Chạm đến những điều ẩn khuất

HỒ ANH THÁI 26/05/2008 20:05 GMT+7

TTCT - Đầu những năm 1990, khi các liên hoan phim quốc tế ở châu Âu phát hiện ra tầm vóc của nền điện ảnh Iran, Trung Quốc thì trên báo chí của ta, Việt Linh là người viết bài sớm về những nền điện ảnh này.

Phóng to
TTCT - Đầu những năm 1990, khi các liên hoan phim quốc tế ở châu Âu phát hiện ra tầm vóc của nền điện ảnh Iran, Trung Quốc thì trên báo chí của ta, Việt Linh là người viết bài sớm về những nền điện ảnh này.

Khoảng những năm ấy, tôi đến Iran công tác nhiều lần. Một mình đi tiền trạm, làm việc với Bộ Ngoại giao bạn, chuẩn bị cho việc đón đoàn cấp cao của ta sang thăm Iran. Ngày ấy Iran đang ở thời kỳ hậu cách mạng Hồi giáo, đang chuyển động dần dần, chưa cải cách như sau này. Đường phố tràn ngập sắc áo choàng đen Chador. Bao nhiêu người phụ nữ thì bấy nhiêu chiếc áo choàng đen, chỉ để hở những gương mặt trắng trẻo đẹp mê hồn.

Trên truyền hình, phim nào cũng một sắc áo choàng đen. Chador, nghĩa đen là “lều trại”, là một tấm vải đen phủ trùm lên toàn bộ thân hình phụ nữ, che hết những gì được coi là nhạy cảm như làn eo và những đường cong. Màu đen được truyền giảng là màu khiêm nhường nhất, và con người nên tránh những màu sặc sỡ, thiếu phẩm hạnh.

Thế rồi một lần, trong tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật (bây giờ là Tuổi Trẻ Cuối Tuần) gửi từ nhà sang, tôi đọc được bài viết của Việt Linh về bộ phim Hành khách (bản tiếng Pháp: Le passager, bản tiếng Anh: The traveller) của Iran. Đó là câu chuyện cảm động về hai cậu bé nghèo mê bóng đá. Nghe tin thủ đô có trận tranh tài quốc tế, cả hai quyết định trốn đi xem. Tiền không đủ. Một đứa đi, hứa tường thuật lại những gì nghe thấy cho đứa ở nhà. Qua đủ chuyện nhọc nhằn, cuối cùng thằng bé cũng tới được thủ đô nhưng vé vào sân đã hết. Không còn cách nào khác nó đành dốc cạn tiền mua vé chợ đen.

Trong lúc chờ trận đấu, thằng bé nằm ra cỏ, thiếp đi vì mệt. Lúc tỉnh dậy thì mọi việc đã tàn! Tim người xem như thắt lại khi nhìn thằng bé lê bước theo những hàng ghế trống trơn, phất phơ bụi rác. Trong cặp mắt tuyệt vọng, u buồn của nó không phải là nỗi sợ cái đói, đường xa, sự trừng phạt của gia đình mà là hình ảnh thằng bạn nghèo thủy chung đang nôn nao chờ nó quay về nhưng nó sẽ chẳng có gì để kể lại...

Những tháng ngày sau đó ở Iran, tôi đi tìm những băng hình phim Iran. Các nhân viên khách sạn sốt sắng chỉ chỗ hoặc tìm giúp. Đáp lại, tôi tặng họ mấy băng ca khúc Lê Dung hát. Iran lúc ấy sân khấu ca nhạc không có nữ ca sĩ. Băng nhạc Lê Dung được họ chuyền nhau nghe, họ không hiểu lời nhưng một giọng nữ trong vắt đủ đem đến một cảm xúc mới lạ. Còn với tôi, những bộ phim Iran cũng đem đến bao nhiêu điều khác lạ. Những tấm áo choàng đen không chỉ có nghĩa là đồng phục, nó còn bộc lộ những số phận, những quan niệm, những tư tưởng của xứ sở Ba Tư có bề dày triết học và văn hóa.

Liên hoan phim quốc tế Cannes phát hiện ra nền điện ảnh lớn là Iran thì Việt Linh, khi ấy ở Pháp, là người thông tin sớm nhất về nền điện ảnh này trên báo chí ta.

Việt Linh tận dụng cơ hội ở chính giữa một trung tâm điện ảnh thế giới (Việt Linh có gia đình ở Paris) mà san sẻ cho công chúng trong nước những gì chị xem được, gạn lọc được trên báo chí và trong dư luận khán giả. Chị thông tin, giới thiệu, bình luận, nhiều khi đơn giản là chị kể chuyện. Kể ngắn gọn, khúc chiết, sáng rõ, truyền được cảm xúc của mình đến người nghe.

Kể từ ấy, Việt Linh viết báo đều. Một kiểu phóng viên điện ảnh thường trú ở Paris mà không ăn lương bản báo. Chị theo sát các liên hoan phim hằng năm, viết phóng sự, giới thiệu phim mới, giới thiệu các nghệ sĩ điện ảnh. Chị viết về hai cường quốc điện ảnh mới nổi lên dạo ấy là Iran và Trung Quốc. Iran với Abbas Kiarostami (Hương vị anh đào, Gió sẽ cuốn chúng ta đi...), với gia đình điện ảnh lừng danh Makhmalbaf - cha mẹ và hai con đều là đạo diễn đoạt nhiều giải thưởng quốc tế (Sự yên lặng, Điện ảnh muôn năm của Mohsen Makhmalbaf; Quả táo, Bảng đen, Lúc năm giờ chiều của Samira Makhmalbaf).

Những năm gần đây chị cũng không bỏ qua nền điện ảnh đang nổi lên hàng đầu là Hàn Quốc với những đạo diễn như Im Kwon Teak (Chunhyang), Kim Ki Duk (từ Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân đến Thư không người nhận, Cánh cung)... Hầu như qua ngòi bút Việt Linh, độc giả được cập nhật những tác phẩm điện ảnh còn đang nóng hổi.

Chị viết về Thu Cúc đi kiện (Trương Nghệ Mưu) ngay khi phim đoạt giải Sư tử vàng ở Liên hoan phim Venise 1992 và giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Củng Lợi. Việt Linh viết về những đạo diễn hàng đầu như Pedro Almodovar (Tây Ban Nha, với Tất cả về mẹ tôi, Giáo dục tồi tệ, Volver...), Nanni Moretti (Ý, với Căn phòng của con trai), Takeshi Kitano (Nhật Bản, với Pháo hoa, Kiếm sĩ mù, Kiếm khách tình sầu), Kieslowski (Pháp gốc Ba Lan, với chùm ba phim Xanh, Trắng, ĐỏMười điều răn), những bậc thầy điện ảnh như Satyajit Ray (Ấn Độ, với Thế giới của Apu, Những người đánh cờ, Phòng nhạc, Vị khách)... về những bộ phim đáng chú ý của điện ảnh Nga, thậm chí “ngóc ngách” như Romania, Nigeria...

Trong cuốn sách tập hợp những bài viết kể chuyện nghề, chuyện đời, mà cũng là một cách kể chuyện mình và chuyện người, người đọc còn được biết đến những người thầy điện ảnh của Việt Linh ở nước Nga, những bạn bè đồng môn và đồng nghiệp gắn bó với chị từ những ngày đầu của giấc mơ điện ảnh. Trước đó nữa là những người thầy điện ảnh từ trong chiến tranh như Hồng Sến, Khương Mễ... Sau đó là những Minh Trang, Nicolas... và cả những người xa lạ. Trang viết của chị mở rộng hơn, không chỉ giới hạn trong điện ảnh mà sang cả các vấn đề xã hội, bày tỏ sự cảm thông với con người, bộc lộ trách nhiệm công dân trước những sự việc không thể không lên tiếng.

Tôi có ấn tượng với một số phim của Việt Linh, đặc biệt là Mê Thảo thời vang bóng, một phóng tác tinh tế từ tiểu thuyết của Nguyễn Tuân. Bộ phim đã gọi lên được hồn cốt của ông cha một thời. Đây chắc chắn là một sản phẩm xuất khẩu xứng đáng khi ta muốn tự giới thiệu với thế giới bên ngoài, một khi đề tài chiến tranh và nghèo đói không còn là cách giới thiệu chủ đạo nữa.

Việt Linh là đạo diễn điện ảnh biết dùng những trang viết để giới thiệu điện ảnh, kể chuyện điện ảnh, dịch thuật điện ảnh... Ngôn ngữ văn chương của Việt Linh trực tiếp mà hàm nghĩa, chính xác mà uyển chuyển, ấm áp cảm xúc, kể chuyện đời, kể chuyện phim mà nhập cuộc như là chuyện chính mình, phim của chính mình. Chuyện điện ảnh khi ấy còn là phương tiện để chị chạm đến những gì sâu xa hơn trong đời sống con người.

Cách viết của Việt Linh cho ta thấy có một điều khác luôn ẩn khuất ở đằng sau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận