tại khu vực này chúng tôi để ý thấy nhiều cờ đỏ và cả một cái bảng to đề chữ “có chất độc, cấm vào” nhưng dân đào phế liệu cứ vô tư. Họ còn mạnh miệng: “Họ cắm để chúng tôi khỏi vào giành sắt vụn với họ thôi” (chỉ những người rà phá bom, mìn).

Đứng trên dốc cao này nhìn ra bốn phía đâu đâu cũng thấy dân đào phế liệu. Mặc dù chúng tôi đếm thử có đến cả trăm người nhưng anh Phương cho biết như vậy còn ít, những lúc đông có đến 400 - 500 người, không chỉ dân xóm Lưới mà dân từ các nơi như Vĩnh Long, An Giang cũng đổ về.

Trên đường đi, chúng tôi thấy một nhóm ba người đang hì hục bợ một đầu đạn 105mm từ dưới ruộng lên. Nhìn thấy chúng tôi họ lại bỏ vội xuống và… cười hì hì. Cách đó không xa, một thanh niên cũng vừa tìm được một đầu đạn tương tự. Người thanh niên này nói nếu đục lấy hết thuốc ra bán sắt vụn cũng được vài chục ngàn đồng. Vài chục ngàn đồng mà chấp nhận đổi cả mạng sống của mình thì thật quá đắt.

Trẻ con cũng đi đào bom đạn

Tiếp xúc với chúng tôi, một người lính đang làm nhiệm vụ rà phá, bóc dỡ bom mìn trong khu vực này cho biết: “Họ không chỉ đến đào lén lút mà còn trộm cả những đầu đạn chúng tôi vừa đưa lên khỏi mặt đất. Mới đây, nhân lúc anh em đi ăn cơm trưa họ đã đến trộm hết vài trái đạn cối. 

Chính vì vậy mà một vụ nổ vừa xảy ra ngày 8-4 trong khu vực này làm một người chết và hàng chục người khác bị thương cũng vì đập đầu đạn để lấy sắt vụn đem bán”. Dân vào đào phế liệu đông, lực lượng bảo vệ mỏng trong khi khu vực này quá rộng lớn. Đuổi bắt thì họ chạy, sau đó đâu lại vào đấy, thậm chí dân đào phế liệu còn dùng đạn cối đào được hù lại lực lượng bảo vệ.

 “Phạt hành chính thì họ không có tiền, còn xử lý hình sự cũng không ổn vì cả xóm đi đào tìm phế liệu. Còn giáo dục thì họ không nghe, họ bất chấp cả tính mạng vì cân tiền mua gạo. Chính quyền địa phương phải có những biện pháp hạn chế người dân ra vào khu vực kho bom mới phần nào giải quyết được vấn đề”, anh Huỳnh Văn Hải nói.

Anh Dương Đinh Bình, chánh văn phòng UBND quận Bình Thủy, cho biết từ khi khu vực kho bom 301 được giao cho một đơn vị dân sự thi công thì tình hình an ninh khu vực bất ổn. “Do sơ hở trong quản lý nên người dân đã đưa vật liệu nổ phát tán ra ngoài quá nhiều và có khả năng lan rộng ra trên những địa bàn khác trong thời gian tới”. 

Trong thời gian gần đây đã có tám vụ nổ xảy ra do người dân, cơ sở thu mua phế liệu đục đẽo đầu đạn gây nên làm chết hai người, bị thương nặng chín người và bị thương nhẹ năm người. Một số trường hợp học sinh đào được chất hóa học đã đem vào trường làm phụ huynh và thây cô lo lắng!

Nếu không có những biện pháp cấp thời từ phía chính quyền, kể cả việc hỗ trợ, đào tạo việc làm cho dân nghèo xóm Lưới thì nguy cơ “kho bom xóm Lưới” nổ là không xa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận