Cuộc đời không chỉ có Quiz Show

(TRÍCH CHƠI QUIZ SHOW) 15/01/2011 12:01 GMT+7

TTCT - Nếu bạn muốn có thêm một phác họa về giới trẻ Hàn Quốc bên ngoài những bộ phim truyền hình nhiều tập câu khách và hào nhoáng, bên ngoài những nhóm nhạc trẻ K-pop hoàn hảo từng chi tiết đến trở nên máy móc, thì Chơi Quiz show (*) là quyển sách giúp bạn điều đó.

Phóng to

Tiểu thuyết do nhà văn Kim Young Ha, sinh năm 1968, người thuộc “thế hệ Wikipedia” viết nên. Câu chuyện bắt đầu bằng hai nỗi bất hạnh rơi cùng lúc xuống đời nhân vật chính Min Su, chàng trai 27 tuổi vừa tốt nghiệp cao học nhưng thất nghiệp. Từ nhỏ Min Su sống với bà, người anh từng gọi là mẹ, nhưng rồi anh phát hiện bà không phải là mẹ và thật ra bà cũng không cho biết cha mẹ anh là ai. Min Su tự hiểu mình là con hoang.

Ngày bà mất, anh cũng chia tay luôn với cô bạn gái, cũng là một thành viên của thế hệ online sau khi cô chỉ gửi anh vài lần dòng nhắn tin sau qua... điện thoại: “Bác mất rồi à? Ôi, buồn quá, hic hic...” mà Min Su cũng không biết là cô nói thật lòng hay đùa! Bà Min Su vốn là diễn viên điện ảnh, tuy không nổi tiếng nhưng lại chuộng cuộc sống xa hoa.

Việc không muốn cháu trai bận tâm về chuyện họ đang sống bằng cách nào đã khiến Min Su từ thế giới mạng rơi thẳng vào thế giới thật khi bà qua đời: ngôi nhà vườn khang trang của hai bà cháu rơi vào tay chủ nợ mà bà đã thế chấp để lấy tiền chu cấp cho cuộc sống dư dật của họ. Từ cuộc sống vô lo, Min Su bị đá thẳng ra đường, không nghề nghiệp, không thừa kế, không vốn liếng...

“Hình như có một kiểu mệt mỏi đối với sự kỳ vọng quá mức. Từ nhỏ chúng ta đã nhận quá nhiều sự kỳ vọng mà. Cha mẹ, thầy cô, quảng cáo, chính trị gia... thúc giục chúng ta “hãy làm theo những gì bạn nghĩ”, hãy giữ lấy những gì bạn muốn.

Chơi đàn piano giỏi một tí là bảo hãy theo ngành nhạc, viết văn giỏi một tí là bảo hãy thành nhà văn, tiếng Anh giỏi một tí là bảo hãy thành nhà ngoại giao... Lúc nào cả thế giới cũng quay tròn như vòng ngựa gỗ vừa hỏi không ngừng. Thứ ngươi muốn là gì gì cũng được, chỉ cần giỏi một thứ là được. Nhưng giỏi “một cái” đó có phải là việc dễ đâu! Cuối cùng thì chỉ khiến mọi người thất vọng, và đến một lúc nào đó trở thành những con người không muốn bất cứ thứ gì...”.

Nhờ có người ông kinh doanh sách, từ nhỏ Min Su đã đọc khá nhiều và tự chơi hỏi đáp với chính mình bằng kiến thức từ sách. Lớn lên, cậu tham gia những trò Quiz show (một kiểu trò chơi hỏi đáp về kiến thức ở mọi lĩnh vực) với một nhóm chat trên mạng, rồi vì quá túng bấn, cậu chơi Quiz show trên truyền hình hầu mong kiếm giải. Chính Quiz show truyền hình ấy đã đưa Min Su tới Quiz show lớn nhất cho tới khi ấy của cuộc đời mình.

Cũng “ảo” như thế giới ảo, Min Su lạc vào một “công ty” kỳ lạ chuyên nuôi các đấu thủ Quiz show. Để vào được “công ty” kỳ lạ đó, ngoài năng lực tri thức, người ta dường như phải để lại thể xác bên ngoài, được bí mật “back - up” lại tinh thần để tham gia những cuộc đấu trí chỉ của các bộ não.

Các đấu thủ như những chú ngựa đua, sẽ được thưởng cao nếu về đích trước và sẽ bị bêu riếu nếu rơi khỏi võ đài bởi những người cá cược quá khích, cuồng nộ...

Nhưng cuốn sách không chỉ kể về những câu đố hóc búa mà con người phải giải quyết trong cuộc sống. Giữa những chìm đắm miên man của các nhân vật trong thế giới mạng, người ta nhận ra những phác họa về thế hệ trẻ Hàn Quốc. Những ai từng xem bộ phim hành động do Bi Rain đóng The fugutive plan B sẽ giải tỏa phần nào thắc mắc khi các nhân vật trẻ trong phim ngay cả ở những phút cao trào hiểm hóc cũng không ngừng trích dẫn... thần thoại Hi Lạp.

Là bởi thuộc “thế hệ Wikipedia”, họ là những người “ẩn mình trong những vỏ bọc của tri thức”. Hãy nghe họ tự nói về mình: “Chúng tôi sinh ra vào thập niên 80, làm bạn với tivi màu và bóng chày chuyên nghiệp, đến trường vào thập niên 90 thịnh vượng. Thời đại học từng tham gia các khóa học tiếng tại nước ngoài hay đi du lịch balô, đã chứng kiến đội bóng Hàn Quốc vào tứ kết World Cup 2002. Là thế hệ đầu tiên không thấy nhỏ bé trước người nước ngoài, là thế hệ đầu tiên có thể thấy gương mặt diễn viên nước mình trên bảng quảng cáo của nước khác.

Lớn lên như công dân toàn cầu, nhận được sự giáo dục đa dạng hơn bất kỳ thế hệ nào trong lịch sử và tinh tế về mặt văn hóa...Nói một cách ngắn gọn: Chúng tôi sinh ra trong một đất nước lạc hậu, lớn lên trong một đất nước đang trên đường phát triển và đến trường đại học trong một đất nước phát triển”. Nhưng những người trẻ không vì được dọn cỗ sẵn này mà thiếu sự tự vấn, như tâm sự của cô gái có nick “Tiên nữ trong tường” - người từng học cấp ba trong một trường tư thục rất tốt ở miền đông Mỹ nhưng tối nào trong ký túc xá cô cũng khóc. Là bởi cô học trong trường “toàn là con cái của những gia đình thượng lưu giàu có nên những trò nhà quê như phân biệt chủng tộc bọn chúng không màng.

Trái lại, bọn chúng còn là “bậc thầy” về sự quan tâm. Đúng là lúc nào cũng quan tâm. Cha mẹ mày ở Hàn Quốc nên chắc mày chưa biết rõ tình hình ở đây, hồi cấp một chắc mày không được học cái này, lúc nào họ cũng quan tâm một cách ấm áp như thế. Nhưng nghĩ kỹ lại thì đó là một sự loại trừ tinh vi”...

à thế hệ trẻ tưởng rất hạnh phúc này lại không thiếu những quan tâm rất nhân sinh, cho dù bằng con mắt thời @ tươi mới của họ: “Nếu Ana Karenina có điện thoại di động trong tay thì nàng có nhảy vào đoàn tàu đang chạy đến không? Nếu Vronsky đã có thể gửi tin nhắn cho nàng thì nàng đã không tự vẫn và sự hiểu lầm cũng dễ dàng hóa giải. Nhưng thời đó làm gì có điện thoại... Vì là thời đại như thế nên các mối tình đều thê lương...

Thời đại của chúng ta có điện thoại di động, tin nhắn, email, blog và GPS... nên bây giờ gần như không có lý do bào chữa cho sự mất liên lạc nữa... Bỗng nhiên tôi hiểu ra lý do tại sao dạo này trên tivi lại chiếu nhiều phim lịch sử như vậy. Chắc việc viết kịch bản phim hiện đại ngày càng khó hơn viết kịch bản phim lịch sử”. Người đọc có thể tìm thấy những đoạn ngẫm nghĩ thú vị này khắp truyện, tạo nên phong cách thông thái một cách trẻ trung của Kim Young Ha.

Khác với giới trẻ Nga trong Vô hồn hay giới trẻ Mỹ trong Như không hề có (**), những trăn trở của giới trẻ Hàn trong Chơi Quiz show ít bi quan hơn. Có lẽ họ hiểu, như Min Su, sau những Quiz show, rằng “không có chỗ để con người chạy trốn trên thế gian này”.

__________

(*): Chơi Quiz show, Kim Young Ha, Việt Hiền dịch, Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 1-2011.
(**): Vô hồn, tiểu thuyết của nhà văn Nga Sergey Minaev; Như không hề có, tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Bret Easton Ellis.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận