Binh thư trong tay phó tướng

HUY ĐĂNG 11/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Không một HLV trưởng giỏi giang nào lại không đi kèm với một bộ sậu chất lượng.

Câu sáo ngữ “thần thiêng nhờ bộ hạ” được thể hiện rất rõ ràng trên những băng ghế huấn luyện của Euro 2020.

HLV Roberto Mancini và trợ lý chuyên về đá phạt Gianni Vio (phải). Ảnh: Getty Images

 

Không chỉ chọn người nhà

Các chiến lược gia đã tên tuổi thường có một êkíp làm việc chung ít nhiều là cố định, gắn bó lâu dài với họ. Nhưng HLV tuyển Anh Gareth Southgate và FA lại không có thói quen đấy. 

Sau kỳ World Cup 2018 khá thành công, Southgate vẫn cải tổ đội ngũ giúp việc của ông. Một trong những cái tên quan trọng nhất là HLV thủ môn Martyn Margetson, vốn từng có thời gian dài làm việc cho đội tuyển Xứ Wales, góp công lớn đưa đội này vào đến bán kết Euro 2016.

Ngay trước Euro 2020, FA lại thực hiện một phi vụ nhân sự đáng chú ý nữa: bổ nhiệm Graeme Jones. 

Là người Anh, nhưng Jones nổi tiếng với vai trò trợ lý cho HLV người Tây Ban Nha Roberto Martinez suốt hơn 10 năm trời, với chiến tích nổi bật là giành HCĐ World Cup 2018 cùng tuyển Bỉ. 

Sau đó Jones thử sức với việc làm HLV trưởng các CLB, nhưng không thành công. Martinez hiển nhiên sẵn lòng chào đón viên phó tướng cũ trở lại tuyển Bỉ cho Euro 2020, nhưng FA đã ra tay trước.

Chưa hết, FA còn gây ngạc nhiên khi mời về Bryce Cavanagh, HLV thể lực nổi tiếng trong làng... bóng bầu dục New Zealand. 

Không rõ những kinh nghiệm từ môn thể thao chuộng sức mạnh bóng bầu dục được áp dụng ra sao vào bóng đá, nhưng quả thật từ khi có Cavanagh, cầu thủ Anh bền bỉ hơn hẳn.

Với dàn phó tướng tài ba và dày dạn kinh nghiệm đó, dễ hiểu là công việc của Southgate nhẹ gánh đi nhiều.

Đó cũng là xu thế chung ở nhiều đội tuyển quốc gia hiện giờ. Từ World Cup 2018, Bỉ đã gây ngạc nhiên khi mời về cựu danh thủ Pháp Thierry Henry. 

Tiền đạo mới chia tay sân cỏ 4 năm trước này chưa được xem là một HLV thực thụ, nhưng lại là một tượng đài với những tiền đạo đàn em ở tuyển Bỉ như Romelu Lukaku hay Michy Batshuayi. 

Công việc của Henry là giúp họ hoàn thiện kỹ năng săn bàn bằng kinh nghiệm thi đấu dày dạn của anh.

Ý, một đội tuyển rất thành công lần này, có đội ngũ huấn luyện chỉ dùng người bản địa, nhưng HLV Roberto Mancini thực sự quy tụ được dàn trợ lý hàng đầu trong nước. 

Ngay khi vừa nhậm chức, yêu cầu đầu tiên của Mancini với Liên đoàn Bóng đá Ý (FIGC) là đưa về những người ông muốn, bao gồm Attilio Lombardo (một người cũ của Manchester City và Schalke), Fausto Salsano (Inter, Manchester City, Galatasaray, Zenit), Massimo Battara (HLV thủ môn, Napoli, Inter, Schalke, Aston Villa). 

Ngoài ra, Mancini còn mời bạn thân Gianluca Vialli làm lãnh đội và triệu tập danh thủ vừa giải nghệ Daniele De Rossi cho đội ngũ hậu cần.

Phó không phải là phụ

Công việc của các HLV trưởng đôi khi chỉ là lãnh đạo chung. Họ chắc chắn không rành vấn đề cụ thể bằng các trợ lý, và đôi lúc những ý tưởng chiến thuật cũng xuất phát từ các phó tướng. 

Khi Mourinho bắt đầu thành danh tại Porto, rồi chuyển đến Chelsea và Inter, đi cùng ông luôn là cánh tay mặt Andre Villas-Boas. 

Truyền thông Anh tin rằng người trợ lý nhỏ hơn Mourinho 14 tuổi này mới chịu trách nhiệm về phân tích chiến thuật. Juergen Klopp cũng có một “quân sư quạt mo” đồng hành suốt từ Mainz, qua Dortmund rồi đến Liverpool: trợ lý người Bosnia Zeljko Buvac.

Khó thể nói Villas-Boas hay Buvac là những HLV giỏi hơn Mourinho hay Klopp. Họ đều đã “ra riêng” nhưng rồi sự nghiệp cũng chẳng đi đến đâu. 

Nhưng chắc chắn Mourinho hay Klopp khó thành công đến vậy nếu thiếu những vị sư gia kia. Trong thời đại khoảng cách và bí quyết bị san bằng này, trong những trận đấu quan trọng, đôi khi chỉ một ý tưởng táo bạo từ đội ngũ giúp việc sẽ làm nên sự khác biệt.

Còn nhớ hồi World Cup 2018, tuyển Anh từng gây sốt với chiến thuật xếp hàng dọc khi đá phạt góc. Nhưng Southgate không phải người nghĩ ra cách bố trí đặc biệt đó. 

Ý tưởng nguyên bản là của Danny Cowley, lúc đó là HLV đội hạng ba Lincoln City. Năm 2017, Southgate đã nghe được ý tưởng này từ Cowley trong một sự kiện của Hiệp hội HLV Anh.

Điều tương tự đang lặp lại với tuyển Ý ở Euro 2020. Từ vòng bảng, chúng ta đã thấy những bài đá phạt hết sức lạ mắt của các học trò Mancini. Khi đối phương bận xếp hàng rào, một nhóm 3-4 cầu thủ Ý chạy xuống dưới hàng rào đối thủ để dàn hàng ngang che mắt thủ môn, rồi di chuyển lên trước khi đồng đội đá phạt. 

Màn “giương đông kích tây” này khiến những cú sút phạt của Ý ở Euro trở thành một bài đánh rất lợi hại, không chỉ thể hiện qua những bàn thắng.

Có thể vì e sợ một tình huống sút phạt như vậy mà tuyển Bỉ đã để các tiền vệ Ý đột phá khá thoải mái từ trung lộ trong trận tứ kết, và 2 bàn thua của họ đến từ đó. 

Người đứng sau bài đá phạt này là một tên tuổi còn chưa xuất hiện trên Wikipedia, nhưng lại khá nổi tiếng trong làng bóng đá Ý vì sự dị biệt - HLV Gianni Vio. Ông từng là một nhân viên ngân hàng, rồi rẽ sang hướng HLV với luận văn là bộ sưu tập... 4.830 kịch bản bóng chết.

Những phó tướng có thể vĩnh viễn không bước ra khỏi cái bóng của một HLV trưởng nổi tiếng, nhưng tầm quan trọng của họ nhiều lúc còn hơn cả các siêu sao.■

Bàn thắng ngày càng đa dạng

Với những ý tưởng lạ đời từ băng ghế huấn luyện, một số đội tuyển quốc gia dần thoát khỏi các công thức ghi bàn truyền thống. VCK Euro lần này có đến 27 bàn thắng được ghi bằng đầu - tính đến hết vòng tứ kết, một kỷ lục mới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận